Trước
hết, Tam bảo được hiểu như là “ba ngôi báu”, và được kể ra bao gồm Phật, Pháp
và Tăng. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về từng khái niệm khác nhau đó.
Hàng
ngàn người đã tin theo giáo pháp do đức Phật Thích-ca Mâu-ni truyền dạy, họ đã
rời bỏ cuộc sống gia đình để theo ngài tu tập trong một tập thể gọi là
Tăng-già, hay Tăng đoàn.
Như
vậy, chúng ta có Tam bảo với Phật là “ngôi báu thứ nhất”, hay Phật bảo, là đấng
giác ngộ đầu tiên, người đã tìm ra chân lý và phương pháp tu tập để hướng đến
sự giải thoát, làm giảm nhẹ và xóa bỏ những khổ đau vốn có trong cuộc đời này.
Chính từ ý nghĩa đó mà đức Thích-ca Mâu-ni được tôn xưng là Phật, bởi danh từ
này vốn là do người Trung Hoa phiên âm từ tiếng Phạn là Buddha, có nghĩa là
“bậc giác ngộ”. Khi Phật giáo lần đầu tiên du nhập Việt Nam trực tiếp từ Ấn Độ
vào khoảng đầu Công nguyên, người Việt đã phiên âm danh xưng này là Bụt. Vì
thế, theo cách gọi của người Việt thì Bụt cũng chính là Phật, cho dù ảnh hưởng
lâu đời và rộng khắp của kinh điển chữ Hán đã làm cho danh xưng Phật ngày nay
trở thành phổ biến hơn.
Tiếp
đến, chân lý giác ngộ và phương pháp tu tập do Phật truyền dạy được gọi là
Pháp. Trong ý nghĩa đó, Pháp là phương tiện để chúng ta có thể thực hành theo đúng
và đạt đến sự giác ngộ, đạt đến sự giải thoát giống như Phật. Ngoài giáo pháp
của Phật, không còn có phương pháp nào khác có thể giúp chúng ta đạt đến sự
giải thoát rốt ráo, vì thế mà Pháp được tôn xưng là “ngôi báu thứ hai”, hay
Pháp bảo.
Những
người rời bỏ đời sống gia đình để dành trọn cuộc đời thực hành theo giáo pháp
của đức Phật, hướng đến sự giải thoát, sự giác ngộ, được gọi là chư tăng. Các
vị này cùng nhau tu tập trong một tập thể gọi là Tăng-già (do tiếng Phạn là
Sangha) hay Tăng đoàn. Trong sự tu tập của tự thân mình, chư tăng cũng nêu
gương sáng về việc làm đúng theo lời Phật dạy và truyền dạy những điều đó cho
nhiều người khác nữa. Vì vậy, các ngài được tôn xưng là “ngôi báu thứ ba”, hay
là Tăng bảo.
Như
vậy, Tam bảo hiểu theo nghĩa như trên là rất cụ thể, có thể thấy nghe nhận biết
bằng tri giác thông thường, và trong Phật học gọi khái niệm này là “Trụ thế Tam
bảo”. Cũng hiểu theo nghĩa này, chúng ta thấy là Tam bảo đã bắt đầu hiện diện
một cách cụ thể trên trái đất từ cách đây hơn 25 thế kỷ. Nhưng đức Phật
Thích-ca Mâu-ni sau 49 năm hoằng hóa trên khắp nước Ấn Độ, cuối cùng cũng đã
nhập Niết-bàn, không còn nhìn thấy được trong cõi đời này nữa, và vì thế mà
hình thức nối tiếp của Phật bảo là ngọc xá-lợi Phật để lại được mọi người thờ
kính, là hình tượng, tranh vẽ của Phật được tôn trí trong các chùa, hoặc được
Phật tử thờ tại gia... Bởi vì khi nhìn thấy và thờ kính những biểu tượng này,
chúng ta sẽ nhớ đến đức Phật Thích-ca Mâu-ni, người đã khai sáng và truyền dạy
giáo pháp dẫn đến sự giác ngộ.
Về
Pháp bảo, khi đức Phật đã nhập Niết-bàn thì không ai đảm bảo có thể lưu truyền
được tất cả những lời ngài đã truyền dạy, cho dù mỗi vị đệ tử của ngài có thể
nhớ được rất nhiều. Vì thế, sau đó một thời gian chư tăng đã cùng nhau họp lại
để ghi chép tất cả những gì đức Phật thuyết giảng mà họ còn nhớ được. Sự ghi
chép tập thể này được gọi là “kết tập kinh điển”, và là cơ sở đầu tiên để hình
thành Tam tạng kinh điển của Phật giáo, thường được biết nhiều hơn với tên gọi là
Đại tạng kinh, bao gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Như vậy, sau 25 thế
kỷ, cho đến nay Pháp bảo vẫn được lưu truyền với dạng cụ thể là Đại tạng kinh
Phật giáo.
Về
Tăng bảo, chúng ta có sự truyền thừa nối tiếp trong suốt hơn 25 thế kỷ qua giữa
các thế hệ chư tăng, và Tăng đoàn ngày nay là sự nối tiếp của Tăng đoàn từ thời
đức Phật còn tại thế, bao gồm những người xuất gia dành trọn cuộc đời cho mục
đích tu tập và truyền dạy giáo pháp của đức Phật. Đó là ý nghĩa của Trụ thế Tam
bảo.
Nhưng
đức Phật còn dạy rằng, ngài không phải vị Phật duy nhất đạt đến sự giác ngộ.
Trong dòng thời gian từ vô thủy đến nay, con số 25 thế kỷ mà chúng ta được biết
chỉ là một hạt cát trong sa mạc, một giọt nước giữa biển khơi. Và vì thế, đức
Phật dạy rằng trong quá khứ trước ngài đã có vô số chư Phật, những người đạt
đến sự giác ngộ hoàn toàn như ngài. Và trong tương lai lâu xa, chắc chắn sẽ còn
có vô số những người tu tập theo đúng giáo pháp và giác ngộ thành Phật. Mặt
khác, Phật cũng dạy rằng không phải chỉ có riêng một cõi thế giới Ta-bà này là
nơi ta đang sống, mà nếu chúng ta có thể đi thật xa về phương đông, phương
tây... cho đến mười phương trong không gian, chúng ta sẽ còn gặp vô số các cõi
thế giới khác nữa. Những cõi thế giới ấy cũng có vô số các vị Phật đã và đang
thuyết giảng giáo pháp. Như vậy, Phật bảo không chỉ có đức Phật Thích-ca Mâu-ni
mà chúng ta được biết, mà còn là bao gồm hết thảy chư Phật trong mười phương ba
đời, những vị hoàn toàn giác ngộ và giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc của thế
gian. Và tất cả những giáo pháp do chư Phật truyền dạy đều được tôn xưng là
Pháp bảo, tất cả các vị tu tập theo giáo pháp xuất thế của chư Phật và đạt được
sự giải thoát khỏi mọi ràng buộc của đời sống thế tục đều được tôn xưng là Tăng
bảo.
Cách
hiểu Tam bảo theo nghĩa rộng hơn này được gọi là Xuất thế Tam bảo.
Cũng
theo giáo pháp của Phật, Tam bảo còn được hiểu theo một nghĩa sâu xa hơn nữa. Theo
cách hiểu này, đức Phật cũng là một con người, nhưng là một con người đã hoàn
toàn giác ngộ. Và do đó, ngài dạy rằng tất cả chúng sanh đều có thể tu tập để
đạt đến sự giác ngộ như ngài. Hay nói khác đi, mỗi chúng sanh đều sẵn có Phật
tánh, chỉ vì không chịu tu tập theo đúng chánh pháp nên không thể đạt đến giác
ngộ. Phật tánh hay khả năng giác ngộ của mỗi chúng sanh và của chư Phật đều là
bình đẳng như nhau không sai khác, nên gọi đây là Đồng thể Phật bảo. Các pháp
cũng có thể tánh bình đẳng như nhau không sai khác, đều là pháp giải thoát, chỉ
do chúng sanh mê muội không nhận ra thực tánh của muôn pháp nên mới phải dựng bày
các phương tiện tu tập để đối trị, theo ý nghĩa này mà gọi là Đồng thể Pháp
bảo. Phật và chúng sanh vốn đã đồng một thể tánh giác ngộ, nên cũng đều sẵn có
bản chất hòa hợp thanh tịnh như Tăng-già, do đây mà gọi là Đồng thể Tăng bảo.
Như
vậy, ý nghĩa Đồng thể Tam bảo là xét về thể tánh tương đồng mà nói, và sự tương
đồng về thể tánh đó chính là nền tảng căn bản để tất cả chúng sanh đều có thể
phát tâm tu tập theo chánh đạo và đạt đến sự giải thoát rốt ráo. Vì thế, người
phát tâm tu tập trước hết phải tự tin vào thể tánh thanh tịnh sáng suốt vốn có,
hay nói khác đi là khả năng có thể tu chứng thành Phật của chính mình. Theo ý
nghĩa này mà nói thì đây cũng gọi là Tự tánh Phật. Quá trình tu tập luôn nhận
rõ được thực tánh của các pháp, thấy tất cả pháp đều là pháp giải thoát, nên
gọi là Tự tánh Pháp. Bản thân mình dù chưa tu chưa chứng vẫn biết là sẵn có hạt
giống Bồ-đề, sẵn có tự tánh thanh tịnh, cũng đồng với chư tăng, nên gọi là Tự
tánh Tăng.
Tự
tánh Tam bảo là nhận thức thiết yếu để xác lập niềm tin và ý chí tu tập đạt đến
giải thoát, nhưng ý nghĩa này không hề tương phản hay che mờ các ý nghĩa đã nói
trên. Vì vậy, người đến chùa tìm hiểu về Tam bảo thì trước hết phải hiểu đúng
và đầy đủ về Trụ thế Tam bảo. Sau đó, khi niềm tin đã vững chắc mới có thể hiểu
rõ được ý nghĩa Xuất thế Tam bảo, bởi khái niệm này chỉ có thể lấy đức tin và
trí tuệ mà nhận hiểu, chứ không thể dùng các giác quan thông thường để thấy
nghe nhận biết. Còn khái niệm Đồng thể Tam bảo hay Tự tánh Tam bảo lại chỉ có
thể thực sự nhận hiểu được thông qua sự hành trì thực tế, sự thực hành, trải
nghiệm các giáo pháp do Phật truyền dạy. Nếu người không có sự hành trì thực
tế, khi nghe nói đến khái niệm này sẽ cảm thấy rất là trừu tượng, khó nắm bắt.
Ngày
nay không ít người vì muốn tỏ rõ sự uyên bác, học nhiều hiểu rộng của mình mà
nêu lên tất cả những khái niệm này, nhưng kèm theo đó lại không hiểu được rằng
mỗi một khái niệm chỉ thích hợp với một mức độ hiểu biết, lòng tin và sự hành
trì thực tiễn. Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ thấy là tuy có những khái
niệm khác nhau nhưng lại hoàn toàn không có gì mâu thuẫn mà chỉ là sự mở rộng
cho phù hợp với từng trình độ tiếp nhận khác nhau mà thôi.
Trong
thực tế, mỗi chúng ta đều có thể tự mình nhận thức được ý nghĩa của Tam bảo qua
sự tiếp xúc với đạo Phật. Khi chúng ta về chùa dâng hương cúng Phật, chúng ta
đem hết sự thành kính trong tâm hồn để lễ lạy trước điện Phật. Sự thành tâm
thành ý đó giúp cho ta cảm nhận được một sự giao cảm thiêng liêng với chư Phật,
làm cho tâm hồn ta trở nên nhẹ nhàng, thư thái, và ngay trong lúc ấy được thoát
khỏi mọi sự hệ lụy, trói buộc của đời sống trần tục. Hình tượng thiêng liêng
của chư Phật có thể giúp chúng ta hướng về để đạt được sự thanh thản trong tâm
hồn, nên chúng ta tôn xưng đó là Phật bảo.
Bên
cạnh đó, khi chúng ta được nghe hiểu giáo pháp của Phật, thông qua kinh điển và
sự truyền dạy của chư tăng, chúng ta có thể có được một nhận thức đúng đắn hơn
về đời sống, và biết được là có những phương thức để đạt đến sự an lạc, hạnh
phúc chân thật trong đời sống. Khi chúng ta thực hành theo đúng những phương
thức đó, chúng ta đạt được những giá trị tinh thần cao quý, làm thay đổi đời
sống của chúng ta theo hướng tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Do những kết quả quý
giá này có được từ việc thực hành theo giáo pháp, nên chúng ta tôn xưng đó là
Pháp bảo.
Mặt
khác, ý nghĩa của kinh điển và lời dạy của chư tăng dù sao cũng chỉ mang tính
chất lý thuyết, nên sự diễn giải và thực hành theo đó tất yếu phải có phần khó khăn
và đôi khi có thể bị sai lệch. Vì thế mà chúng ta thường phải nhìn vào đời sống
của chư tăng như một sự minh họa sống động cho những gì học được từ giáo lý.
Nhờ có chư tăng, chúng ta dễ dàng phát khởi niềm tin mạnh mẽ vào giáo pháp, vì
thấy rằng các vị đã thực hành theo đó và đã đạt được sự an lạc, giải thoát. Hơn
thế nữa, bằng vào sự thực hành, chư tăng còn có khả năng dẫn dắt, giúp ta giải
quyết những vướng mắc, những điều khó hiểu trong giáo lý. Do vai trò dẫn dắt
lớn lao và đáng tôn kính như thế, chúng ta tôn xưng đó là Tăng
bảo.
Từ
Tam bảo đến Tam quy...
Tam
quy, hay Tam quy y, hiểu một cách đơn giản nhất là “quy y Tam bảo”, trong đó
khái niệm quy y được hiểu là “quay về nương theo”. Như vậy, suy rộng ra chúng
ta sẽ hiểu được rằng quy y Phật nghĩa là quay về nương theo Phật, quy y Pháp là
quay về nương theo Pháp, và quy y Tăng là quay về nương theo Tăng.
Nhưng
thế nào gọi là quay về nương theo? Như trên đã nói, thể tánh thanh tịnh hay khả
năng giác ngộ luôn sẵn có trong mỗi chúng ta, chỉ vì mê lầm không hiểu biết nên
mới chạy theo những dục vọng tham lam và tạo nhiều ác nghiệp, để đến nỗi phải
chìm đắm trong vòng sinh tử luân hồi. Đức Phật là bậc giác ngộ đã nhận rõ và
chỉ ra điều đó. Tuy bản thân chúng ta chưa giác ngộ, nhưng nhờ tin theo Phật,
học theo giáo pháp của Phật, noi theo gương sáng hành trì của chư tăng, nên có
thể nhận biết được con đường đúng đắn để quay về, nhận lấy thể tánh thanh tịnh
và tu tập để làm hiển lộ khả năng giác ngộ vốn có của chính mình. Vì thế mà gọi
là quay về nương theo.
Như
vậy, theo từng cách hiểu về Tam bảo, chúng ta cũng có những cách hiểu tương ứng
về quy y Tam bảo.
Theo
ý nghĩa Trụ thế Tam bảo, chúng ta quy y Phật tức là quay về nương theo đức Phật
Thích-ca Mâu-ni, thờ kính và lễ lạy hình tượng ngài ở các chùa tháp và cũng
thiết lập bàn thờ Phật ở nhà. Khi chúng ta thờ kính hình tượng ngài, chúng ta
nhớ đến sự đản sanh và giác ngộ của ngài đã mang lại cho thế gian này một con
đường chân chánh để noi theo và đạt đến sự giải thoát, và cụ thể hơn là sự giảm
nhẹ những khổ đau trong cuộc sống hằng ngày.
Ngoài
ra, chúng ta cũng đặt niềm tin và thờ kính những vị Phật mà đức Phật Thích-ca
Mâu-ni đã từng thuyết dạy, chẳng hạn như Phật A-di-đà, Phật Dược Sư, Phật Di Lặc...
Chúng ta tin vào chư Phật trong mười phương ba đời đều là những bậc giác ngộ,
đều truyền dạy giáo pháp giải thoát không khác với đức Phật Thích-ca Mâu-ni, và
như vậy có nghĩa là ta đã quy y Phật theo nghĩa Xuất thế Tam bảo.
Khi
chúng ta thực hành sâu vững giáo pháp của đức Phật, chúng ta sẽ tự tin vào khả
năng giác ngộ của chính mình, nghĩa là tự tin vào Phật tánh ở trong ta. Do sự
quy y này mà chúng ta luôn hướng mọi hành động, lời nói và việc làm của mình về
sự tu tập để đạt đến giải thoát rốt ráo. Như vậy có nghĩa là quy y với Đồng thể
Tam bảo hay Tự tánh Tam bảo.
Khi
đã quy y Phật, ta học hiểu và tin nhận những giáo pháp do ngài truyền dạy, được
lưu truyền trong kinh điển và được chư tăng giảng giải. Trong ý nghĩa đó, ta
quy y Pháp. Khi đã quy y Pháp, ta tôn kính và noi theo gương sáng của chư tăng
là những người dành trọn cuộc đời để thực hành giáo pháp của đức Phật, và luôn
sẵn lòng dẫn dắt chúng ta trên con đường tu tập. Trong ý nghĩa đó, chúng ta quy
y Tăng.
Xuất
phát từ những ý nghĩa trên, khi đã quy y Phật thì chúng ta không quy y bất kỳ
một đấng linh thiêng hay quyền năng nào khác, trong Phật giáo gọi chung là “thiên,
thần, quỷ, vật”. Bởi vì chúng ta tin chắc rằng chỉ có Phật là đấng giác ngộ
hoàn toàn, đã đạt đến sự giải thoát rốt ráo, là đấng duy nhất có đủ trí tuệ
sáng suốt để chúng ta nương theo và có thể đạt đến sự giải thoát rốt ráo như
ngài. Khi thực sự đặt niềm tin và quy y Phật, chúng ta hiểu rằng tất cả những
đối tượng như trời, thần, quỷ, vật... cũng chỉ là những dạng khác nhau của
chúng sanh trong cõi luân hồi, cho dù có được quyền lực thần biến hay sức mạnh
vạn năng thì cũng không phải là cứu cánh có thể giúp ta vượt thoát sinh tử,
giảm nhẹ và triệt tiêu những khổ đau trong đời sống.
Tương
tự, khi chúng ta đã quy y Pháp thì không quy y theo bất cứ một giáo pháp nào khác
ngoài chánh pháp do Phật truyền dạy. Trong Phật giáo gọi chung là “tà ma, ngoại
đạo”. Bởi vì, qua học hiểu và thực hành chánh pháp do Phật truyền dạy, chúng ta
biết chắc rằng chỉ có giáo pháp do Phật truyền dạy là giáo pháp duy nhất có thể
giúp chúng ta nương theo, thực hành theo để đạt đến sự giải thoát mọi ràng
buộc, làm giảm nhẹ và triệt tiêu được những khổ đau trong đời sống.
Khi
đã quy y Tăng, chúng ta không quy y với bất cứ tập thể, phe nhóm xấu ác nào.
Trong Phật giáo gọi chung là “tổn hữu, ác đảng”. Bởi vì chúng ta thấy rõ được rằng,
chỉ có Tăng-già, những người trọn đời thực hành theo lời Phật dạy, mới xứng
đáng là chỗ để chúng ta nương dựa, noi theo.
Khi
đã thực sự quy y Tam bảo theo đúng nghĩa như trên, chúng ta sẽ cảm thấy rất
vững chãi, tự tin trong cuộc sống, bởi vì nhờ có Phật pháp, ta hiểu được nguyên
nhân và kết quả của những việc làm thiện hoặc ác trong đời sống. Khi đối mặt
với những khó khăn tất yếu trong đời sống, chúng ta có đủ sức mạnh tinh thần và
nhận thức đúng đắn để tiếp nhận và vượt qua.
Nhưng
vì sao phải xác định một cách chắc chắn rằng “quy y Phật trọn đời không quy y
thiên thần quỷ vật, quy y Pháp trọn đời không quy y tà ma ngoại đạo, quy y Tăng
trọn đời không quy y tổn hữu ác đảng”? Nhiều người trong chúng ta có thể sẽ nảy
sinh sự thắc mắc này, bởi chúng ta nhận thấy không chỉ có đạo Phật là tôn giáo,
tín ngưỡng duy nhất; không chỉ có giáo pháp của Phật là duy nhất hướng đến sự
tốt đẹp trong đời sống; và cũng không phải duy nhất chỉ có Tăng đoàn Phật giáo
là những vị có đạo đức đáng kính trọng, noi theo.
Trong
thực tế, ta thấy có hàng triệu người trên thế giới này tin theo các tôn giáo,
tín ngưỡng khác, và họ luôn đặt niềm tin vào vị giáo chủ của mình, rồi từ đó
tìm được những chỗ dựa tinh thần vững chắc trong đời sống. Cũng trong thực tế,
giáo lý do các tôn giáo khác truyền dạy cũng hướng đến một đời sống đạo đức,
tốt đẹp hơn, giúp con người biết yêu thương và sống hòa hợp với nhau hơn... Và
trong thực tế có rất nhiều tu sĩ của các tôn giáo khác cũng thực hành đời sống
tâm linh tốt đẹp, luôn nêu gương sáng về đạo đức trong xã hội...
Khi
chúng ta hướng đến một cuộc sống đạo đức, tốt đẹp hơn trong thế giới này, chúng
ta có thể tìm thấy những lời khuyên như vậy trong giáo lý của hầu hết các tôn giáo.
Và đó chính là lý do vì sao nhân loại từ xưa đến nay vẫn chấp nhận sự tồn tại
đồng thời của rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Mỗi một tôn giáo, tín
ngưỡng đều có sự đáp ứng thích đáng cho nhu cầu tâm linh cũng như giúp cho tín
đồ có một đời sống đạo đức, tốt đẹp hơn.
Có
người so sánh ý nghĩa tinh thần của việc tin theo các tôn giáo khác nhau cũng
giống như ý nghĩa vật chất của việc ăn các món ăn khác nhau. Chẳng hạn như
chúng ta có thể ăn cơm Việt, cơm Tàu, cơm Tây, cơm Ý... đều có thể no bụng. Vì
thế, người thích cơm Việt không thể nói là cơm Tàu, cơm Tây hay cơm Ý không
ngon, vì trong thực tế vẫn có những người khác thích ăn những loại cơm này hơn
cơm Việt. Sự so sánh này là hoàn toàn chính xác trong ý nghĩa vừa nêu trên, bởi
hầu hết các tôn giáo đều có thể giúp chúng ta có được một cuộc sống đạo đức,
tốt đẹp hơn, yêu thương và chia sẻ nhau để làm cho cuộc đời này trở nên tươi
đẹp hơn.
Nhưng
giáo pháp do đức Phật truyền dạy là giáo pháp duy nhất không dừng lại ở mức độ
ấy, mà hướng đến một sự giải thoát rốt ráo, một sự giác ngộ hoàn toàn để có thể
chấm dứt mọi khổ đau trong đời sống. Vì thế, giáo lý cơ bản của đạo Phật trước
hết chỉ ra tất cả những khổ đau và nguyên nhân của chúng trong cuộc sống này,
sau đó mới bàn đến những phương thức để chấm dứt tận gốc những khổ đau và đạt
đến sự giải thoát rốt ráo. Giáo lý cơ bản này được đức Phật giảng dạy ngay
trong lần thuyết pháp đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều-trần-như (những vị đệ tử
đầu tiên, cũng là những người hình thành Tăng đoàn đầu tiên), được gọi tên là
Tứ diệu đế, nghĩa là 4 chân lý mầu nhiệm. Chúng bao gồm Khổ đế (chân lý về khổ
đau), Tập đế (chân lý về những nguyên nhân, sự phát sinh của khổ đau), Diệt đế
(chân lý về sự chấm dứt khổ đau) và Đạo đế (chân lý về những phương thức, con đường
dẫn đến sự chấm dứt khổ đau). Trong một dịp nào đó, hy vọng chúng ta sẽ có thể
bàn sâu hơn về bốn chân lý này.
Dưới
mắt nhìn của người đã thấu rõ 4 chân lý nói trên, thì ngay cả khi bạn có một
đời sống vật chất giàu có, sung túc, hoặc một cuộc sống an nhàn, thảnh thơi không
lo nghĩ, bạn vẫn không thoát ra ngoài vòng khổ đau. Bởi vì có 4 nỗi khổ lớn
nhất vẫn luôn đeo đuổi và bao trùm lên cuộc đời của bạn. Đó là những nỗi khổ
khi sinh ra, già yếu đi, bệnh tật và cuối cùng là cái chết (sinh, lão, bệnh,
tử).
Trong
giáo pháp của đức Phật, chúng ta tìm thấy rất nhiều phương thức tu tập khác
nhau (thường gọi là các pháp môn) thích hợp với nhiều trình độ, nhiều tầng lớp
xã hội khác nhau. Nhưng nói chung thì tất cả các pháp môn đều hướng đến sự giải
thoát rốt ráo chứ không chỉ dừng lại ở một đời sống an nhàn thảnh thơi hay tạm
thời xoa dịu những khổ đau trong cuộc sống.
Mặt
khác, đức Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn và danh xưng Phật (佛) trước hết chỉ
là nói lên một sự thật, bởi đây là phiên âm của từ Buddha trong Phạn ngữ có nghĩa
là “đấng giác ngộ”. Đức Phật truyền dạy chánh pháp và dẫn dắt những tín đồ tin
theo ngài đi đến chỗ giác ngộ mà chưa từng tự xem mình như một vị giáo chủ.
Nhưng nếu chúng ta xem ngài như một vị giáo chủ trong ý nghĩa là người khai
sáng ra đạo Phật, thì ngài là vị giáo chủ duy nhất đã tuyên bố rằng tất cả tín
đồ, hay nói rộng ra và chính xác hơn là tất cả chúng sanh, đều có khả năng tu
tập để đạt đến giác ngộ hoàn toàn, thành Phật giống như ngài. Tín đồ của các
tôn giáo khác chỉ có thể tin vào sự cứu rỗi của đấng giáo chủ chứ không bao giờ
dám nghĩ đến việc tự mình có thể trở nên ngang hàng với đấng giáo chủ của họ. Hơn
thế nữa, đức Phật xác định rằng sự giác ngộ hoàn toàn để thành Phật không phải
là một kết quả dựa vào bất cứ ai khác, mà chính là do những nỗ lực tu tập của
tự thân theo đúng với chánh pháp đã được Phật truyền dạy. Và như vậy, đây là một
tiến trình hoàn toàn hợp lý và mang tính khoa học, có thể được chứng nghiệm
từng bước trong suốt quá trình thực hành theo chánh pháp.
Do
những ý nghĩa trên và còn nhiều ý nghĩa khác nữa mà chúng ta sẽ có dịp bàn đến
sau này, nên một khi chúng ta đã hiểu đúng chánh pháp và quay về nương theo Phật,
Pháp, Tăng, chúng ta sẽ không còn có thể nương theo bất cứ đấng giáo chủ hay
giáo pháp nào khác. Cũng giống như người đã chọn được con đường lớn và quang
đãng dẫn đến nơi mình mong muốn, người ấy không thể nào từ bỏ để đi theo những
con đường mòn nhỏ hẹp. Bởi người ấy thấy rõ rằng, cho dù những con đường khác
cũng nhắm về một hướng như đường lớn, nhưng nó chỉ dẫn họ đến một vị trí nhất
định nào đó mà không thực sự có thể đưa họ đến đích.
Trong
thực tế, có 2 hình thức quy y Tam bảo khác nhau mà chúng ta cũng nên bàn đến ở
đây. Hình thức thứ nhất được gọi là Tùy tha ý quy y, nghĩa là người quy y không
tự mình phát khởi tâm nguyện quy y, mà do một người khác dẫn dắt, hướng dẫn
hoặc thậm chí là yêu cầu. Tiêu biểu cho hình thức quy y này là việc cha mẹ đưa
con cái đến chùa quy y Tam bảo (thường là từ khi còn rất nhỏ), hay vợ hoặc
chồng khuyên bảo người bạn đời của mình quy y Tam bảo... Trong trường hợp này,
người quy y thường chưa hiểu rõ hoặc chưa đủ khả năng để hiểu rõ ý nghĩa việc
quy y Tam bảo như trên, và do đó có những hạn chế tất yếu về mặt tinh thần cũng
như sự thực hành giáo pháp. Tuy nhiên, hình thức này có ưu điểm lớn là tạo được
một nhân duyên tốt cho người quy y, ngay cả khi các yếu tố tự thân của họ chưa
đủ để dẫn đến việc quy y. Người dẫn dắt việc quy y thường là người có trách
nhiệm và gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần của người quy y, nên sau khi
quy y rồi họ sẽ tiếp tục nâng đỡ, dắt dẫn cho đến khi người quy y có thể tự
mình hiểu rõ được ý nghĩa chân chánh của việc quy y Tam bảo.
Hình
thức thứ hai là Tự quy y, nghĩa là tự mình phát khởi tâm nguyện quy y Tam bảo
mà không do bất cứ ai khác thúc đẩy, yêu cầu hay ép buộc. Vì là tự mình phát
khởi tâm nguyện quy y Tam bảo, nên thường là xuất phát từ sự hiểu rõ được ý
nghĩa chân chánh của việc quy y Tam bảo và quyết định quy y. Tuy nhiên, cũng có
không ít trường hợp người tự nguyện quy y Tam bảo có hiểu được một phần nào đó
nhưng chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa chân chánh của việc quy y, do chưa được
giảng giải và cũng chưa tự mình tìm hiểu thấu đáo. Những người này cần phải cố
gắng tìm hiểu về ý nghĩa chân chánh của việc quy y Tam bảo thì việc quy y mới
có thể thực sự mang lại những lợi ích lớn lao cho đời sống của họ.
Việc
quy y Tam bảo không phải là một việc làm nhất thời, mà nó có tính cách như một
cam kết nền tảng để khởi đầu cho những chuyển biến trong tự thân chúng ta. Khi
đã thực sự quy y Tam bảo thì mọi hành động, lời nói hay ý nghĩ của chúng ta sẽ
không còn buông thả theo thói quen từ trước đến nay nữa, mà nhất nhất đều phải
hướng theo những lời Phật dạy, nghĩa là noi theo kinh điển và sự dẫn dắt của
chư tăng.
Sự
chuyển biến hướng thiện đó cần phải được thể hiện một cách cụ thể qua việc học
hiểu và thọ trì Ngũ giới, tức là 5 giới căn bản do đức Phật truyền dạy, có công
năng giúp chúng ta sống một đời sống đúng theo chánh pháp và tạo được nhiều
thiện nghiệp, là yếu tố quyết định trước nhất để có thể có được sự an lạc và
hạnh phúc chân thật. Trong một phần sau, chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về vấn đề này.
Y
pháp bất y nhân
Đây
là một nguyên tắc đã được nêu ra khá sớm, ngay từ thời đức Phật còn tại thế.
Trong giai đoạn hiện nay, nguyên tắc này càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong việc
xác lập niềm tin vào Tam bảo.
Thế
nào là y pháp bất y nhân? Nói một cách đơn giản, đó là chúng ta đặt niềm tin và
làm theo chánh pháp và không tin theo bất cứ ai nói hoặc làm sai chánh pháp.
Chánh
pháp do đức Phật truyền dạy, trước hết là những chân lý giúp ta nhận thức đúng
về mọi sự việc, hiện tượng trong đời sống, và những nguyên tắc hay phương thức
sống thiết thực, có thể vận dụng vào cuộc sống hằng ngày để đạt được những kết
quả cụ thể trong việc hoàn thiện cuộc sống, làm giảm nhẹ và triệt tiêu những
khổ đau vốn có trong đời sống. Những chân lý và nguyên tắc hay phương thức ấy được
ghi chép trong kinh điển và được chư tăng giảng giải, lưu truyền từ thế hệ này
sang thế hệ khác.
Nhưng
một vấn đề không mong muốn có thể xảy ra, đó là có những người tự nhận rằng
mình truyền dạy chánh pháp của đức Phật, nhưng bản thân lại không có sự thực hành
đúng theo chánh pháp, và do đó cũng dẫn đến một hệ quả tất yếu là thường giảng
giải sai lệch về chánh pháp.
Trong
trường hợp này, nguyên tắc y pháp bất y nhân có ý nghĩa giúp ta giữ vững được
niềm tin vào chánh pháp mà không để cho sự sai trái của một vài cá nhân nào đó
làm ảnh hưởng đến niềm tin của mình. Bởi vì, những việc làm sai trái hoặc những
lời giảng giải không đúng chánh pháp của một cá nhân xét cho cùng chỉ là sự sai
lầm của riêng cá nhân đó, không liên quan gì đến chánh pháp do Phật truyền dạy.
Lấy
một ví dụ đơn giản, như có người khuyên ta không nên uống rượu, nhưng bản thân
người ấy lại sáng say chiều xỉn, không có được một cuộc sống nghiêm túc. Trong
trường hợp này, chúng ta cần phân biệt hai khía cạnh tách biệt của vấn đề.
Trước hết, lời khuyên do người ấy đưa ra là một lời khuyên tốt, đáng để chúng
ta nghe theo. Thứ hai, mặc dù tư cách của người ấy không xứng đáng chút nào với
lời khuyên tốt đẹp mà ông ta đưa ra cho người khác, nhưng điều đó hoàn toàn
không làm mất đi tính chất tốt đẹp của lời khuyên. Vì vậy, trong trường hợp
này, nghe theo lời khuyên của ông ta là y pháp, và không noi theo việc làm của
ông ta là bất y nhân. Mặt khác, vì xét thấy lời khuyên của ông ta là đúng đắn,
tốt đẹp nên chúng ta tin theo, như vậy là y pháp; dù tư cách của ông ta không
xứng đáng với lời khuyên, nhưng chúng ta vẫn không để điều đó làm ảnh hưởng đến
niềm tin của ta vào lời khuyên tốt đẹp ấy, như vậy là bất y nhân.
Trong
môi trường sống khá phức tạp ngày nay, chúng ta không phải lúc nào cũng được
tiếp xúc với những con người tốt đẹp, hướng thượng, mà còn có cả những con người
nhỏ nhen, ích kỷ và nhận thức cũng như hành động đều sai lầm. Một đôi khi,
những người này cũng đứng trong hàng ngũ truyền dạy giáo pháp của đức Phật.
Chúng ta không nên ghét bỏ, mà trái lại cần phải thương xót những con người tội
nghiệp này, vì họ không thực hành theo đúng chánh pháp của đức Phật nên chắc
chắn là họ không thể có được một đời sống an lạc và hạnh phúc chân thật. Tuy
nhiên, chúng ta cần tỉnh táo nhận biết để không đặt niềm tin và làm theo những
người như thế. Mặt khác, ta cũng không thể vì sự sai trái của những cá nhân ấy
mà đánh mất niềm tin vào chánh pháp, hay nói chung là vào Tam bảo.
Tất
nhiên, một câu hỏi có thể được nêu ra ở đây là: làm thế nào để xác định được
đâu là chánh pháp do Phật truyền dạy và đâu là sự giảng giải sai lệch của một cá
nhân? Trong vấn đề này, những sự sai lệch lớn lao về mặt giáo lý thường có thể
dễ dàng nhận ra nhờ vào một phần giáo lý gọi là Tam pháp ấn. Giáo lý này được
Phật thuyết dạy nhằm giúp chúng ta dựa vào đó mà phân biệt được những kinh điển
nào là thực sự do Phật thuyết, và những kinh điển nào có thể là sai lệch, không
phải do Phật thuyết. Tam pháp ấn có thể được hiểu một cách đơn giản là 3 yếu
tố, 3 ý nghĩa xuyên suốt có khả năng giúp ta xác định, tin chắc được một phần
giáo lý nào đó là do chính đức Phật thuyết dạy. Theo đó thì tất cả kinh điển do
Phật thuyết dạy đều phải có sự hiện diện của 3 ý nghĩa gọi là Tam pháp ấn này,
và cũng không thể có những ý nghĩa đi ngược lại, mâu thuẫn với Tam pháp ấn. Ba
ý nghĩa này được kể ra cụ thể là: chư hành vô thường, chư pháp vô ngã và
Niết-bàn tịch tĩnh. Tuy nhiên, sự phân biệt theo Tam pháp ấn là thuộc về phần
giáo lý bậc cao và có thể là khá phức tạp, khó hiểu đối với nhiều người trong
chúng ta. Mặt khác, những sai lệch thường gặp trong thực tế có thể dựa vào một
số yếu tố để nhận ra mà chưa cần thiết phải dùng đến Tam pháp ấn.
Trước
hết, chúng ta có thể dựa vào một nguyên tắc chung gọi là “ngôn hành hợp nhất”
để đánh giá về sự thuyết dạy của một người nào đó. Nguyên tắc này nói lên rằng,
nếu một người thuyết giảng chánh pháp, thì lời nói và việc làm của người đó
phải đi đôi với nhau. Chẳng hạn, nếu một người thuyết dạy về những nguyên tắc
sống đơn giản, thì điều tất yếu là bản thân người đó không thể sống một cuộc
sống xa hoa với tất cả những tiện nghi mà nền văn minh hiện đại này có được.
Nguyên tắc này xuất phát từ một phương thức thuyết dạy trong Phật giáo được gọi
là “thân giáo”, nghĩa là dùng đời sống của chính bản thân mình để nêu gương
thuyết dạy người khác. Khi một người luôn nói ra những điều tốt đẹp nhưng bản
thân lại không thực hiện đúng theo những điều tốt đẹp ấy, xem như nguyên tắc
này không được đáp ứng, và chúng ta có thể bước đầu đặt ra sự hoài nghi, cảnh
giác đối với sự thuyết giảng của người ấy.
Nguyên
tắc thứ hai là nguyên tắc “nhất quán”. Nguyên tắc này nói lên rằng, khi một
người thuyết giảng chánh pháp thì tất cả những gì người ấy đã nói ra trước đây,
đang nói ra vào lúc này và sẽ nói ra trong tương lai, tại nơi này hoặc nơi
khác, hết thảy đều phải luôn luôn phù hợp, nhất quán với nhau, không thể có sự
mâu thuẫn, trái ngược. Chẳng hạn, khi một người thuyết dạy về đời sống chân
thật, khen ngợi sự chân thật trong cuộc sống, thì vào một lúc khác, tại một nơi
khác, người ấy không thể nói ra những điều trái ngược lại với ý nghĩa đó. Nếu
nguyên tắc này không được đáp ứng, chúng ta có thể đặt vấn đề hoài nghi, cảnh
giác đối với sự thuyết giảng của người ấy.
Nguyên
tắc thứ ba được gọi là nguyên tắc “chiêm nghiệm và so sánh”. Nguyên tắc này vận
dụng các phần giáo lý căn bản đã được học hiểu và thực hành ngay trong cuộc
sống của chúng ta để so sánh với những gì được nghe thuyết giảng. Tùy theo
trình độ của mỗi chúng ta, các phần giáo lý căn bản đó có thể là Tư diệu đế,
Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo, Lục Ba-la-mật... nhưng nói chung, khi chúng
ta đã được học hiểu và có sự thực hành, vận dụng một trong các phần giáo lý này
vào cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ tự có được sự chiêm nghiệm của bản thân,
sẽ tự rút ra được ý nghĩa đích thực của phần giáo lý đó. Vì vậy, khi một người
thuyết giảng chánh pháp mà nói ra những điều không phù hợp với những gì chúng
ta đã học, đã hiểu, đã hành trì, thì chúng ta có thể cần phải đặt ra sự hoài
nghi cảnh giác đối với sự thuyết giảng của người ấy.
Trên
cương vị của một người học Phật, chúng ta chỉ nên vận dụng 3 nguyên tắc trên để
đặt ra sự hoài nghi và cảnh giác đối với sự thuyết giảng của một cá nhân, mà
không nên tiến đến chỗ tranh biện đúng sai với cá nhân ấy. Đó là vì những sự
tranh biện như thế không thực sự giúp ích được gì cho đời sống tinh thần của
chúng ta. Chúng ta chỉ cần tuân theo nguyên tắc “y pháp bất y nhân” do Phật
truyền dạy, tự mình tránh xa những gì nghi ngờ là không đúng chánh pháp mà
thôi. Còn việc xác định chắc chắn sự thuyết giảng của một cá nhân có phải là
sai lệch chánh pháp hay không, chúng ta nên dành lại cho các vị luận sư uyên
bác, những người có thể vận dụng phần giáo lý về Tam pháp ấn như đã nói trên để
bảo vệ chánh pháp.
Nguồn tin: (Theo Hoằng pháp)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự