Cụ Nguyễn Văn Sỹ là một nghệ nhân ở làng tranh Đông Hồ,
Bắc Ninh, nổi danh với những sản phẩm hàng mã độc đáo.
Hai năm trước, ông từng làm một chiếc máy bay hàng "khủng"
dài 4 mét, theo đơn đặt hàng của một người đàn ông Hải Phòng dành cho cậu con
trai vốn là phi công bị tai nạn chết trẻ. Chiếc máy bay giống như thật, có đầy
đủ cả khoang lái, ghế cho hành khách lẫn các tiếp viên. Ông cụ phải mất nhiều
thời gian vừa vẽ mẫu, vừa đan khung rồi dán giấy, trang trí.
"Hiện bố tôi đã mất được gần hai tháng rồi. Không
hiểu sao năm nay có rất nhiều người hỏi để mua và đặt hàng máy bay lắm",
chị Hằng, con dâu cụ Sỹ kể. Người phụ nữ này cho biết, gia đình chị là một trong
những nhà có nghề làm hàng mã lâu nhất làng. Thông thường, thói quen mua sắm
vàng mã đốt trong tháng xá tội vong nhân hay nương theo xu hướng tiêu dùng
chung. Ví dụ, năm nay giá vàng, USD rất sốt, hoặc nhiều đại gia sắm máy bay
riêng thì nhiều người đổ xô đi mua vàng, USD, máy bay hàng mã để cúng cho người
âm.
Những mặt hàng "độc" được làm
rất kỳ công. Ảnh: MT.
Hiện tại chồng chị Hằng vẫn nối nghiệp bố, nhưng không
làm tại nhà vì chật chội mà nhận đơn hàng rồi mang đến xưởng cho người làm.
"Cái gì người sống có thì người chết cũng có thể có, từ nhà cửa, máy bay,
ôtô, điện thoại, xe ga, tủ lạnh, điều hòa... Bây giờ, nhiều người còn thích đặt
osin để hầu hạ cho người thân của họ dưới âm phủ", chị cho biết.
Dù khẳng định gia đình có thể làm được bất cứ đồ gì cho
người âm, nhưng chị cũng thừa nhận, không phải đơn hàng nào mình cũng nhận.
"Mấy hôm trước có một phụ nữ tới đặt làm một ngôi
nhà cao tầng cho ông chồng xấu số. Chị này mang theo một bản thiết kế như cho
ngôi nhà thật, trong đó, chi tiết ngôi nhà mấy tầng, có cửa kính, cửa chớp, sơn
màu thế nào, ở trong nội thất ra sao... Thấy quá phức tạp và rối rắm, nhà tôi
đành từ chối", chị nói.
Chỉ còn 4 ngày nữa đến tháng 7 âm lịch, tháng xá tội
vong nhân, nhiều người đã bắt đầu đi sắm hàng mã để cúng. Quan niệm "dương
sao âm vậy" nên thị trường vô cùng phong phú, từ đồ dùng sinh hoạt thường
nhật đến cả laptop, điều hòa, và... osin cho người cõi âm.
Hàng mã cho người âm đủ chủng loại như
trên dương thế. Ảnh: MT.
"Người sống sao thì người chết cũng cần vậy, cứ
phải sắm sửa đầy đủ, cũng có hết bao tiền đâu, vài trăm nghìn là xong hết, tội
gì mà để người thân của mình phải sống khổ", chị Hà, bán hàng trên phố
Hàng Mã giới thiệu liếng thoắng với khách.
Theo chị, nếu muốn mua những đồ "độc", lạ
hơn thì chỉ cần đặt trước khoảng vài ngày đến một tuần là có. Tuy nhiên, chị
cho rằng, những nơi chuyên làm hàng mã nổi tiếng ngày nay không còn nhiều.
Là con dâu được truyền nghề của cụ Cả Ngỗng - một nghệ
nhân nổi danh về nghề hàng mã ở làng cót, chị Bích (phố Yên Hòa, Cầu Giấy) cũng
là một người thợ tài ba. Đến thời điểm này, trong làng, chị là một trong số ít
người còn nhận làm các hàng đặt kỳ công.
Vừa thoăn thoắt dán trang trí cho những con ngựa vàng,
đỏ, chị Bích thổ lộ: "Người ta vẫn bảo đây là nghề siêu lợi nhuận vì bán
giấy lấy tiền, nhưng đâu phải vậy. Trừ những thứ làm theo mẫu sẵn hàng loạt như
tiền, vàng, còn mỗi sản phẩm đặt thường phải làm thủ công, với biết bao chi tiết,
từ đan khung, dán giấy... Và thường, với những thứ liên quan đến tâm linh, những
người làm nghề thực sự sẽ không bao giờ dám bán điêu, nói thách. Nhiều người đổ
xô vào buôn bán mặt hàng này nhưng không phải ai cũng làm được ra sản phẩm".
Chị Bích cho biết, hiện tại số người trong làng thực sự
theo nghề còn rất ít, đa số đi lấy hàng ở nơi khác, chủ yếu là ở Đông Hồ (Bắc
Ninh) về bán lại. Ngay trong gia đình có truyền thống làm nghề lâu đời như nhà
chị, thì hiện cũng chỉ có chị và người chị dâu theo nghề, 3 đứa con của chị đều
đã vào đại học và không ai muốn tiếp nghiệp tổ tiên.
Bán hàng nước cạnh gian hàng mã của chị Bích, chị Lưu cho
biết, gia đình chị cũng có nghề làm hàng mã lâu đời nhưng cách đây vài năm chị
đã nghỉ hẳn không theo nữa. "Nhà cửa chật chội, công việc lại bẩn thỉu,
con cái nheo nhóc nên mình không muốn làm", chị Lưu nói.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự