Lời huyền ký đó đã xác lập vị trí cũng như niềm tin tưởng vững chắc của Đức Phật đối với Bồ tát Địa Tạng, bởi Phật biết rằng trong giai đoạn "tiền Phật-hậu Phật" này, khi Phật pháp ngày càng suy vong, chúng sanh cang cường khó độ, thì chỉ có bi tâm, nguyện lực kiên cố như Bồ tát Địa Tạng mới có thể kham lãnh nổi việc giáo hóa độ sanh. Danh xưng Địa Tạng theo các kinh luận giải thích đã toát lên được bi tâm, nguyện lực kiên cố của Bồ tát. Bài Tựa kinh Địa Tạng nói: “Địa là dày chắc, Tạng chứa đủ”. Kinh Địa Tạng thập luận nói: “An nhẫn bất động như đại địa, vắng lặng sâu kín giống như kho tàng nên gọi là Địa Tạng”.
Kinh Phương quảng thập luận nói: “Địa Tạng là kho báu giấu kín trong lòng đất”. Tóm thâu ý nghĩa của danh xưng Địa Tạng, Địa là đất, dụ cho bản thể chân tâm khéo làm nơi nương tựa và sanh trưởng vạn pháp. Tạng là hầm báu, kho báu. Địa Tạng ý nghĩa là trong bản thể chân tâm có chứa vô lượng báu vật Phật pháp, có thể đem bố thí khắp khiến chúng sanh đồng được vô lượng công đức.
Bồ tát thường tùy nguyện ứng hiện vào thế giới Ta bà bằng nhiều hình tướng sai khác để hóa độ chúng sanh. Tuy nhiên đa phần chúng ta biết đến Ngài qua hình ảnh một vị Tỳ kheo thân tướng trang nghiêm, tay phải cầm tích trượng, tay trái cầm hạt minh châu, đầu đội mũ tỳ lư quán đảnh, đứng hoặc ngồi trên con Đế thính. Sở dĩ Ngài hiện thân tướng Tỳ kheo, do vì bản nguyện của Ngài là cứu độ chúng sanh ra khỏi cảnh giới sanh tử, nên hình ảnh Ngài là một vị xuất gia giải thoát.
Có kiếp Bồ tát là con một vị trưởng giả, vì muốn được thân tướng trang nghiêm tốt đẹp như chư Phật mà phát thệ nguyện độ tất cả chúng sanh bị khổ nạn. Hoặc có kiếp Ngài làm một cô gái dòng Bà la môn, có người mẹ bất tín Tam bảo, không tin nhân quả, Ngài đã thành tâm cầu thỉnh Phật cứu độ thân mẫu. Có kiếp Ngài làm vua một nước nhỏ kết bạn với vua nước lớn, hai vua thấy nhân dân làm ác mà phát thệ nguyện độ tận nỗi khổ chúng sanh. Hoặc có kiếp Ngài làm cô gái Quang Mục, vì muốn cứu độ mẹ thoát địa ngục mà phát tâm cúng dường vị La hán và phát đại thệ nguyện độ sanh để dẫn dắt mẹ từ cảnh địa ngục vào đạo Bồ đề.
Qua tiền thân trong khi hành Bồ tát đạo, phát thệ nguyện cứu khổ chúng sanh, chúng ta thấy được hạnh nguyện vĩ đại của Ngài. Hạnh nguyện nổi bật đó không ngoài hai điểm: tinh thần hiếu đạo và tâm nguyện độ tận pháp giới chúng sanh. Nếu ngài Mục Kiền Liên được tôn xưng là đại hiếu, khi thấy mẹ đọa vào trong cảnh khổ địa ngục liền thỉnh Phật nói pháp Vu lan bồn, sắm sửa trai diên cung thỉnh chư Đại đức Tăng trong mười phương sau ba tháng an cư kiết hạ để nhờ thần lực chú nguyện của chúng Tăng mà mẹ được giải thoát thì việc thể hiện hiếu đạo của Bồ tát Địa Tạng cao hơn, cứu độ cha mẹ bằng cách phát thệ nguyện độ tận tất cả những nỗi khổ chúng sanh.
Phải chăng, qua sự báo hiếu bằng việc phát nguyện độ tận chúng sanh của Bồ tát, Đức Phật muốn nói lên tinh thần báo hiếu của chư Phật, Bồ tát khác với hàng Nhị thừa và mong mỏi chúng sanh trong đời sau nên thực hành tinh thần báo hiếu tối thượng này. Bồ tát Địa Tạng sơ phát đại nguyện độ sanh cũng không ngoài tinh thần hiếu đạo. Qua bốn lần phát đại nguyện thì trong đó có đến hai lần Bồ tát vì hiếu đạo cứu độ mẹ mà phát thệ nguyện.
Các vị Đại Bồ tát trong khi tu tập đều phát lập thệ nguyện nhưng so với thệ nguyện của Bồ tát Địa Tạng thì sâu dày hơn. Điều này đã được xác quyết trong kinh Địa Tạng, phẩm Thần đất Kiên Lao thứ mười một. Thần đất Kiên Lao đã đối trước Phật nói rõ điều này: “Bạch Thế Tôn, từ trước đến nay con đã từng đảnh lễ chiêm ngưỡng vô lượng vị Đại Bồ tát, đều là những bậc trí tuệ thần thông lớn không thể nghĩ bàn, độ khắp tất cả loài chúng sanh. Tuy nhiên ngài Địa Tạng Bồ tát đây so với các vị Bồ tát khác chỗ thệ nguyện rộng sâu hơn”.
Bồ tát Địa Tạng trong khi hành Bồ tát đạo đã phát thệ nguyện vĩ đại. Nội dung bốn lần phát thệ nguyện của Bồ tát trong khi hành Bồ tát đạo đều tóm thâu trong: “Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề. Địa ngục vị không thệ bất thành Phật”. Do vì, Bồ tát với trí tuệ rộng lớn như hư không và lòng từ bi bao la ngập tràn như đại dương vô tận, Ngài luôn thấy tất cả chúng sanh là cha mẹ trong hiện tại và chư Phật trong vị lai. Vì thế, trong khi hành Bồ tát đạo, Ngài đã phát thệ nguyện độ hết nỗi khổ chúng sanh, khi nào trên cuộc đời này không còn một chúng sanh đau khổ, đều thành tựu Phật đạo thì Ngài mới yên tâm thọ dụng cảnh giới Niết bàn.
Có thể nói, Bồ tát Địa Tạng đã đến với thế giới Ta bà ác trược này chỉ vì một tâm nguyện duy nhất là cứu vớt tất cả chúng sanh đang lặn hụp trong đại dương sanh tử đưa lên bờ Niết bàn. Cho dù chúng sanh có cang cường, nan điều nan phục đến mấy, Bồ tát vẫn kiên trì không thối chuyển tâm nguyện, không bao giờ xa lìa ý niệm cứu độ chúng sanh. Tâm nguyện độ sanh của Ngài vững chắc như núi cao, công hạnh lợi ích nhân thiên rộng sâu như biển cả. Chúng ta không thể tán thán hết được công hạnh của Bồ tát, thật đúng như hai câu kệ trong bài tán Phật đã nói: “Xưng dương nhược tán thán, ức kiếp mạc năng tận”.
Mỗi khi niệm danh hiệu Bồ tát, hàng Phật tử chúng ta lại nhớ đến hình ảnh và hạnh nguyện độ sanh vĩ đại của Ngài. Chúng ta hãy cùng nhau học và đồng phát lập thệ nguyện: “Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề. Địa ngục vị không thệ bất thành Phật”. Có phát lập được thệ nguyện như thế, chúng ta mới có thể biến Ta bà thành Tịnh độ, khiến tất cả phàm phu đều thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề và để báo đáp thâm ân của Ngài trong muôn một.
Tác giả bài viết: Thích Nguyên Liên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự