Ðáp: Xin thưa, việc làm đó quyết không có lỗi chi cả. Chẳng những không có lỗi mà nó còn rất phù hợp với chánh lý nữa. Bởi thân nầy là do bốn đại: đất, nước, gió, lửa, kết hợp tạo thành. Khi còn đủ duyên thì nó còn hoạt động, nhưng khi hết duyên thì nó tự tan rã thế thôi. Như vậy, cái mà mình gọi là sống đó, chẳng qua là do duyên sống, duyên tan. Kỳ thật, thì không có gì là thật mình cả. Đạo Phật nói đó là vô ngã. Tức không có cái ta chủ thể cố định. Xác thân nầy chỉ là vô thường giả huyễn.
Lúc còn sống, thì mình nuông chiều cung phụng cho nó đủ
mọi thứ trên đời. Nghĩa là, chúng ta phải đáp ứng đúng theo mọi nhu cầu đòi hỏi
của nó. Ba thứ nhu cầu tối thiết yếu của nó là : “ăn, mặc, ở”. Bởi do phục vụ làm
nô lệ cho nó, nên cả đời chúng ta phải chịu nhiều điều khổ lụy vì nó.
Nhưng dù cho chúng ta có cung phụng chìu chuộng nó đến đâu đi nữa, cuối cùng rồi, thì nó cũng phản bội bỏ chúng ta mà ra đi thôi. Bởi thực chất của nó là thứ giả dối tạm bợ. Chúng ta dù có làm đủ mọi cách để duy trì kéo dài mạng sống, nhưng nó nào có tuân hành làm theo ý muốn của ta đâu!
Có người, lúc sống thì phục vụ cho nó tối đa không dám
làm điều gì trái ý nó. Đến khi xuôi tay nhắm mắt rồi, mà họ cũng vẫn còn luyến
tiếc cái thân xác hôi thúi nầy. Họ tìm đủ mọi cách để cất giấu che đậy nó cho thật
kỹ lưỡng.
Người giàu có thì họ làm mồ xây mã cho thật đẹp. Họ nghĩ rằng, làm như thế cho người mất có chỗ sang trọng để ở khỏi phải tủi thân. Đây là theo quan niệm của Nho giáo xem “ Sự tử như sự sanh”. Lúc còn sống xử sự như thế nào, thì sau khi chết cũng phải như thế đó. Đây là biểu lộ tấm lòng tình cảm giữa người còn sống và người đã chết. Việc làm nầy, theo một phương diện nào đó, ít ra, cũng nằm trong lãnh vực văn hóa.
Còn người không có khả năng tiền bạc dồi dào, thì họ
mua cái hũ nhỏ bỏ tro cốt vào đó để thờ. Người có tiền khá giả một chút, thì họ
đem vô nhập tháp ở trong chùa. Còn không, thì họ để ở nhà thờ. Nhưng ít có ai
thờ tro cốt ở nhà.
Thật ra, việc làm đó một phần, là vì người Phật tử chưa thấu hiểu Phật pháp. Phần khác, là họ chỉ làm theo tục lệ xưa bày nay bắt chước mà thôi. Điều đó, thiết nghĩ, cũng không có gì là sai trái cả.
Còn như Phật tử đã hiểu được đạo lý Phật dạy rồi, thì
sau khi chết, di chúc lại cho con cháu: “sau khi thiêu xong, nên đem tro cốt rảy
xuống biển, hoặc chôn vào gốc cây để làm phân cho cây cỏ”. Thiết nghĩ, như vậy
còn có lợi ích hơn.
Vì thân nầy là chúng ta tạm vay mượn của tứ đại, khi không còn xài được nữa, thì phải trả trở về nguyên quán của nó. Như thế, thì mới hợp tình hợp lý. Và như thế, mới đúng theo luật nhân quả là hễ có vay mượn thì phải có trả.
Đồng thời, Phật tử được cái lợi thực tế nữa là khỏi phải
tốn kém tiền bạc của mình hoặc của con cháu. Thay vì sử dụng đồng tiền cho việc
làm mã mồ tốn kém, hoặc đem vào thờ ở trong tháp, thì chúng ta nên đem nó để bố
thí cứu giúp cho những người không may, họ đang lâm vào hoàn cảnh đau khổ ngút
ngàn như tàn tật, đau ốm, đói khát v.v…
Như vậy, thật là có ích lợi vô cùng. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi cũng xin thưa rõ, chúng tôi chỉ dựa theo quan điểm của Phật giáo mà trả lời theo câu hỏi của Phật tử đã nêu ra. Chớ tuyệt đối, chúng tôi không dám có cái ý kích bác hay chống đối bất cứ việc làm của ai trong vấn đề nầy. Vì chúng tôi luôn tôn trọng niềm tin và quan niệm của mỗi người.
Tác giả bài viết: Thích Phước Thái
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự