Năm mới luận chuyện bất tử trường sinh.

Thứ tư - 04/02/2009 20:38
Từ ngàn xưa, con người đã ằng nung nấu, ôm ấp ước mơ được trường sinh bất tử. Tuy nhiên, sự bất tử trường sinh dường như chỉ thấy trong những câu chuyện thần thoại hoang đường, hay truyền thuyết ly kỳ viễn vông. Trường sinh, sống lâu sống thọ, sống dài dài nhưng hữu hạn chứ không phải vô hạn bất cùng, thì có. Bất tử, hiểu theo nghĩa đen là không bao giờ chết, thì không. Sau, quan niệm bất tử đã được suy nghĩ và thay đổi lại, con người không thể không chết đi, không thể tồn tại mãi với thời gian vùn vụt trôi và không gian đầy ô nhiễm bụi bặm, vì vậy “phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ).

Để lại tiếng thơm, để lại một công trình, để lại chiến công oanh liệt vẻ vang, hay để lại một tinh thần bất khuất quả cảm… đó là một cách để bất tử với đời. Còn trường sinh? Tần Thủy Hoàng hay Từ Hy Thái hậu đều đã từng ôm mộng trường sinh của bậc bạo chúa hôn quân mà mang theo về cõi cát bụi hư vô. Phương Đông có thuật Yoga (Du Già thuyết) ở Ấn Độ, có phương pháp Thiền (Zen) phối hợp với gạo lứt muối mè theo cách thức “nhai thức uống, uống thức ăn” ở Nhật Bản… đã mang lại những thành công tương đối trong cuộc kiếm tìm trường sinh đại thọ cho con người. Nhưng các thuật trường sinh đầy công phu, đòi hỏi sự quyết tâm và kiên trì ấy, đều phải phối hợp với rất nhiều yếu tố khác, bao gồm cả ở nội tâm lẫn ngoại cảnh, nếu thiếu đi một yếu tố ắt xôi hỏng bỏng không, uổng phí một công phu tu luyện.

Với nhà Phật, giáo lý siêu việt của Đức Điều Ngự Bổn Sư luôn chú trọng về nhân quả báo ứng, về nghiệp duyên luân hồi, cho nên sẽ không có những phương pháp chỉ dạy cho chúng sinh lao theo những cuộc tìm kiếm vô vọng sự bất tử trường sinh ở trần gian tạp uế; mà chỉ có con đường Chánh đạo dẫn cho con người tìm đến với an vui thanh thản, với siêu thoát thường hằng. Làm sao con người bất tử được khi duyên nghiệp kiếp này của mình đã dứt? Làm sao trường sinh được khi “cái số” của mình là… mệnh yểu? Làm sao sống lâu hơn trăm tuổi để hưởng thụ cuộc sống phú quý sướng vui, khi cái nghiệp ác của mình đã tạo tác từ kiếp này, hay kiếp trước, đã đến hồi phải vay trả sòng phẳng? Hết duyên, hết nợ là dứt sạch. Còn nợ còn duyên thì phải lo mà trả cho đầy đủ, dù đang có một cuộc sống bần cùng cực khổ, hay đang thọ hưởng một cuộc sống nhung lụa cao sang, rồi muốn đi đâu thì đi!

Pháp Phật chỉ cho con người phương pháp đoạn trừ phiền não, dứt lìa khổ đau, liễu sinh thoát tử tìm đến an nhiên cực lạc qua mỗi bước chân đại lực không rời Bát Chánh đạo. Trường sinh bất tử có chăng thì cũng chỉ hiện hữu tồn tại ở một cõi siêu thoát vĩnh hằng vượt khỏi vòng luân hồi (Niết bàn), bất tử bất sinh, mà chỉ bậc giác ngộ chân tu mới chứng đắc được tận cùng rốt ráo. Pháp Phật nhiệm mầu không chỉ dạy khuyên răn con người phải lưu luyến tiếc nuối một kiếp sống đầy khổ lụy bi ai với đủ tử biệt sinh ly, thất tình lục dục ở cõi trần gian giả tạm vọng ảo. Pháp Phật chỉ hướng dẫn cho chúng ta-những chúng sinh đang còn ngụp lặn trong bể khổ trầm luân-cách thức tu hành để tự mỗi người giải thoát cho mình, và nếu thuận duyên thì cho cả tha nhân, được thoát ly sanh tử ngay cuộc sống hiện tiền bằng cách nỗ lực tu tập, tinh tấn thực hành giới định tuệ.

Tu là chuyển nghiệp, chúng sinh có thể chuyển được cái nghiệp của mình, làm cho nhân quả báo ứng có thể sẽ xảy đến với mình trong kiếp sống này được hóa giải, được tiêu tan, hay được thay đổi qua đầy vơi dày mỏng ít nhiều tròn méo… bằng chính sự tĩnh tâm tu niệm, nhất tâm hành trì, thành tâm sám hối của chính mình. Chỉ vậy, nếu nhất tâm tinh tấn, kính tin Phật pháp thì chúng sinh ở cõi Ta bà có thể bất tử, có thể trường sinh đại thọ. Hòa thượng Trung Đình vào đời Chúa Nguyễn Phúc Thuần đã tự thiêu trước thập phương bá tánh, để lại cho nhân thế một “ngón tay không cháy”, tro cốt xá lợi được mang vào thờ trong chùa Thiên Mụ-Huế, không phải là bất tử đó sao? Hòa thượng Tuệ Pháp trú trì chùa Diệu Đế vào thời Khải Định cũng đã tự hỏa thiêu nhục thân để cảnh tỉnh chúng sinh lầm lạc tối tăm, không bất tử thì là gì? Bồ tát Thích Quảng Đức không phải đã  để lại cõi Ta bà này một trái tim bất tử đó sao? Không chỉ trái tim Xá lợi bất tử, mà tinh thần “Kim cang bất hoại” cũng bất tử.

Chư vị Hòa thượng, Tăng Ni và Phật tử đã vị pháp thiêu thân, bảo vệ đạo pháp trong các kỳ Pháp nạn, hoặc để cầu nguyện hòa bình, như: Thích Tiêu Diêu, Thích Nguyên Hương, Thích Quảng Hương, Thích Thiện Mỹ, Thích Nữ Diệu Quang, Thích Thiện Huệ, Thích Như Hải, Đoàn Thị Yến Phi, Nhất Chi Mai, Quách Thị Trang… vân vân và vân vân… há chẳng phải là những con người đã đạt được bất tử đó sao? Xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, quán thân tứ đại là giả hợp tạm bợ, chộp bắt được sự bất tử ngay trong cửa tử.

Vậy còn trường sinh? Xin kể lại sơ lược nơi đây tiểu sử và cuộc đời hành đạo của một vài vị danh tăng Việt Nam hiếm hoi đã “đắc” được trường sinh đại thọ, để chúng ta cùng gẫm suy những điều kỳ diệu “bất khả tư nghị” diễn ra ngay trong cuộc sống, cũng như để học hỏi noi gương những đạo hạnh cao quý có thể mang lại cho con người những tháng ngày tự tại vô ngại trước sinh tử luân hồi. Do đang nhằm thời điểm đón năm mới con Trâu, nên chỉ xin kể chuyện về hai vị Đại lão Hòa thượng sinh vào năm Sửu đã sống trên một trăm năm, con số bách niên mơ ước khát khao cháy bỏng của rất nhiều người đang còn trong vòng mê muội tăm tối.

Trước tiên, xin nói đến vị danh Tăng trường thọ nhất trong lịch sử Phật giáo nước ta cho đến thời điểm này: Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh, pháp hiệu Như Bửu, thế danh Võ Minh Thông. Ngài xuất thân trong một gia đình quy ngưỡng tôn kính Phật pháp, sinh năm Quý Sửu 1853, dưới triều Tự Đức năm thứ 6, tại phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là huyện Hóc Môn, TP.HCM). Theo lời song thân của ngài kể lại, ngày ngài chào đời bỗng dưng có một đàn bồ câu không rõ xuất xứ ở đâu bay lại đậu kín trên mái nhà, con gáy con gù, con nhảy con nhót như đang vui vẻ ca hát. Cho đó là điềm báo an lành linh thiêng, song thân ngài liền thiết lập bàn thờ Phật, phát nguyện ăn chay trường, trì kinh niệm chú.

Thông minh hiếu học từ thuở nhỏ, ngài đã không chỉ thông làu kinh điển mà võ nghệ cũng cao cường, nhưng lại luôn tỏ ra rất khiêm tốn. Năm 12 tuổi, ngài được cha mẹ đồng thuận cho xuất gia học đạo với Tổ Minh Phương - Chơn Hương ở chùa Linh Nguyên. Qua 2 năm tu học tinh cần, ngài được sư phụ đưa sang tu học thêm kinh điển với Tổ Minh Vi-Mật Hạnh tại chùa Giác Lâm. Rồi thời gian dài tiếp sau đó, ngài đã được nhiều phước duyên thọ giáo với chư vị Hòa thượng Giáo thọ danh tiếng uyên thâm và đạo hạnh, nên sớm trở thành một Tăng nhân nổi tiếng trong Thiền lâm đương thời. Từ năm 1879, Ngài được tôn cử làm trụ trì các chùa Linh Nguyên, Long Quang. Năm 1926, ngài tham gia tổ chức yêu nước Thiên Địa Hội chống chế độ cai trị của thực dân Pháp, bị bắt đày đi Côn Đảo.

Sống khổ sai trong địa ngục trần gian suốt 4 năm trời, như đã sống trong cõi chết, vậy mà Ngài vẫn mặc áo nâu sồng, giữ trai tịnh với cơm muối nước lã, không để suy suyển hao hụt oai nghi đạo hạnh của người xuất gia đầu Phật. Từ công việc nặng nhọc đốn củi đốt than trên rừng, ngài đã cùng một số bạn tù kết bè vượt ngục, trôi nổi giữa biển khơi mênh mông, đương đầu với sóng to gió lớn, bảy chết còn ba, hai bạn tù còn lại bên ngài thì thoi thóp nhắm mắt chờ chết, chỉ riêng ngài là còn tỉnh táo, định tâm. Ngồi trên bè với tư thế bán già, ngài  đã nhất tâm trì niệm kinh chú qua một thời khắc sinh tử tồn vong chỉ cách nhau một sợi chỉ. Vậy rồi, sóng chìm gió lặng, bè trôi bềnh bồng lặng lẽ ba ngày hai đêm giữa mênh mang biển nước, cho đến khi được một chiếc thuyền buôn xuất hiện cứu vớt.

Nhân duyên đã đưa đẩy một thương gia ở Rạch Giá có mặt trên thuyền buôn, vốn là một Phật tử thuần thành đã đưa ngài về nhà của ông ta, chăm sóc bảo bọc ân cần chu đáo, làm giấy tờ giả để qua mắt nhà cầm quyền Pháp, đổi tên cho ngài là Võ Bửu Đạt. Từ đó, ngài ngao du giáo hóa khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ với tấm căn cước mang tên mới. Đến năm 1949, ngài chính thức về Sài Gòn khi án tù vượt ngục không còn hiệu lực. Như một du tăng tự tại, ngài đã đến và đi qua rất nhiều ngôi chùa ở Sài Gòn, sau cùng mới dừng chân trụ trì chùa Giác Ngộ ở Ngã Sáu Vườn Lài. Đến năm 1951, là một bậc cao tăng được giới Tăng già hết mực tôn kính, nên đã trao ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt cho ngài đảm nhiệm.

Giữ ngôi vị Pháp chủ được 3 năm, thấy sức khỏe suy yếu, ngài làm Chứng minh Đạo sư của Giáo hội Tăng già, xin cáo lui để về an dưỡng tại chùa Long Quang, mở cuộc trùng tu ngôi chùa này thành một cõi già lam trang nghiêm. Từ năm 1956 đến năm 1972, tạm rời vùng Bà Điểm-Hóc Môn để tranh bom đạn, ngài được cung thỉnh đến trụ trì ngôi chùa mới Long Nguyên (Bình Trị-gần Phú Lâm),  sau đến an trú ở chùa Chưởng Thánh, rồi lại trở về chùa Long Quang khi sức khỏe ngày càng như ngọn đèn cạn dầu, mặc dù tinh thần vẫn còn sáng suốt, trí tuệ vẫn minh mẫn… Đúng vào sáng mồng Một Tết Quý Sửu 1973, năm tuổi cầm tinh của ngài, sau khi lên chánh điện lễ bái chư Phật, ngài bảo môn đồ kê một chiếc đơn bên cạnh bàn thờ Tổ, rồi nằm đó qua 11 ngày chỉ uống nước.

Đến sáng ngày 11 tháng Giêng, ngài tắm rửa nước nấu bằng các loại hoa thơm, rồi sai thông báo cho tất cả các đệ tử ở khắp nơi trở về để phụng giáo. Đúng 12 giờ trưa ngày 12 tháng Giêng, môn đồ pháp chúng tề tựu đông đủ, ngài thuyết giảng một bài về lẽ vô thường, căn dặn không ai được sầu bi khóc lóc, rồi đọc một bài kệ 8 câu cho chúng đệ tử nghe. Sau đó, ngài bảo môn đồ  tập trung lên chánh điện toạ thiền nhập Từ bi quán, đánh trống Bát nhã liên hồi từ 15 giờ 30 đến 16 giờ thì thâu thần thị tịch, trên tay vẫn còn nắm một xâu chuỗi mười tám hạt bồ đề. Ngài  đã an nhiên về cõi Phật, hưởng đại thọ 120 tuổi, với 99 tuổi đạo.

Cùng sinh vào năm Sửu với Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh, nhưng sau 24 năm, vào năm Đinh Sửu 1877, có một vị danh Tăng khác cũng sống trên 100 tuổi, đó là Đại lão Hòa thượng Thích Trừng Thủy, thế danh Võ Chí Thâm, pháp hiệu Giác Nhiên. Ngài xuất thân từ một gia đình gia phong đức hạnh ở Triệu Phong- Quảng Trị. Năm lên 7 tuổi, đã xin quy y cầu pháp với Hòa thượng Tâm Tịnh tại chùa Tây Thiên Di Đà (Huế). Năm 33 tuổi, ngài được thọ Cụ túc giới. Năm 55 tuổi, ngài cùng chư Tăng uyên bác và đạo hạnh lập nên Hội An Nam Phật Học, đảm nhiệm chức Chứng minh Đạo sư, kiêm nhiệm Giám đốc Phật học đường Tây Thiên-Huế, rồi trú trì chùa Thánh Duyên, chứng minh cho tạp chí Viên Âm ra đời.

Sau đó, ngài được suy cử làm trú trì Tổ đình Thiền Tôn-Huế, Viện trưởng Phật học viện Trung phần - Nha Trang. Đến lúc tuổi đã 86, chân yếu tay run, nhưng gặp Pháp nạn 1963, ngài vẫn hiên ngang chống gậy trúc dẫn đầu đoàn Tăng Ni xuống đường đòi bình đẳng tôn giáo, bảo vệ Chánh pháp. Đặc biệt nhất, vào năm 1973, ngài được suy tôn chức Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, sau khi đức Đệ nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết viên tịch… Sau năm 1975, ngài về lại chùa Thiền Tôn tiếp hướng dẫn đồ chúng tu tập. Vào ngày 2 tháng 2 năm 1979, ngài xả bỏ ngũ uẩn, an nhiên viên tịch, hưởng thọ 102 tuổi đời, với 69 hạ lạp.

Xem ra, chúng ta thấy các ngài “đắc” được trường sinh đại thọ không phải vì đã chú tâm lập chí đi tìm, cũng không phải vì các ngài nhờ đã tu luyện thần thông nên nắm được “bí quyết sống lâu”, hay vì được Tây Vương Mẫu trên cõi trời cao ban xuống cho mấy trái đào tiên để “thọ thực trường sinh”, mà chỉ vì các ngài “chuyển được nghiệp, đổi được duyên” của mình bằng cuộc sống y áo bình dị, muối tương thanh bần, cơm rau đạm bạc, vô ngã vị tha, kính thờ Tam bảo, y giáo phụng hành. Đến khi không muốn “sinh trụ” nữa,  thì đón lấy “hoại diệt” một cách bình thản an nhiên, nhiều ngài còn thấy trước được ngày giờ mình ra đi, rời bỏ khỏi cõi phàm trần uế tạp, nên đã có dư thời giờ sắp xếp nghênh đón giây phút tiêu diêu thiêng liêng ấy.  Đơn giản, vì “nghiệp dĩ duyên số” phải sống lâu với kiếp này ở cõi Ta bà mộng mị, nên các ngài phải sống lâu, muốn “đoản thọ” cũng không được, mà muốn “trường trường sinh, đại đại thọ” cũng… không ai dám duyệt!

Nguồn tin: theo giacngo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây