Đáp: Vấn đề nầy, nó thuộc phạm vi tối hệ trọng trong
lãnh vực chuyên sâu về lý nhân quả. Nếu Phật tử không hiểu rõ thì cũng dễ sanh
nghi, đôi khi còn mất tín tâm nữa không chừng. Thật ra, sự niệm Phật lâu năm của
cụ bà, đó là tích lũy nghiệp. Nghiệp niệm Phật nầy không bao giờ mất.
Tuy
nhiên, Phật tử nên hiểu rằng, nhân quả Phật nói, được đặt định trên chiều thời
gian, phải xuyên suốt qua ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và vị lai. Cái nghiệp
nhân mà cụ bà niệm Phật hiện nay, chắc chắn là bà sẽ được lợi ích ngay trong hiện
tại và mai sau nữa.
Còn sở dĩ bà bị bệnh nặng mà bà có thái độ không chịu
niệm Phật và cũng không thích nghe tiếng niệm Phật, theo tôi, có thể là có hai nguyên
nhân: xa và gần. Nguyên nhân xa, đó là vì do cái nghiệp nhân mà bà đã gây tạo
trong quá khứ. Nghiệp nhân nầy đến đây nó thuần thục, chín muồi nên bà phải trả
cái quả báo.
Có thể trong quá khứ, ở một kiếp xa xưa nào đó, bà không tin Phật
pháp, khi có người bị bệnh nặng, người ta niệm Phật thì bà lại tìm cách cản
ngăn không cho, nên nay bà phải chịu trả cái quả báo như thế. Đó là luận theo
cái nhân xa xưa.
Còn nếu xét cái nhân trong hiện tại, biết đâu trong
lúc bà bị bệnh nặng, cơ thể của bà bị hoành hành đau nhức gây ra tình trạng
thật khó chịu, nên tâm thần bà đâm ra bấn loạn. Do đó, nên khi nghe tiếng niệm Phật
bà cảm thấy thật khó chịu hơn. Vì vậy, mà bà không cho Phật tử mở máy niệm Phật.
Vả lại, Phật tử cũng nên kiểm điểm lại thật kỹ, xem mình hay những người thân
khác có làm điều gì trái ý nghịch lòng bà không? Có gây ra điều gì bà hờn giận
không? Vì người bệnh nhất là đang trong lúc đau đớn khó chịu, rất dễ sanh tâm tự
ái giận dỗi hờn mát lắm. Đây là một tâm lý rất thường tình của bệnh nhân mà Phật
tử và những người thân nên lưu tâm cẩn thận.
Có đôi khi Phật tử làm cho bà buồn
giận mà Phật tử không hay biết. Trái lại, bà thì đã ôm ấp sự tức giận nầy chất chứa
sâu trong lòng. Do đó, nên có thể bà ghét Phật tử mà bà không nói ra để làm
theo ý muốn của Phật tử chăng!
Có thể hằng ngày lúc khỏe mạnh, bà chỉ biết niệm
Phật ngoài miệng suông thôi, nhưng sự tu hành để sửa đổi tâm tánh, thì bà không
mấy hiểu để thật hành đúng như lời Phật dạy. Có người niệm Phật cả đời, nhưng thật
ra chỉ là miệng niệm mà tâm không có niệm.
Do đó, nên gặp cảnh xúc duyên trái ý
nghịch lòng, thì tam bành lục tặc vẫn nổi lên mạnh mẽ la ó mắng chửi om sòm. Vì
tập khí sân hận của họ còn quá sâu nặng ngập tràn. Đó là vì không có học
hỏi để biết cách chuyển hóa phiền não và pháp môn mình đang tu. Tình trạng nầy
đa số Phật tử chúng ta đều mắc phải.
Thiết nghĩ, vấn đề nầy, Phật tử cũng nên theo dõi bệnh
trạng và cá tánh của bà để tìm hiểu rõ hơn. Nếu như căn bệnh của bà không có gì
hành hạ đau nhức khó chịu, mà bà lại sanh tâm không thích nghe tiếng niệm Phật
như thế, thì có thể là bà bị trả cái quả báo trước kia mà bà đã gây ra.
Để Phật tử hiểu rõ hơn về lý nhân quả, từ khi gieo
nhân cho đến khi kết quả, trong Duy Thức Học có chia làm ba loại:
Dị thời nhi thục.
Biến dị nhi thục.
Dị loại nhi thục.
Dị thời nhi thục, có nghĩa là từ khi gây nhân cho đến
khi kết quả, phải khác thời gian mới chín ( thục ). Như một học sinh, khi mới bắt
đầu vào trường học là nhân, đến khi đổ đạt thành tài là quả. Từ khi đi học cho
đến khi đổ đạt lấy bằng tốt nghiệp cuối cùng như tiến sĩ chẳng hạn, phải trải
qua mất thời gian rất lâu.
Đó gọi là khác thời gian mới chín. Cũng thế, trường
hợp của bà biết đâu do cái nhân cản ngăn kích bác người ta niệm Phật xa xưa,
nay đến thời gian thuần thục chín muồi, nên bà phải trả cái quả báo đó.
Biến dị nhi thục, nghĩa là biến đổi khác đi rồi mới
chín. Như trái xoài, lúc nhỏ thì màu xanh và chua, nhưng khi chín thì biến đổi
màu vàng và ngọt.
Dị loại nhi thục, nghĩa là khác loài mới chín. Nghĩa
là từ khi gây nhân cho đến khi kết quả phải trải qua thời gian biến đổi rồi mới
chín. Như ta gieo hạt lúa cho đến khi thành bông lúa để gặt hái phải trải qua thời
gian biến đổi. Từ lúc gieo mạ, rồi nhổ mạ ( không gọi là nhổ lúa ) đem cấy,
thành bụi lúa ( không gọi là bụi mạ ) v.v… cho đến khi lúa chín rồi mới gặt. Phải
trải qua thời gian biến đổi như thế mới kết thành quả.
Do đó, cho ta thấy, cái nhân mà bà đã cản ngăn không
cho người ta niệm Phật trải qua thời gian lâu xa, nay đến lúc chín muồi, tất
nhiên, là bà phải trả cái quả báo đó. Luật nhân quả không bao giờ sai chạy. Tại
vì chúng ta chưa có hiểu rõ đó thôi. Nếu luận về cái quả hiện tại, thì cái cận
tử nghiệp ( nghiệp gần chết ) của bà không mấy tốt. Chúng ta nên tìm mọi cách để
thức nhắc cho bà để cho bà sớm hồi tâm chuyển ý.
Để chuyển nghiệp nặng mà thành
nghiệp nhẹ. Song có điều cái tích lũy nghiệp công phu tu hành niệm Phật trong
hai mươi năm qua của bà chắc chắn sẽ không bao giờ mất. Nghiệp nhân nầy, nó sẽ
kết thành quả báo mà bà sẽ thọ hưởng trong tương lai.
Tóm lại, lý nhân quả rất phức tạp, không phải đơn thuần
như chúng ta tưởng. Vì từ khi gieo nhân cho đến khi kết quả, nó còn đòi hỏi các
trợ duyên, tức những điều kiện phụ thuộc khác. Chính những điều kiện phụ thuộc
nầy giúp cho cái chánh nhân được thành tựu tốt hay xấu. Nếu những điều kiện trợ
giúp tốt, thì cái chánh nhân kia sẽ phát triển theo chiều hướng tốt. Ngược lại,
thì cái chánh nhân sẽ không phát triển tốt được.
Vì thế, Các điều kiện phụ thuộc
nầy là những trợ duyên rất quan trọng. Trong nhà Phật có nêu ra nhiều loại trợ
duyên. Vì phạm vi trả lời câu hỏi có hạn định, nên chúng tôi không tiện trình
bày hết các loại trợ duyên nầy.
Một khi chúng ta đã hiểu được lý nhân quả phần nào rồi,
thì chúng ta sẽ không có gì phải thắc mắc những việc xảy ra trong đời sống.
Bởi tất cả đều do chúng ta định đoạt tạo lấy. Nhân tốt thì quả tốt, nếu chúng ta
chịu khó quan tâm chăm sóc tốt. Nhân và quả như bóng theo hình, như vang theo
tiếng.
Tùy hình và tiếng như thế nào, thì bóng và âm vang sẽ đáp lại như thế
đó. Luật nhân quả rất công bằng không thiên vị một ai. Do đó, chúng ta phải nên
cẩn thận trong khi nói năng, hành động, hay suy nghĩ, tất cả đều có nhân và quả
cả.
Hy vọng qua những điều trình bày đại khái trên, sẽ
giúp cho Phật tử hiểu qua phần nào về hiện tượng không mấy tốt của bà hiện nay.
Phật tử nên tìm đủ mọi cách để khuyên lơn an ủi nhắc nhở cho bà. Nếu thường ngày
trong lúc còn mạnh khỏe bà hay tin tưởng nghe theo vị Tăng, Ni nào đó, thì Phật
tử có thể thỉnh vị đó đến để khuyến nhắc khai thị cho bà. Có thể nhờ đó mà bà hồi
tâm chuyển ý nghe theo.
Đó là điều rất tốt cho bà trong lúc bà bị bệnh nặng hay
hấp hối. Phật tử và tất cả người thân trong gia đình, nên cố gắng nhẫn nại chiều
theo ý muốn của bà, đừng gây ra bằng những lời nói, thái độ hay hành động không
tốt mà làm cho bà khởi tâm sân hận nóng giận, thì quả đó là điều rất tai hại
cho cận tử nghiệp của bà.
Kính chúc Phật tử được dồi dào sức khỏe, đạo tâm kiên
cố để làm tròn bổn phận của một người con chí hiếu.
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự