Hải Phòng: Bán đất chùa làm nghĩa trang

Thứ tư - 11/08/2010 20:15
Với quan niệm sai lầm, rất nhiều người dân TP.Hải Phòng đã chi một khoản khá lớn để mua đất, xây mộ phần, gửi cốt người thân vào khuôn viên chùa để được hưởng phúc. Không những thế, nhiều người còn mua đất dự trữ để dùng sau này. Vì thế, các chùa đua nhau chia lô bán đất với giá vài chục triệu đồng một mét vuông...

Chùa bán đất để…  xây chùa

Một ngày đầu tháng, chúng tôi đến chùa Hải Ninh - Hội Đồng Thiện trên đường Thiên Lôi, quận Lê Chân vãn cảnh chùa. Ngoài đường ồn ào tấp nập là vậy, nhưng chỉ mới bước qua cổng vào khuôn viên chùa, cảm giác thư thái, an bình lập tức tới. Trước mặt là một hồ thả sen hình tròn, hai bên là lối cho khách vào chùa giữa hàng cây xanh. Sau khi thắp hương, tôi thong thả vãn cảnh chùa. Bỗng thấy treo trước một gian phòng nhỏ bảng  thông báo phục vụ quý khách có nhu cầu xin đặt hài cốt tại nghĩa trang.

Chúng tôi rẽ bước sang lối nhỏ. Thật ngạc nhiên, ngay cạnh khuôn viên chùa là một nghĩa trang với hàng nghìn ngôi mộ được xây san sát nhau, chiếc cao chiếc thấp. Rõ ràng đây là thế giới của người âm.

Lạc bước vào đây, thú thực, người táo tợn như tôi cũng cảm thấy hơi rờn rợn trước khung cảnh u tịch của buổi chiều tà. Người đàn ông khoảng ngoài 70 tuổi ngồi ở phòng của BQL nghĩa trang nhà chùa cho biết: Hiện chùa đã bán hết đất. Nếu gia đình có nhu cầu thì đợi đến cuối năm, đất chùa giá là 18 triệu đồng/ngôi mộ.

Rằm tháng đó, chúng tôi lại có mặt ở chùa Cao Linh (xã Bắc Sơn, huyện An Dương) - một ngôi chùa to hoành tráng vừa mới xây dựng, nằm trên QL10. Chúng tôi được một chú tiểu tên Quý trông rất khôi ngô, tuấn tú hỏi thăm, được chú dẫn đi xem khu vực nghĩa trang. Theo chú, chùa có tổng diện tích 4ha, khu vực nghĩa trang được bố trí làm 4 khu. Khu A, B, C đã được bán hết. Khu D ở sâu phía trong, giá bán là 70 triệu đồng/2 mộ. Hầu hết các mộ ở đây đều được thiết kế và bán đôi, chứ nhà chùa không bán lẻ (!?).

 

Các dãy mộ sát nhau đã được bán gần hết tại chùa Cao Linh.

Chỉ có vài ngôi mộ ở những chỗ đất chéo méo mới bán chiếc một. Khu D có gần 300 ngôi mộ cũng đã bán rồi, chỉ còn vài ngôi ngoài cùng, nếu không mua nhanh sẽ hết! Do địa thế các khu A, B, C đẹp hơn nên giá cao hơn. Ngoài ra, nếu ai có nhu cầu mua tháp mộ, nhà chùa sẵn sàng đáp ứng. Mỗi tháp đặt được 8 cốt, cứ một tháp mộ lại có một tượng Phật đứng bên, giá 450 triệu đồng/tháp.

Chùa có khoảng 50 tháp. Từ khu vực nghĩa trang (phía trái), chúng tôi được chú tiểu dẫn sang khu vực tháp mộ (bên phải). Vừa đi vừa mải chuyện, tôi bỗng giật mình khi thấy một bức ảnh bán thân 6m2 (2 x 3m) treo trước cửa nhà hội trường của chùa, đập thẳng vào mắt. Chú tiểu giới thiệu đó là chân dung của vị sư trụ trì chùa - đại đức Thích Giác Nghiên.

Rồi tôi được giới thiệu vào gặp sư trụ trì trong phòng khách lộng lẫy với tủ trưng bày hình đôi ngà voi cong vút, đồ gỗ khảm trai nâu bóng. Sư trụ trì đưa cho chúng tôi bản sơ đồ các khu đặt mộ và cho giá của từng nơi.

Những vị trí mà thầy gọi là đẹp có giá từ 45-50 triệu đồng/ngôi đã được bán hết. Hiện chỉ còn lại khu D, đúng như lời chú tiểu nói. Sư thầy cũng giới thiệu về tháp mộ, cao 4,5m dựng bằng 25 tấn đá, lại nằm mặt tiền (cạnh lối vào chùa), chứ không phải vào chỗ sâu như khu nghĩa trang, nên giá đắt hơn. Nếu mua, thầy sẽ giảm xuống còn 400 triệu đồng/tháp.

Theo đại đức Thích Giác Nghiên, việc cắt một phần đất chùa bán cho nhân dân đặt mộ để lấy kinh phí xây chùa (!?), vì nếu chỉ chờ vào khoản công đức của dân thì không biết đến bao giờ mới xây được chùa. Nếu thiện chí mua, nhà chùa sẽ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho (!?) - sư thầy nói.

Nhẩm tính nhanh, với việc bán đất cho hàng nghìn ngôi mộ, khoản tiền mà chùa Cao Linh thu được cũng lên đến vài chục tỉ đồng.

Theo khảo sát của chúng tôi, một loạt các chùa khác cũng coi việc phân lô, bán nền đất làm mộ trong chùa là việc làm rất bình thường. Tại chùa Hưng Khánh (phường Đằng Lâm, Q.Hải An), sư Phúc trụ trì cho biết: Chùa có hai khu để xây mộ với tổng diện tích khoảng 3 sào. Hiện nay mộ đã để kín, chỉ còn khoảng vài chục ngôi chưa bán với giá chung là 25 triệu đồng/ngôi rộng 1m2 (chưa tính tiền xây dựng). Khi mua đất sẽ được chùa làm thẻ và giao đất cho người mua. Tại chùa Linh Quang (xã An Đồng, huyện An Dương), sư trụ trì Thích Đàm Hiền cho biết, còn rất ít đất trống, nếu thiện ý mua thì giá 30 triệu đồng/ngôi...

Gửi cốt vào chùa là  “lợi bất cập hại”

Đại đức Thích Tục Khang - Ủy viên văn hóa T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, Chánh Thư ký Thành hội Phật giáo Hải Phòng (một người đã tu học ở Ấn Độ, quê hương của đạo Phật) - khi nói về tình trạng trên đã rất bức xúc cho biết: Quan niệm đặt mộ người thân trong chùa sẽ được hưởng phúc đức là hoàn toàn sai lầm. Bởi vì, chùa là nơi thanh tịnh để chúng tăng tu tập, để hướng nhân dân đi vào đường thiện.

Nếu để mộ trong chùa là biến chùa thành bãi tha ma, làm ô uế nơi cửa Phật. Gửi người thân vào chùa, để người thân mình đứng ngang hàng Thần, Phật (tháp mộ có tượng Phật đứng bên cạnh), vô hình trung đã làm người thân mình có lỗi với các thần, Phật. Vì vậy, thiện thần, hộ pháp, chư phật có cứu giúp chân linh nhà chúng ta không hay chỉ thêm tội lỗi? Hơn nữa, khi người dân đến nhà chùa mong được thanh thoát tâm hồn, lại thấy nơi đó là một khu bãi tha ma, liệu chúng sinh còn tìm thấy được sự thanh tịnh chốn thiền môn? Cũng theo giáo pháp nhà Phật, chân linh nào có tâm hướng về Phật, là đã được Phật chứng tâm, không cứ phải xác ở chùa mới được hưởng phúc.

 

Khu mộ tháp có tượng Phật đứng bên tại chùa Cao Linh giá 400 triệu đồng.

Còn việc một số nhà sư nói bán đất để xây chùa, theo đại đức Thích Tục Khang, chỉ là những lời ngụy biện. Đây là một pháp nạn, ma chướng trong cửa chùa. Rất nhiều chùa ở vùng sâu, vùng xa không bán đất mà vẫn xây được chùa uy linh. Trước đức Phật, các chùa to, nhỏ đều bình đẳng như nhau. Ngày trước, vua Trần còn từ bỏ cả ngai vàng để lên Yên Tử tu hành trong một môi trường khổ hạnh và thành chính quả, chứ đâu cứ phải chùa to đẹp mới thành tâm.

Xét về dân sinh, việc đặt hàng nghìn môi mộ ngay trong khu vực dân cư đông đúc là việc làm không đảm bảo môi trường. Nếu không ngăn chặn kịp thời, những chùa còn lại học theo, hậu hoạ sẽ rất nặng nề. 

Ông Phạm Quốc Phòng - Trưởng ban Tôn giáo, Phó GĐ Sở Nội vụ TP.Hải Phòng - cho biết: Tình trạng sử dụng khuôn viên chùa làm nghĩa trang là khá phổ biến. Đây là việc làm không đúng quy định của Nhà nước về quản lý nghĩa trang, trong đó có nói đến việc không được đặt mộ, chôn cất trong khuôn viên các cơ sở thờ tự, trừ các trường hợp cụ thể được quy định trong nội quy tăng sự.

Những trường hợp khác phải được cơ quan quản lý tài nguyên môi trường cấp tỉnh, thành phố cho phép để đảm bảo vệ sinh môi trường. Thêm vào đó,  ý thức tự giác của một số nhà sư chưa cao, lợi dụng tự do tín ngưỡng để thương mại hóa các hoạt động nhà chùa. Theo ông Phòng, thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức họp với các ngành, địa phương để có hướng giải quyết, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội cũng như dư luận nhân dân. Lâu dài, thành phố cũng phải quy hoạch một nghĩa trang dành riêng cho những người xuất gia, tu hành, góp phần ổn định tình trạng đặt mộ trong các khuôn viên chùa. 

Ngày 21.6.2010, Thành hội Phật giáo Hải Phòng có công văn số 74/VC/BTS do thượng tọa Thích Quảng Tùng - Phó Trưởng ban thường trực Thành hội Phật giáo Hải Phòng - ký ngày 21.6.2010, kính gửi các chư tôn hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni trụ trì các tự viện nội, ngoại TP.Hải Phòng, nêu: “Thực trạng hiện nay, tại một số chùa trong thành phố Hải Phòng cho an táng nhiều mồ mả không phải người xuất gia tu hành và người chấp tác tại các chùa; có chùa còn cắt khuôn viên chùa làm nghĩa trang, tạo ra sự lộn xộn, kẻ xấu tụ tập, mất đi sự tôn nghiêm nơi cảnh Phật.

Thành hội xét thấy: Đây là việc làm không đúng với tinh thần Phật giáo, Hiến chương Giáo hội Phật giáo VN và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, an ninh trật tự...”.

Công văn cũng yêu cầu các chùa giữ nghiêm cảnh quan, khuôn viên chùa, không để tình trạng trên tái diễn. Về lâu dài, Thành hội Phật giáo đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố giải quyết, di dời các khu nghĩa trang này về đúng nơi quy định. Thành hội Phật giáo cũng đề nghị các cấp chính quyền, đoàn thể tuyên truyền rộng rãi trong phật tử, quần chúng nhân dân không sử dụng đất chùa để mộ người thân.

Ngày 9.7, UBND TP.Hải Phòng đã có công văn số 3939/UBND-VX gửi các cơ sở tôn giáo, Sở Xây dựng, TNMT, UBND các quận, huyện yêu cầu các cơ quan này kiểm tra, đánh giá và có biện pháp chấm dứt tình trạng bán đất chùa, đề xuất giải pháp giải quyết cụ thể, báo cáo UBND TP trong tháng 7.2010.

Nguồn tin: Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây