Ðáp: Việc thờ phụng tổ tiên ông bà là một phong tục tập
quán cổ truyền của người Việt
Ðạo làm con bao giờ
chúng ta cũng phải nhớ đến cội nguồn. Cội nguồn đó là tổ tiên, ông bà, cha mẹ của
chúng ta. Họ là những người đã dầy công giáo dưỡng chúng ta khôn lớn nên người.
Thế nên, bổn phận làm con chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ công ơn sanh thành
giáo dưỡng của ông bà cha mẹ hầu để lo báo đáp thâm ân trong muôn một. Bởi đó
là một công lao to lớn mà ở thế gian nầy không gì có thể so sánh được.
Theo nguồn gốc hiếu đạo, có tổ tiên mới sanh ra ông bà
và có ông bà mới sanh ra cha mẹ. Vì thế, đối với con cái phải lo phụng dưỡng
ông bà cha mẹ khi còn sống và phải tôn thờ cúng kỵ khi người đã khuất bóng. Ðó là
bổn phận của đạo làm con. Trong trường hợp của Phật tử, hiện cha mẹ còn sanh tiền,
vả lại ông bà cũng có thờ phụng tổ tiên ông bà nội ngoại hai bên, như vậy, theo
tôi, nếu như Phật tử muốn thờ thì cần phải hỏi ý kiến của cha mẹ trước.
Ðừng vì
nghe người ta nói mà mình vội làm theo. Người xưa nói: “áo mặc sao qua khỏi đầu”.
Ðối với việc thờ cúng tổ tiên ông bà, Phật tử không nên tự động làm theo ý
mình, khi mà cha mẹ còn sống. Trước khi muốn thờ, Phật tử cần phải thưa qua cho
cha mẹ biết và phải được sự đồng ý cho phép của ông bà. Thế mới phải đạo làm
con.
Còn người nào đó bày vẽ cho Phật tử, có thể là vì họ
chưa biết Phật tử còn cha mẹ. Hoặc giả như họ có biết đi chăng nữa, nhưng thiết
nghĩ, họ cũng chưa rành mấy về việc lễ nghi, nhất là về cách thức thờ phụng tổ
tiên. Tại sao lại phải thờ cửu huyền, trong khi cha mẹ mình vẫn còn sống? Thông
thường, người ta hay nói thờ Cửu huyền Thất tổ.
Có đôi khi người ta cũng chưa
hiểu rõ bốn chữ nầy như thế nào. Riêng hai chữ cửu huyền, thú thật, từ trước tới
nay, chúng tôi đã tra cứu trong các quyển tự điển Phật học và Hán tự, nhưng
không thấy chỗ nào có nêu ra hai chữ nầy cả. Chỉ thấy trong quyển Từ Ðiển Hán
Việt Từ Nguyên của ông Bửu Kế và quyển Hán Việt Từ Ðiển của ông Ðào Duy Anh, cả
hai chỉ có nêu ra hai chữ cửu tộc và giải thích mà thôi. Tuyệt nhiên, không thấy
có nêu ra hai chữ cửu huyền.
Theo trong Từ Ðiển Hán Việt Từ Nguyên của ông Bửu Kế,
Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, ở trang 328 giải thích, thì cửu tộc có nghĩa là chín lớp
người trong một họ. 1. bản thân. 2. Cha. 3. Con. 4. Ông nội. 5. Cháu nội. 6.
Ông cố. 7. Cháu tằng tôn. 8. Ông sơ. 9. Cháu huyền tôn. Ông còn nói thêm, có
thuyết cho rằng: Cửu tộc gồm có: Họ nội 4, họ ngoại 3 và họ vợ 2.
Căn cứ theo sự
giải thích trên, thì tính từ bản thân mình trở lên gồm có 4 đời hay nói đúng
hơn là trải qua 4 thế hệ: Cha, Ông nội, Ông cố, Ông sơ. Trở xuống 4 đời: Con,
Cháu, Chắt, Chít. Tính luôn mình chung lại là 9 đời hay 9 thế hệ. Chữ huyền có
nghĩa là sợi dây nối kết trải qua nhiều đời ( chữ huyền có nhiều chỗ giải thích
khác nhau ).
Nếu phiên âm bằng chữ Hán thì được viết như sau: Cao,
Tằng, Tổ, Khảo, Kỷ, Tử, Tôn, Tằng, Huyền. Còn nói Thất tổ gồm có: Cao, tằng, tổ,
cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ. Song có điều, riêng tôi vẫn còn thắc mắc thật
sự chưa hiểu rõ: nếu chúng ta thờ cửu huyền trải qua chín đời như thế, thì thờ
4 đời trở lên không có gì phải nói.
Nhưng nếu tính từ đời mình trở xuống mà thờ,
thì thú thật tôi không thể hiểu được. Ở đây, tôi không dám cho việc thờ nầy là
phi lý, vì tôi vẫn luôn tôn trọng ý tưởng đặt định của người xưa. Nhưng tôi rất
thắc mắc về việc thờ phụng nầy. Vì chả lẽ mình lại thờ mình và thờ con cháu
mình. Thậm chí, mình chưa có chắt, chít, thì lấy đâu mà thờ?
Thông thường, ở trong các gia đình người Việt chúng
ta, chúng tôi chỉ thấy phần nhiều người ta chỉ thiết lập bàn thờ tổ tiên, ông
bà, chớ ít có ai viết chữ để là thờ Cửu huyền Thất tổ. Bốn chữ nầy, chúng tôi thấy
trong quyển sách: “Sự Lý Dung Thông” bằng chữ Hán của Thiền sư Hương Hải và được
Tiến sĩ Lê Mạnh Thát đã dầy công biên khảo và dịch lại, cho in chung trong Toàn
Tập Minh Châu Hương Hải (Nhà Xuất bản TP. HCM, 2000) . Trong đó có hai câu thơ:
Thích độ nhân miễn tam đồ khổ
Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương.
Ý nói giáo lý của đức Phật Thích Ca nhằm hóa độ chúng
sanh thoát khỏi ba đường khổ: địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh, đồng thời, cũng
có khả năng cứu thoát cửu huyền thất tổ được siêu thăng. Ngoài ra, chúng tôi
không còn thấy ở chỗ nào khác. Có thể là do sự tra cứu học hỏi của chúng tôi
còn nông cạn hạn hẹp.
Vấn đề nầy, xin được miễn bàn thêm, vì không phải lý do
nghiên cứu ở đây. Chúng tôi chỉ xin nêu ra giải thích đôi điều để cho Phật tử
biết sơ qua về cửu huyền thất tổ có liên quan đến việc thờ phụng mà Phật tử đã
hỏi, thế thôi.
Tóm lại, tôi xin góp ý đề nghị với Phật tử, nếu như Phật
tử muốn thờ, thì nên hỏi qua ý kiến cha mẹ của Phật tử trước. Thử xem ông bà nói
sao. Sau đó, Phật tử mới có quyết định. Như thế, thiết nghĩ cũng không phải là
muộn và như thế sẽ được thuận thảo tốt đẹp cả hai. Phật tử không nên nghe người
ta bày ra rồi mình tự động làm theo. Một việc làm mà mình không hiểu rõ ý nghĩa
của việc mình làm, chỉ thấy xưa bày nay bắt chước, thì điều đó cũng không đúng
lắm. Kính chúc Phật tử chóng đạt thành sở nguyện
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự