Vu Lan: Trả nợ cõi âm

Thứ bảy - 07/08/2010 17:19
Thắp nén nhanh tưởng nhớ tổ tiên, nhớ người thân luôn là nét đẹp truyền thống trong lễ Vu Lan. Thế nhưng, nhiều người đã biến ngày lễ này trở thành một dịp để trương sức mạnh tiền bạc.

Tại chợ Thiếc, Q.11, chúng tôi chứng kiến một phụ nữ từ trong khu nhà lồng của chợ bước ra, đến bên người con gái đang đứng dựa vào một chiếc xe hơi bóng lộn nói như nửa hờn nửa trách:“Hàng hóa “cõi âm” năm nay phong phú quá, nhưng giá cả trên trời dưới đất lắm”.

Dương sao, âm vậy

Càng gần đến rằm tháng 7, dòng người đi mua sắm đồ “cõi âm” trông càng vội vã. Họ tranh thủ từng chút thời gian, chen nhau đổ dồn về chợ Thiếc và chợ Bà Chiểu, hai ngôi chợ bán đồ “cõi âm” đặc trưng của TP. HCM. Tại các dãy hàng bày bán đồ “cõi âm”, khách chen lấn, vào ra tấp nập. Theo một chủ hàng ở chợ Bà Chiểu, khách tranh thủ “sắm lễ” để kịp gửi đi trong ngày lễ trọng Vu Lan.

Quan sát những dãy bán đồ hàng mã, chúng tôi thấy dường như không thiếu thứ gì. Từ những món tiền xưa, vàng thoi bạc nén, áo dài khăn đóng, mũ mão cân đai đến những vật dụng sinh hoạt giải trí thông thường của thời hiện đại như xe máy, xe hơi, nhà lầu, ti vi, điện thoại di động đời mới, rượu tây và cả những nàng mỹ nữ trông đẹp và gợi cảm vô cùng.

Chừng ấy hàng hóa dường như vẫn còn ít đối với những người “trả lễ” nhưng thích đua đòi. Ở chợ Thiếc chúng tôi thấy một bà độ trên dưới 50 tuổi, ăn mặc sang trọng, vẻ mặt đượm buồn đang chất vấn chủ hàng: “Hàng hóa năm nay chỉ có thế thôi à? Sao nghèo quá vậy?”. Cô chủ hàng liền tiếp thị ngay một cuốn catalogue với đủ loại nhà mẫu được thiết kế hiện đại, tiện nghi, hỏi:“Cô chọn đồ “gởi” cho ai?” Người đàn bà trả lời: “Ông nhà tôi”. Cô gái nói tiếp: “Vậy cô chọn cho ông căn biệt thự đi.

Đây là căn biệt thự được thiết kế theo kiểu hiện đại nhất, rộng 1,2 m, cao 2,5m, bên trong có sẵn đầy đủ tiện nghi như bàn ghế, tủ, giường, ti vi, xe hơi… và cả tì nữ nữa. Con nghĩ chắc ông nhà sẽ thích lắm!”. Người đàn bà chưa kịp phản ứng, cô bán hàng lại bồi tiếp: “Ông nhà trước khi mất nếu không đi được, sẵn đây có cả xe lăn, con gắn thêm cho cô chiếc thang máy là ông nhà di chuyển dễ dàng”. Người đàn bà trông có vẻ lưỡng lự rồi nói: “Cho đồ mà không vừa ý ổng về quở mắng chết. Hồi còn sống tính ổng như vậy”.

Khi doanh nghiệp trả nợ

Khách “sộp” trong những ngày này có lẽ là các doanh nghiệp. Họ “đóng hàng” đi trả nợ vay, thường phải chi có khi cả chục triệu đồng. Tại chợ Bà Chiểu chúng tôi bắt gặp một nhóm nam, nữ ăn mặc sang trọng đang bê một tài sản khổng lồ, nếu có thật ở trần gian thì phải lên đến hàng tỉ đồng chứ chẳng chơi, nào là nhà lầu, xe hơi, vòng vàng, đô la… chuyển lên một chiếc Mercedes 15 chỗ chờ sẵn bên hông chợ. Ra vẻ ngạc nhiên chúng tôi hỏi: “Các anh chị tạ lễ cho ai mà tươm tất quá vậy?”. Một người phụ nữ trong nhóm nhanh nhảu trả lời: “Tụi em trả lễ bà. Năm ngoái công ty vay 100.000 đô la, nay đến kỳ đáo hạn đó anh”.

Ở chợ cõi âm có một điều khá lạ là, người mua mở hầu bao khá phóng khoáng. Một căn nhà lầu ba tầng, rộng 1,5m, cao 2,5m, bên trong có đầy đủ tiện nghi giá 3 triệu đồng mà vẫn có người rinh không mặc cả. Hay như phương tiện tưởng chừng trong lúc sống ít ai màng tới như chiếc xích lô, vậy mà bán cho “cõi âm” cũng được giá 700.000 đồng.

Một số loại hàng hóa khác có giá như: Xe hơi 800 - 1triệu đồng/chiếc, điện thoại di động đời mới 10.000 đồng/chiếc, rượu tây 3.000 đồng/ chai… Đặc biệt có một thứ rất hấp dẫn mà ở đây giá bán rẻ hơn bất cứ ở nơi nào, đó là “mỹ nữ”: 7.000 đồng/cô, được người mua vác chạy ào ào. Ngược lại tiền đô ở “cõi âm” hình như đang mất giá, chỉ có 3.000 đồng thôi là đổi được 10.000 đô la âm phủ (100 tờ).

Không biết có phải những người làm đồ hàng mã bắt mạch được thị hiếu của những người thích xài hàng hiệu để áp đặt cho người ở cõi âm hay không mà thấy đồ hàng mã bán chạy nhất hiện nay là những “hàng hiệu”. Điện thoại di động phải là Nokia, iphone…, nhà phải là biệt thự kiểu tây, xe hơi phải là xe BMW, Toyota

Đặc biệt ở chợ hàng mã năm nay còn bắt kịp với “xu hướng của thời đại” khi cho ra đời hàng loạt sản phẩm dành cho giới doanh nhân như máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, rồi đồng Euro, đồng nhân dân tệ và cả thẻ tín dụng quốc tế để tiện rút tiền mỗi khi đi du lịch! Còn những ai lúc sinh thời chưa có bằng lái ô tô, mô tô thì người bán sẵn sàng khuyến mãi.

Thật khó để ước tính mỗi năm người sống báo đáp cho người “cõi âm” theo kiểu này tốn kém bao nhiêu? Nhưng chắc chắn số tiền đổ vào “cõi âm” phải nhiều lắm lắm. Mải nghĩ mông lung chúng tôi rời khỏi dãy hàng “cõi âm” trở về “cõi dương” mà chẳng mua được thứ gì, bất ngờ một bàn tay mềm mại nắm vai tôi kéo lại, tiếp thị:“Anh không kiếm được “hàng độc” hay sao mà về không vậy?” Tôi hơi bất ngờ buột miệng:  “Có xe SH tôi mua một chiếc cho thằng em”. Cô bán hàng nói “Có, nhưng phải đặt trước hai ngày, giá 1 triệu đồng”. Tôi chọc: “Không, nếu có tôi mua ngay bây giờ để khỏi đi xe ôm về nhà”. Cô bán hàng nguýt một cái rõ dài và chửi độc: “Đồ cõi… âm”.

400 triệu đồng cho một đêm cúng… Hà Bá

Bài báo có tựa đề như trên trên VTC News cho biết, trong dịp lễ Vu Lan hồi tuần trước, một đại gia khai thác cát ở bãi sông Hồng dự tính đã phải chi tới 400 triệu đồng cho một đêm cúng… Hà Bá.

Để buổi lễ diễn ra hoành tráng, đại gia này đã đánh xe chở một đội quân làm ngựa giấy, người giấy từ làng Đông Hồ về bãi cát nhà mình, rồi đêm ngủ ngày thức đóng khung, bọc giấy vẽ hình người - ngựa cho thật đẹp.

Sau 2 tháng trời làm việc liên tục, một "nghệ nhân" cùng 5 người thợ đã cho ra lò tổng số 1.000 người - ngựa. Trong số 1.000 người - ngựa, có 250 người - ngựa cỡ nhỏ, 250 cỡ vừa, 250 cỡ lớn và 250 người - ngựa lớn như thật. Người ta đã phải dựng nguyên một căn lều lớn, rộng hàng trăm mét vuông để chứa những người - ngựa lớn như thật.

Theo những người thợ, đêm cúng Vu Lan, đại gia này phải dùng tới mấy xe tải để chở thuyền rồng, đĩnh vàng, ngai bạc, voi chiến… trong đó có một xe tải chở khoảng… chục tỷ đô la, toàn là hàng mã đến.

Trước lễ cúng vài ngày, một sân khấu hoành tráng đã được dựng lên để hầu đồng, cúng bái, cầu khấn, gồm rất nhiều tiết mục, thể loại. Sau hàng loạt tiết mục lễ bái, là cuộc đốt 1.000 người - ngựa.

Dọc hai bên bờ sông Hồng trong dịp Vu Lan lửa cháy rừng rực. Đó là do các đại gia làm giàu nhờ sông Hồng trả lễ bằng cách đốt đủ các thứ như máy bay, tàu hỏa, tên lửa, ngựa, voi, đô la, nhà máy, thuyền rồng, bảo tháp, ngai chúa, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt… để dâng cho Hà Bá và những oan hồn xấu số trên sông Hồng.

Nguồn tin: Doanh Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây