Ðáp: Tịnh khẩu có nghĩa là thanh tịnh khẩu nghiệp. Chữ
tịnh có nghĩa là trong sạch và an ổn. Cái miệng chỉ là cơ quan hay công cụ để
phát ra lời nói. Trong kinh Phật thường răn dạy, người Phật tử phải hằng giữ
gìn ở nơi ba nghiệp: thân, khẩu, ý. Trong ba nghiệp nầy, ngoài ý nghiệp chủ động
ra, khẩu nghiệp cũng rất là quan trọng. Nói cho đúng phải nói là gìn giữ ở nơi
ngữ nghiệp. Tức là thói quen của lời nói.
Lời nói có 4 cách: nói dối, chuyện không nói có, chuyện
có nói không. Nói lời thêu dệt trau chuốt. Nói lưỡi hai chiều, tới đây nói kia,
tới kia nói đây, gây xích mích ly gián hai bên với nhau. Nói lời hung ác trù rủa
chưởi mắng. Nếu nói theo Hán Việt là: vọng ngôn, ỹ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu.
Ðây là bốn cách nói gây nên tội lỗi của cái miệng, nên gọi là khẩu nghiệp. Tuy
nhiên, nếu chúng ta dùng những lời nói ái ngữ, chân thật, hòa nhã, yêu
thương, đoàn kết, xây dựng v.v… thì đó là ta đã khéo biết thanh tịnh hóa khẩu
nghiệp. Nghĩa là ta khéo biết sử dụng lời nói có ý thức hạn chế theo chiều hướng
thiện nghiệp. Ðó cũng là ý nghĩa của tịnh khẩu.
Chúng ta chỉ nói những điều gì khi cần thiết phải nói.
Nói trong tinh thần hiểu biết cảm thông và có chánh niệm soi sáng. Lời nói đó, tất
nhiên là sẽ mang lại cho chúng ta những điều lợi ích thiết thực cho mình và người.
Hiểu theo nghĩa nói đó, thì tịnh khẩu không có nghĩa là hoàn toàn câm lặng.
Theo Thiền sư Nhất Hạnh, “Tịnh khẩu là một phương pháp thực tập rất sâu sắc chớ
không phải là chuyện cấm nói. Tịnh khẩu không có nghĩa là không nói mà thôi. Nó
có nghĩa là quán chiếu bằng chánh niệm của mình những điều gì mình định nói”.
Tuy nhiên, trong các khóa tu, nếu Phật tử là người dự tu, xét thấy mình không
có phận sự gì, thì cũng nên phát nguyện tịnh khẩu không nói để giữ cho tâm mình
được thanh tịnh mà chuyên tâm niệm Phật, theo tôi, đó cũng là điều rất tốt. Nhưng
đó chưa hẳn đúng nghĩa của việc tịnh khẩu như đã nói ở trên.
Việc tịnh khẩu nầy, tùy theo mỗi tình huống mà đức Phật
có khi khen ngợi, nhưng cũng có khi đức Phật quở trách trong hàng đệ tử xuất
gia của Ngài. Khen ngợi, là khi Phật thấy trong chúng khéo biết trao đổi kiến
giải tu học trong ái ngữ, ôn hòa, đoàn kết.
Quở trách, là trường hợp có những vị
hoàn toàn câm lặng, dù biết mình hành sai mà cũng không nêu ra để trao đổi luận
bàn. Cứ chấp chặt câm lặng không nói một lời. Ðó là thái độ hoàn toàn không phải
trong tinh thần tịnh khẩu Phật dạy.
Vẫn biết việc giữ im lặng không nói là điều tốt. Nhưng
cũng phải tùy theo trường hợp. Thay vì không nói diễn tả bằng lời, lại ra dấu
hiệu diễn tả bằng cách nói ở nơi tay như ra dấu hoặc viết giấy v.v… thì đó cũng
là một cách nói, chỉ khác nhau bằng lời và hành động mà thôi. Cho nên, tốt hơn
hết là ta nên nói, nhưng chỉ nói những gì cần thiết đáng nói và phải nói bằng
những lời ái ngữ hòa nhã êm dịu.
Ðó chính là cách tịnh khẩu hay nhất và cũng
đúng theo lời Phật dạy. Những ai có bịnh già hàm nói nhiều thì trong những
khóa tu, đó là môi trường tốt để ta thực tập tịnh khẩu bớt nói. Có tịnh khẩu
như thế thì thân tâm ta mới được an lạc và sự tu hành của chúng ta mới thực sự
có tiến bộ vậy.
Kính chúc Phật tử có nhiều tiến bộ trên đường tu học.
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự