Nói về đau khổ

Thứ sáu - 06/03/2009 08:17
Đau khổ - theo định nghĩa thông thường, chính là cái gì có tác động xấu đối với tiến trình tâm - sinh - vật lý của con người. Không ai lấy làm lạ khi nghe nói đến tiếng “khổ”, vì dường như con người ai ai cũng đều nếm qua mùi vị của nó.Khổ đau, do con người không muốn, vẫn cứ tồn tại như là điều bất di bất dịch từ ngàn xưa đến ngàn sau.Thật khó, khi phải kể hết ra các nỗi khổ trên thế gian, vì chúng vốn đa hình đa dạng. Chúng sinh đã biết đến khổ ngay từ khi lọt lòng mẹ, nên mới khóc tiếng khóc chào đời; rồi từ đó theo thời gian, khổ đau cứ chồng chất mãi thêm lên cho đến khi xuống mồ.

Lý tưởng cao nhất của nhân loại hôm nay là làm thế nào để giải quyết hai tiếng khổ đau. Tất cả thế giới đã và đang vận dụng toàn bộ trí thông minh của con người để củng cố tối đa những hạnh phúc và hạn chế tối đa những đau khổ bằng cách nghĩ ra vô số phát minh càng nhiều càng tốt. Con người chạy trốn đau khổ bằng mọi cách có được về vật chất. Nhưng, điều ấy chỉ giúp giải quyết khổ đau hời hợt ở trên bề mặt, nên càng lún sâu vào vòng khổ lụy; như người cầm ngọn đuốc chạy ngược gió, bị lửa táp vào mặt nóng bỏng, la khóc than vãn nhưng lại không chịu bỏ ngọn đuốc bởi lòng tiếc nuối ánh lửa tai hại ấy.

Ánh sáng phương tiện ấy, như tài, sắc, danh, lợi hay thất tình lục dục… đã cuốn con người trong vòng quay cuồng của khổ đau liên miên bất tận. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ nói về nỗi khổ của cuộc đời và quan niệm về khổ đau trong đạo Phật. Con người thường có thói quen nắm giữ trong tay mình càng nhiều thứ càng tốt, khi đã có cái sở hữu rồi thì chính con người lại bị nó sở hữu. Khi thế giới con người đạt đến những tiến bộ vật chất tột bậc, thì khổ đau lại bộc phát khắp nơi theo tỷ lệ nghịch; những căn bệnh lạ lùng cướp đi hàng loạt sinh mạng; những vụ khủng bố bạo tàn gieo rắc đau thương xảy ra từng ngày trên trái đất; những trận thiên tai, lũ lụt, động đất… Và những ngõ cụt tinh thần khiến biết bao tệ nạn xã hội như cứ tăng dần lên mãi.

Sự khổ đau, dù về sinh lý hay tâm lý luôn là một đề tài hết sức quan trọng của con người. Có thể nói rằng, mọi khổ đau đều là thứ kinh nghiệm về những mức độ và hình thức khác nhau của tất cả điều bất như ý. Còn nỗi đau sinh lý lại là những nhát cắt của phận người, để con người tìm mọi cách chống lại trong sự tuyệt vọng.

Thân xác sinh lý và tinh thần của mỗi người luôn tương quan mật thiết và ảnh hưởng qua lại với nhau theo quy luật của nó. Nỗi khổ đau của thân xác làm cho tinh thần suy sụp, và đau khổ tinh thần tác động lên thể xác ngược lại. Cô đơn cũng chính là một nỗi thống khổ của con người. Người ta thường thấy mình cô đơn, thực sự cô đơn ngay trong chính hình hài của mình. Vì thế, mỗi người thường tìm cách cố gắng để mình khỏi phải cô đơn.

Nhưng, phải nhìn nhận rằng, với mục đích đó, con người xem ra không thể đạt tới được. Họ có thể lập nhóm hoặc sinh hoạt tập thể, nhưng chỉ có chừng đó thôi. Khi cảm nghiệm thực sự về đời sống, con người vẫn thấy mình rất cô đơn-một nỗi cô đơn không cùng và toàn diện. Việc tìm kiếm một người hay một sự việc nào đó để giúp mình thoát khỏi niềm cô đơn quả là không thể. Càng muốn xa lánh và chạy trốn khổ đau thì khổ đau như càng tăng thêm lên, bởi ngay chính thái độ xa lánh và chạy trốn ấy cũng đã là nỗi khổ. Lấy một nỗi khổ khác từ bên trong đem chồng lên cái khổ đang có thành ra “khổ khổ”.

Cũng hiện diện ở cuộc đời song song với “khổ khổ” là “hoại khổ”. Hạnh phúc và lòng ham muốn hạnh phúc được xem như đồng nghĩa với “hoại khổ” này. Khi có được những trạng thái hạnh phúc mong manh, con người tham đắm và muốn ôm ấp, gìn giữ và duy trì nó mãi. Do lòng tham đắm nên đa phần đều sợ hãi hạnh phúc sẽ tuột khỏi tầm tay, từ đấy sống trong cảnh bất an, dao động. Và, rồi khi hạnh phúc ra đi theo định luật vô thường, để lại nỗi tiếc nuối muộn phiền triền miên không dứt.

Hạnh phúc đôi khi quá lâu cũng biến thành chán chường khổ đau. Như một người ăn một món ăn thấy rất ngon và hạnh phúc, nhưng thử ngồi ăn mãi cái món ấy vài giờ đồng hồ, rồi nó sẽ trở thành cái thứ đáng ghét. Cũng có thể đưa ra ở đây thêm một nỗi khổ dưới hình thức khác nhau mà phần đông con người thường kinh qua, ấy là “hành khổ”. Có những lúc con người thấy mình rơi vào một trạng thái trống không: Không vui, không buồn, vô vị, v.v…

Phần đông, chúng ta không chịu đựng nổi trạng thái trống không ấy, thế rồi ta đi tìm sự khỏa lấp nỗi trống trải kia bằng mọi cách. Chính sự lăng xăng tìm kiếm để khỏa lấp ấy tạo nên nỗi “hành khổ” này. Theo giáo Pháp của Đức Phật, thì đau khổ là một chân lý (Khổ đế). Con người, ai cũng phải chịu khổ đau do định luật nghiệp báo. Từ vô minh, chúng ta đã gieo biết bao nhiêu hành động (nhân) thiện và bất thiện để khi sinh ra đời chúng ta phải nhận những kết quả của những hành động quá khứ ấy.

Ngày nào mà ta vẫn còn trong vòng luân hồi thì ngày ấy ta còn phải chịu đựng đau khổ. Khổ đế được đề cập trong đạo Phật có thể được định nghĩa khái quát là: những biến đổi về sinh vật lý của cơ thể đưa đến đau nhức, suy nhược, bệnh hoạn, già yếu, tử vong…

- Những biến đổi các trạng thái tâm lý như thương, ghét, uất ức, sầu muộn, chán nản, hận thù, tuyệt vọng…

- Với nghĩa trừu tượng triết học thì cái gì khó chịu đựng, khó kham nhẫn, hư vô, ảo ảnh, khó nắm bắt, không thực tế, bất toại nguyện… đều là khổ đế.

Tìm hiểu kinh “Chuyển Pháp Luân”, chúng ta có thể rút ra được tám loại khổ ở “Khổ đế” hay mười hai, mười ba nỗi khổ ở “Tập đế” như: sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tằng hoại khổ, cầu bất đắc, thủ ngũ uẩn, sầu, bi, khổ, ưu, não.

Những lời dạy của đức Phật về khổ không hề mang ý nghĩa: đem lại cho chúng ta một thứ cảm giác sống “bi quan yếm thế” nào cả, mà là nhắm đến khả năng “hiểu biết như thực” về bản chất của cuộc đời.

Giáo pháp của đức Phật mang đến cho ta một tinh thần chủ đạo là dạy ta khám phá tất cả ý nghĩa của các sự thật đang hiện hữu. Nhờ hiểu biết và quan niệm cuộc đời theo tinh thần giáo pháp, mà giúp ta vứt bỏ những lớp ảo tưởng thành kiến, chặn đứng cái căn cội khổ đau của kiếp người và thấu suốt được bản chất của vạn hữu để có được một hướng đời độc lập.

Những Phật tử, khi đã hiểu biết tinh thần đúng đắn của Phật pháp, thay vì bị cuốn cuồng trong những nỗi khổ đau của kiếp người thì họ lại khéo léo, biết đối diện với thực tại để nhận ra bản chất đau khổ của cuộc đời. Thái độ ấy đã hàm dưỡng nguồn trí tuệ mà không một tôn giáo nào khác có thể có được.


Đức Phật dạy cho đệ tử của Ngài hạnh lắng nghe trung thực những khổ đau trong đời sống chứ không phải tạo thêm cho đời sống những khổ đau! Khi dạy về “Khổ đế”, đức Phật không hề khuyên bảo chúng ta tầm cầu và giữ lại một cảm nghiệm nào, mà thay vào đó là thái độ nhìn ngắm trực tiếp cái khổ, vì đau khổ là một thực thể không thể chối bỏ.

Giáo pháp của đức Phật còn cho ta biết thêm rằng bất cứ đau khổ nào cũng có nguyên nhân và khả năng chấm dứt. Đức Phật cũng dạy rằng, tất cả đau khổ cũng đều nằm trong quy luật vô thường, chúng xuất hiện rồi lại ra đi. Chúng ta, nếu biết trở về, ghi nhận mọi diễn tiến nơi hiện tiền đang là, thì sẽ dễ dàng cảm nhận được lời dạy ấy.

Chẳng hạn như: một thời gian khoảng 30 phút ngồi yên bất động, chúng ta cảm thấy khó chịu, rồi ta xét lấy nguyên nhân của cảm giác khó chịu đó. Khi hiểu được mình đang bị đau mỏi do ngồi lâu ta liền thay đổi oai nghi như đi, đứng, … nhờ vậy mà cảm thấy dễ chịu hơn.

Thế rồi, ngay trong chính oai nghi vừa được thay đổi này, vài mươi phút sau, ta lại thấy bất ổn như cũ. Nếu ghi nhận như thế, chúng ta đã có thể thấy được rằng mọi cảm giác của mình trong trong tiến trình vừa qua chỉ là những mảnh vụn chấp nối. Rồi chúng ta ghi nhận thêm điều khác rất quan trọng nữa: ta thấy mình “không muốn” bất an, mà chỉ “muốn” cái thoải mái. Như vậy, từng nỗi khổ kia thực ra chỉ là cảm giác thuần túy, vấn đề nằm ở chỗ là chúng ta có thái độ chối bỏ nó mà thôi. Về hạnh phúc (lạc thọ) cũng như vậy. Chính Thánh đế thứ hai (Tập đế) dạy cho ta biết rằng: Cội Nguồn Của Tất Cả Đau Khổ Chính Là Sự Không Sáng Suốt Và Lòng Ham Muốn.

Khổ đau là một sự thật của cuộc đời. Khi có hình hài, thì ai cũng phải chịu đau khổ dù là bậc thánh nhân hay phàm phu. Nhưng, bậc Thánh nhân và người có hiểu biết giáo pháp quan niệm nó chỉ là khổ thuần túy. Chính nhờ được trang bị bằng nguồn kiến thức của giáo pháp như thế, nên sự thấy biết của những người tu Phật không còn “tìm vui trốn khổ” một cách nông cạn nữa. Họ sử dụng “Khổ” để tìm đến phương trời tự do cho nội tâm, vượt lên tất cả giới hạn nhận thức theo phàm tình.

Theo tinh thần Đạo Phật, chúng ta phải vượt qua cả hai giới hạn: hạnh phúc và đau khổ. Quan niệm của Đạo Phật là thấu suốt tất cả cảm nghiệm, chứ không phải đầu tư vào bất cứ cảm nghiệm nào. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, và sự thật về đời sống luôn là một điều hết sức thú vị và kỳ diệu. Nó đòi hỏi chúng ta phải hiểu rằng đời sống là cái gì đó cần được liễu tri trọn vẹn, chứ không phải chỉ đơn giản là một định phận buồn tẻ để chúng ta âm thầm chấp nhận vô điều kiện cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Bản chất của khổ đau là cái cần được nhìn thấy và hiểu biết-một khi sự hiểu biết đúng đắn theo tinh thần giáo Pháp đã phát sanh, chúng ta sẽ chấm dứt được ảo tượng. Khi Không Còn Ảo Tưởng, Lúc Ấy Ta Sẽ Không Còn Sợ Hãi.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây