Nào là cá kho tộ, gà xé phay, mì vịt tiềm v.v… Xin hỏi
lý do tại sao phải đặt tên như thế? Và như thế có phải gợi cho người ta ăn chay
mà còn nghĩ tưởng đến đồ mặn hay không? Và việc làm đó có mang tội hay không?
Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.
Ðáp: Xin thưa ngay chúng tôi không phải là người đặt
ra tên gọi của những thức ăn đó. Vì vậy cho nên, tôi không thể nào trả lời
chính xác cho Phật tử thỏa mãn được. Vả lại, đây là lãnh vực chuyên môn trong
phạm vi thương mãi.
Ðã thương mãi, tất nhiên ai cũng muốn có lợi nhuận. Dù đó
là bán thức ăn chay. Tôi nghĩ, nếu Phật tử trực tiếp hỏi những người đặt ra tên
gọi của những thức ăn đó, thì có lẽ họ sẽ trả lời chính xác và chắc chắn là hay
hơn tôi. Tuy nhiên, để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi, thì tôi cũng xin mạo muội
góp chút ngu ý trong vấn đề nầy.
Tôi đồng ý với Phật tử, Phật dạy người Phật tử nên tránh những thứ dục nhiễm, những thứ có tánh cách gợi cảm làm cho con người sanh tâm đắm nhiễm. Tuy nhiên, trong nhà Phật thường có nêu ra hai thứ dục nhiễm: thiện nhiễm và ác nhiễm. Dục nhiễm ác là những thứ mà một khi con người vướng vào thì rất là đau khổ. Như những thứ dục nhiễm say sưa rượu chè, cờ bạc, hút xách xì ke ma túy v.v…
Ðó là những thứ gây ra có tác hại rất lớn cho sức khỏe bản
thân cũng như làm tan vỡ mất đi hạnh phúc gia đình và có ảnh hưởng không tốt đối
với nhân quần xã hội. Những thứ đó, là Phật tử chúng ta cần nên tránh. Tuy
nhiên, đối với những thứ dục nhiễm thiện có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội,
thì ta cần nên tích cực cổ xúy, thật hành và phát triển.
Như những dục nhiễm
thiện: ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, lễ bái, hành thiện lợi tha v.v… đó là những
thứ dục nhiễm thiện mà ta cần phải phát huy cổ võ mạnh mẽ. Người tu hành ở nơi
nhơn thừa và thiên thừa, thì Phật dạy cần phải có những thứ dục nhiễm thiện.
Nói rõ ra là chúng ta cần phải tập cho mình có những thói quen tốt, đó là thiện
nghiệp. Thói quen ăn chay, là một trong những thiện nghiệp mà người Phật tử cần
phải phụng hành.
Việc đặt tên gọi giả danh cho những thức ăn mang tính
gợi cảm thích thú, theo tôi, đó cũng là một bí quyết thủ thuật rất hay của những
nhà làm thương mãi mà họ đã tư duy đặt ra. Bí quyết đó nhằm đánh động được tính
hiếu kỳ của con người.
Ðã biết đó là tiệm cơm chay, thì dù cho tên gọi có hấp dẫn
đến đâu đi nữa, thực chất của nó cũng vẫn là đồ chay mà thôi. Tên gọi chẳng qua
cũng chỉ là một thủ thuật khai thác lòng thị hiếu hấp dẫn khẩu vị của con người.
Có gợi cảm đặc biệt như vậy, thì mới có thể lôi cuốn hấp
dẫn thực khách ăn chay. Cách bày ra đó, ngoài việc đánh động thị hiếu tò mò của
con người ra, nó còn có một tác dụng là làm cho người ta không gây thêm tội sát
sinh hại vật nữa.
Ðó cũng là cách bày ra phương tiện tốt. Nói thế, hoàn toàn
tôi không có ý biện minh hay xu phụ theo những chủ nhà hàng chay. Xin Phật tử
chớ vội hiểu lầm. Tôi nghĩ, việc làm đó, tuy mang tính thương mãi, nhưng cũng
là điều rất tốt. Trong một quốc gia nếu có được nhiều tiệm cơm chay và nhiều
người ăn chay như thế, thì đó là một điều đại hạnh cho quốc gia đó. Vì ít ra,
cũng còn có nhiều người lương thiện.
Tôi nghĩ, dù cho họ đang ăn chay mà lòng họ có nghĩ tưởng đến đồ mặn đi chăng nữa, theo tôi, cũng không có gì là mang tội cả. Nếu bảo nghĩ đến là có tội vậy thử hỏi những người không ăn chay mà họ vẫn nghĩ đến đồ mặn vậy là đều có tội hết hay sao? Nên nhớ, Phật tử đang tu theo nhơn thừa kia mà!
Hơn nữa, những người vào quán ăn chay, đâu phải tất cả đều là thực khách Phật
tử hết. Có những người họ không phải là Phật tử, nhưng họ thích ăn chay, như vậy,
chả lẽ họ không được quyền nghĩ đến đồ mặn (mạng) hay sao? Nếu chỉ có ý thức
nghĩ đến thì đó chưa hẳn là thành tội. Tuy rằng, ý thức là chủ động để sai khiến
thân và miệng tạo nghiệp.
Nhưng ở đây ta thấy, những người một khi đã bước vào
tiệm ăn chay, tất nhiên là lòng họ đã có phát khởi thiện tâm rồi. Nếu không, thì
họ vào quán ăn chay để làm gì? Dù họ ăn với lý do kiêng cử hay thay đổi thử khẩu
vị cũng là điều tốt cả. Ít ra, họ cũng tránh được một bữa ăn trên sự đau
khổ kêu la giãy chết của những loài sinh vật khác. Dù trực tiếp sát hại hay gián
tiếp cũng thế.
Vả như, hằng ngày cả nhơn loại đều đắm nhiễm thức ăn
chay như thế, thì thử hỏi thế giới loài người sẽ ra sao? Có phải sống trong cảnh
thái bình an lạc hết không? Ðã bày ra như thế mà vẫn còn quá ít người đắm
nhiễm. Nếu không bày ra tên gọi hấp dẫn đó, thì thử hỏi có được bao nhiêu người
bước vào quán cơm chay?
Riêng chúng tôi, thì chúng tôi cũng rất ước mong mọi
người đều đắm nhiễm thức ăn chay qua giả hiệu đồ mặn. Có thêm được một người ăn
chay, thì xã hội sẽ bớt đi một người sát hại sanh vật. Sát sanh hại vật còn
không có, nói chi đến cảnh tượng giết người. Ðã thế, thì làm gì nhơn loại còn sống
trong cảnh phập phồng lo sợ hiện tượng đao binh chiến tranh khủng bố xảy ra nữa
chớ?!
Tóm lại, theo tôi, việc đặt giả hiệu gọi thức ăn đồ mặn
như thế, cũng là một cách rất hay để khêu gợi cảm giác thưởng thức háo ăn của con
người. Và những thực khách thưởng thức ăn chay qua nhãn hiệu đồ mặn đó, giả như
có vọng tưởng nghĩ đến đồ mặn đi chăng nữa, cũng là điều tốt chớ không có gì là
tội lỗi cả.
Và người đặt ra tên gọi cũng không có tội lỗi gì. Biết đâu nhờ sự gợi
cảm đó mà Phật tử thích ăn chay. Khi ăn chay lâu ngày trở thành thói quen. Từ
đó, Phật tử phát tâm ăn trường chay luôn. Như vậy, có phải nhờ nghĩ tưởng giả
hiệu đồ mặn mà trở thành người ăn chay trường, thế thì, không phải tốt lắm hay
sao?
Như vậy, có đắm nhiễm cũng là một điều rất tốt chớ không có tội lỗi
chi cả. Hiểu thế, thì chúng ta cần nên cám ơn người bày ra tên gọi giả hiệu đồ
mặn. Nhờ họ mà người ta mới phát tâm ăn chay nhiều.
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự