Theo Phật giáo địa ngục là cảnh như thế nào ?

Thứ tư - 04/03/2009 20:19
Cảnh địa ngục có phải là một cái cớ để dọa nạt mà đạo Phật cố tình đưa nhân sinh vào con đường cùng không lối thoát hoặc lợi dụng lòng tin của người đời để ru ngủ như đã có người nghĩ không ? Địa ngục là cảnh có thật với đủ các hình phạt để xử trị kẻ nào ở thế gian làm việc ác, khi chết oan hồn đi vào đó nhận lấy quả báo. Các hình phạt được ghi nhận là : Ngục thiết-hoàn (vòng sắt nóng), cưa xẻ, đập (đánh, tra tấn, xiềng, kẹp v.v..).

Do đó, nhiều người khi nghĩ tới cảnh địa ngục liền phát rợn tóc gáy lên. Có nhiều sự tích còn chứng minh đầy đủ có cảnh giới tối tăm bẩn thỉu nầy. Ngay cả những người ngồi đồng thiếp hồn cũng đi vào chốn địa ngục và chứng kiến được cảnh tra tấn rùng rợn ở đó về thuật lại. Sư Từ-Đạo-Hạnh tìm cách báo thù cho cha, ông Từ-Vinh bị chết oan do tay Pháp-sư Đại-Điên trù yếm, sau đó món nợ máu đã trả xong mới được yên chuyện. Bà Thanh-Đề bị hành hạ trong kiếp đói khát ở cảnh địa ngục ... là những chứng minh cho thấy được hình tướng của cảnh giới địa ngục như thế nào.

Nói về sự tướng thì luận như thế, còn đứng về mặt lý, nhất là căn cứ theo hành vi thiện ác trong đời hiện tại, thì chính những việc đau đớn, đọa đày, ức hiếp, bị tù hảm giữa xã hội loài người bây giờ, chúng ta cũng có quyền kết luận được đó là thế giới của đọa lạc, đau thương. Đối với người nào chưa hiểu về lý, chúng ta phải chỉ ra được địa ngục có hình tướng dài ngắn, lớn nhỏ ra sao để hướng dẫn họ cách tu và tìm ra con đường thoát khỏi sự ràng buộc u tối kia.

Chỉ có tư tưởng của Đại-thừa Phật giáo mới chứng tỏ được cái viên dung vô ngại mà người bình dân cũng như giới trí thức đều học hỏi tu tập để mong thoát khỏi địa ngục. Tùy theo trình độ của người cao thấp mà đạo Phật hướng dẫn cho kẻ tu hành đạt đến giải thoát khỏi vòng sanh tử để chứng nhập Niết-bàn tịch tịnh, tức là không còn bị đọa lạc vào cảnh giới khốn khổ lầm than ... 

CẢNH GIỚI CỦA NGẠ QUỈ Ở ĐÂU ? 

Cảnh ngạ quỉ tức là cảnh giới mà nơi đó chúng sanh phải chịu đói khát, bị hành phạt đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Những ai sống ở đời có tính tham lam, keo kiệt như có tâm bòn rút của người để thu lợi về cho mình, lúc chết phải chịu cảnh đọa đày, lạnh lẽo đói khát. Hành động bẩn thỉu của con người nơi trần thế kéo theo cho tới lúc chết phải bị đọa vào kiếp đói khát trong loài quỉ để trả cho xong món nợ truyền kiếp ở đời.

Loài quỉ đói được kể rằng có nhiều hình tướng khác nhau như quỉ một giò, quỉ sứ, quỉ hóa đá, quỉ đoạt mệnh, quỉ đói, quỉ ưa phá phách v.v... Con quỉ có thể không giống với hình người. Chúng có hình lông lá dễ sợ và thường sinh sống cạnh thế giới loài người, vì nghiệp nặng, những hồn oan của người khi chết không đi đầu thai được nên hóa thành quỉ và ở lơ lững giữa từng không như một thế giới vô hình mà mắt thường của ta khó hình dung ra được. 

Không luận Phật giáo mới nói tới cảnh ngạ quỉ, nhiều người cũng kể lại rằng chính họ đã thấy được loài quỉ dữ. Có một điều lạ lùng là trong thời buổi chiến tranh, có nhiều tiếng vũ khí nên loài quỉ cũng ít thấy xuất hiện nơi thế giới loài người, có lẽ chúng sợ binh khí chăng ? Quỉ là một vấn đề lớn mà các nhà khoa học không thể nào giải thích nổi, theo Phật giáo, những người chết oan ức linh hồn không đi đầu thai được và còn vất vưởng nơi đình miếu, gốc cây để khuấy phá người đời. Do đó, Phật giáo có những cuộc lễ như chẩn tế cô hồn vào dịp lễ Vu-Lan rằm tháng bảy để nhờ lời kinh kệ và hơi hương khói mà các hồn oan được ấm lòng đi đầu thai ở kiếp khác. Muốn biết sau khi chết chúng ta thành kiếp gì, chỉ cần nhìn vào hành vi của việc làm hiện tại để có thể đoan chắc đúng được 90% theo luật nhân quả luân hồi, không hề sai lệch. 

SÚC SANH LÀ LOÀI GÌ VÀ CHÚNG SINH HOẠT Ở ĐÂU ? 

Súc sanh là giống thú hay còn gọi là loài lục súc như : Trâu, dê, heo, ngựa, chó, gà là sáu loài vật được người ta nuôi dưỡng trong nhà để chúng phục vụ cho người. Mỗi khi giận người nào ta thường nghe kẻ ấy dùng câu chửi rủa là : "Đồ súc sanh", tức có ý ám chỉ cho kẻ đối diện là thứ trâu bò ngu ngốc không ra gì cả. Con trâu và con ngựa được coi là loài động vật nặng nghiệp nhất phải mang kiếp kéo cày, kéo xe để trả nợ, vì kiếp trước chúng vốn đã tạo ra nhiều ác nghiệp. Do đó, để thỏa mãn cơn giận của mình, người ta ưa dùng lời độc địa nặng nề đối với kẻ khác.

Nhưng tất cả loài người đều ghét ai gắn cho mình điều xấu xa, sỉ nhục ấy, vì đó là một sự xúc phạm đến danh dự kẻ khác một cách trầm trọng và như thế cũng có nghĩa rằng chính mình không muốn bị gán ghép cho những lời bất hão hạ cấp ấy, thì đừng mở lời độc ác xấu xa để làm cho người phải buồn khổ. Mặc dầu những giống vật nầy được chúng ta nuôi dưỡng, bảo hộ. Người Nhật cấm ăn thịt chó, nếu ai phạm sẽ bị phạt nặng. Người Ấn-Độ cấm ăn thịt bò, vì bò được xem như vật tổ, nên tuyệt đối cấm giết hại chúng. Người Việt-Nam theo đạo "Ông" không ăn thịt trâu v.v.. là những hình thức tôn trọng loài vật.  

Lục đạo, theo Phật giáo, thì loài súc sanh được liệt vào hàng thức sáu (Nhơn, Thiên, A-tu-la, địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh) vì được xem như giống dơ dáy, xấu xí nhất vậy. Chúng ta phải biết tôn trọng loài vật, đừng đánh đập hành hạ chúng cách tàn nhẫn mà phải bảo vệ tất cả mọi loài. Kiếp của loài súc sanh rất khổ sở, vì chúng phải chịu đủ mọi cực hình do loài người và các loài vật mạnh khác lấn hiếp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây