Nằm ngủ trên đầu người chết ở Hà Nội

Thứ bảy - 01/08/2015 08:15
Kỳ 2: Ăn, ngủ trong hầm mộ
Nằm ngủ trên đầu người chết ở Hà Nội
Kỳ 1: Cả xóm sống trong nghĩa địa
Đang ngồi trò chuyện với anh H., người bán hàng nước ngay chân lăng mộ ông Hoàng Trọng Phu (ngõ 252 phố Tây Sơn, Hà Nội) thì một cậu thanh niên, dáng người còm nhom, mở cửa lùa bằng những miếng gỗ mỏng phía bên phải lăng mộ ông Hoàng Trọng Phu.

Theo anh H., bên trong lăng mộ có 2 phần mộ đá, hình cái quách khổng lồ. Gian giữa là nơi thờ tự, bên trái là nơi đặt mộ phần và quan tài của ông Phu, còn bên phải là nơi chôn cất vợ ông.

Nằm ngủ trên đầu người chết ở Hà Nội
Anh H., người bán nước ở chân lăng mộ Hoàng Trọng Phu
Toàn bộ gian bên phải, đã bị người dân xây những bức tường gạch quây kín. Một bức ngăn các gian với nhau, còn một bức bịt phía ngoài, lắp cửa gỗ, biến thành căn phòng nhỏ để ở.

Khi cậu thanh niên mở cánh cửa gỗ, tôi bước vào, một cảm giác lạnh lẽo xâm chiếm toàn bộ cơ thể.

Thật khó có thể tin, con người lại có thể sống trong "căn nhà" với ngôi mộ đá lù lù giữa phòng.

Phần mộ bằng đá, chạm trổ rồng phượng của vợ ông Hoàng Trọng Phu vốn nằm ở gian hữu của lăng mộ, nhưng bị người ta xây bức tường nối hai cột đá, ngăn thành phòng riêng.

Nằm ngủ trên đầu người chết ở Hà Nội
Phần mộ vợ ông Hoàng Trọng Phu đã nằm dưới chiếc giường bằng bê tông.

Nằm ngủ trên đầu người chết ở Hà Nội
Có cả gác xép trong lăng mộ.
Cách lăng mộ Hoàng Trọng Phu không xa là lăng mộ đá Hoàng Cao Khải. Lăng mộ đá này hiện là Trụ sở tuần tra nhân dân Cụm 9, phường Trung Liệt với cửa sắt đóng kín.

Xung quanh lăng mộ đá cũng được xây bịt kín, có cả cửa sổ với nan sắt, mà trông qua tưởng như đây là ngôi nhà cổ. Phía trước lăng mộ là sân để xe cho các tiểu thương buôn bán ở chợ tạm trước lăng mộ. Hai bên sân là những tượng đá đứng im lìm.

Tôi ngó vào trong lăng mộ, thấy có rất nhiều đồ đạc linh tinh, chiếc tủ cũ, bộ bàn ghế tiếp khách, quạt treo tường, đồng hồ chạy tích tắc. Có lẽ, đây là trụ sở tuần tra kinh dị nhất cả nước.

Người ta đã xây bức tường bao quanh phần mộ, đổ tấm bê tông phía bên trên và theo anh H., thì tấm bê tông bên trên nắp mộ chính là cái giường ngủ của gia đình này. Điều đó có nghĩa, là người ta đã ngủ luôn ở bên trên phần mộ, nằm ngủ trên đầu người chết.

Phía cuối gian phòng của lăng mộ, ngay trên đầu phần mộ là gác xép bằng gỗ rộng chừng 3 mét vuông, nhỏ đúng bằng một cái giường. Chiếc cầu thang bằng gỗ ở phía trong giúp mọi người trèo lên gác xép để ngủ.

Gác xép ở quá cao, nên tôi có cảm tưởng phải lom khom người khi trèo lên gác xép.

Ngay dưới gác xép, phía sau phần mộ, là căn phòng vệ sinh. Người ta làm cả nhà vệ sinh trong lăng mộ, thì quả thực kỳ quái. Thật khó có thể tin một cuộc sống kinh dị đã diễn ra ở trong lăng mộ này.

Theo anh H., gia đình bà Nguyễn Thị T. đã nhảy dù vào sống ở lăng mộ này từ mấy chục năm trước rồi.

Bà T. là người ở đây, nhưng không hiểu do làm ăn thất bát thế nào mà mất hết nhà cửa, phải kéo gia đình chui vào lăng mộ tá túc.

Trước đây, bà T. chỉ tính ở tạm bợ, coi như trốn tránh mưa nắng lúc chưa kiếm được nhà, nhưng rồi nhà chẳng làm được, mà cuộc sống cứ thêm khó khăn, nên bao năm không ra được khỏi ngôi mộ.

Theo anh H., không biết bà T. bị bệnh gì, hay do âm khí toát ra từ ngôi mộ, mà tóc của bà T. tự dưng rơi rụng dần, rồi đầu bà trọc lốc, nhìn rất sợ.

Nằm ngủ trên đầu người chết ở Hà Nội
Bên trong lăng mộ ông Hoàng Cao Khải

Nằm ngủ trên đầu người chết ở Hà Nội
Mộ phần ông Hoàng Trọng Phu
Thời điểm bà T. bị rụng tóc là lúc bà T. dựng cái giường bằng bê tông trên nóc phần mộ phu nhân ông Hoàng Trọng Phu và vợ chồng bà nằm ngủ trên đó.

Sau này, đi xem bói, thầy bói phán bị ma hành, nên vợ chồng bà sợ quá, mới đầu tư xây dựng cái gác xép, rồi nằm ngủ ở phía trên cao.

Bà còn lập một cái bài thờ, gắn trên tường mộ, để vừa thờ cúng tổ tiên, vừa hương khói cho bà cụ nằm trong phần mộ mà gia đình bà quấy quả.

Nằm ngủ trên đầu người chết ở Hà Nội
Lăng mộ ông Hoàng Trọng Phu đã bị xây tường bịt kín, lắp cửa ngăn phòng làm chỗ ở.
Bà Nguyễn Thị K., bán nước ở ngay đầu ngõ kể: "Tôi thật không dám tin sao người ta lại có thể chui vào lằng mộ để ở. Họ ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, rồi thậm chí là cả làm chuyện tế nhị trong đó nữa chứ. Có đến mấy đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở trong lăng mộ ấy rồi.

Nghèo quá, không có nhà ở, thì cắm cái lều ở cánh đồng mà ở, chứ ai lại nhảy vào trong mộ sinh sống như thế. Tôi cũng không hiểu họ là người hay ma nữa. Mà quả thực, trong mắt những người dân ở đây, họ chả khác gì những bóng ma vất vưởng quanh xóm".

Hoàng Cao Khải quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ông đỗ cử nhân năm 1868, được bổ nhiệm làm huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm Tuần phủ Hưng Yên.

Năm 1884, Pháp chiếm Bắc Kỳ, thì ông hợp tác với Pháp để đàn áp nhân dân. Năm 1904, khi tỉnh Cầu Đơ đổi tên là Hà Đông, ông làm tổng đốc tỉnh Hà Đông, giúp Thống sư Bắc Kỳ soạn Nghị định về tổ chức bộ máy cấp xã ở Bắc Kỳ. Về sau con trai ông là Hoàng Trọng Phu kế nhiệm ông làm Tổng đốc Hà đông đến năm 1937.

Ông về hưu tại ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội và mất tại đây.

Mộ của Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu đều đặt ở ấp Thái Hà. Vì theo Pháp, nên di tích của hai ông không được người dân tôn trọng, ít được chăm sóc, đến nay khá là hoang phế.

Khu ấp có kiến trúc rất độc đáo, được xây dựng năm 1893, nằm ở phía Tây gò Đống Đa. Nhiều công trình tinh xảo được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt.

Ấp Hoàng Cao Khải được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Bộ Văn hóa lúc đó đánh giá: "Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương"...

Còn tiếp…

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây