Chẳng hay bạn đọc có bao giờ thử chạy ngược dòng chưa?
Ngược dòng ở đây có nghĩa là ngược dòng tư tưởng, ngược dòng ý niệm. Có một lần
trong sách "Ðại Thủ Ấn" tôi đã nói sơ về 2 loại ý niệm tư tưởng:
1/ Ngược dòng: đây là những ý niệm phân tách tìm tòi
nguyên nhân của một việc, nó là một phần của trí tuệ có công năng kéo tâm trở về
gần bổn tánh hay thực tại.
2/ Xuôi dòng: Là những ý niệm suy nghĩ tính toán chuyện
thế gian liên quan đến cái Ta (Ngã).
Nếu bạn đi xuôi theo dòng tư tưởng thì sẽ thấy nó vô cùng
tận, không có chỗ hết, chỉ trừ khi bạn muốn ngừng hoặc chuyển sang một đề mục khác.
Nhưng nếu bạn đi ngược dòng tư tưởng thì một lúc nào đó nó sẽ dẫn bạn đến một
con đường cùng, bế tắc bởi một bức tường. Bức tường đó chính là bức tường vô
minh, mà nếu không dùng trí tuệ soi thủng nó thì bạn sẽ chán nản trở ra đi theo
con đường cũ (tức xuôi dòng).
Làm thế nào để đi ngược dòng? Có một phương tiện đơn
giản đó là tự đặt ra nhiều câu hỏi ngược lại với những chữ như: Tại sao? Vì
sao? Ai? Cái gì? v.v...
Ðể dễ hiểu chúng ta chúng ta có thể lấy thí dụ đề mục
"giải thoát" để quán chiếu ngược dòng:
Hỏi: Tại sao muốn tu hành?
Ðáp: Vì muốn giải thoát.
Hỏi: Tại sao muốn giải thoát?
Ðáp: Vì khổ?
Hỏi: Ai khổ? Khổ cái gì?
Ðáp: Tôi khổ. Khổ vì sinh, già, bệnh, chết....
Hỏi: Ai sinh, già, bệnh, chết?
Ðáp: Hỏi vớ vẩn! Tôi sinh, già, bệnh, chết chớ còn Ai vào đây! Chẳng lẽ cục đá
sinh, già, bệnh, chết hay sao?
Hỏi: Thế Tôi là Ai?
Ðáp: Tôi là ờ... ờ.... ơ... Tôi! Tôi là Tôi!
Nếu có hỏi tiếp nữa thì câu trả lời vẫn là: "Tôi
là Tôi!". Không biết bạn đọc có bao giờ tự hỏi mình: "Ta là Ai "
chưa? "Tôi là Tôi! hoặc Ta là Ta!" chính là bức tường của đường cùng.
Hỡi các bạn phật tử, tại sao chúng ta phải tu hành? Tu
hành vì chúng ta khổ! Tại sao chúng ta khổ? Chỉ vì chúng ta có cái
"Ta". Nếu không có "Ta" thì Ai khổ? Nếu không có Ai khổ thì
Ai cần tu hành, Ai muốn giải thoát? Nếu không có "Ta" thì Ai sinh Ai
tử?
Tóm lại nguyên nhân của khổ chính là sự có cái Ta.
Trong Ðạo Ðức Kinh (Chương 13), Lão tử có nói:
Ngô sở dĩ hữu đại hoạn dả, vị ngô hữu thân;
Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?
Tức là:
Ta sở dĩ có hoạn nạn lớn vì ta có thân,
Nếu không có thân, làm gì có nạn ( khổ ).
Lão tử cho xác thân chính là nguyên nhân của khổ, nhưng
nay nếu bạn hiểu được chính cái Ta là nguyên nhân của khổ thì bạn có thể họa
theo Lão tử.
Ngô sở dĩ hữu đại hoạn dả, vị ngô hữu ngô;
Cập ngô vô ngô, hà hoạn chi hữu.
Thông thường khi nói về nguyên nhân của khổ, đa số cho
là ba độc: tham, sân, si. Nhưng nguyên nhân của khổ có thể nhìn từ cạn đến sâu.
Theo cạn thì nguyên nhân của khổ là ba độc hoặc mười phiền não: tham, sân, si, mạn,
nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.
Sâu hơn một chút thì ái dục được xem là nguyên nhân của
khổ. Sâu hơn và tột cùng thì vô minh chính là nguyên nhân của khổ. Vô minh thường
biểu lộ qua hai khía cạnh: chấp ngã và chấp pháp. Chấp ngã là tin có một cái Ta
chân thật, hiện hữu tự tánh và bám víu vào nó. Chấp pháp là cho rằng tất cả sự
vật thật có tự tánh, thường hằng không thay đổi.
Chấp ngã và chấp pháp là hai căn bệnh vô thỉ của chúng
sinh mà cũng là nguyên nhân chính của đau khổ luân hồi. Tất cả giáo lý Phật
pháp đều nhằm giải trừ hai căn bệnh này. Tuy nhiên giáo lý Tiểu thừa nhấn mạnh
về việc điều trị bệnh chấp ngã, còn giáo lý Ðại thừa nhấn mạnh về việc điều trị
bệnh chấp pháp.
Nguồn tin: Thích Trí Siêu
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự