Làm tiền từ sự mủi lòng

Thứ năm - 05/08/2010 19:59
Gần đây, nhiều nơi rộ lên tình trạng một số người tự xưng là nhân viên các tổ chức như hội người mù, hội bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, thậm chí của các chùa... để bán hàng từ thiện tại nơi công cộng.

Sáng 5-7-2010, tại cổng ra của siêu thị Big C Miền Đông (đường Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM) có hai thanh niên đứng ngay tại cổng để bán tăm, xưng là sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) sản xuất tình thương thị xã Sơn Tây, Hà Nội do người khiếm thị, khuyết tật sản xuất.

Vừa dừng xe, chưa kịp phản ứng, một trong hai thanh niên đã nhét ngay một bao tăm (chừng 20 que, mỗi bao có câu “kêu gọi” bằng giấy: “Tăm tre khuyết tật tình thương, mọi người hãy dùng tăm vì tình thương đối với người khuyết tật”) vào tay chúng tôi. Nhanh nhẹn, một người trong nhóm hỏi: “Chị tên gì ạ?”. Sau khi ghi tên, quê quán, người này kêu tôi ký vào bản danh sách những người mua ủng hộ.

Gợi lòng hảo tâm

Thấy chúng tôi ngần ngừ, anh ta chìa ngay giấy giới thiệu có con dấu do HTX cấp ngày 25-9-2009 và thẻ thành viên cũng do HTX cấp tên là N.K.T.. T. tự xưng là sinh viên năm 2 một trường đại học tại TP.HCM, tranh thủ lúc rảnh rỗi đi bán giúp HTX. Giá mỗi bao tăm là “tùy lòng hảo tâm, giúp người mù là chính” - T. nói.

Nhưng trong bản danh sách chúng tôi thấy không ai mua một gói tăm dưới giá 20.000 đồng. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn liên kết với đội công tác xã hội của một trường đại học để bán tăm thì T. từ chối với lý do: “Chỉ đi bán ngoài đường thôi, liên kết với trường thì nên hỏi Bộ Giáo dục - đào tạo!” (?). Xin số điện thoại của HTX thì T. không biết. Bí quá, T. cho chúng tôi số điện thoại của đội trưởng nhưng gọi thì không liên lạc được. Suốt buổi sáng, hai người này liên tục chào mời những người đi siêu thị về để bán tăm theo kiểu đó và được khá nhiều người mua ủng hộ.

Không chỉ bán ở ngoài đường, hàng “từ thiện” còn vào tận trường học. Ngày 2-4-2010 tại phòng học D405 Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM xuất hiện hai thanh niên, một trong số đó mang thẻ tên là T.V.Đ., cán bộ bảo trợ từ thiện của hội nạn nhân chất độc da cam. Đ. trưng những bức ảnh thương tâm của nạn nhân chất độc da cam để thuyết trình về nỗi bất hạnh của những nạn nhân và kêu gọi lòng hảo tâm của sinh viên.

Hai người này xin được bán với giá 10.000 đồng/cây bút dạ và 10.000 đồng/hai cây bút bi. Theo lời giới thiệu của hai người này thì bút do người khuyết tật, bị chất độc da cam làm ra. Tuy nhiên, trên thân bút không hề có nhãn mác, nơi sản xuất mà chỉ có một câu mang “mùi” từ thiện: “Tình thương cho người khuyết tật”.

Không chỉ tăm tre và bút bi, nhang cũng trở thành hàng từ thiện khi có người tự xưng là người của nhà chùa đi bán. Thời gian gần đây nhiều người dân sống gần khu vực bến xe Chợ Lớn và chợ Bình Tây (Q.5) thường thấy hai phụ nữ mặc áo nâu sồng, xưng là người của nhà chùa đi bán nhang và mang theo một cuốn sổ để kêu gọi ủng hộ cho nhà chùa.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, một người tự giới thiệu là ni cô Huệ Tâm: “Nhang này của chùa Hòa Khánh làm, mong thí chủ mua ủng hộ chùa có thêm tiền nuôi trẻ mồ côi lang thang, cơ nhỡ”. Chúng tôi bảo không dùng nhang bao giờ thì người này lôi cuốn “sổ công đức” ra: “Vậy xin thí chủ mở lòng từ bi ủng hộ chút ít để nhà chùa có thêm kinh phí nuôi trẻ mồ côi”.

Thấy công an, họ lặn mất

Lần theo nhóm những người bán tăm tre của T., chúng tôi phát hiện nhóm có bốn người gồm hai nam, hai nữ, hoạt động ở nhiều khu vực trong TP đã hơn nửa năm. Địa bàn mà nhóm này thường xuyên hoạt động tập trung ở khu vực Trường đại học Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Tim, nhà thi đấu Phú Thọ...

Anh Huỳnh Ngọc Hải, thành viên đội xe ôm của Bệnh viện Nhân Dân 115, bức xúc: “Ngày nào họ cũng tới đây, ngoắt người đi khám bệnh lại rồi chèo kéo mua tăm. Chúng tôi rất bất bình nhưng không thể làm gì được vì họ có giấy giới thiệu hẳn hoi. Làm từ thiện nhưng khi có bóng công an xuất hiện là họ lặn mất”. Còn chị Nguyễn Thị Thoa (nhà ở Q.7) cho biết: “Một lần đi khám bệnh ở Bệnh viện Tim, có hai thanh niên ăn mặc khá lịch sự nói làm từ thiện cho hội người mù. Tôi đưa 50.000 đồng bảo ủng hộ 20.000 đồng, còn 30.000 đồng thì trả lại. Vậy mà hai người này đút túi, khi tôi nhất quyết đòi lại thì họ càm ràm nói làm từ thiện mà keo quá rồi bỏ đi”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Hữu Vị, chủ nhiệm HTX tăm tre tình thương thị xã Sơn Tây (Hà Nội), cho biết: “Đúng là HTX có cử một số người mang tăm đi bán. Nhưng chúng tôi yêu cầu phải mang theo giấy xác nhận của địa phương, không được bán ở bến tàu, bến xe, cổng bệnh viện, nơi công cộng, không được chèo kéo và bắt ép khách hàng mua tăm cao hơn giá quy định, giá tăm chỉ 300 -2.000 đồng/gói”. Ông Vị cũng cho biết HTX không có thành viên nào tên là N.K.T. và cũng không có thành viên nào là sinh viên.

Về việc bán bút bi cho sinh viên, ông Đỗ Văn Thắng, phó phòng tổ chức hành chính Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Hôm đó có người tên là Lê Đình Hạnh đến trường xin liên hệ bán bút bi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Người này xin tôi viết giấy cho phép bán. Tôi không đồng ý thì người này bảo không cho bán thì thầy xác nhận giùm mấy chữ là “em đã đến đây liên hệ, người ta tin là em có đi”. Tôi có viết vào cuốn sổ của người này xác nhận có tới trường xin liên hệ chứ không cho phép bán. Vậy mà sau đó anh ta dùng ngay giấy đó để đến các lớp học nói với sinh viên là trường đã cho phép bán bút”.

Không riêng gì ở Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, thời gian qua sinh viên các trường đại học khác trên địa bàn TP.HCM cũng được mời mua bút bi với chiêu thức tương tự.

Còn hai “ni cô” bán nhang tự xưng là người của chùa Hòa Khánh nhưng theo chân họ thì chúng tôi phát hiện cả hai không ở trong chùa này mà trọ tại khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức). Đây là nhóm đội lốt người tu hành để đi lừa tiền của người dân. Cùng với những kẻ bán nhang, ở đây còn có một số đối tượng giả danh thầy tu đi khất thực xin tiền.

Ngày nào cũng vậy, cứ 4g sáng là một nhóm ba người (một nam, hai nữ) ăn mặc như người bình thường đón xe ôm từ trạm xe buýt gần cầu Bình Triệu qua bến xe miền Đông rồi lên xe buýt 54 để tới bến xe Chợ Lớn. Tại đây, cả nhóm đi vào nhà vệ sinh của bến xe, khi quay ra đã đổi lốt thành “người của nhà chùa” với áo nâu sồng, mang tay nải để bắt đầu bán nhang và kêu gọi quyên góp từ thiện cho người nghèo, trẻ em cơ nhỡ ở khu vực gần đó hoặc tiếp tục lên xe buýt đi đến các địa điểm khác “hành nghề”.

Ni cô Hiền Vân, đại diện chùa Hòa Khánh (Q.Bình Thạnh), quả quyết: “Chùa không bao giờ cử người đi bán nhang cũng như quyên góp gì hết. Nhà chùa cũng không nuôi trẻ mồ côi và không có ni cô nào tên là Huệ Tâm”. Thầy Thích Thiện Tánh, phó ban trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, khẳng định: “Các chùa hiện nay không cho phép bất kỳ tăng, ni nào đi buôn bán bất cứ thứ gì, kể cả bán nhang. Cũng chưa khi nào các chùa cho người đi kêu gọi quyên góp làm từ thiện”.

Giả danh bán hàng từ thiện có thể bị phạt tù

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn TP.HCM hiện có trên 20 nhóm núp bóng làm từ thiện, bán các mặt hàng từ thiện như tăm, bút bi, xà bông, dầu gội đầu, bánh kẹo, nhang, khăn..., hoặc quyên góp từ thiện dưới danh nghĩa các nhà sư, các tổ chức từ thiện, các hội người mù, hội người khuyết tật, trung tâm cứu trợ trẻ em mồ côi, mái ấm... Địa bàn hoạt động của các nhóm lừa đảo này thường ở các trường học, chợ, bệnh viện, quán nước, nhà hàng, nhà dân... và nhiều nhất ở các khu vực ngoại thành.

 

Giấy xác nhận của phòng tổ chức hành chính Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã bị lợi dụng để bán bút cho sinh viên - Ảnh: X.H.

Thạc sĩ Phan Anh Tuấn, giảng viên đại học Luật TP.HCM, cho biết đối với các hành vi giả danh các tổ chức để kêu gọi mua hàng làm từ thiện nếu bị phát hiện sẽ xử phạt hành chính. Nếu người vi phạm bị phát hiện và có các điều kiện “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt” hoặc “đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì có thể bị xử lý hình sự hành vi nêu trên về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khung hình phạt thấp nhất của tội này (khoản 1 điều 139 Bộ luật hình sự) là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

"Họ đã lợi dụng danh nghĩa, làm con dấu giả của HTX để thu lợi bất chính, mấy tháng nay HTX không thể tiêu thụ được sản phẩm, đời sống của xã viên càng khó khăn"

Ông HÀ HỮU VỊ (chủ nhiệm HTX tăm tre tình thương Sơn Tây, Hà Nội)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây