Phật Di-lặc - Truyền thuyết và lịch sử

Thứ tư - 28/01/2009 21:26
Hai chữ Di-lặc là xuất phát từ tiếng Phạn Maitreya (Pàli : Metteyya), Hán dịch là Từ Thị. Đây là vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ, được Đức Phật Thích-ca thọ ký là sẽ thành Phật ở đương lai. Theo Kinh Di-lặc Thượng Sanh và Kinh Di-lặc Hạ Sanh, vị Bồ-tát này xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn, về sau làm đệ tử Phật, nhập diệt trước Phật, dùng thân Bồ-tát trụ ở cõi trời Đâu Suất thuyết pháp cho các vị trời ở cõi này.

Theo truyền thuyết thì vị Bồ-tát này vì muốn giáo hóa các chúng sanh nên từ lúc mới phát tâm đã không ăn thịt chúng sanh, do nhân duyên ấy mà có tên là Từ Thị. Còn theo Đại Nhật Kinh Sớ q.1 thì Từ Thị là lấy chữ Từ trong Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả)của Phật làm đầu, lòng Từ đó sanh ra từ chủng tánh Như Lai, có năng lực làm cho tất cả thế gian không đoạn dứt Phật chủng, cho nên gọi là Từ Thị (Thị là tộc chủng, là họ). Theo Kinh Di-lặc Thượng Sanh và Kinh Di-lặc Hạ Sanh, vị Bồ-tát này xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn, về sau làm đệ tử Phật, nhập diệt trước Phật, dùng thân Bồ-tát trụ ở cõi trời Đâu Suất thuyết pháp cho các vị trời ở cõi này. Theo truyền thuyết thì vị Bồ-tát này vì muốn giáo hóa các chúng sanh nên từ lúc mới phát tâm đã không ăn thịt chúng sanh, do nhân duyên ấy mà có tên là Từ Thị. Còn theo Đại Nhật Kinh Sớ q.1 thì Từ Thị là lấy chữ Từ trong Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả)của Phật làm đầu, lòng Từ đó sanh ra từ chủng tánh Như Lai, có năng lực làm cho tất cả thế gian không đoạn dứt Phật chủng, cho nên gọi là Từ Thị (Thị là tộc chủng, là họ). Nói dễ hiểu, Từ Thị (Maitreya) nghĩa là chủng tánh từ bi.

Đức Thế Tôn từng thọ ký : Hết thời kỳ con người sống lâu 8.000 tuổi, Ngài hạ sanh xuống cõi Ta-bà này thành Phật dưới cội Long Hoa, chia làm ba hội thuyết pháp. Do ý nghĩa Ngài thay Phật thuyết giáo nên gọi là Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ (một đời nữa sẽ bổ xứ thuyết pháp), khi thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai. Do vậy chúng ta thường xưng lễ : Nammô Đương lai hạ sanh Di-lặc Tôn Phật.

Về nhân vật lịch sử, theo phẩm Tùy Hỷ trong Kinh Pháp Hoa q.6, Kinh Bình Đẳng Giác q.4, Di-lặc chính là A-dật-đa, một vị đệ tử của Phật Thích-ca. Nhưng theo Kinh Thuyết Bản trong Trung A-hàm 13, Kinh Xuất Diệu 6 và Luận Đại Tỳ-bà-sa 178, Di-lặc và A-dật-đa là hai nhân vật khác nhau. Đây là một điểm mà chúng ta cần khảo cứu. A-dật-đa (Phạn : Ajita) Hán dịch là Vô Thắng, Vô Năng Thắng hoặc Vô Tam Độc. Ngài là một vị đệ tử Phật, từng lập chí đương lai sẽ thành Chuyển luân thánh vương tên là Nhưỡng-khư (Samkha, Hán dịch : Loa). Trong bài kệ tựa phẩm Bỉ Ngạn Đạo (Pàràyana) của Kinh Tập (Sutta - nipàta) thuộc Đại Tạng Kinh Pàli đều nêu cả hai tên A-thị-đa (Ajita) và Đế-tu Di-lặc (Tissametteyya), tức hoàn toàn cho đó là hai người khác nhau. Trong phẩm ấy còn nêu cả hai kinh : Kinh A-thị-đa Vấn (Ajitamànapucchà) và Kinh Đế-tu Di-lặc Vấn (Tissametteyyamànapucchà).

Kinh Thuyết Bản trong Trung A-hàm 13 và Kinh Hiền Ngu 12 thì cho rằng Tôn giả A-di-đá (Ajita) ở đời vị lai lâu xa, khi con người sống 80.000 tuổi, nguyện thành Chuyển luân thánh vương tên Loa. Tôn giả Di-lặc cũng nguyện ở đời vị lai, khi con người sống đến 80.000 tuổi sẽ thành Phật, hiệu là Di-lặc Như Lai. Luận Đại Tỳ-bà-sa 178 cũng ghi : "Tỳ-kheo A-thị-đa đối với các hữu, khởi tâm ưa thích, khởi tâm thắng giải, khởi tâm hâm mộ, khởi tâm hy vọng, khởi tâm tìm cầu nên Phật quở trách. Bồ-tát Từ Thị đối với các hữu, không khởi tâm ưa thích cho đến không tìm cầu, đối với việc làm lợi ích các loài hữu tình khởi tâm ưa thích cho đến tìm cầu, nên Phật khen ngợi".

Theo đó thì Di-lặc và A-dật-đa là hai nhân vật khác nhau, đều là đệ tử Phật, được Phật giáo hóa. Đây chỉ là vấn đề lịch sử, sự lầm lẫn không có gì nghiêm trọng lắm. Điều khiến chúng ta dễ ngộ nhận nhất là Bồ-tát Di-lặc và Luận sư Di-lặc, vị Thủy tổ của Du-già Đại thừa, ra đời khoảng sau Đức Phật nhập diệt 900 năm. Đây có phải là nhân vật lịch sử không ? Và chính vị này hay Bồ-tát Di-lặc ở cung trời Đâu Suất giảng nói lý Du-già Duy Thức ?

Trong Đại Tạng Kinh bản Hán dịch ghi Bồ-tát Di-lặc là tác giả của những bộ luận Du-già Sư-địa, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận Tụng, Biện Trung Biên Luận Tụng, Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh Luận. Trong Đại Tạng Kinh Tây Tạng ngoài các luận nói trên còn có ghi thêm Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, Pháp Tánh Phân Biệt Luận và Đại Thừa Cứu Cánh Yếu Nghĩa Luận. Tương truyền Di-lặc là thầy của ngài Vô Trước, sáng tạo ra lý Du-già Duy Thức và sau truyền trao cho Vô Trước. Theo Bà-tẩu-bàn-đậu Pháp Sư Truyện, Vô Trước từng lên cung trời Đâu Suất thỉnh vấn Bồ-tát Di-lặc về lý Không quán của Đại thừa, do đó mà xem Di-lặc cũng là thầy của Vô Trước, còn người đời sau thì cho rằng Ngài chính là Đức Phật Di-lặc trong tương lai. Đối với các bộ luận đã nêu trên, thực tế có thể là do Vô Trước tóm thâu các học thuyết của tiên hiền mà tạm cho là của Di-lặc sáng tác.

Học giả Phật giáo nước Nga là E. Obermiller cho rằng truyền thuyết như ngài Long Thọ nhờ Bồ-tát Văn-thù khải phát mà trước tác các bộ luận, cũng vậy, ngài Vô Trước thì nhờ thần lực của Bồ-tát Di-lặc ở cung trời Đâu Suất mà tạo luận. Học giả Nhật Bản là Sơn Khẩu Ích dựa vào thuyết này mà cho rằng người chú thích, luận thuyết các bộ luận đề tên ngài Di-lặc nói trên đều là do một mình ngài Vô Trước làm cả, và ngài Di-lặc chỉ là người khải phát linh cảm, và là một vị Phật Đương lai Nhất sanh bổ sứ. Học giả E. Lamotteđồng ý luận thuyết này và bổ sung cho thuyết ấy được sáng tỏ. Ông cho rằng kinh điển Đại thừa thành lập sau thường mượn lời bậc Thánh để tăng thêm uy tín, cho nên nghi ngờ tính cách lịch sử của Di-lặc Luận sư là đúng. Học giả Nhật Bản là Vũ Tỉnh Bá Thọ thì phản đối thuyết này, ông cho rằng Luận sư Di-lặc là nhân vật có thật trong lịch sử, đã sáng tạo giáo lý Du-già Đại thừa và Vô Trước chỉ là người viết lại các luận nói trên mà thôi.

Sự khảo chứng của các học giả kể cũng khá nhiều, nhưng vẫn không giúp chúng ta có cái nhìn chính xác đủ sức làm tin. Thực ra, Di-lặc có phải là nhân vật lịch sử giảng nói Duy Thức cho Vô Trước hay không, hay do Vô Trước lên cõi trời Đâu Suất thỉnh vấn không quan trọng với chúng ta. Hoặc lịch sử hoặc truyền thuyết, Bồ-tát Di-lặc vẫn là người giảng nói Duy Thức. Đó là điều chúng ta cần biết.

Trong Mật giáo, Bồ-tát Di-lặc là 1 trong 9 tôn vị ở Trung đài của Mạn-đồ-la Thai Tạng giới, phía Đông bắc của Đại Nhật Như Lai; còn trong Mạn-đồ-la Kim Cang giới, Ngài là 1 trong 16 tôn vị của Hiền kiếp.

Nói chung, như trên chúng ta đã phát họa được danh hiệu, trụ xứ, truyền thuyết và lịch sử của Bồ-tát Di-lặc. Nội dung chính của bài viết này là tìm hiểu giá trị đạo lý của tín ngưỡng Di-lặc qua kinh điển Phật giáo.

Kinh luận y cứ

Trong toàn bộ tín ngưỡng Phật giáo, không có tín ngưỡng nào mà mơ hồ, thiếu gốc gác cả. Sở dĩ một truyền thống được bảo lưu và phổ cập là nhờ giá trị nguyên thủy của nó, tín ngưỡng Di-lặc cũng xuất phát từ rất nhiều kinh luận thành văn hẳn hoi chứ không phải chỉ là niềm tin khống của dân gian.

Trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, kinh điển chính thức nói về Di-lặc có đến 6 bộ. Sáu bộ kinh này thuật về việc sanh lên cõi trời Đâu Suất, từ cõi trời Đâu Suất giáng sanh xuống cõi Diêm-phù-đề, thành Phật, quốc độ, thời tiết nhân duyên, chủng tộc, xuất gia, hành đạo và chuyển pháp luân của Bồ-tát Di-lặc. Chúng tôi xin liệt kê 6 bộ kinh này để độc giả tiện lãm :

1.      Kinh Quán Di-lặc Thượng Sanh, do Thư Cừ Kinh Thanh dịch.

2.      Kinh Di-lặc Hạ Sanh, Cưu-ma-la-thập dịch.

3.      Kinh Di-lặc Lai Thời, không rõ dịch giả.

4.      Kinh Quán Di-lặc Bồ-tát Hạ Sanh, Trúc Pháp Hộ dịch.

5.      Kinh Di-lặc Hạ Sanh Thành Phật, Nghĩa Tịnh dịch.

6.      Kinh Di-lặc Đại Thành Phật, Cưu-ma-la-thập dịch.

Trong 6 kinh trên, ba bộ quan trọng nhất là 1, 4 và 6, được gọi riêng là Di-lặc Tam Bộ Kinh. Các bộ kinh trên đều được xếp vào Đại Chánh Tạng tập 14. Nội dung các kinh phần lớn giống nhau, có vài kinh là đồng bản dị dịch. Ngoài ra cũng còn một số kinh khác nói về bản nguyện của Phật Di-lặc, cộng lại thành hơn 10 loại. Chú sớ giải thích các bộ kinh này thì rất nhiều, nổi tiếng là các bộ Di-lặc Kinh Du Ý của ngài Cát Tạng, Di-lặc Thượng Sanh Kinh Tông Yếu của ngài Nguyên Hiểu, Quán Di-lặc Bồ-tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên Kinh Tán của ngài Khuy Cơ và Tam Di-lặc Kinh Sớ của ngài Cảnh Hưng. Tựu trung, 6 bộ kinh trên được chia làm hai loại, đó là Thượng sanh và Hạ sanh. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu hai hệ thống chính liên quan đến tín ngưỡng mà thôi.
 

1. Tín ngưỡng Thượng sanh : Tín ngưỡng Thượng sanh cho rằng hiện nay Bồ-tát Di-lặc đang nói pháp trên cung trời Đâu Suất. Các kinh điển Thượng sanh diễn tả tỷ mỷ về cõi trời này. Đây là tầng trời thứ tư trong sáu tầng trời cõi Dục. Tuy là cõi Dục, nhưng cõi trời này có những cái đặc thù mà các tầng trời khác không có. Thiên cung Đâu Suất có hai phần là Nội viện và Ngoại viện. Thiên chúng ở Ngoại viện vẫn hưởng thú vui ngũ dục nên dễ bị đọa lạc, chỉ có tại Nội viện, nơi Bồ-tát Di-lặc đang thuyết pháp thì không khác cảnh giới Cực Lạc của Phật A-di-đà. Nếu người phát nguyện vãng sanh về nội viện thiên cung Đâu Suất, nhất tâm giữ giới tu thiện thì sau khi mạng chung sẽ được vãng sanh.

Tín ngưỡng Thượng sanh có từ rất sớm ở Ấn Độ. Ở Trung Quốc đầu tiên có ngài Đạo An (314 - 385), Đạo Kiểu, Tăng Nghiệp, Huệ Nghiêm, Đạo Uông, Đạo Pháp, Pháp Thịnh, Đàm Phó, Đàm Võ … Đó là những danh tăng có ảnh hưởng rất lớn giới Phật giáo đương thời. Đến đời Đường, ngài Huyền Trang, Khuy Cơ cũng hoằng dương tín ngưỡng Thượng sanh Đâu Suất và trở thành truyền thống của tông Pháp Tướng.

Trong các bộ sám văn được trứ tác thời kỳ này như Từ Bi Tam-muội Thủy Sám Pháp, Lương Hoàng Sám, chúng ta thấy nói nhiều đến tín ngưỡng Thượng sanh này. Từ đời Đường về sau, khi Kinh Di-đà được dịch sang Trung Quốc thì có rất nhiều người phát nguyện sanh về Tây phương Tịnh độ, do đó tín ngưỡng Thượng sanh Đâu Suất không còn thịnh hành như xưa.

2. Tín ngưỡng Hạ sanh : So với tín ngưỡng Thượng sanh, tín ngưỡng Hạ sanh lại rất phổ biến. Tín ngưỡng này cho rằng tương lai Bồ-tát Di-lặc sẽ giáng sanh xuống cõi Diêm-phù-đề, thành Phật dưới cội Long Hoa và thuyết pháp ba hội để cứu độ chúng sanh, vì thế có thuyết "Long Hoa tam hội". Nếu chúng sanh tu tạo nhân duyên, phước báo, trụ sanh ở Diêm-phù-đề khi Phật Di-lặc giáng sanh thì sẽ được Phật giáo hóa. Tín ngưỡng này trông có vẻ dễ hơn Thượng sanh nên rất hịnh hành. Đời Lưu Tống, vua Minh Đế (tại vị 465 - 471) soạn Long Hoa Thệ Nguyện Văn; Châu Ngung soạn Kinh Sư Chư Ấp Tạo Di-lặc Tam Hội Ký; Văn Tuyên Vương Tề Cánh Lăng soạn Long Hoa Hội Ký, ngài Nam Nhạc Huệ Tư soạn Lập Thệ Nguyện Văn, tất cả đều nói về thuyết Di-lặc hạ sanh.

Do tín ngưỡng Hạ sanh được các vua chúa tôn sùng, nên việc khắc tạo tượng Phật Di-lặc ở Trung Quốc phát triển cực thịnh. Tượng Di-lặc được khắc tạc vào múi Thạch Thành cao đến hơn 300m vào đời Nam Tề, Hiến Văn Đế đời Bắc Ngụy cũng tạo rất nhiều tượng Di-lặc ở Vân Cương Đại Đồng, Long Môn … Việc tạo tượng Di-lặc ở Trung Quốc cũng ảnh hưởng nhiều đến các nước Triều Tiên, Nhật Bản.

Nói chung, tín ngưỡng Hạ sanh quá thịnh hành, đưa đến một vài tệ đoan đáng tiếc trong lịch sử phát triển tín ngưỡng, như ngụy tạo kinh điển, tự xưng Bồ-tát Di-lặc giáng sanh để phục vụ mưu đồ chính trị, hay cho rằng sắp tận thế, sắp đến hội Long Hoa, chúng tôi sẽ chứng minh ở một phần khác.

Muốn tìm hiểu cặn kẽ và chính xác về các kinh, hàng hậu học chúng ta không gì hơn là đọc ngay vào các bộ luận sớ, giảng nghĩa, chú thích từng câu kinh Phật của chư Tổ. Hiện tại các kinh sớ về Di-lặc ở Việt Nam chưa thấy có một bản dịch nào lưu hành. Chúng tôi mạo muội đọc các bản chú sớ trong Đại Tạng Kinh rồi tóm lược vài ý chính mà chúng ta cần biết. Như trên chúng tôi đã giới thiệu 4 bộ sớ quan trọng, ở đây cũng xin dựa vào các bộ ấy để dẫn luận. Ba bộ sớ của ngài Cát Tạng, ngài Khuy Cơ và ngài Tông Hiểu có nhiều điểm tương đồng. Bộ của ngài Cát tạng (Di-lặc Kinh Du Ý) và bộ của ngài Tông Hiểu (Di-lặc Thượng Sanh Kinh Tông Yếu) chia ra 10 môn để luận giải; bộ của ngài Khuy Cơ(Quán Di-lặc Thượng Sanh Đâu Suất Thiên Kinh Tán) có 5 môn. Việc tuần tự đúc kết từng môn của ba bộ luận này là quá lớn, quá dài đối với phạm vi bài viết này. Chúng tôi chỉ dẫn dụng vài vấn đề quan trọng, còn các chi tiết khác, độc giả có thể tìm hiểu bằng cách đọc ngay trong chánh văn Kinh Di-lặc Hạ Sanh đã được dịch và in ở phần sau một số Kinh Nhật Tụng.

Về danh hiệu, tác phẩm của ngài Cát Tạng nói : Một số kinh ghi A-dật-đa là tên, Di-lặc là họ; hoặc A-dật-đa là họ, Di-lặc là tên. Như vậy chúng ta dễ dàng nhận ra vì sao có sự nhầm lẫn giữa hai vị đệ tử Tỳ-kheo của Phật, bởi lẽ có một vị có cái tên trùng với họ của vị kia, cho nên để dễ phân biệt, trong kinh đã dùng chữ Từ Thị (họ Từ) để chỉ Bồ-tát ở cõi Đâu Suất.

Về đại ý của kinh, ngài Tông Hiểu (Đại 38, 299 trung) ghi : "Kinh này tán thán diệu tích của bậc chí nhân, là kinh điển chân thật khuyến hóa chúng sanh tu tập quán pháp (khuyến vật tu quán chi chân điển giả)". Về tông thể của kinh, tác phẩm của ngài Cát Tạng (Đại 38, 263 hạ) ghi : "Nhiều thuyết phán giáo rằng : Kinh Thượng Sanh lấy Đại thừa làm tông thể, Kinh Hạ Sanh lấy Tiểu thừa làm tông thể. Vì thế trong Kinh Thượng Sanh có nói đầy đủ việc chứng Lục độ, Tứ đẳng Bồ-tát hạnh, cũng có nói đủ Trung và Giả ( … ). Kinh Hạ Sanh chỉ biện biệt ba phẩm ba tạng Giới Định Huệ, cho nên lấy Tiểu thừa làm tông. Vì thế ba hội thuyết pháp chỉ chứng đến tứ quả mà thôi. Kinh này chỉ nói đến Giả, không nói đến Trung (Trung đạo)". Ngài Cát Tạng thì chủ trương rằng : "Dựa theo giáo pháp Thích-ca, sắc thanh … là kinh thể, lấy cái Nhị để làm rõ cái Bất nhị (Bất nhị nhi Nhị minh chi), trong 15 thứ sắc, có 3 thứ sắc làm kinh thể. Nếu phân biệt Tông và Thể khác nhau thì chánh pháp là Thể, nhân quả là Tông, như trong Đại Kinh Sớ và Đại Phẩm Sớ đã nói đầy đủ" (Đại 38, 264 thượng).

Ngài Khuy Cơ thì không phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa, mà chỉ dựa trên ba thân Pháp, Báo và Ứng để giải thích Quyền và Thật của Phật Di-lặc. Và Ngài đã dẫn dụ các kinh luận Đại thừa như Pháp Hoa, Bát-nhã để cho rằng Kinh Di-lặc Thượng Sanh có đầy đủ Quyền và Thật. Luận về nhân hạnh, quả đức của Phật Di-lặc thì các chú sớ trưng ra rất nhiều thuyết khác nhau, thời lượng và danh hiệu tuy khác, song nói chung đều cho rằng Bồ-tát Di-lặc tối sơ phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo, trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tu hành rồi thành Phật. Trong phần này, cả ba tác phẩm đều luận rất kỹ về số kiếp tu hành. Khái niệm về "Kiếp" (Kalpa) rất phức tạp, trong đó có Quá khứ Trang nghiêm kiếp, Hiện tại Hiền kiếp và Vị lai Tinh tú kiếp, mỗi kiếp có 1.000 vị Phật ra đời, Đức Di-lặc đã từng ở trước 3.000 vị Phật ấy tu hành Bồ-tát đạo. Về thời gian Đức Phật xuất thế, đó là lúc tuổi thọ con người sống đến tám vạn tuổi, tính theo thời gian kiếp tăng và kiếp giảm (100 năm tăng, hoặc giảm 1 tuổi, hiện nay đang là kiếp giảm) thì từ nay đến khi Đức Phật Di-lặc ra đời khoảng 57 tỷ 60 triệu năm nữa - một thời gian quá lâu xa.

Về việc thành đạo, các chú sớ cũng chú trọng phân biệt thành Bản môn và Tích môn như Kinh Pháp Hoa, tức cũng giống như Phật Thích-ca, hoặc viễn kiếp tu hành thành Phật, hoặc ngay hiện đời tu hành thành Phật. Cội cây mà bảy vị Phật ngồi thành đạo đều khác nhau : Phật Tỳ-bà-thi ngồi dưới cây Ba-la, Phật Thi-khí ngồi dưới cây Phân-đà-lợi, Phật Tỳ-xá-bà ngồi dưới cây Bác-lạc-xoa, Phật Câu-lưu-tôn ngồi dưới cây Thi-câu-lưu, Phật Câu-na-hàm ngồi dưới cây Ưu-đàm-ba-la, Phật Ca-diếp ngồi dưới cây Câu-luật-đà, Phật Thích-ca ngồi dưới cây Bối-đa-la, còn Phật Di-lặc ngồi dưới cây Long Hoa. Ba hội thuyết pháp của bảy vị Phật, số người được độ ở ba hội cũng khác nhau. Ngoài ra, các bộ chú sớ còn nói rất kỹ về đất đai, thời tiết, căn tánh, tuổi thọ, phước nghiệp của chúng sanh khi Đức Phật hạ sanh rất tỷ mỷ, ở đây không thể nói hết.

Để kết thúc phần nội dung y cứ vào kinh luận, chúng tôi xin trích dịch nguyên văn phần tựa Di-lặc Kinh Du Ý của ngài Cát Tạng và một đoạn cuối bài đề tựa Kinh Quán Di-lặc Bồ-tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên của ngài Khuy Cơ, như một cái nhìn tổng quát về tín ngượng Di-lặc.

Bài Tựa của ngài Cát Tạng (Đại 38, 263 thượng) ghi : "Chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên, từ lúc sơ phát tâm đã giác ngộ lý Vô sở đắc của Đại thừa, tu chư vạn hạnh, hoặc Thượng sanh Đâu Suất, vì các Thiên tử thuyết pháp Bát-nhã Ba-la-mật, hoặc 56 ức 7 ngàn vạn năm hạ sanh cõi Diêm-phù-đề, thành bậc Chánh giác. Vì thế chư Phật trước sau đều thị hiện Bát tướng thành đạo, tiếp nối tôn vị, đều là Nhất sanh bổ xứ. Cho nên trước là Phật Thích-ca, sau đến Phật Di-lặc, công hạnh ngang hàng Thập địa, đức hạnh đạt bậc Thượng nhẫn trong Tam nhẫn mới có thể hoán đổi Uế độ này thành ra Tịnh độ. Thọ mạng con người đến 8 vạn 4 ngàn tuổi, ruộng đất thì gieo một gặt mười (Điền tức nhất chủng thất hoạch), huống hồ những thứ hoa thơm cỏ lạ đầy trời chật đất, kho báu châu ngọc đầy hầm chật hố. Ba hội thuyết pháp, độ khắp trời người, tất cả danh tự đều ngộ Vô sanh nhẫn".

Tác phẩm ngài Khuy Cơ (Đại 38, 272 hạ) tán rằng : "Kinh Quán Di-lặc Bồ-tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên, Lục sự gồm tu, Nhị nhân cùng chứa. Tâm tinh cần diệu cảnh, thường hoan hỷ quán tu. Di-lặc chính là Phạn âm, Trung Hoa dịch là Từ Thị. Lòng mẹ buồn đau nỗi tơ vò, tánh con thương xót đến hoài thai, nguyện xưa nay vẫn tinh thành, nhân đó lấy Từ làm hiệu. Đạo viên thành nơi thượng quả, Tích lưu dấu tại nhân đầu, mong giác ngộ vận độ quần sanh nên giả xưng Bồ-tát. Thượng sanh tức vãng sanh Đâu Suất, tri túc tự tại, hào quang thần dụng, thảy do bổ xứ Thiên cung, đoan cư lợi lạc. Nếu chúng sanh khắc lòng quán tưởng, tất sẽ được chiêm ngưỡng phụng hầu. Kinh này là sự nhiếp thâu, xuyên suốt, thường hằng, phép tắc, khuôn mẫu (Kinh giả nhiếp dã quán dã thường dã pháp dã). Thầy trò truyền trao giáo nhiếp, dứt tuyệt phàn lung; lý xuyên suốt nơi văn, lìa hẳn mọi sự tán diệt, làm phép tắc cho trăm loài, làm khuôn khổ cho vạn đại, lợi vật thuyên chơn, đó là kinh này vậy".

Nhận định chung về tín ngưỡng Di-lặc

Bao giờ đến hội Long Hoa ? Đó là câu hỏi đã có từ hàng ngàn năm trước. Câu hỏi ấy càng trở thành cấp bách ở những năm cuối cùng của thế kỷ 20. Từ khi còn rất nhỏ tôi đã nghe người ta kháo với nhau rằng năm 2000 tận thế. Lúc ấy hội Long Hoa xuất hiện, Đức Phật Di-lặc ra đời cứu vớt những người tu phước hành thiện, còn những kẻ ác thì phải đọa địa ngục. Thế rồi dân gian đã tưởng tượng ra Long Hoa chính là cây xương rồng, rồi thì nhà nhà đều trồng cây xương rồng để trừ ma ếm quỷ, và tạo duyên để Di-lặc hạ sanh. Khi bài viết này đến tay độc giả thì đã bước qua những ngày cuối cùng của thế kỷ 20, và "Ông bụng bự vui tính" vẫn còn ở tận đâu đâu. Trời chưa sập, đất chưa tan, nhưng niềm tin của con người vẫn còn bổi hổi.

Từ đời Đường, năm 689, Võ Tắc Thiên đã hạ lệnh cho Pháp Lãng ngụy tạo Đại Vân Kinh, cho rằng Võ Hậu là Di-lặc hạ sanh. Năm 613, Tống Tử Hiền và Hướng Hải Minh tự xưng là Di-lặc xuất thế để tập hợp dân chúng làm loạn. Khoảng năm 713 - 755, Vương Hoài Cổ cũng tự xưng là Tân Phật (Phật Di-lặc) rồi cử binh làm loạn, cuối cùng bị bắt. Khoảng năm 873 - 888, giáo đồ Di-lặc ở Tây Thục tổ chức hội Di-lặc để mở rộng thanh thế. Khoảng năm 1022 - 1063 đời Bắc Tống, Vương Túc thống lãnh giáo đồ Di-lặc phản loạn ở Bối Châu. Đời Nam Tống, đời Nguyên, Bạch Liên giáo trà trộn vào Di-lặc giáo, giả mượn danh Di-lặc để mưu phản …

Ở Việt Nam, mượn tín ngưỡng Di-lặc để phục vụ nhu cầu chính trị hoặc kinh tế (như để bán được nhiều giống cây xương rồng) cũng không phải là không có. Thực ra, thuyết Di-lặc sắp hạ sanh cũng có một giá trị tích cực của nó, nhằm khuyên người tu nhân tích đức, lánh ác bỏ dữ, kể cũng lợi lạc. Song niềm tin mù quáng, ngụy tạo văn kinh, đó là tội đồ của Phật giáo. Phật dạy : "Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta !"

Vì sao con người lại cả tin vào sự tận thế kề cận ? Mặc dù việc Di-lặc hạ sanh là một sự thật, được Phật thọ ký, điển tịch đã ghi rõ ràng như trên đã dẫn, nhưng tính sơ sơ phải đến 57 tỷ 60 triệu năm nữa Di-lặc mới ra đời, người ta vẫn tin là kề cận. Thế mới thấy nỗi khát khao hạnh phúc của loài người lớn lao như thế nào !

Đời sống vốn dĩ ngắn ngủi, đêm vô minh thì lại dặm dài. Chiến tranh, bệnh tật, môi trường, như treo lơ lửng trước mạng sống con người lưỡi hái vô tri của sự hủy diệt. Sống, hay nói khác hơn là sự hấp hối, thống thiết và điêu linh, con người cô đơn lắm, yếu đuối lắm, người ta cần một chỗ dựa tinh thần, một chốn quay về, một nơi ủy thác. Ở đó hứa hẹn một sự an lạc, trường thọ, hoan hỷ, không có cướp bóc, giết chóc, lường gạt, phỉnh phờ nhau. Một thiên đường không tưởng ? Không ! Nó vẫn có ! Ở đâu ? Ở ngay trên nụ cười Di-lặc.

Từ bi hỷ xả là Tịnh độ Di-lặc, trụ nơi vô sở trước là cội Long Hoa, hành trì giới định huệ là đang lắng nghe ba hội thuyết pháp, và chính cái tâm Không là Đức Phật tại thế. Sáu mươi tỷ năm cũng ở tại bây giờ, đợi chờ chi, tìm kiếm gì, khi pháp giới tụ về trong gang tấc ?

Mỗi Đức Phật chủ về một hạnh, như Đức Di-đà chủ hạnh Trang nghiêm, Đức Thích-ca chủ hạnh Thanh tịnh, cũng vậy, Đức Di-lặc chủ về hạnh Hỷ xả. Kinh điển vẫn là kho báu nghìn đời để bất kỳ ai biết hoạt dụng những lời dạy của Phật thành những tâm tư hãn hữu lúc bình sinh. Bạn tín ngưỡng Di-lặc ? Hãy cười lên, hãy nhìn chúng sanh với ánh mắt từ bi, hãy đến với loài người bằng tấm lòng hỷ xả. Nếu ngay hôm nay Di-lặc hạ sanh mà tâm người tạo ngũ nghịch thập ác thì làm sao được gặp Ngài ? Làm sao ở trong giáo pháp của Ngài ? Theo luận giải của chư Tổ nhiều đời, Kinh Di-lặc nhiếp thâu vạn pháp, dung nạp Tam thừa, giá trị đạo lý của nó vẫn trường tồn cùng tuế nguyệt, dung nạp mọi căn cơ. Tụng đọc kinh điển với tâm tư như vậy, với sự tín thành như vậy, thì Tịnh độ Di-đà hay Di-lặc nào khác gì nhau ?

Ước mơ của nhân loại là vươn tới một thế giới an lạc, không có chiến tranh, hận thù, không có khổ đau, tật bệnh. Một thế giới với một môi trường hoàn hảo, chẳng phải là những hoài bão đã được chư Phật khai duyên qua Kinh Di-lặc Hạ Sanh sao ? Thế thì tại sao lại viễn vông tìm cầu hạnh phúc nơi những hứa hẹn xuôi suông, nơi những danh từ rỗng tuếch, mà không kính thành đọc tụng kinh văn, thực hành công hạnh, như lời nguyện cầu tha thiết cho thế giới hòa bình, nhân dân an lạc ?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây