Phật pháp bách vấn

Thứ tư - 22/04/2009 09:38
HỎI: Tôi hiện có chồng và bốn đứa con. Công việc của tôi là giao hàng từ các chợ đầu mối đến những tỉnh xa. Cuộc sống hiện tại nói chung là tạm ổn. Tuy nhiên, sự cố bắt đầu xảy ra vài năm nay. Đó là khi tôi đầu tắt mặt tối ở ngoài đường để kiếm tiền lo cho gia đình, con cái thì chồng tôi, anh ấy không chịu làm lụng gì cả, chỉ biết dựa dẫm vào tôi. Tôi đã nhiều lần năn nỉ, khuyên lơn, hờn dỗi… mong anh ấy tìm một việc làm để cùng chung lo gia đình nhưng anh ấy vẫn không có một dấu hiệu gì chứng tỏ mình là “đàn ông” cả.

Từ đó, vì quá mệt nên con tim tôi cứ nguội lạnh dần và dường như tôi cảm thấy ngày càng xa lạ với anh ấy. Hiện giờ, tôi muốn dứt khoát chia tay nhưng sợ tiếng đời dị nghị, vì gia đình tôi vốn có tiếng là “gia giáo” nghiêm minh; còn nếu như cứ duy trì tình hình này mãi thì e rằng một khi nào đó, khi tôi không đủ sức lo cho gia đình thì những đứa con sẽ về đâu? Rất mong một sự chia sẻ chân tình!

ĐÁP:

Không phải không có lý do khi đàn ông đã đưa ra hình ảnh “mười hai bến nước” để ví von cho thân phận của con gái trước lúc lấy chồng. cho nên, ngoài nỗ lực tìm hiểu kỹ càng đấng phu quân tương lai trước khi trao thân gởi phận thì hạnh phúc của một người con gái nói riêng và gia đình nói chung còn phụ thuộc vào nhiều yếu tô mà Phật giáo gọi là nhân duyên. Thực tình, hoàn cảnh của bạn khá trớ trêu và bất hạnh, thân gái dặm trường, nhọc nhằn lặn lội ngược xuôi mà lại không được chồng chung sức và đó cũng là một trong những điều đem đến cho bạn những mệt mỏi, thất vọng đến đắng cay!

Nơi đây , chúng tôi không thể và hoàn toàn không dám đưa ra một lời khuyên bảo mà bạn chỉ nên xem đây như là một sự chia sẻ trong nhịp thổn thức của tính người. Có thể, bạn đã nhiều lần khuyên bảo anh ấy, nhắc nhở anh ấy, nhưng quả thực bạn đã “biết cách” khuyên anh ấy hay chưa? Một lời khuyên không phải chỗ, phải thời, đôi khi không đem đến những kết quả tích cực mà có thể ngược lại. Sống là cả một nghệ thuật, một nghệ thuật hoà âm mà vợ và chồng là sự kết hợp hài hoà của những cung thương đồng điệu.

Việc trước mắt, bạn cần quan tâm hơn, tìm hiểu sâu hơn lý do tại sao anh ấy không siêng năng tì sinh kế, tại sao anh ấy lại phó thác gia đình lên đôi vai vốn đã mỏi mòn của bạn? Phải chăng anh ấy đã từng nhuốm phải nhiều thất bại trên đường đời? Phải chăng “thời” của anh ấy chưa đến? Phải chăng sức khoẻ, bệnh tật… đã và đang gặm nhấm, làm cho anh ấy mất đi niềm mê say trong sinh kế gia đình? Bạn phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng, phải rà soát lại, cùng anh ấy sẻ chia tất cả những trăn trơ ưu tư. Trong trường hợp, nếu vì một lý do nào đó khiến anh ta không đủ khả năng tìm sinh kế mà chu toàn được “hậu phương”, chăm nom gia đình và con cái để bạn an tâm ngược xuôi nơi “tiền tuyến”, công bằng mà xét thì vẫn bình đẳng trong phân công lao động, chỉ hơi ngược một chút nhưng vẫn hợp lý. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu được như vậy thì anh ấy vẫn chung sức cùng bạn trong việc lo cho gia đình. Nhận thức được như thế ắt hẳn bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm, vì bên cạnh những nhọc nhằn của bạn luôn có anh ấy sẽ chia và tiếng cười rộn rã trở về trong mái nhà chung xưa nay vốn hiu quạnh.

Tuy vậy, với tất cả những nỗ lực cứu vãn mà bạn đã và đang cố gắng, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện chút nào vì bản chất của anh ta là lười biếng, vô trách nhiệm thậm chí là ăn bám thì giải pháp chia tay là lối thoát mà bạn có thể áp dụng. Bạn cần phải bình tĩnh để nhận thấy, miệng tiếng thế gian tuy có phần khe khắt, nhưng nếu một khi ai đó hiểu được tình cảnh mà bạn đã trải qua, tất nhiên sự chia sẻ, đồng tình của bao nhiêu người sẽ luôn dành cho bạn. Theo như tâm sư, gia đình bạn rất ư “gia giáo”, chung tôi nghĩ rằng một khi hiểu được sự vất vả của bạn, nhận ra những nỗi khổ mà bạn xưa nay cắn răng che giấu không kể cùng mẹ cha, mà ở đây, bậc cha mẹ nào cũng muốn cho con cái của mình hạnh phúc, do vậy sẽ không hề có sự cản ngăn trước lối thoát duy nhất mà bạn là người quyết định. Phải hiệu, một khi con tim đã nguội lạnh, một khi sự mệt mỏi chán chường đã ngập tràn trong tâm trí thì dù có níu kéo trên mặt hình thức, sẽ không ngăn cản được một sự tan vỡ nay mai.

Thiết nghĩ, cuộc sống của bạn đã chịu quá nhiều thiệt thòi, tủi nhục; việc chấp nhận đớn đau một lần để giải phẫu còn hơn là chăm sóc một vết thương không bao giờ lành miệng. Vài lời chia sẻ, chúc bạn luôn vững tin trong quyết định của mình.

Nguồn tin: theo Tổ tư vấn Báo Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây