Tự mình cầu siêu cho mình như thế nào?

Chủ nhật - 31/10/2010 08:36
Hỏi: Kính bạch thầy, khi con còn đang mạnh khỏe, con nghe quý thầy dạy là hằng ngày mình phải tự cầu siêu cho chính mình, đó là cách chắc ăn nhất. Thú thật, con không biết phải tự cầu siêu cho mình như thế nào? Và lời dạy đó có ý nghĩa gì? Thường con chỉ thấy người ta cầu siêu cho người chết, đâu có ai cầu siêu cho người còn sống.

Thế mà quý thầy dạy phải cầu siêu cho mình lúc còn sống là sao? Kính mong thầy giải đáp cho con hiểu. Con kính cám ơn thầy.

Ðáp: Từ ngữ cầu siêu nguyên là chữ Hán. Cầu có nghĩa là xin giúp hay mong muốn một điều gì đó; còn siêu có nghĩa là vượt qua. Hai chữ cầu siêu có nghĩa là mong muốn cho (vong linh) chóng vượt qua khốn khổ thác sanh về cảnh giới an lành.

Thông thường, khi nói đến cầu siêu, người ta liền nghĩ ngay đến việc cầu siêu cho vong linh của người mới chết. Mục đích là nhờ sự tụng kinh niệm Phật mà hương linh chóng được siêu sanh thoát hóa. Nếu là Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Ðộ, thì khi tụng kinh cầu siêu, người ta cầu nguyện cho hương linh của người chết sớm được vãng sanh về cõi Cực lạc của đức Phật A Di Ðà. Vì vậy, nên không ai nói đến cầu siêu cho người còn sống bao giờ.

Tuy nhiên, ở đây Phật tử lại nghi ngờ. Vì Phật tử đã nghe một vị thầy nào đó nói, là chúng ta nên cầu siêu cho mình lúc còn sống hơn là đợi đến sau khi chết. Lời nói nầy mới nghe qua, chúng ta thấy dường như là hoàn toàn nghịch lý.

Nhưng nếu bình tâm xét kỹ, thì chúng ta thấy cũng không hẳn là không có lý lẽ của nó. Lời nói nầy, theo tôi, người nói nhằm mục đích là để khuyến tấn thức nhắc người Phật tử chúng ta ráng lo tu niệm trong khi mình còn khỏe mạnh.

Phải thành thật mà nói, có đôi khi vì bon chen tranh đua hơn thua trong việc mưu sinh, mà người Phật tử chúng ta lại quên đi sự tu hành. Cứ dần dà ngày qua tháng lại, hẹn lần hẹn lữa, đến khi ngã bịnh hay quỷ vô thường sắp cướp mất mạng sống, chừng đó mới giật mình nghĩ đến hối tiếc ăn năn. Một việc hối tiếc ăn năn thật đã quá muộn màng lắm rồi!

Thế là, sau khi chết, bấy giờ trong thân quyến mới thỉnh chư Tăng, Ni và Phật tử đến tụng kinh hộ niệm. Việc làm nầy, không phải là không đúng. Nhưng xét kỹ ra, thì đà quá trễ. Lúc sống, thì mãi lo tranh danh đoạt lợi, tất tả ngược xuôi nổi trôi theo dòng đời lôi cuốn không lo tu niệm. Thậm chí, có người còn không có thời gian rảnh rỗi để đi chùa nghe pháp hay tụng niệm một thời kinh ở nhà.

Có người thì lại sống buông thả tha hóa trụy lạc, hút xách bạc bài, say sưa chè rượu, đàng điếm giao du. Có người thì lại đi sâu vào con đường tội lỗi, hành hung cướp của giết người. Có người thì mãi miết ham cạnh tranh làm giàu, không giây phút hồi tâm thức tỉnh v.v…

Nói rõ ra, cũng là Phật tử, nhưng mỗi người theo mỗi nghiệp duyên mà hành động tạo nghiệp khác nhau. Nhưng dù sinh hoạt tạo nghiệp ở dạng thức nào, đến khi chết, thì người thân cũng phải nghĩ đến lo việc cầu siêu vong độ.

Có những người giàu có, tiền rừng bạc bể, khi chết thì họ lại dùng tiền bạc để làm ma chay rình rang, trống kèn inh ỏi, dậy xóm dậy làng… Mục đích là để cho người đời trông thấy mà nể nang khen tặng.

Ðó chỉ là những việc phô trương hình thức bề ngoài, không ăn nhằm gì đến việc siêu độ vong linh. Thậm chí, có người còn mướn các nhà làm vàng mã, nhà kho v.v… Ðối với người Phật tử, Phật dạy nên tránh vấn đề nầy.

Nói thế, chúng tôi không có ý kích bác hay chống đối việc làm nầy. Vì chúng tôi rất tôn trọng quyền tín ngưỡng tin tưởng của mọi người. Ở đây, chúng tôi chỉ xin được trao đổi góp ý trong phạm vi của người Phật tử mà thôi. Và nhất là qua câu hỏi thắc mắc của người đã hỏi nêu trên.

Trở lại vấn đề trên, theo tôi, thì lời nói của vị thầy nào đó, xét kỹ lời khuyến nhắc đó rất là thực tế. Thực tế ở chỗ, rằng, mình nên ý thức lo cầu siêu cho mình trước. Vì cầu siêu theo ý nghĩa trên, có nghĩa là mong muốn vượt qua nỗi khốn khổ để sanh ra cảnh giới an lành. Ðây là cầu siêu theo ý nghĩa hiện thực qua lời nói, và việc làm lành hằng ngày của chúng ta.

Một lời nói hay việc làm tốt lành, tất nhiên nó sẽ đưa đến cho chúng ta một quả báo tốt lành. Ngược lại, thì quả báo rất tồi tệ xấu xa. Sâu hơn, thì ta nên cầu siêu cho mình trong từng tâm niệm. Một tâm niệm ác vừa sanh khởi, ta nên diệt trừ ngay.

Một tâm niệm lành vừa dấy lên, ta nên nuôi dưỡng và phát triển nó. Nói rõ hơn, giây phút trước niệm ác dấy lên làm cho ta đau khổ bất an, liền đó lập tức ta phải sử dụng chánh niệm nhận diện và chuyển hóa tâm niệm ác đó. Phút trước, ta đau khổ (địa ngục); phút sau, ta vượt qua và sanh ra cảnh giới an lành (Niết bàn).

Ðây là ý nghĩa cầu siêu chiếu soi thật kỹ qua từng tâm niệm. Nếu áp dụng ý nghĩa cầu siêu liên tục như thế, thì chắc chắn đời sống của chúng ta, không lúc nào mà không ở trong cảnh giới an lành. Do đó, ta không còn ỷ lại, chờ mai sau khi ta chết đi, mới thỉnh Tăng Ni hay bạn đạo đến tụng niệm cầu siêu cho ta. Vì hằng ngày, ta đã tự cầu siêu cho chính ta rồi. Sau khi ta chết, có cầu siêu hay không, cũng không thành vấn đề đối với ta nữa.

Có cũng tốt mà không có cũng không sao. Ngược lại, cầu siêu theo kiểu trông chờ ỷ lại ở bên ngoài, chờ ngày mai sau khi ta chết, xét kỹ cũng không lấy gì làm bảo đảm chắc chắn lắm! Ðiều nầy, rất là thực tế. Ðạo Phật rất chú trọng đến sự sống thực tế. Ðạo Phật không muốn chúng ta có ước vọng xa xôi viễn vông. Theo luật nhân quả, nhân như thế nào thì quả sẽ như thế ấy.

Việc cầu siêu, chẳng qua đó chỉ là trợ duyên tốt giúp thêm cho chúng ta mà thôi. Nhưng điều quan trọng thực tế, vẫn chính là ở nơi ta. Theo đó, thì tốt hơn hết là mỗi người chúng ta nên tự nỗ lực cầu siêu cho chính mình trước đi. Cầu siêu bằng cách là nên nỗ lực huân tu làm lành lánh dữ. Ðồng thời, chúng ta luôn giữ tâm ý mình cho được trong sạch. Ðược thế, thì lo gì mình không được siêu thoát.

Vì chúng ta đã thực sự siêu thoát ngay trong cõi đời uế trược nầy rồi. Ðó là ý nghĩa cầu siêu cho mình một cách rất thực tiễn. Hiểu thế, thì Phật tử sẽ không còn gì phải nghi ngờ nữa cả. Kính mong Phật tử hãy tự cầu siêu cho chính mình ngay trong đời sống hiện thực nầy.

Tác giả bài viết: Thích Phước Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây