Tránh xa thầy tà, bạn xấu

Thứ sáu - 29/04/2016 16:53
Tôi nhớ thuở nhỏ, đọc Quy Sơn cảnh sách, Tổ Quy Sơn dạy: “Viễn hành yếu giả lương bằng, sác sác thanh ư nhĩ mục, trú chi tất tu trạch bạn, thời thời văn ư vị văn”. Nghĩa là khi đi xa, cần nương nhờ bạn tốt để luôn luôn lọc sạch tai mắt; ở chỗ nào đó, chúng ta cũng cần nương bạn hiền, thì mỗi ngày chúng ta mới nghe được, học được điều chưa từng nghe. Đó là điều quan trọng trên bước đường tu.
Đề-bà-đạt-đa lăn đá hại Phật
Đề-bà-đạt-đa lăn đá hại Phật

Tôi nhờ học câu này, suốt đời học đạo, tôi luôn khắc cốt ghi tâm. Nghe chỗ nào có đạo tràng tu tốt, tôi tìm tới, nghe chỗ có danh tăng, tôi liền tới cầu học. Dù chỗ đó khó khăn, cực khổ, nhưng chúng ta học được, thì cũng nên ở. Ngược lại, chỗ khác có cuộc sống vật chất tốt hơn, nhưng không được học, không được tu, thì ở đó coi như uổng công. Thực tế cho thấy nơi có đời sống vật chất quá đầy đủ, thường có nhiều nguy hiểm.

Nơi thiếu thốn, khó khăn, hãy suy nghĩ xem tại sao thiếu thốn, khó khăn. Theo luật nhân quả Phật dạy, chính cái khó khăn, thiếu thốn đó sẽ khắc phục ác nghiệp của mình, vì ác nghiệp đời trước mà nay mình phải sanh vào hoàn cảnh không tốt để ứng vào cái nghiệp không tốt của mình. Như vậy, muốn thoát ly tình trạng này, phải làm sao khắc phục nó, để chúng ta vượt lên.

Tổ Quy Sơn cũng dạy rằng gần gũi bạn lành giống như đi trong sương móc, cảm thấy mát mẻ. Nhưng người có nghiệp ác, họ không thể chấp nhận được bạn tốt, không nghe được bạn tốt, mà họ lại thích hợp với bạn ác hơn.

Trên bước đường tu, bước đầu, chúng ta lánh dữ, gần lành. Đạo Nho có nói nếu mình gần bạn ác, tri kiến ác của mình sẽ tăng trưởng, vì mình gần cái ác, nghe và suy nghĩ điều ác, nên ác tăng lên. Vì vậy, khi gần người ác, mà mình chấp nhận được, nghe được, thì tự biết nghiệp ác của mình còn. Nếu không còn nghiệp ác, mình nghe điều ác, cảm thấy chói tai, khó chịu.

Tổ Quy Sơn dạy chúng ta phải cẩn trọng cái nhìn của mình, cái nghe của mình, vì thấy điều xấu ác, tâm xấu của mình sẽ khởi lên và nghe về việc ác nữa, tâm xấu càng tăng thêm.

Tu trong đạo, gặp bạn đạo, nhưng coi chừng họ là bạn xấu. Thật vậy, người đi nhiều đạo tràng, nên họ biết quá nhiều chuyện xấu, là tâm họ có ác nghiệp rồi. Người xấu có thể ngồi nghe pháp, nhưng họ cố nhìn người này, người khác và họ cũng lóng nghe điều không tốt, rồi sau đó, họ dụm lại bàn tán. Trong đạo tràng có một, hai người ác xấu thôi và họ chỉ thấy việc xấu thôi, còn điều tốt mà thầy giảng, họ không nghe.

Người đi nhiều đạo tràng góp nhặt những điều xấu, nên gọi đó là thời kỳ Mạt pháp, tức các ma giả dạng làm Phật tử, làm thầy tu. Họ thiệt là ác ma, giả dạng theo Phật, cũng quy y Tam bảo, nhưng truyền bá độc hại cho người. Nếu gần người như vậy, tri kiến ác của chúng ta tăng trưởng. Nếu lỡ có thấy nghe ác xấu này, chúng ta cũng đừng cho nó vào tâm và cũng đừng gần họ nữa, vì nghe hoài thì sau này ác xấu của mình tăng lên, làm cho mình không gần đạo nữa.

Có người nói chùa Phổ Quang có nhiều người móc túi. Điều này có, nhưng chỉ có một, hai người xấu như vậy. Họ là ác ma vào đây lợi dụng đám đông, lợi dụng sơ hở của Phật tử. Người không biết lại nói bậy rằng tu mà còn tham, tu mà xấu. Tôi nói đây là người xấu đến chùa, họ không phải là người tu.

Người đi chùa để tu, khác với người đi chùa để trộm cắp, hay tìm sai trái của tổ chức đem ra bêu xấu. Suốt thời giảng, họ không nghe được, nhưng có người làm xấu là họ thấy liền và giữ điều xấu này trong lòng để nhân rộng ra, đó là thầy tà bạn xấu phải tránh.

Giả sử có 100 thầy, nhưng chỉ có một thầy tốt, thì ta nương một thầy này thôi. Ví như trong rừng trầm hương, chỉ có một cây trầm mà tỏa hương thơm cả khu rừng, đâu phải tất cả cây trong rừng đều là trầm. Người tìm đạo giống như người tìm trầm. Chúng ta cố tìm cho được trầm, tìm bạn tốt và giữ gìn tình bạn này, còn những người như gỗ mục, ta không quan tâm.

Những người học Thiền, gặp thiền sư, nhìn bề ngoài thấy bình thường, nhưng đạo lực bên trong của họ phi thường. Phải tìm được cái gốc. Trung Quốc có chuyện Hàn Sơn và Thập Đắc. Thuở nhỏ, tôi đọc và suy nghĩ về hai vị này. Đó là Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền hiện thân lại, ở chùa Quốc Thanh, tổ đình Thiên Thai. Hai người này làm việc rất bình thường, ở dưới bếp, nấu cơm.

Tôi đi tu, cũng thấy việc này, khiến tôi nghĩ đến hai vị Thánh Tăng. Hai vị này ở trong bếp, chỉ nấu cơm cho chúng ăn, nhưng là hiện thân của Bồ-tát, thì họ có việc làm của Bồ-tát. Chúng ta nhìn kỹ, học được hạnh của Bồ-tát ẩn sâu trong họ.

Có người vô bếp kiếm chác, đó là bạn ác, họ hay biển thủ, đi chợ, bớt tiền chợ, để thủ lợi riêng, ta loại người này ra, giao cho họ làm gì. Nếu là người tốt thực sự, chúng ta nên gần gũi.

Lúc tôi mới về Ấn Quang, có thầy Minh Phát là Sa-di. Thầy này có điều lạ mà tôi nghĩ có thể là Bồ-tát hiện thân lại. Thật vậy, thấy hạnh đức của thầy Minh Phát khiến tôi liên tưởng đến hai vị Hàn Sơn và Thập Đắc của Trung Quốc.

Hòa thượng Thiện Hòa giao cho thầy Minh Phát tiền chợ nấu ăn cho đại chúng. Dù Hòa thượng không giao tiền, thầy cũng lo cho chúng đầy đủ, các Phật tử đến chùa, thầy cũng lo. Tôi quan sát người có tâm như vậy, có tấm lòng lo cho Phật pháp, lo cho đại chúng, thì khác với người thường. Người thường đưa tiền chợ bao nhiêu thì mua bấy nhiêu cho chúng. Người ác thì lấy nhiều tiền, nhưng lo cho chúng thì ít. Người tốt lấy tiền chùa ít, nhưng lo cho đại chúng nhiều.

Tôi thấy thầy Minh Phát lo cho đại chúng đông bao nhiêu, thầy vẫn lo đầy đủ. Nhìn xa hơn nữa, lúc thầy này mới xuất gia, chưa thọ Đại giới, nhưng được Phật tử quý trọng hơn các thầy tu nhiều năm, đó là quyến thuộc Bồ-đề của thầy Minh Phát. Khi hành Bồ-tát đạo, không có quyến thuộc Bồ-đề, không làm nên đạo lớn. Quyến thuộc Bồ-đề của thầy này thấy thầy tận tụy lo cho chúng, hết lòng lo cho chùa, nên họ nhiệt tình đóng góp. Nhiệt tâm của thầy đã tác động cho người phát tâm cúng dường, dù thầy còn là Sa-di. Đây là bạn tốt mà mình nên gần gũi, học theo.

Tại sao thầy Minh Phát được nhiều người thương mến, hợp tác. Việc làm của thầy  mà ta cũng quý, thì người khác cũng hợp tác là điều tự nhiên, quan trọng là tấm lòng vì đạo, nên được nhiều người hợp tác là đúng.

Gần gũi người tốt, thấy công hạnh của họ, để bắt chước làm theo. Vì vậy, chúng ta học đạo không phải tìm người tuổi cao, tu lâu. Người mới tu, nhưng tư cách đáng kính nể như Hàn Sơn nấu cơm, nhưng là Bồ-tát.

Mình tu lâu, học cao, nhưng chưa làm được như họ, thì chúng ta coi họ là thầy. Tôi quan sát, học người nhỏ hơn tuổi đời, tuổi đạo, là học cái tâm của họ, đó là người bạn tốt. Từ đó, phải nhận ra trầm hương trong rừng, gom lại, để chúng ta trùng hưng Phật đạo.

Ngoài ra, tôi nhận ra nhiều người thương quý thầy Minh Phát, vì thầy dám dấn thân, chịu cực khổ lo cho mọi người. Trong kinh điển Đại thừa thường nói chịu khổ thế cho chúng sanh, để cúng dường Phật. Thầy Minh Phát lúc đó tuy chưa học kinh, nhưng đã hiểu cái lý của kinh là làm an vui cho người, dù có khó khăn, cực khổ, nhưng thầy không buồn giận. Không lúc nào thấy thầy nổi cáu, điều này chúng ta nên học.

 

Thầy hết lòng cho đạo, phục vụ mọi người, 10 giờ đêm có người chết, thầy cũng sẵn sàng đến hộ niệm. Hạnh này đáng học, đáng kính nể. Chính tâm niệm và hành động này của thầy được người quý trọng. Thầy qua đời trên dưới 40 tuổi, nhưng đám tang thầy Minh Phát long trọng hơn đám tang các Hòa thượng. Có nhiều người từ Quảng Trị vô đưa tang. Tôi hỏi sao ở xa vậy mà các thầy và các đạo hữu đến. Họ nói vì lúc sanh tiền, mỗi khi có bão lụt, có khó khăn, là thầy dấn thân, ra giúp đỡ. Thầy dành cả cuộc đời, không học, mà chỉ làm bếp ở chùa Ấn Quang. Có tiền là thầy bố thí, cúng dường, gặp việc đáng buồn, thầy không buồn, gặp điều bực tức, thầy cũng cho qua.  

Trên bước đường tiến tu, cần gần gũi bạn tốt, đáng học theo. Gần hạng người xấu, họ lấy của thường trụ nhiều mà mua sắm cho chùa thì ít. Gần họ, mình sẽ bị ảnh hưởng theo, một là khởi tâm ác, hai là khởi lòng tham thì một lúc, mình cũng ăn cắp. Ăn cắp của thường trụ chúng Tăng, chắc chắn hậu quả xấu vô cùng. Người có lòng tham như vậy sẽ tăng trưởng tri kiến ác và ý tưởng xấu của mình tăng rồi, đương nhiên hành động xấu theo sau. Vì vậy, mới tu, ít xấu, nhưng vì gần người xấu nhiều, ý tưởng xấu sanh ra và trở thành người xấu.

Theo Phật, phải làm cho tai, mắt của chúng ta trong sạch, không bao giờ để tâm mình bị nhơ bẩn. Nếu lỡ thấy việc xấu, đừng cho nó vô tâm, lỡ nghe bạn ác nói điều tội lỗi, ta phải lạy sám hối. Chính pháp tu này tôi thường áp dụng, là lạy Hồng danh sám hối, lạy chư Phật, lấy hình ảnh Phật thay hình ảnh ma. Lạy Phật đến thấy hảo tướng Phật hiện ra, thì ác ma biến mất.

Lạy Phật đến mức độ lời ác không còn văng vẳng bên tai, không còn hiện hữu trong lòng, là hết nghiệp. Muốn được như vậy, phải đem Phật vào lòng và nhìn ra, chỉ thấy người tốt. Và khi trong lòng chúng ta chỉ có tốt, thì bên ngoài, chúng ta đến cũng sẽ toàn là tốt. Trong lòng không tốt, dù có tìm Phật, cũng sẽ gặp ác ma, hay ác ma giả Phật, như vậy nguy hiểm vô cùng.

Sáng nay, trước khi đến đây giảng pháp, có một Phật tử thưa rằng thầy cho con cái phép, để con nói cho đứa con nghe. Tôi bảo không có phép gì hết. Phật tử tin tưởng bùa phép, sẽ gặp nguy hiểm. Ma mới có bùa phép. Phật có, nhưng không dùng. Phật chỉ dùng đạo đức cảm hóa người.

Dùng bùa phép buộc người, thì họ nghe, nhưng về sau, họ oán hận nhiều hơn. Những người đi chùa, tìm bùa phép nói cho người khác nghe, để họ gửi tiền cho mình. Tôi  bảo nếu bà thiệt tâm tu, không cần tiền, chắc chắn con bà sẽ gửi tiền cho. Còn dùng bùa phép, thì nó sẽ không gởi tiền cho, hoặc có gởi cho, nhưng sau, nó cũng hận bà. Nhìn mặt bà như vậy, ai dám gần.

Khi tâm mình trong sáng, hướng về Phật, sẽ được người thương và xa hơn, có Phật, Bồ-tát hộ niệm, giúp đỡ, đó là bạn lành. Bùa phép là bạn ác. Mình không gần gũi bạn này, nên không sử dụng bùa, nhưng thực tu, mình không cần, chỉ có tâm trong sạch và việc làm tốt, thì người thấy tự động muốn giúp đỡ.

Và khi họ sẵn lòng giúp, quý vị nhận tấm lòng tốt của họ là chính, còn tài vật chưa cần thiết thì đừng nhận. Nếu có được bạn tốt, lòng tham mình nổi dậy là nghiệp còn, thì tâm mình đã ác, từ đó sẽ hiện ra lời nói và hành động ác, nghĩa là thân khẩu ý đều ác, nên mình có ý nghĩ thuyết phục người, để họ không cho, thì cũng cho mượn. Như vậy, từ ý niệm ác khởi lên, tướng ác sẽ theo đó hiện ra, chắc chắn hậu quả không bao giờ tốt.

Thuở nhỏ, tôi đọc chuyện anh học trò nghèo khó trước khi đi thi, anh lên chùa lễ Phật. Ông thầy tướng thấy anh này có tướng làm quan, nên gạ gả con gái và bảo anh ở đây, ông nuôi anh học đỗ đạt, ông sẽ giao gia tài, vì ông chỉ có một cô con gái thôi.

Lúc đó, anh này chỉ nghĩ đến Phật, nên bảo ông thầy bói rằng để anh lên chùa lễ Phật, không tính đến việc đó, Nhưng sau đó, Phật trong lòng anh biến mất, anh cũng lễ Phật, nhưng trong tâm hiện ra hình ảnh ông thầy bói và cô con gái, cùng với gia tài. Như vậy, lòng nghĩ ác xấu đã ngự trị khiến Phật trong tâm anh biến mất. Anh trở về, ghé vô ông thầy bói để bàn tính việc hôn nhân. Ông này liền từ chối. Anh mới hỏi tại sao hồi sáng, ông còn kêu tôi vô đây, nói như vậy, mà sao bây giờ, lại đổi ý. Ông thầy bói nói hồi sáng, tôi thấy anh có tướng hiền lành, phúc hậu, nên muốn giao con gái để nó được nhờ người chồng tốt. Nhưng nay, tôi thấy anh hiện tướng tham lam, hung dữ.

Câu chuyện gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng từ tâm mà hiện thành tướng. Phật tử thực tu, thường niệm Phật, đọc kinh, thì kinh và hình ảnh Phật sống động trong lòng, mình sẽ hiện tướng hiền lành, dễ thương.

Nếu thực tu, mới đầu có thể họ dở, xấu, nhưng nhờ đem Phật và kinh vào lòng, lòng họ sáng lên, ý tưởng xấu tự biến mất. Một khoảng thời gian, gặp lại họ, mình không ngờ họ thay đổi nhanh chóng, tốt đẹp đến như vậy. Từ con người bần cùng, làm thuê, nhưng họ trở thành giàu có, sang trọng, hoặc làm vua, làm quan, đó là nhờ công đức tu hành mà được như vậy. Điển hình như Thiền sư Vạn Hạnh dìu dắt Lý Công Uẩn tu đúng pháp, từ đứa trẻ mồ côi, ông trở thành nhà vua tài đức.

Đạo chuyển cô cùng đăng quý hiển

Đạo hành trần tục chứng thần tiên.

Nghĩa là đạo có công năng chuyển đổi người côi cút thành người có vị trí cao nhất trong xã hội. Đạo đưa người trần tục đầy đủ tham, sân, si, nhưng nhờ đạo chuyển, vì họ sống với đạo, nên chuyển tánh xấu mất, trở thành người tốt, thành Thánh Hiền.

Nhưng vì chúng ta sai lầm, gặp ác ma giả Phật, khiến chúng ta trở thành tệ xấu. Vì vậy, ta nghĩ mình tu, nhưng tu sai, một thời gian sau, ta tệ lần. Quan sát kỹ, để nhận định được đúng, sai. Tu đúng, tiến lên Hiền Thánh. Tu sai, trở thành ma quỷ, thì người xung quanh họ đều là người xấu.

Chủ đề chúng ta học là tránh xa thầy tà, bạn xấu. Thầy tà là thầy dùng bùa phép để gạt người. Quý vị cẩn thận, họ cho mình bùa để ếm người khác, được hay không chưa biết, nhưng mình là người mắc bùa trước, vì họ sẽ dọa mình không theo là tán gia bại sản. Tôi thấy những người mê tín thường theo con đường này, mà chủ đề khuyên chúng ta  nên tránh xa.

Thầy tà thường có bạn ác rủ. Ma vương có ma con. Có một người rất tội nghiệp, họ thưa tôi rằng con lỡ theo đạo mà ông thầy hù dọa, bảo con kiếm thêm năm người vô đạo sẽ được lên thiên đường. Nếu không kiếm được như vậy, ra đường sẽ bị xe đụng chết. Con sợ quá. Tôi bảo bà đưa bùa cho tôi coi, tôi đem đốt và nói thầy hóa rồi, bà lạy Đức Quan Âm, ngài sẽ cứu, đừng sợ.

Tóm lại, từ bạn ác sẽ rủ đến thầy tà. Khi quý vị gặp khó khăn, họ dắt mình đến thầy tà, bày ra nhiều việc nguy hiểm. Vì vậy, trên bước đường tu, cần tránh xa thầy tà, bạn ác và nên gần gũi minh sư, thiện hữu tri thức. Chính những bậc thầy thực tâm tu, chỉ một lòng cứu độ chúng sanh và những bạn lành đã thực tập Chánh pháp, những vị này sẽ là người tốt thực sự có thể chỉ dạy, dìu dắt chúng ta trở thành người tốt, người Hiền và tiến xa hơn, chúng ta tới được với Phật và Bồ-tát. Có như vậy, chúng ta mới thăng hoa tri thức và đạo hạnh, thoát khỏi mọi tai ách và luôn sống an lạc, giải thoát, làm lợi ích cho đời.

Tác giả bài viết: HT Thích Trí Quảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây