Lục tự đại minh chơn ngôn

Thứ tư - 18/03/2009 07:23
HỎI: Trong một chuyến đi công tác, tôi được tặng một “biểu tượng” có ký hiệu ngoằn ngoèo và được căn dặn giữ gìn cẩn thận sẽ được lợi ích. Tôi không biết ý nghĩa của biểu tượng đó là gì? Tôi có nghe trong Phật giáo có pháp “Kim cương ngữ” nhưng không biết pháp ấy thế nào? Xin giải thích để áp dụng vào đời sống tu tập hàng ngày.

ĐÁP: “Biểu tượng” mà bạn hỏi chính là Lục tự đại minh chơn ngôn, một trong những thần chú nổi tiếng và rất thông dụng của Mật tông, nhất là Mật tông Tây Tạng, Nguyên văn Phạn ngữ là Om mani padme hum, Hán ngữ phiên âm là Án ma ni bát di hồng, Án ma ni bát minh hồng, Án ma ni bát nột minh hồng, Án ma ni bát đầu mê hồng…

Án, theo Bí Tàng ký, có nghĩa là quy mạng, cúng dường, tam thân, cảnh giác và nhiếp nhục. Chữ Án do ba chữ A, U và Ma hợp thành. A có các nghĩa: Bồ đề tâm, các pháp môn, bất nhị, tính, tự tại và pháp thân. U có nghĩa là báo thân. Ma có nghĩa là pháp thân. Hợp ba chữ này thành chữ Án (Om), hàm nhiếp vô biên vô lượng nghĩa, tổng trì, đứng đầu tất cả Đà la ni. Ma ni (mani) là bảo châu, các loại châu ngọc quý giá. Bát di (padme) là hoa sen. Hồng (hum) là chủng tử Bồ đề tâm của tất cả Như lai, hằng sa công đức từ Chân như diệu thể của tất cả Như Lai đều từ chữ này sinh ra. Hồng còn được dùng dể trấn áp ma quỷ, nghe tiếng này ma quỷ đều kinh sợ. Như vậy, Án ma ni bát di hồng, gượng dịch (bởi vì ý nghĩa thậm thâm, bất khả tư nghì) có nghĩa là: “Quy y châu ma ni trên hoa sen” (Từ điển Phật học Huệ Quang, tập I, tr.377) hoặc là: “Cầu châu báu trên hoa sen” (Từ điển Phật học Hán-Việt, tr.52) hay là: “Cái quý báu trong hoa sen” (Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, q1, tr.171) và “Ngọc báu trong hoa sen, Aum!” (Thích Minh Châu, Từ điển Phật học Việt Nam, tr.36)

Hầu hết các hành giả và tín đồ Mặt giáo Tây Tạng đều trì tụng thần chú này. Theo Phật giáo Tây Tạng thì trì tụng sáu chữ này sẽ được tiếp độ của Bồ tát Liên Hoa Thủ (Padma pani) và được vãng anh Cực lạc, Giống như niềm tịnh tín của các hành giả Tịnh Độ tông với Phật A Di Đà, tín đồ Mật giáo rất sùng kính Bồ tát Liên Hoa Thủ. Không chỉ trì tụng, tín đồ Mật giáo Tây Tạng còn tin rằng nếu thần chú này được mang theo bên mình, cầm trên tay hoặc cất trong nhà vẫn được cứu hộ.Vì thế, họ thường viết sáu chữ này lên mảnh vải dài, để vào ống đựng kinh gọi là Luân xa.

Mỗi người tự dùng tay quay hoặc dùng sức gió hay sức nước làm quay ống đựng kinh ấy gọi là chuyển pháp luân đồng thời tin rằng công đức của chuyển pháp luân đồng thời tin rằng công đức của chuyển pháp luân sẽ giúp vượt thoát sanh tử. Mặt khác, sáu chữ này còn được thêu vẽ lên cờ xí, làm bia đá dựng hai bên đường hoặc khắc vào vách núi để người người đều trông thấy và trì niệm.

Trong “biểu tượng” ấy, chữ Án màu trắng tượng trưng cho cõi Trời, chữ Ma màu xanh tượng trưng cho cõi A tu la, chữ Ni màu vàng tượng trưng cho cõi Người, chữ Bát màu lục (xanh sẫm) tượng trưng cho cõi Súc sanh, chữ Di màu đỏ tượng trưng cho cõi Ngạ quỷ, chữ Hồng màu đen tượng trưng cho cõi Địa ngục. Kinh Quán Âm (Tạng bản) tán than công đức của sáu chữ này là cội nguồn của trí tuệ, giải thoát. Nếu ai xướng chữ Om thì sẽ đoạn đường luân chuyển trong cõi Trời, xướng chữ Ma thì sẽ đoạn đường luân chuyển trong cõi A tu la, xướng chữ Ni sẽ thoát khỏi tai ách và được thọ sanh trong cõi Người, xướng chữ Pad thì sẽ đoạn đường luân chuyển trong cõi Súc sanh, xướng chữ Me thì sẽ thoát nỗi khổ trong đường Ngạ quỷ, xướng chữ Hum thì sẽ thoát khỏi nỗi khổ bị đọa vào Địa ngục.

Với ý nghĩa như đã trình bày, các hành giả Mật tông ngoài việc trì niệm miên mật không gián đoạn, họ còn thêu, vẽ, in ấn sáu chữ minh chú để mang theo bên mình hoặc ban tặng cho những người hữu duyên để cùng được ân trên, gia hộ của Bồ tát Liên Hoa Thủ và đó cũng là chính nhân của sự tăng trưởng thiện tâm, vượt thoát sanh tử, vãng sanh Cực lạc.

Kim cương ngữ là pháp tu mật niệm, tức tụng thầm kinh văn mà không phát ra  tiếng. Theo Thủ Hộ Quốc Giới kinh, quyển 2  thì: “Ngồi theo tư thế kim cương kiết già, răng môi chẳng động, không phát ra tiếng, chỉ mặc niệm trong tâm, gọi là Kim cương ngữ. Mặt khác, Nhiếp Chân Thật kinh, quyển hạ nghi: “Lúc trì tụng chân ngôn, nên trụ tâm ngưng lặng, miệng thầm đọc, chỉ một mình nghe, người khác chẳng biết, trong tâm quán tưởng từng chữ, phân biệt rõ rang, không nhầm lẫn, chẳng chậm chẳng mau, đó gọi là Kim cương ngữ ngôn”,

Pháp Kim cương ngữ ngày nay vẫn được hành trì khá phổ biến trong các tự viện cũng như tại tư gia. Mật niệm kinh chú, giữ tâm chánh niệm là pháp môn tu đơn giản, hiệu quả, lại có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, để hành trì pháp tu này, bạn cần phải có một vị thầy am hiểu về pháp môn này để hướng dẫn cụ thể cũng như tháo gỡ những vướng mắc trên bước đường tu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây