ĐÁP:
Bạn
sauduaquy28… thân mến !
Bối
cảnh học đường hiện nay cùng với đặc điểm riêng về giáo trình của bộ môn lịch
sử đã góp phần khiến cho cả người dạy lẫn người học cảm thấy khô khan, không
mấy hứng thú với môn này. Nếu bạn đã từng chia sẻ những tâm sự này với đồng
nghiệp thì chắc chắn có sự đồng cảm. Vấn đề cải cách giáo trình môn sử đã được
các nhà chuyên môn lên tiếng từ khá lâu, nhưng đến nay xem ra chưa có sự chuyển
động đáng kể nào. Và kết quả tất nhiên là đa phần học sinh không thích thú với
môn học này.
Tuy
nhiên, đối với công việc dạy học đòi hỏi chúng ta phải yêu nghề, yêu trẻ, nhất
là phải phát huy sự sáng tạo để truyền cảm hứng thích thú môn học cho học trò.
Ngay đây, cần phải thể hiện cái tâm của người thầy. Nếu thấy học trò không mấy
thiết tha với môn học mà sanh tâm chán nản thì chưa tròn bổn phận, vì thiên
chức của nhà giáo là đem hết tâm trí và sức lực, trải lòng ra để mở mang tâm
thức học trò. Giảng dạy cho học trò bằng cả tấm lòng, bằng cái tâm nhiệt thành
hết mực với nghề, thì chắc chắn học trò sẽ cảm được cái tâm của mình mà chuyển
hóa, thú hướng với môn học hơn.
Dù
hoàn cảnh và điều kiện giáo dục hiện tại không làm cho ta vừa ý nhưng dù sao
vẫn hơn nhiều so với thời kỳ khó khăn trước đây. Những nhà giáo đàn anh của
chúng ta, trong hoàn cảnh khó khăn mà vẫn bám trụ, không chịu đổi nghề vì họ
biết sống với cái tâm, yêu nghề thực sự. Chúng tôi nghĩ rằng, bạn không cần tìm
một môi trường học đường ở nhà chùa hay một trung tâm xã hội hoặc từ thiện nào,
bởi ở đâu bản chất tinh nghịch hồn nhiên của học trò vẫn như nhau “nhất quỷ,
nhì ma, thứ ba học trò”. Điều quan trọng là không vội bi quan mà phải tư duy
thật nhiều để tìm ra phương cách truyền đạt thích hợp và hấp dẫn hơn, đây mới
chính là giải pháp thích đáng.
Theo
chúng tôi, môi trường học đường nào cũng cần đến năng lực trí tuệ và tâm cống
hiến của bạn, nên không cần phải đi tìm. Vấn đề là bạn có đem hết tâm nguyện và
năng lực để phụng hiến cho sự nghiệp trồng người hay không mà thôi.
Chúng
tôi được biết có một cô giáo Phật tử tên Định Ngọc dạy môn Giáo dục công dân
(một môn học cũng khá khô khan) ở trường PTTH Võ Thị Sáu (BìnhThạnh, TP.HCM) đã
khéo vận dụng những kinh nghiệm tu học như quán niệm, rải tâm từ, đề cao các
giá trị đạo đức nhân quả nghiệp báo nhằm xây dựng ý thức trách nhiệm công dân
cho học sinh. Trước khi vào học, cô giáo đã cho học sinh quán niệm bằng cách
đọc to về ba đề mục để chú tâm hơn: Cha mẹ cho tôi cơm ăn áo mặc và cuộc
sống/Thầy cô cho tôi chữ nghĩa và tri thức/Bản thân tôi phải tập trung học thật
tốt. Thật đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng, sau khi đọc xong thì lớp học trở nên
yên ắng, và hiệu quả học tập được cải thiện thấy rõ. Nhờ có phát kiến như thế
nên cô giáo này đã đoạt danh hiệu giáo viên xuất sắc năm 2008 tại trường Võ Thị
Sáu (Theo Tìm lại nguồn xưa, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2009, tr.112).
Với
hoàn cảnh hiện tại của bạn, bạn có suy nghĩ đến con đường đi tu, theo chúng tôi
rất cần thiết. Tuy nhiên, đi tu ở đây không phải xuất gia mà nên tham dự các
khóa tu cho Phật tử. Hiện nay có rất nhiều khóa tu mở thường xuyên, đặc biệt có
những khóa tu cho giới trẻ, sinh viên, giáo viên như bạn ở tu viện Bát Nhã (Bảo
Lộc, Lâm Đồng), khóa tu Phật thất chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP.HCM), khóa tu
thiền chùa Từ Tân (Tân Bình, TP.HCM) v.v… Bạn cần đến tham dự những khóa tu
này, trước để chuyển hóa những độc tố buồn chán, thực tập khả năng chánh niệm
để tăng cường kham nhẫn, khả năng làm chủ thân tâm, nuôi dưỡng và phát triển lòng
từ để yêu thương rộng lớn và nhất là được các bạn đồng tu soi sáng, chia sẻ
nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống.
Sau
khi tham dự khóa tu về, chúng tôi hy vọng bạn sẽ được tiếp thêm năng lượng tuệ
giác và yêu thương để tiếp tục dấn thân cho sự nghiệp trồng người với một tâm
thái mới.
Chúc
bạn tinh tấn và thành công!
Nguồn tin: theo Tổ tư vấn Báo Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự