Người Phật tử có nên hiến xác hay không?

Thứ bảy - 04/04/2009 09:25
Là Phật tử, tôi nhận thức được rằng thân xác là do tứ đại giả hợp, khi chết thì tứ đại sẽ tan hoại trở về với tứ đại. Vậy nên tôi phát đại nguyện bố thí thân xác cho khoa học. Tôi nghĩ sẽ có ích hơn, ít ra cũng góp phần nghiên cứu để chữa bệnh cho con người. Tuy nhiên, tôi được biết sau khi nhận xác, cơ quan tiếp nhận xác phải tiến hành các thủ tục cần thiết để ướp xác nhằm bảo quản. Thực hiện các thủ tục ướp xác trong thời điểm mới chết này, theo quan điểm Phật giáo có trở ngại cho thần thức trong quá trình tái sinh không? Xin được tư vấn về việc này và muốn hiến xác phải liên hệ với cơ quan nào, bao gồm thủ tục gì?

ĐÁP:

Bố thí là một pháp tu quan trọng, tối cần cho những người con Phật nhằm tăng thượng phước báo của tử thân. Bố thí được thực hành trên nhiều phương diện như tài thí, pháp thí và vô úy thí. Trong đó, bố thí nội tài tức sức lực mà đặc biệt là thân thể và sinh mạng là bi nguyện vô cùng cao cả, rất đáng được trân trọng.

Một trong những tuệ giác mà người Phật tử luôn quán sát để thấy rõ là thân mạng của chính mình do tứ đại giả hợp, vốn vô thường và sanh diệt. Chính tuệ tri về tứ đại duyên hợp, tụ tán vô thường, sanh lão bệnh tử, sáng còn tối mất đã giúp xả ly tham ái và chấp thủ xác thân. Sau khi con người chết đi, xác thân tứ đại làn lượt tán hoại để trả về tứ đại. còn thần thức tùy theo nghiệp mà lực tái sinh vào các cảnh giới tương ứng trong lục đạo.

Nói chung, Phật giáo không mấy quan tâm đến xác sau khi chết, mà chỉ chú trọng đến việc khai thị và hướng dẫn thuần thức để giải thoát hay tái sanh vào cõi lành. Vậy thì, sau khi chết nếu thân xác còn hữu ích cho nhân loại, tức hiến xác cho khoa học là một điều tốt. Tuy nhiên, vấn đề quan yếu cần lưu tâm ở đây là việc bảo hộ và cứu độ thần thức sau khi chết.

Căn cứ vào những kinh điển liên quan đến việc trợ niệm cho người khi lâm chung, thì khi chấm dứt hơi thở, người bệnh được xem như đã chết lâm sàng nhưng thần thức vẫn chưa rời khỏi thân xác và tất nhiên vẫn còn tri giác. Vào thời điểm này, thần thức vô cùng thống khổ: tứ đại phân ly làm đau đớn tốt cùng, cảm thương thân phận đã chết, luyến ai vợ con, thương tiếc tài sản, sở nguyện chưa thành, oan sai chưa tỏ v.v… Lúc ấy, nếu cộng thêm việc than xác người chết bị lay động, xê dịch, uốn nắn, tắm rửa, tiêm thuốc… cùng vời âm thanh kêu gào hỗn loạn, khóc lóc thảm thiết của thân nhân càng khiến cho thần thức hoang mang thống khổ hơn. Dù đau đớn đến cùng cực nhưng thần thức không thể kêu cứu hoặc kháng cự, vì thế họ giãy giụa trong tuyệt vọng, khởi tâm sân hận đến tột cùng và do đây mà bị đọa lạc vào cõi dữ.

Do vậy, để tránh cận tử nghiệp xấu ác khởi lên lúc mới chết, từ khi tắt hơi thở cho đến mười giờ sau, thân nhân người chết cần tránh mọi sự can thiệp, tác động hoặc xúc chạm đến xác chết như đã nói, đồng thời giữ không gian yên lặng, chỉ duy nhất niệm danh hiệu Phật A Di Đà nhằm duy trì chánh niệm, bảo vệ và trợ tiến cho thần thức văng sanh Tịnh độ. Phải chờ đến lúc thần thức ra khỏi xác thân (thường thì khoảng từ 8 giờ - 10 giờ sau), gia đình mới thực hiện tẩn liệm, an táng hoặc cho phép đưa xác đi.

Trở lại vấn đề hiến xác cho khoa học, theo quan của Phật giáo là tùy duyên không khuyến khích và cũng chẳng ngăn cấm. Nhưng điều cần lưu ý cho những ai phát nguyện bố thí thân xác là trừ trường hợp những vị cao tăng đắc đạo hoặc những người đã thành tựu tuệ giác vô ngã, từ bi hỷ xả vô lượng, làm chủ được thần thức, còn đại đa phần chúng ta muốn cho thần thức không bị tổn thương dẫn đến đọa lạc, bản thân người phát nguyện hiến xác và thân nhân phải nắm vững và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc bảo hộ thần thức nói trên.

Nói cách khác, một khi phát nguyện hiến xác, tức chúng ta đã khởi tâm Bồ đề, tâm nguyện ấy sẽ được giữ vững nếu như từng ngày, từng giờ, từng phút giây chúng ta cung cấp những ý niệm thiện lành làm chất liệu nuôi dưỡng. Khởi tâm đại bi là điều đáng ca ngợi, tán thán, thế nhưng việc giữ gìn và trưởng dưỡng nó càng được trân trọng, ca ngợi hơn bội phần. Bởi nếu không được tưới tẩm bằng chất liệu thiện pháp và trưởng dưỡng bằng những việc làm tương ứng, lỡ một mai kia khi tâm đại bi ấy bị thui chột và bất ngờ gặp cảnh thân hoại mạng chung mà thần thức người hiến xác không duy trì được trách niệm, móng khởi chấp thủ và sân hận thì tâm nguyện hiến xác cao cả ấy trở thành lợi bất cập hại, chẳng những không được phước mà còn bị đoạ lạc. Vì thế, người Phật tử nên cân nhắc và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước quyết định quan trọng này.

Về phía cơ quan tiếp nhận hiến xác, trao đổi với bà Trương Thị S.M, cán bộ Bộ môn Giải phẫu học, Trường Đại học Y Dược TP.hcm, chúng tôi được biết xác chết nếu được tiếp nhận trước 10 giờ đồng hồ sẽ rất lý tưởng cho trình bảo quản. Tuy nhiên, thời gian tiếp nhận còn tuỳ thuộc vào thông tin sớm hay muộn của thân nhân và nhất là phải sau các nghi lễ tôn giáo của người hiến xác. Khi đem xác về, bộ phận chuyên môn sẽ tiến hành các kỹ thuật ướp xác rồi đưa vào bảo quản, sau đó là sử dụng (chủ yếu là nghiên cứu và thực tập phẫu thuật). Sau khi sử dụng xong, tối thiểu là 5 năm, xác chết được đưa đi hoả táng, nếu người hiến xác hoặc thân nhân có yêu cầu thì hài cốt (tro) được hoàn trả như sở nguyện.

Thủ tục đăng ký hiến xác rất đơn giản, người hiến xác chỉ cần mang CMND đến Bộ môn Giải phẫu học, Trường Đại học Y Dược TP.HCM để đăng ký. Muốn biết thêm thông tin chi tiết về hiến xác, xin liên hệ Bộ môn Giải Phẫu học, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, 217 Hồng Bàn, quận 5, TP. HC. Điện thoại (08) 8558411 hoặc (08) 8537949 sẽ được hướng dẫn cụ thể.

Nguồn tin: theo Tổ tư vấn Báo Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây