Do tính chưa đồng bộ của phương ngữ thời đó, nên trong báo viết là Hoàng Sa, có khi viết là paraccis, lúc gọi là Tây Sa, để quí vị độc giả tiện theo dõi, chúng tôi thống nhất một tên là Hoàng Sa. Nhân sự vụ tranh chấp chủ quyền đang diễn ra tại quần đảo này, chúng tôi xin trích đăng lại những thông tin về quần đảo Hoàng Sa được đề cập trên một cơ quan ngôn luận của Phật giáo.
Đuốc Tuệ số 90 ra ngày 1-8-1938: Việc đảo Hoàng Sa đã tiệm yên
Chính phủ Đông Dương đã chính thức nhận đảo Hoàng Sa ở trong bể Nam Hải, trước Huế trông ra, một nơi cửa ngõ giữa Đông Dương, đường hàng hải Nam Dương (2) qua Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản tất qua đó.
Đây là một nơi rất trọng yếu về quân sự trong trông ra ngoài trông vào của Đông Dương. Trường tầu bay (3), nơi đỗ tầu chiến, vô tuyến điện đài, chiếu hải đăng đều cần có ở đó để làm nơi phòng ngữ. Mất Hoàng Sa tức là Đông Dương mất cái điếm canh cửa ngõ.
Đảo Hoàng Sa từ đời vua Gia Long (4) đã thuộc về nước Nam quản cố. Gần đây Nhật để ý, Tầu(5) cũng đòi. Vì kế phòng thủ Đông Dương, chính phủ Pháp lấy sự thực trên lịch sử đảo ấy là của nước Nam nên đã chính thức phái chiến hạm và lính khố xanh ra giữ đảo Hoàng Sa (6).
Nhật Bản trước kháng nghị, nhưng rồi biết phải (7) cũng đã êm êm, nên chỉ xin chính phủ Đông Dương bảo hộ cho kiều dân Nhật đến lấy phốt phát (8) ở đấy và xin cung cho Nhật ít sắt.
Đuốc Tuệ số 91 ra 15-8-1938: Tin thêm về đảo Hoàng Sa
Nước Pháp thay mặt nước Nam đã cho tàu chiến ra trú phòng và cho hiến binh lên một hòn trong quần đảo Hoàng Sa giữ quyền địa chủ(9). Người Nhật trước còn kháng nghị, sau cũng êm, xin lính nước Pháp bảo hộ cho Nhật kiều lấy phân bón ở đấy và xin cấp cho họ ít sắt.
Ngày 15-7 vừa rồi người Nhật đem tàu chiến đến chiếm lấy một hòn đảo khác ở trong quần đảo Hoàng Sa. Trong quần đảo này có hai hòn to còn thì bé nhỏ quá và có nhiều hòn còn lờ mờ dưới nước (10). Nước Pháp giữ được một hòn to ở ngay giữa đường tầu đi Hồng Kông - Sài Gòn, còn hòn kia thì ở cách xa, xế về mé Đông.
Nếu điển cố mà có thế lực trong quyền sở hữu đảo Hoàng Sa này, phi nước Nam không còn ai nữa. Bởi vậy các báo đã lục đăng hết những văn thư của bản triều có can hệ đến đảo Hoàng Sa ra. Nhưng một cái chúc thư vừa lâu vừa có giá trị hơn cả là ở trong sách Phủ biên tạp lục của cụ Lê Quí Đôn (1726-1784) chép từ Hậu Lê, nói về chúa Nguyễn trước đây cho đội lính làng An Bình, Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa (11) lấy hải vật, có cả đoạn công văn chúa Nguyễn sai quan phúc đáp quan Huyện bên Tầu hộ tống 2 tên lính đội Hoàng Sa bị bão rạt sang bên ấy về nước ta. Việc vào năm Càn Long thứ 19 (1751) (12). Báo Tiếng Dân đã lục tường. Coi đó biết cái học cụ Lê Quế Đường thực dụng là dường nào.
---------
(1) Đuốc Tuệ số 1 ra ngày 10 tháng 12 năm 1935, lúc đầu là tuần báo, từ 1937 mỗi tháng ra hai kỳ. Chủ nhiệm là Nguyễn Năng Quốc - Chánh Hội trưởng Hội Phật giáo Bắc Kỳ; Chủ bút là Hòa thượng Phan Trung Thứ trụ trì chùa Bằng Sở, Hà Đông; Phó Chủ bút là Hòa thượng Dương Văn Hiển, trụ trì chùa Tế Cát, Hà Nam; Quản lý là Cung Đình Bính. Số cuối cùng là số 257-258 ra ngày 15 tháng 8 năm 1945.
(2) Nam Dương tức Indonesia.
(3) Trường tầu bay tức sân bay.
(4) Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, làm vua từ 1802-1820. Năm 1816, Gia Long ra đảo Hoàng Sa long trọng cắm cờ xác nhận chủ quyền trên đảo. Sự kiện này đã được JB.Chaigreau ghi lại trong sách “Le mémoire sur la cochinchine” đăng ở Bulletin dé Amis du Vieux Hué N02, 4-6/1923).
(5) Tầu tức Trung Quốc, lúc đó do Tưởng Giới Thạch làm Tổng thống.
(6) Từ 1883 Việt Nam trở thành thuộc địa Pháp, người Pháp chiếm lĩnh luôn quần đảo Hoàng Sa. Năm 1899, Pháp dựng một ngọn hải đăng trong quần đảo này. Năm 1920, quan thuế Pháp đưa hải thuyền tới thường xuyên kiểm soát quần đảo. Năm 1930, tàu Malicieuse đổ bộ vào Hoàng Sa, dựng cờ chiếm hữu. Năm 1938 Pháp đã dựng bia chủ quyền ghi rõ: République Francaise/ Empire d’ Annam/Archipel des Paracels/ 1816 - Ile de Pattle - 1938.
(7) Ý nói Nhật Bản biết rõ về mặt pháp lý quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam nên không kháng nghị việc Pháp đưa tàu chiến và binh lính ra quần đảo Hoàng Sa nữa.
(8) Hoàng Sa có mỏ phốt phát với trữ lượng lớn, đang khai thác.
(9) Quyền địa chủ tức chủ quyền về đất đai, ở đây nói Việt Nam là chủ sở hữu hợp pháp của quần đảo Hoàng Sa.
(10) Tức đảo chìm.
(11) Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quí Đôn, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2007, trang 152 - 153 (quyển II Hình thế núi sông, thành lũy, trụ sở, đường xá, bến đò, nhà trạm hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam) viết: Phủ Quảng Ngài, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển; ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao (đảo), các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển,cách nhau một ngày đường hoặc vài canh. Trên núi (đảo) có chỗ có nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy... Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước, họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 xuất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba (ba ba biển), hải sâm hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo (tức cửa Tư Hiền), đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem sổ của cai đội cũ là Thuyên Đức hầu biên rằng: năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; Giáp Thân được 5100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu đến năm Quí Tỵ, 5 năm ấy chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được khối thiếc, bát sứ và 2 khẩu súng đồng mà thôi” (Dưới triều Tây Sơn các việc trên do thủy quân đảm nhiệm. Vua Gia Long nhà Nguyễn sau nay khôi phục lại hình thức “đội Hoàng Sa” đến đời Tự Đức mới bỏ. Năm 1835 vua Minh Mạng sai Phạm Văn Nguyên mang quân lính ra Hoàng Sa dựng bia xây miếu, trong 10 ngày đã làm xong. (Theo Đại Nam nhất thống chí, NXB Thuận Hóa, 2006, tập 2 và Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú (viết năm 1933), Nxb Thuận Hóa, 1997).
(12) Phủ biên tạp lục viết: Bãi Hoàng Sa gần phủ Quỳnh Châu của Hải Nam. Người đi thuyền một hôm gặp thuyền đánh cá của người Bắc quốc giữa biển hỏi nhau, từng thấy công văn của quan chính đường gửi cho xứ Thuận Hóa, trong nói rằng năm Càn Long thứ 19, có mười quân nhân người xã An Bình thuộc đội kiếm vàng huyện Tư Nghĩa, phủ Quảng Ngãi nước An Nam, hồi tháng 7 đến Vạn lý Trường Sa (tức Hoàng Sa) kiếm lượm các vật, tám người lên bờ tìm kiếm, chỉ còn hai người giữ thuyền, gặp bão đứt neo, giạt đến đảo Thanh Lan, quan địa phương tra thực, áp trở về quê quán...”
Tác giả bài viết: Nguyễn Đại Đồng sưu tầm và chú thích
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự