Mới
nghe đơn giản quá nhưng xét kỹ, quí Phật tử sẽ thấy tất cả chúng ta sống trên
thế gian này, ai cũng than buồn than khổ, gốc tại cố chấp thôi, chớ không có gì
khác. Bây giờ muốn hết buồn, hết khổ thì chúng ta phải làm sao? Phải xả, phải
buông bỏ. Buông bỏ thì hết khổ. Như vậy quá giản đơn, quá tầm thường. Chỉ cần
quí Phật tử thực hiện được điều chúng tôi nhắc thì sẽ bớt khổ ngay trong cuộc
sống hiện tại này.
Lâu
nay chúng ta cố chấp những gì mà bây giờ phải buông xả? Trước hết là chúng ta
cố chấp những điều phải, quấy. Thường thường ở thế gian ai cũng nghĩ điều mình
nói, mình làm là phải nhưng người khác nói ngược lại, làm ngược lại thì cho là
người khác quấy. Mình phải họ quấy mà họ không chịu nghe, không chịu làm theo mình,
nên mình giận. Nhất là trong gia đình, cha mẹ thấy điều đó phải mà bảo con cháu
không chịu làm theo thì nhất định là giận. Mà giận là vui hay buồn? Giận là
buồn, buồn rồi khổ. Có một Phật tử nói với tôi thế này:
-
Con cháu của con bây giờ khó dạy quá!
Tôi
hỏi: - Sao đạo hữu nói khó dạy?
-
Thưa Thầy, mình là cha nó mình hớt tóc ngắn. Mình thấy hớt tóc ngắn dễ chịu,
mát mẻ. Bây giờ nó để tóc tới cổ mà rầy nó không chịu nghe. Nó còn nói: “Bây
giờ thanh niên ai cũng để tóc dài mà ba biểu hớt ngắn, giống ông già quá, sao
con làm được.” Chúng nó còn nhỏ mười chín, hai mươi tuổi mà đeo kính trắng,
mình rầy nó: “Bộ mày mù sao mà đeo kính?” Nó nói: “Ba không thấy sao, người trí
thức họ đeo kính trắng. Con lớp mười hai rồi, con trí thức rồi, con đeo kính
trắng có sao đâu.”
Đó,
ông than con cháu ngày nay dạy không được. Quí vị thấy thế nào? Bởi vì thường
lúc nào chúng ta cũng có cái nhìn theo quan niệm của mình. Quan niệm của mình
như vậy là phải, con cháu không chịu nghe theo thì mình giận, cho nó là quấy,
là con ngỗ nghịch, con bất hiếu v.v… Khi đã như vậy rồi thì gia đình còn đầm ấm
không, còn vui không? Tôi mới giải thích cho Phật tử đó nghe:
-
Đạo hữu nhớ như ở lứa tuổi của tôi, ông thân tôi hồi xưa để tóc bới có một củ
tỏi phía sau. Tới chừng lớp của tôi lớn lên thì hớt tóc, ông tôi không vui. Ông
nói bọn nhỏ văn minh quá, không có theo ông bà và dẫn sách Nho nói: “Thân thể
phát phu thọ ư phụ mẫu, bất thương cảm hiếu chi thỉ giả.” Nghĩa là râu tóc da
thịt này là nhận nơi cha mẹ, gìn giữ nó đừng cho thương tổn là cái hiếu đầu.
Bây giờ mình cạo nó là bất hiếu rồi. Như vậy ông già nhìn lại mình hớt tóc thì
ông già buồn, còn mình nhìn lại ông già thì thấy ông già lạc hậu phải không?
Thế thì ai đúng? Để tóc bới đúng hay hớt ngắn đúng? Nếu hai bên cứ cố chấp, ông
già nghĩ ông già đúng, người con nghĩ người con đúng thì gia đình có bình an
không? Chắc là bất an.
Chúng
ta phải hiểu thời xưa học theo Nho giáo thì để râu để tóc là phải. Nhưng thời
sau này khác hơn vì nước mình lệ thuộc Pháp, người Pháp đi làm việc hớt tóc
ngắn cho sạch sẽ mà mình cứ bảo như ông già để tóc, vậy thì lạc hậu mất rồi. Ở
lứa tuổi của mình ai chấp nhận như thế? Cho nên người cha phải thông cảm hoàn
cảnh của con, người con phải hiểu hoàn cảnh của cha. Hai bên thông cảm nhau đừng
cố chấp thì bớt khổ. Nếu cố chấp là nhất định khổ. Cha bất bình con, con bất
mãn cha, cứ như vậy sanh ra chuyện rối rắm trong gia đình.
Rồi
đến thời này mấy đứa nhỏ để tóc dài, có khi tới cổ thì mình không chấp nhận?
Mình để tóc ngắn mát mẻ, còn nó để dài lù xù nhưng nó lại thấy đẹp. Nếu đem cái
nhìn của người cha mà trách đứa con thì đứa con cũng nhìn lại người cha bằng
cặp mắt lạc hậu. Bây giờ phải xử làm sao? Thôi, ba muốn mát mẻ ba hớt ngắn, con
thích để dài cho đẹp thì con cứ để dài. Chuyện tóc tai, mỗi người mỗi sở thích riêng,
bắt nó giống mình sao được?
Quí
Phật tử nhớ, một lứa tuổi là qua một thế hệ khác nhau, không giống nhau được.
Không giống mà mình đem ý của mình, cái phải của mình áp đặt cho nó thì nó
không chịu. Mà không chịu thì sanh ra giận hờn, buồn trách, khổ sở. Vậy thì
muốn cho hết khổ mình đừng cố chấp, phải buông bỏ. Buông nghĩa là xả. Quan niệm
của con thì con làm, quan niệm của ba thì ba giữ. Phần ai nấy giữ, người này
đừng áp đặt người kia. Như thế chúng ta sống rất là thoải mái, nhẹ nhàng. Còn
nếu mình cố chấp thì sống bực hoài, lúc nào cũng bất như ý. Như nó thích mang
kính trắng thì để nó mang, mình không thích thì thôi. Chớ mình không thích mà
bắt nó theo mình sao được? Đó là quan niệm của mỗi người, miễn làm sao con biết
kính trọng, thương cha, cha thương con là đủ. Tình thương mới là quan trọng,
còn những cái bên ngoài đâu có quan trọng.
Vậy
mà nhiều người vì cố chấp hình thức bên ngoài làm cho mất hết tình nghĩa trong
gia đình, khiến cha con phiền muộn, vợ chồng không vui với nhau. Đó là tại cố
chấp. Quí Phật tử nghĩ mình xả bỏ, đừng cố chấp có bớt khổ không? Còn cố chấp
như câu chuyện tôi vừa kể khổ không? Lúc nào cũng buồn bực. Vì vậy cha mẹ nên thông
cảm với con, con thông cảm với cha mẹ. Mà muốn được thông cảm thì hai bên đều
xả, xả cái phải của mình thì thông cảm. Ngược lại, nếu không chịu xả, tự nhiên
là khổ.
Đó
là nói về lứa tuổi giữa người lớn và người trẻ. Còn nếu vợ chồng mà cố chấp thì
sao, có khổ không? Như bên phái nữ lâu nay quen rồi, nào là lọ tương, hũ tiêu,
hũ ớt v.v… Những cái nhỏ họ coi chừng từng chút để nấu nướng. Còn người đàn ông
đâu có để ý đến những thứ đó, mà họ nghĩ chuyện xã giao bên ngoài người này người
nọ. Cho nên người chồng vì xã giao bạn bè nhiều, thành ra chi phí hơi rộng.
Người phụ nữ chỉ lo chi tiết nhỏ trong nhà nên tiết kiệm, thấy chồng xài lớn
một chút thì càm ràm. Còn chồng thấy vợ keo kiệt, nhỏ nhít quá cũng không bằng
lòng. Như vậy vợ trách chồng lãng phí, chồng chê vợ keo kiệt. Đã thế thì gia
đình có vui không? Không bên nào bằng lòng bên nào hết! Vì ai cũng nghĩ mình
đúng.
Như
vậy nếu người vợ bắt người chồng phải theo ý của mình, ngược lại người chồng
bắt vợ phải theo ý của mình thì gia đình đó nhất định cãi lộn hoài. Nếu hai bên
chồng và vợ cảm thông nhau, người chồng nghĩ rằng cô ấy lo chuyện bếp núc cho
nên quen cái nhỏ nhặt, hũ tương, hũ ớt v.v… thành ra xài lớn cô không đồng ý
cũng phải. Còn vợ thông cảm cho chồng, bởi vì anh ấy làm bên ngoài, giao thiệp
kẻ này người nọ thì phải rộng rãi một chút người ta mới vui. Nếu bắt chồng hẹp
hòi quá thì bạn bè khi, không chơi với mình, như vậy tội nghiệp. Hai bên thông
cảm thì gia đình sống sẽ vui, không chống chọi nhau. Đó là tôi nói những việc
nhỏ thôi, còn những việc lớn khác nữa, quí vị nghiệm xét rồi thông cảm, hiểu
biết nhau đừng cố chấp, cố chấp thì khổ.
Như
vậy xả bỏ là tu, còn cố chấp là chưa biết tu. Thế gian do cố chấp nên người nào
cũng thấy sống trong gia đình không có hạnh phúc. Đã cố chấp thì làm sao hạnh
phúc được? Chồng chấp theo chồng, vợ chấp theo vợ, cha chấp theo cha, con chấp
theo con, thành ra không ai thông cảm ai. Mà không thông cảm thì tự nhiên là
phải buồn phải khổ. Bây giờ mỗi người tự xả bỏ cố chấp của mình để thông cảm với
những người thân thì tự nhiên gia đình an vui hạnh phúc. Đó là bước thứ nhất xả
chấp phải, chấp quấy theo quan niệm của mình.
Đến
thứ hai nữa là xả oán hờn. Người thế gian luôn luôn nghĩ ai làm trái ý mình thì
mình buồn, mình giận. Buồn giận nên bỏ liền hay nên giữ mãi? Có người thường
hay nói: “Con giận người đó hai, ba chục năm không quên.” Giận hai, ba chục năm
không quên thì nghe như khẳng khái lắm nhưng thật ra là dại, là khổ, chớ có hay
gì đâu.
Quí
Phật tử nghĩ trên thế gian này chung quanh mình nào xóm giềng, thân tộc v.v… có
bao giờ hoàn toàn không đụng chạm nhau đâu? Người ta nói vợ chồng như chén
trong sống. Chén úp trong sống thế nào cũng có khua, huống là xóm giềng, thân
tộc làm sao vừa ý mình hết, mà trái ý thì mình giận. Giận rồi chứa trong tâm.
Chứa là cố chấp. Giận một người chứa trong lòng, giận hai người cũng chứa trong
lòng. Nếu giận một trăm người thì sao? Chứa cả một trăm cái giận trong lòng,
làm sao chịu nổi.
Quí
vị xét khi mình đang vui vẻ mà bỗng nhớ tới người mình giận thì lúc đó gương
mặt quạu xuống liền. Sở dĩ chúng ta ngủ không ngon là cũng tại giận đó. Khi nào
nằm nhớ lại hôm qua, hôm kia ai làm trái ý mình liền nổi giận lên, thì hết ngủ.
Đó là chứa chấp oán hờn. Chứa chấp là khổ. Ta đang vui vẻ tươi mát mà chứa một
cái giận, cũng như đem cục than bỏ trong tay hay trong da, trong thịt mình vậy.
Nếu cục than bỏ trong tay, trong da, trong thịt thì sao? Nóng, khó chịu. Vậy mà
lòng mình chứa một trăm cục than thì người này khổ nhiều ít? Khổ thứ nhất là
khô héo vì ngủ không ngon, ăn không ngon. Giận quá làm sao ăn ngon, ngủ ngon
được. Khổ thứ hai là giận làm cho mình dễ xấu. Quí vị thấy mỗi lần nổi giận lên
gương mặt mình thế nào? Nổi giận lên thì con mắt đỏ ngầu, mặt đổi màu đổi sắc,
không còn tốt đẹp nữa. Cả trăm cái giận ở trong lòng thì nó đốt riết mình khô
héo, xấu xa. Như vậy ôm ấp cái giận mấy chục năm là khôn ngoan hay thiếu khôn
ngoan?
Bởi
vậy nên người biết tu ai nói gì trái ý, mình giận chút rồi bỏ đi, xả đi. Giận
làm chi, ngu! Ôm cái giận là ngu chớ không phải khôn, tội gì ôm cho khổ. Trong
nhà Phật có câu: “Tăng hận bất cách túc” nghĩa là Tăng (người tu) giận không
quá một đêm. Chúng ta là Phàm tăng nên tham sân si cũng còn, vì vậy gặp việc trái
ý cũng giận. Nhưng giận chút thôi rồi bỏ, chớ không nên chấp chứa.
Người
thế gian thường thích chứa, chứa năm này qua năm nọ. Họ tưởng như vậy là hay,
là khôn mà không ngờ đó là tự chuốc họa vào mình, tự đeo khổ cho mình chớ không
có lợi gì hết. Vì vậy nên Phật dạy phải xả hết những giận hờn. Chứa chấp vừa bị
khổ trong hiện tại, mà còn khổ cả vị lai nữa.
Trong
kinh Phật dạy, người khi sắp bỏ thân này qua đời khác thì nghiệp thương và
nghiệp ghét sẽ đi theo. Bởi vì thương ai thì ta nhớ người đó, ghét ai cũng nhớ
kẻ đó. Như chúng ta ngồi ôn lại trong lòng, thì nhớ những người mình thương và
những người mình ghét nhiều nhất phải không? Ghét không mất, thương cũng không
mất. Vì vậy càng chứa sâu thì khi nhắm mắt các nghiệp đó dẫn mình đi đến chỗ thương
hoặc chỗ ghét.
Do
đó khi chúng ta thọ thân sau, nếu ôm ấp nghiệp ghét nhiều quá thì đến những gia
đình gặp toàn chuyện buồn phiền, hờn giận, không vui. Có bao giờ chúng ta muốn
gặp những người mình ghét không? Không muốn. Ai cũng muốn gặp người mình
thương. Nhưng trong lòng thù oán nhiều quá thì nó sẽ dẫn mình gặp lại những
người thù oán. Nên hiện tại khổ mà vị lai cũng khổ luôn. Điều này rất thiết yếu.
Chúng
ta phải khéo đừng nuôi dưỡng oán thù trong lòng, nên buông bỏ hết. Cái gì qua
rồi không chứa chấp nữa. Hơn thua, phải quấy, chuyện đó không có gì quan trọng.
Quan trọng ở chỗ làm sao cuộc sống mình bình an, thanh thản, tươi vui. Đó mới
là điều đáng lưu tâm. Chúng ta sống muốn hạnh phúc, muốn được an lạc thì nên giữ
hay nên xả? Nên xả. Vì vậy tôi nói tu muốn cho hết khổ thì phải xả, đừng chứa
chấp. Đó là điều thứ hai.
Điều
thứ ba, chúng ta đừng cố chấp ý kiến mình là đúng, ý kiến người khác là sai.
Bởi vì ở thế gian này không có gì là đúng cố định mà cũng không có gì là sai cố
định. Chúng ta mở miệng nói với ai cũng “Tôi nghĩ thế này là đúng”. Nếu nói tôi
nghĩ như vậy là đúng, người thứ hai nói tôi nghĩ thế khác mới đúng, thì hai cái
đúng nó đụng nhau. Mình đúng theo cái nghĩ của mình, người khác đúng theo cái
nghĩ của họ. Ai cũng đúng hết thì cãi lộn hay huề? Thế gian không ai chịu thua
ai, mình đúng thì người khác sai, mà người khác đúng thì mình sai. Cho nên khi
người ta nghĩ khác với mình, mà họ cho rằng họ đúng thì mình bực lên liền, và người
kia cũng nổi tức vậy. Hai cái nổi tức sẽ đi đến khẩu chiến. Khẩu chiến không
xong thì tới thân chiến.
Quí
vị thấy những người cãi nhau, đánh nhau khi được hỏi: “Tại sao quí vị đánh
nhau?” Họ nói: “Tôi nói cái này đúng mà nó cứ cãi hoài.” Có khi nào hai người
cãi lộn mà chúng ta hỏi “tại sao”, họ nói “tại tôi sai” đâu. Nhất định là đúng.
Hai cái đúng không giống nhau thì nhất định cãi lộn, cãi lộn không xong thì tới
đánh lộn. Như vậy thì khổ hay vui? Không bao giờ vui được. Những điều này xảy
ra rất nhiều.
Gia
đình vợ chồng, mỗi người thấy một lối, ai cũng cho là đúng thì gia đình đó cãi
lộn hoài. Trong xã hội, nhóm này thấy thế này là đúng, nhóm kia thấy thế khác
là đúng thì cũng gây ra cuộc đấu chiến. Cả trên thế gian đều như vậy. Nếu cố
chấp cái nghĩ của mình đúng, cái nghĩ của người khác sai là gốc của đấu tranh, của
tiêu diệt nhau. Cho nên chúng ta đừng có cố chấp. Cái đúng này là đúng của tôi,
cái đúng kia là đúng của anh. Mỗi người giữ phần của mình, cãi nhau làm chi.
Vậy là yên.
Xả
hết cố chấp, đừng bắt người khác phải nghĩ, phải thấy như mình mới đúng. Đó là
điểm đặc biệt của đạo Phật. Trong đạo Phật có câu: “Phật hóa hữu duyên nhân”,
đức Phật giáo hóa người có duyên với Ngài mà thôi. Ai có duyên thì đến với
Phật, chớ Phật không nói đạo Phật là đúng, đạo khác là sai. Theo đạo nào cũng
tốt. Mình thích đạo Phật vì đạo Phật thích hợp với tâm tư nguyện vọng của mình
nên mình theo, người khác không thích thì thôi. Chúng ta không nên nói theo đạo
Phật chết được về Cực lạc, còn theo đạo khác chết nhất định đọa địa ngục. Không
nên như vậy.
Trong
kinh Phật nhất là các bộ A-hàm, Phật thường nói: “Người tu theo đạo Phật làm
lành, tu Thập thiện được phước sanh cõi trời. Người không tu theo đạo Phật mà
làm mười điều lành cũng được sanh cõi trời.” Không phải cõi trời chỉ dành cho
người tu theo đạo Phật. Bởi vậy người không tu theo đạo Phật mà làm lành, làm tốt
họ vẫn có phước. Mình tu theo đạo Phật mà mình làm xấu làm ác thì mình cũng bị
tội như thường. Chúng ta mới thấy rằng chủ trương của đức Phật rất rõ ràng, rất
thấu đáo. Phật không bắt ai phải theo mình dù biết rằng làm như vậy là tốt, là
có lợi. Nếu người ta không thích thì thôi, không ép buộc.
Chúng
ta học Phật phải tập tâm cởi mở, xả bỏ những cố chấp riêng tư, dù chấp tôn giáo
mình cũng là bệnh nữa. Những gì chúng ta thấy đều do Phật dạy, mình biết mình
tu. Ai thấy hợp thì tu theo, còn thấy không hợp thì thôi, ta chỉ cười chớ đừng
giận. Đạo mình kính trọng mà nghe ai nói ngược lại, mình nổi sùng lên thì chưa
gọi là hiểu đạo. Không cố chấp thì cuộc đời an vui, hạnh phúc, sống với mọi
người rất hòa nhã.
Điều
thứ tư là Phật dạy xả đừng chấp thân của mình nữa. Quí vị thấy dễ hay khó? Xả
mấy điểm kia thì còn khả dĩ, xả chấp thân mình thì hơi khó. Tôi hỏi quí vị
trong tất cả cái sợ của mình hiện giờ, cái sợ nào là số một? Sợ chết là số một.
Tại sao mình sợ chết? Vì cố giữ thân, cố chấp thân, nên nghe nói mất đi thì
hoảng sợ. Do đó khi cái chết đến mình khổ vô cùng.
Chúng
ta xét kỹ thân của mình, ai cũng muốn cho nó được tròn một trăm năm. Hồi xưa
còn tham hơn nữa, hàng quần thần chúc vua chúa đến Vạn tuế, tức là muôn năm.
Chúc muôn năm, mà có ông vua nào sống được muôn năm đâu. Mấy ông còn chết sớm
hơn ai hết. Như vậy để thấy lòng tham sống của con người quá lớn. Bởi tham sống
cho nên chết là cái khổ nhất.
Nếu
người không tham sống thì chết có khổ không? Đâu có khổ vì họ đâu có sợ. Nên
quí vị cố chấp thân, muốn giữ cho nó lâu dài, mà lỡ nó bại hoại thì đau khổ vô
cùng. Thân mình đâu có nguyên vẹn từ thỉ chí chung, mà nó đổi thay từng tháng,
từng ngày. Như vậy muốn nó còn hoài, chẳng khác nào mình nắm một cục nước đá
trong tay mà muốn nó đừng tan. Thân này cũng vậy, luôn biến chuyển từng phút giây.
Đó là nói bình thường, còn nói theo khoa học là nó sanh diệt từng tế bào. Lúc
nào, phút nào cũng sanh sanh diệt diệt, không dừng. Sanh diệt luôn luôn mà bảo
nó còn hoài làm sao được. Chấp như vậy có phải là ảo tưởng không? Ảo tưởng sai
lầm mà chúng ta cứ chấp giữ, cho nên khổ vô cùng.
Vậy
mà trăm người như một, ai cũng muốn giữ thân lâu dài. Nhiều khi bảy, tám mươi
tuổi vẫn muốn sống hoài, không muốn chết. Muốn giữ hoài mà có giữ được đâu. Giữ
không được thì khổ hay vui? Người lớn tuổi nào cũng thở dài than vắn, khổ quá!
Già yếu bệnh hoạn, khổ quá!
Thật
ra già yếu, bệnh hoạn có khổ không? Có gì đâu mà khổ, nó là như vậy. Hết thời
ấu niên đến thời tráng niên, hết thời tráng niên đến thời trung niên, hết thời
trung niên đến thời lão niên. Cứ thế mà đổi dời. Nên khi trẻ mình vui với tuổi
trẻ, lúc già mình vui với tuổi già. Mai mốt chết thì cười với cái chết, sướng
không? Chớ ngồi đó mà than, ai cứu mình được. Không ai cứu được thì than hoài làm
chi cho khổ vậy? Cứ cười vui. Ờ! Già tốt. Nếu đi hai chân không vững thì thêm
chân thứ ba nữa. Cứ như vậy mà chống gậy, có gì đâu phải buồn. Xả được cố chấp
thì vui, còn nếu giữ thì khổ. Lẽ thật là như vậy.
Con
người sợ chết nhưng có giữ cho khỏi chết được không? Nếu giữ được thì cũng nên
sợ. Giữ không được thì cứ cười vui cho rồi. Quí vị nghĩ nếu lát nữa chết, chúng
ta sẽ có cái gì vui? Hiện tại mình biết hết các việc trên thế gian rồi, biết sự
sống này rồi. Người ta nói đi du lịch vui chơi đó đây là tới những chỗ mình chưa
biết, còn những chỗ nào biết rồi, đi chán lắm. Chúng ta đã ở trên thế gian mấy
chục năm, chán quá rồi. Bây giờ đi tới chỗ khác chơi cho vui thì sợ gì. Khi sắp
chết, mình tự nghĩ ta sẽ biết thêm một chỗ mới nữa. Vậy là vui chớ không sợ.
Chúng ta sống vui với cái sống, chết cũng vui với cái chết, như vậy là an vui,
tự tại.
Người
không sợ chết thì chết không phải là khổ. Sở dĩ khổ là vì người ta chấp chặt
phải sống, sống chừng nào cũng được, sống hoài. Chấp chặt vậy cho nên lỡ ai coi
tuổi hoặc bắt mạch nói bệnh sắp chết liền quên ăn, quên ngủ. Nếu hiểu được lẽ
thật thì chết là vui thôi. Ờ, tôi ở đây mấy chục năm chán rồi, đi chỗ khác chơi
cho vui. Đó, nghĩ vậy thì cứ cười mà đi, có tự tại không? Rõ ràng nếu buông xả
cố chấp thì chúng ta an vui. Còn bám chặt giữ mãi thì chúng ta đau khổ.
Cuộc
đời là một dòng biến chuyển từ ngoại vật cho tới con người. Nó biến chuyển mà
chúng ta cố giữ thì có phải là si mê không? Cho nên Phật nói người trí biết
được vô thường biến chuyển nên không khổ. Còn người ngu, đối với vô thường biến
chuyển mà muốn còn nguyên vẹn nên khổ. Bản thân mình nó phải biến hoại, phải
mất; chúng ta biết rõ rồi cười với nó, không sợ, là chúng ta khéo tu.
Tu
là như vậy, chớ không phải vừa mới bệnh liền chạy tới cầu Phật cho con sống
được năm năm, mười năm. Phật tử bệnh tới chùa nhờ quí thầy cầu an. Quí thầy cầu
cho Phật tử an, còn quí thầy không an thì cầu ai? Nếu tất cả người bệnh cầu đều
được an thì không ai chết hết. Nhưng thật ra đâu có chuyện đó. Kỳ này cầu an là
tại họ chưa chết, kỳ sau tới lúc chết thì cầu gì cũng chết thôi, cầu an cũng
không khỏi.
Như
vậy để thấy chúng ta tu là phải nhận ra lẽ thật của cuộc đời, thấy rõ được lẽ
thật của bản thân mình. Đừng lầm lẫn mới an vui, khỏi phải nhờ ai cầu gì hết,
cũng khỏi cần coi tướng coi số làm chi. Cuộc đời là như vậy, không có gì phải
lo. Năm mươi tuổi chết cũng tốt, bảy mươi tuổi chết cũng tốt, tám mươi tuổi chết
cũng tốt, không sao hết. Tôi thường hay nói ai rồi cũng chết một lần, chớ có ai
chết hoài đâu phải không? Thì thôi lúc nào tới thì đi một lần, chớ đâu có đi
hoài mà sợ.
Phật
dạy khi bỏ thân này, muốn có thân khác đẹp hơn thì phải tạo duyên tốt. Như giữ
được năm giới trọn vẹn thì đời sau trở lại làm người đủ năm điều kiện tốt:
Không sát sanh thì tuổi thọ dài. Không trộm cướp thì có nhiều của. Không tà dâm
thì đẹp đẽ trang nghiêm. Không nói dối thì ngôn ngữ được lưu loát. Không uống rượu,
xì ke ma túy thì trí tuệ thông minh. Nếu thiếu một trong năm giới thì đời sau
bất hạnh một phần. Ai muốn đời sau được thân tốt đẹp hơn thân người thì tu Thập
thiện.
Như
vậy chết không đáng sợ mà chỉ sợ mình không chuẩn bị được khi mất thân này. Đến
lúc ngã ra chết không làm điều lành, không tạo phước đức thì chừng đó khổ hơn
nữa. Cho nên biết tu thì trong cuộc sống hiện tại chúng ta được an vui tự tại,
khi nhắm mắt chúng ta đã chuẩn bị cho đời sau được tốt đẹp hơn nên chúng ta
càng vui, không có gì phải buồn sợ.
Cũng
như mình đi chiếc xe cũ, lâu quá nó hư mòn, cứ đẩy hoài rất chán. Bây giờ mình
dành dụm tiền, bỏ xe cũ mua xe mới đẹp hơn. Như vậy buồn hay vui? Nhưng muốn
mua xe khác đẹp hơn thì phải chuẩn bị tiền. Chuẩn bị trước rồi mới bỏ xe cũ mua
xe mới được. Chớ không chuẩn bị thì xe cũ bỏ rồi, không biết làm sao mua xe mới.
Cho nên người biết tu là người biết lo xa, biết chuẩn bị sẵn; bỏ thân này qua
thân khác khỏe hơn. Đó là bước tiến của người tu.
Như
vậy chỉ một chữ Xả mà chúng ta được an ổn vui tươi. Cần gì phải nhiều. Một chữ
mà biết tu là cả cuộc đời sống thoải mái, an vui. Ngược lại quí vị sẽ thấy mặt
mày nhăn nhó hoài, bất mãn cái này, bất mãn cái nọ, bất mãn con cái, bất mãn vợ
chồng, bất mãn xã hội… Mấy chục năm cứ nhăn nhó hoài, uổng một cuộc đời. Cho
nên mình phải vui tươi xả bỏ, có mấy mươi năm ngắn ngủi, sống làm sao cho thảnh
thơi, tạo phước lành để khi nhắm mắt được đến cõi lành, ở đó mà buồn giận làm
chi cho khổ.
Vậy
mong quí Phật tử nghe hiểu, ứng dụng tu để tất cả chúng ta sống trên thế gian
này lúc nào cũng tươi cười, không còn buồn bực. Đến lúc nhắm mắt ra đi chúng ta
cũng vui luôn. Đó là kết quả tốt đẹp của người Phật tử khéo tu.
Tác giả bài viết: HT Thanh Từ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự