Ðáp: Thật ra, đây không phải là tội phí phạm hủy của.
Tội hủy của là khi nào món đồ đó còn dùng xài được mà Phật tử lại hủy bỏ một
cách phung phí không tiếc. Như vậy mới gọi là tội hủy của. Ngược lại, đồ ăn dư
thừa không thể dùng được nữa, thì Phật tử đem bố thí cho chim ăn, thì không có
gì là mang tội.
Vì những loài vật nầy, chúng nó cũng rất cần thức ăn của Phật tử
ban cho. Ðiều nầy, ít ra, Phật tử cũng còn có chút từ tâm, vẫn còn nghĩ đến
thương các loài sinh vật. Do đó, nên Phật tử không bỏ vào sọt rác. Tuy nhiên,
có điều Phật tử nên biết rằng, cơm là thức ăn nhu cầu chính yếu đối với người
Việt mình.
Do đó, nên từ xưa tới nay, tổ tiên ông bà mình rất quý trọng hạt gạo
cho đó là hạt ngọc trời cho. Các trẻ con khi đang ăn lỡ làm đổ tháo một vài hạt
cơm rơi xuống đất, thì liền bị cha mẹ ông bà la rầy quở trách ngay. Vì ông bà rất
sợ tội phung phí hạt cơm trời cho. Nếu thế, thì sau nầy sẽ bị mang tội trả quả
báo nghèo khổ đói khát không có cơm ăn.
Sự quý trọng đó không phải là không có lý do. Vì hôm
nay chúng ta có được hạt cơm ăn, phải nói công lao của nhà nông, họ đổ ra không
biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Họ phải cật lực lam lũ vất vả ngày đêm dầm mưa
dãi nắng, cực khổ trăm bề. Phật tử cứ thử nghĩ, từ lúc gieo hạt cho đến khi có
được hạt cơm chúng ta ăn, phải trải qua không biết bao nhiêu là công lao cực khổ
mới có được.
Công sức không chưa đủ, mà còn phải tùy thuộc vào thời tiết mưa
thuận gió hòa nữa. Nếu không nhờ mưa thuận gió hòa, chỉ cần bị hạn hán hay mưa
bão, lụt lội, thì ôi thôi! thử hỏi làm sao chúng ta có cơm xơi đây? Bởi thế,
nên ông bà ta mới nói đó là những hạt ngọc trời cho.
Trời nói ở đây, xin Phật tử chớ vội hiểu là có một ông
Ngọc Hoàng Thượng Ðế hình thù kỳ dị, tác oai tác quái, làm mưa làm gió
thưởng phạt muôn loài. Trời mà tổ tiên ông bà ta nói ở đây, là ám chỉ cho thiên
nhiên tức khí hậu thời tiết.
Thuận mùa thì no bụng dạ, nghịch mùa thì đói chết
khô. Như vậy, câu nói trời cho mới nghe qua ta cho là vô lý. Vì người ta phải bỏ
ra không biết bao nhiêu công sức làm lụng vất vả mới có lúa gạo ăn sao lại nói
trời cho? Và đến chúng ta là những người tiêu thụ cũng phải bỏ tiền ra mua mới
có gạo nấu cơm ăn.
Thế thì tại sao lại nói là trời cho? Sự thắc mắc đó không phải
là vô lý, nhưng nếu chúng ta bình tâm xét kỹ như trên chúng tôi đã nói, thì quả
thật phải do trời ( thời tiết khí hậu thiên nhiên ) cho mới có được. Nếu nói theo
ngôn ngữ nhà Phật thì phải hội đủ nhân duyên tốt, tức thuận duyên mới có được.
Nhân tốt đã đành, mà cũng cần phải có các trợ duyên tốt nữa. Chánh nhân là người
gieo hạt, còn lại tất cả đều là trợ duyên.
Nói thế, để Phật tử thấy rằng, chúng ta có được hạt
cơm ăn, thật là cả một vấn đề khó khăn trải qua không biết bao gian lao nhiêu
khê cực khổ mới có được. Do đó, nên chúng ta sử dụng cần phải cẩn thận đừng để phung
phí thừa thải mà mang tội.
Nói về bố thí thức ăn cho các loài sinh vật như chim
muông v.v… thì có nhiều loại thức ăn khác mà chúng ta cũng có thể bố thí cho
chúng. Còn riêng cơm hay bún như Phật tử đã nói, khi nào bất đắc dĩ lắm thì ta
mới cho chúng nó ăn mà thôi. Vì ta cũng cần phải có lòng quý trọng hạt ngọc trời
cho như tổ tiên ông bà ta đã từng nhắc nhở răn dạy con cháu vậy.
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự