Đức
Phật là bậc giác ngộ đã nhận rõ và chỉ ra điều đó. Tuy bản thân chúng ta chưa
giác ngộ, nhưng nhờ tin theo Phật, học theo giáo pháp của Phật, noi theo gương
sáng hành trì của chư tăng, nên có thể nhận biết được con đường đúng đắn để
quay về, nhận lấy thể tánh thanh tịnh và tu tập để làm hiển lộ khả năng giác
ngộ vốn có của chính mình. Vì thế mà gọi là quay về nương theo.
Như
vậy, theo từng cách hiểu về Tam bảo, chúng ta cũng có những cách hiểu tương ứng
về quy y Tam bảo.
Theo
ý nghĩa Trụ thế Tam bảo, chúng ta quy y Phật tức là quay về nương theo đức Phật
Thích-ca Mâu-ni, thờ kính và lễ lạy hình tượng ngài ở các chùa tháp và cũng
thiết lập bàn thờ Phật ở nhà. Khi chúng ta thờ kính hình tượng ngài, chúng ta
nhớ đến sự đản sinh và giác ngộ của ngài đã mang lại cho thế gian này một con
đường chân chính để noi theo và đạt đến sự giải thoát, và cụ thể hơn là sự giảm
nhẹ những khổ đau trong cuộc sống hằng ngày.
Ngoài
ra, chúng ta cũng đặt niềm tin và thờ kính những vị Phật mà đức Phật Thích-ca
Mâu-ni đã từng thuyết dạy, chẳng hạn như Phật A-di-đà, Phật Dược Sư, Phật Di
Lặc... Chúng ta tin vào chư Phật trong mười phương ba đời đều là những bậc giác
ngộ, đều truyền dạy giáo pháp giải thoát không khác với đức Phật Thích-ca
Mâu-ni, và như vậy có nghĩa là ta đã quy y Phật theo nghĩa Xuất thế Tam bảo.
Khi
chúng ta thực hành sâu vững giáo pháp của đức Phật, chúng ta sẽ tự tin vào khả
năng giác ngộ của chính mình, nghĩa là tự tin vào Phật tính ở trong ta. Do sự
quy y này mà chúng ta luôn hướng mọi hành động, lời nói và việc làm của mình về
sự tu tập để đạt đến giải thoát rốt ráo. Như vậy có nghĩa là quy y với Đồng thể
Tam bảo hay Tự tính Tam bảo.
Khi
đã quy y Phật, ta học hiểu và tin nhận những giáo pháp do ngài truyền dạy, được
lưu truyền trong kinh điển và được chư tăng giảng giải. Trong ý nghĩa đó, ta
quy y Pháp. Khi đã quy y Pháp, ta tôn kính và noi theo gương sáng của chư tăng
là những người dành trọn cuộc đời để thực hành giáo pháp của đức Phật, và luôn
sẵn lòng dẫn dắt chúng ta trên con đường tu tập. Trong ý nghĩa đó, chúng ta quy
y Tăng.
Xuất
phát từ những ý nghĩa trên, khi đã quy y Phật thì chúng ta không quy y bất kỳ
một đấng linh thiêng hay quyền năng nào khác, trong Phật giáo gọi chung là
“thiên, thần, quỷ, vật”. Bởi vì chúng ta tin chắc rằng chỉ có Phật là đấng giác
ngộ hoàn toàn, đã đạt đến sự giải thoát rốt ráo, là đấng duy nhất có đủ trí tuệ
sáng suốt để chúng ta nương theo và có thể đạt đến sự giải thoát rốt ráo như
ngài.
Khi
thực sự đặt niềm tin và quy y Phật, chúng ta hiểu rằng tất cả những đối tượng như
trời, thần, quỷ, vật... cũng chỉ là những dạng khác nhau của chúng sinh trong
cõi luân hồi, cho dù có được quyền lực thần biến hay sức mạnh vạn năng thì cũng
không phải là cứu cánh có thể giúp ta vượt thoát sinh tử, giảm nhẹ và triệt
tiêu những khổ đau trong đời sống.
Tương
tự, khi chúng ta đã quy y Pháp thì không quy y theo bất cứ một giáo pháp nào
khác ngoài chính pháp do Phật truyền dạy. Trong Phật giáo gọi chung là “tà ma,
ngoại đạo”. Bởi vì, qua học hiểu và thực hành chánh pháp do Phật truyền dạy, chúng
ta biết chắc rằng chỉ có giáo pháp do Phật truyền dạy là giáo pháp duy nhất có
thể giúp chúng ta nương theo, thực hành theo để đạt đến sự giải thoát mọi ràng
buộc, làm giảm nhẹ và triệt tiêu được những khổ đau trong đời sống.
Khi
đã quy y Tăng, chúng ta không quy y với bất cứ tập thể, phe nhóm xấu ác nào.
Trong Phật giáo gọi chung là “tổn hữu, ác đảng”. Bởi vì chúng ta thấy rõ được
rằng, chỉ có Tăng-già, những người trọn đời thực hành theo lời Phật dạy, mới
xứng đáng là chỗ để chúng ta nương dựa, noi theo.
Khi
đã thực sự quy y Tam bảo theo đúng nghĩa như trên, chúng ta sẽ cảm thấy rất
vững chãi, tự tin trong cuộc sống, bởi vì nhờ có Phật pháp, ta hiểu được nguyên
nhân và kết quả của những việc làm thiện hoặc ác trong đời sống. Khi đối mặt
với những khó khăn tất yếu trong đời sống, chúng ta có đủ sức mạnh tinh thần và
nhận thức đúng đắn để tiếp nhận và vượt qua.
Nhưng
vì sao phải xác định một cách chắc chắn rằng “quy y Phật trọn đời không quy y
thiên thần quỷ vật, quy y Pháp trọn đời không quy y tà ma ngoại đạo, quy y Tăng
trọn đời không quy y tổn hữu ác đảng”?
Nhiều
người trong chúng ta có thể sẽ nảy sinh sự thắc mắc này, bởi chúng ta nhận thấy
không chỉ có đạo Phật là tôn giáo, tín ngưỡng duy nhất; không chỉ có giáo pháp
của Phật là duy nhất hướng đến sự tốt đẹp trong đời sống; và cũng không phải
duy nhất chỉ có Tăng đoàn Phật giáo là những vị có đạo đức đáng kính trọng, noi
theo.
Trong
thực tế, ta thấy có hàng triệu người trên thế giới này tin theo các tôn giáo,
tín ngưỡng khác, và họ luôn đặt niềm tin vào vị giáo chủ của mình, rồi từ đó
tìm được những chỗ dựa tinh thần vững chắc trong đời sống.
Cũng
trong thực tế, giáo lý do các tôn giáo khác truyền dạy cũng hướng đến một đời
sống đạo đức, tốt đẹp hơn, giúp con người biết yêu thương và sống hòa hợp với
nhau hơn... Và trong thực tế có rất nhiều tu sĩ của các tôn giáo khác cũng thực
hành đời sống tâm linh tốt đẹp, luôn nêu gương sáng về đạo đức trong xã hội...
Khi
chúng ta hướng đến một cuộc sống đạo đức, tốt đẹp hơn trong thế giới này, chúng
ta có thể tìm thấy những lời khuyên như vậy trong giáo lý của hầu hết các tôn
giáo. Và đó chính là lý do vì sao nhân loại từ xưa đến nay vẫn chấp nhận sự tồn
tại đồng thời của rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Mỗi một tôn giáo,
tín ngưỡng đều có sự đáp ứng thích đáng cho nhu cầu tâm linh cũng như giúp cho
tín đồ có một đời sống đạo đức, tốt đẹp hơn.
Có
người so sánh ý nghĩa tinh thần của việc tin theo các tôn giáo khác nhau cũng
giống như ý nghĩa vật chất của việc ăn các món ăn khác nhau. Chẳng hạn như
chúng ta có thể ăn cơm Việt, cơm Tàu, cơm Tây, cơm Ý... đều có thể no bụng.
Vì
thế, người thích cơm Việt không thể nói là cơm Tàu, cơm Tây hay cơm Ý không
ngon, vì trong thực tế vẫn có những người khác thích ăn những loại cơm này hơn
cơm Việt. Sự so sánh này là hoàn toàn chính xác trong ý nghĩa vừa nêu trên, bởi
hầu hết các tôn giáo đều có thể giúp chúng ta có được một cuộc sống đạo đức,
tốt đẹp hơn, yêu thương và chia sẻ nhau để làm cho cuộc đời này trở nên tươi
đẹp hơn.
Nhưng
giáo pháp do đức Phật truyền dạy là giáo pháp duy nhất không dừng lại ở mức độ
ấy, mà hướng đến một sự giải thoát rốt ráo, một sự giác ngộ hoàn toàn để có thể
chấm dứt mọi khổ đau trong đời sống. Vì thế, giáo lý cơ bản của đạo Phật trước
hết chỉ ra tất cả những khổ đau và nguyên nhân của chúng trong cuộc sống này,
sau đó mới bàn đến những phương thức để chấm dứt tận gốc những khổ đau và đạt
đến sự giải thoát rốt ráo.
Giáo
lý cơ bản này được đức Phật giảng dạy ngay trong lần thuyết pháp đầu tiên cho 5
anh em ông Kiều-trần-như (những vị đệ tử đầu tiên, cũng là những người hình
thành Tăng đoàn đầu tiên), được gọi tên là Tứ diệu đế, nghĩa là 4 chân lý mầu
nhiệm. Chúng bao gồm Khổ đế (chân lý về khổ đau), Tập đế (chân lý về những
nguyên nhân, sự phát sinh của khổ đau), Diệt đế (chân lý về sự chấm dứt khổ
đau) và Đạo đế (chân lý về những phương thức, con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ
đau). Trong một dịp nào đó, hy vọng chúng ta sẽ có thể bàn sâu hơn về bốn chân
lý này.
Dưới
mắt nhìn của người đã thấu rõ 4 chân lý nói trên, thì ngay cả khi bạn có một
đời sống vật chất giàu có, sung túc, hoặc một cuộc sống an nhàn, thảnh thơi
không lo nghĩ, bạn vẫn không thoát ra ngoài vòng khổ đau. Bởi vì có 4 nỗi khổ
lớn nhất vẫn luôn đeo đuổi và bao trùm lên cuộc đời của bạn. Đó là những nỗi
khổ khi sinh ra, già yếu đi, bệnh tật và cuối cùng là cái chết (sinh, lão,
bệnh, tử).
Trong
giáo pháp của đức Phật, chúng ta tìm thấy rất nhiều phương thức tu tập khác
nhau (thường gọi là các pháp môn) thích hợp với nhiều trình độ, nhiều tầng lớp
xã hội khác nhau. Nhưng nói chung thì tất cả các pháp môn đều hướng đến sự giải
thoát rốt ráo chứ không chỉ dừng lại ở một đời sống an nhàn thảnh thơi hay tạm
thời xoa dịu những khổ đau trong cuộc sống.
Mặt
khác, đức Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn và danh xưng Phật (佛) trước hết chỉ
là nói lên một sự thật, bởi đây là phiên âm của từ Buddha trong Phạn ngữ có
nghĩa là “đấng giác ngộ”.
Đức
Phật truyền dạy chính pháp và dẫn dắt những tín đồ tin theo ngài đi đến chỗ
giác ngộ mà chưa từng tự xem mình như một vị giáo chủ. Nhưng nếu chúng ta xem
ngài như một vị giáo chủ trong ý nghĩa là người khai sáng ra đạo Phật, thì ngài
là vị giáo chủ duy nhất đã tuyên bố rằng tất cả tín đồ, hay nói rộng ra và
chính xác hơn là tất cả chúng sinh, đều có khả năng tu tập để đạt đến giác ngộ
hoàn toàn, thành Phật giống như ngài.
Tín
đồ của các tôn giáo khác chỉ có thể tin vào sự cứu rỗi của đấng giáo chủ chứ
không bao giờ dám nghĩ đến việc tự mình có thể trở nên ngang hàng với đấng giáo
chủ của họ. Hơn thế nữa, đức Phật xác định rằng sự giác ngộ hoàn toàn để thành
Phật không phải là một kết quả dựa vào bất cứ ai khác, mà chính là do những nỗ
lực tu tập của tự thân theo đúng với chánh pháp đã được Phật truyền dạy.
Và
như vậy, đây là một tiến trình hoàn toàn hợp lý và mang tính khoa học, có thể
được chứng nghiệm từng bước trong suốt quá trình thực hành theo chính pháp.
Do
những ý nghĩa trên và còn nhiều ý nghĩa khác nữa mà chúng ta sẽ có dịp bàn đến
sau này, nên một khi chúng ta đã hiểu đúng chính pháp và quay về nương theo
Phật, Pháp, Tăng, chúng ta sẽ không còn có thể nương theo bất cứ đấng giáo chủ
hay giáo pháp nào khác.
Cũng
giống như người đã chọn được con đường lớn và quang đãng dẫn đến nơi mình mong
muốn, người ấy không thể nào từ bỏ để đi theo những con đường mòn nhỏ hẹp. Bởi
người ấy thấy rõ rằng, cho dù những con đường khác cũng nhắm về một hướng như
đường lớn, nhưng nó chỉ dẫn họ đến một vị trí nhất định nào đó mà không thực sự
có thể đưa họ đến đích.
Trong
thực tế, có 2 hình thức quy y Tam bảo khác nhau mà chúng ta cũng nên bàn đến ở
đây. Hình thức thứ nhất được gọi là Tùy tha ý quy y, nghĩa là người quy y không
tự mình phát khởi tâm nguyện quy y, mà do một người khác dẫn dắt, hướng dẫn
hoặc thậm chí là yêu cầu. Tiêu biểu cho hình thức quy y này là việc cha mẹ đưa
con cái đến chùa quy y Tam bảo (thường là từ khi còn rất nhỏ), hay vợ hoặc
chồng khuyên bảo người bạn đời của mình quy y Tam bảo...
Trong
trường hợp này, người quy y thường chưa hiểu rõ hoặc chưa đủ khả năng để hiểu
rõ ý nghĩa việc quy y Tam bảo như trên, và do đó có những hạn chế tất yếu về
mặt tinh thần cũng như sự thực hành giáo pháp.
Tuy
nhiên, hình thức này có ưu điểm lớn là tạo được một nhân duyên tốt cho người
quy y, ngay cả khi các yếu tố tự thân của họ chưa đủ để dẫn đến việc quy y.
Người dẫn dắt việc quy y thường là người có trách nhiệm và gắn bó với đời sống
vật chất và tinh thần của người quy y, nên sau khi quy y rồi họ sẽ tiếp tục
nâng đỡ, dắt dẫn cho đến khi người quy y có thể tự mình hiểu rõ được ý nghĩa
chân chánh của việc quy y Tam bảo.
Hình
thức thứ hai là Tự quy y, nghĩa là tự mình phát khởi tâm nguyện quy y Tam bảo
mà không do bất cứ ai khác thúc đẩy, yêu cầu hay ép buộc. Vì là tự mình phát
khởi tâm nguyện quy y Tam bảo, nên thường là xuất phát từ sự hiểu rõ được ý
nghĩa chân chính của việc quy y Tam bảo và quyết định quy y.
Tuy
nhiên, cũng có không ít trường hợp người tự nguyện quy y Tam bảo có hiểu được
một phần nào đó nhưng chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa chân chính của việc quy y,
do chưa được giảng giải và cũng chưa tự mình tìm hiểu thấu đáo. Những người này
cần phải cố gắng tìm hiểu về ý nghĩa chân chính của việc quy y Tam bảo thì việc
quy y mới có thể thực sự mang lại những lợi ích lớn lao cho đời sống của họ.
Việc
quy y Tam bảo không phải là một việc làm nhất thời, mà nó có tính cách như một
cam kết nền tảng để khởi đầu cho những chuyển biến trong tự thân chúng ta. Khi
đã thực sự quy y Tam bảo thì mọi hành động, lời nói hay ý nghĩ của chúng ta sẽ
không còn buông thả theo thói quen từ trước đến nay nữa, mà nhất nhất đều phải
hướng theo những lời Phật dạy, nghĩa là noi theo kinh điển và sự dẫn dắt của
chư tăng.
Sự
chuyển biến hướng thiện đó cần phải được thể hiện một cách cụ thể qua việc học
hiểu và thọ trì Ngũ giới, tức là 5 giới căn bản do đức Phật truyền dạy, có công
năng giúp chúng ta sống một đời sống đúng theo chính pháp và tạo được nhiều
thiện nghiệp, là yếu tố quyết định trước nhất để có thể có được sự an lạc và
hạnh phúc chân thật.
Nguồn tin: theo Hoằng Pháp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự