Nghệ nhân đúc đồng làng Ngũ Xã

Thứ tư - 18/11/2009 09:06
Làng đúc đồng Ngũ Xã nằm ở phía tây thành Thăng Long, nay thuộc quận Ba Đình - Hà Nội đã có tuổi đời hơn 4 thế kỷ. Trải qua bao thăng trầm, đến nay, tưởng rằng nghề đã mai một, thế nhưng còn một nghệ nhân vẫn miệt mài, tâm huyết với nghề truyền thống. Ông và các con, cháu của ông đã cho ra đời những sản phẩm đúc đồng tài hoa, tinh xảo. Đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng.

Trên phố Trấn Vũ (Ba Đình – Hà Nội) có một căn nhà trang trí theo lối cổ mà hàng ngày nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng cùng các con, bạn bè, những người quan tâm đến nghệ thuật đúc đồng gặp nhau trò chuyện, nghiên cứu, trao đổi về các mẫu mã mới. Điều thú vị là ngôi nhà cũng là nơi trưng bày những tác phẩm nghệ thuật đồng của gia đình, trở thành một địa chỉ quen thuộc và tin cậy không chỉ của khách hàng Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước mà còn của nhiều khách quốc tế với những tác phẩm hấp dẫn, thu hút nhiều đơn đặt hàng.

 

Nguyễn Văn Ứng, Nghệ nhân đúc tượng
chân dung bằng đồng hàng đầu Việt
Nam.



 

Những sản phẩm tượng, phù điêu tinh xảo
được nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng
đúc bằng công nghệ đúc đồng truyền thống của làng Ngũ Xã.

 

Quang cảnh lễ đúc quả chuông nặng 5 tấn
tại cơ sở đúc đồng Mai Hoa của ông.

 

Nghề đúc đồng đặc biệt thu hút
các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và thế giới.

 

Ngày 11/7/2009, Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng
được giao đúc quả chuông bằng đồng
nặng 5 tấn để tri ân 10 cô gái đã hy sinh
ở Ngã ba Đồng Lộc - tỉnh Hà Tĩnh
trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Với ông, đây là mối nhân duyên lớn và cũng là tấm lòng
của ông gửi đến những người đồng đội đã ngã xuống.

 

Sản phẩm của ông và con cháu trong dòng họ thật đa dạng: những chiếc bình hoa cầu kỳ, những pho tượng đầy uy nghi và linh thiêng.

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề truyền thống đúc đồng, ông Nguyễn Văn Ứng được cha rất mực thương yêu, dìu dắt, dạy dỗ từng li, từng tí về nghề đúc, từ cách chọn đất để làm khuôn, cách phân biệt các loại nguyên liệu đồng, nhôm, cách chạm khắc từng hoa văn sao cho cẩn thận, thẩm mỹ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ tuổi ông đã được bồi đắp niềm đam mê nghề đúc đồng truyền thống.

Năm tháng qua đi, với biết bao thăng trầm, đổi thay của đất nước, nghề đúc đồng Ngũ Xã có lúc đã tưởng bị mai một bởi nhu cầu cuộc sống buộc nhiều gia đình đúc đồng đã chuyển sang đúc nhôm (chủ yếu là đồ gia dụng), ông Ứng cũng đã phải “lấy nghề nhôm nuôi nghề đồng” nhưng trong lòng vẫn nung nấu niềm hy vọng một ngày nào đó nghề đúc đồng sẽ phát triển trở lại.

Đất nước chuyển dần sang cơ chế thị trường, đời sống ngày càng cao, niềm đam mê đúc đồng của ông Ứng lại được dịp bùng lên. Sau nhiều ngày trăn trở, tìm tòi từng kiểu mẫu, rồi lại làm đất, đắp khuôn, ông đã đúc ra nhiều sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Quả thật “trời đã không phụ lòng người”, những tác phẩm của ông cứ lần lượt ra đời có giá trị nghệ thuật cao, giá cả hợp lý thu hút được nhiều khách trong và ngoài nước đến đặt hàng với số lượng ngày càng lớn. Đã có những đơn đặt hàng lên đến hàng tỷ đồng. Để mở rộng sản xuất, ông đã thuê đất, tuyển thợ làm hàng. Điều làm ông mừng hơn cả là đã truyền nghề cho hai con trai mình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lớp thợ, giúp họ cải thiện đời sống.

Tại chùa Thần Quang (Ngũ Xã) có tượng Phật A-Di-Đà bằng đồng nặng 14 tấn (kể cả tòa sen), cao 3,95m, tượng ngài Huyền Thiên Trấn Vũ nặng 3,6 tấn (đền Quán Thánh)... và biết bao những đồ dùng, đồ thờ bằng đồng được sử dụng ở Việt Nam và nước ngoài đã được những bàn tay tài hoa của người thợ đúc làng Ngũ Xã trong đó có công của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng làm ra.

Cũng từ niềm tự hào, say mê với nghề truyền thống của gia đình, làng xã, ông đã tìm tòi, dày công nghiên cứu và cùng các con, cháu trong gia đình đã cho ra đời những tác phẩm làm rạng danh thêm nghề đúc đồng Ngũ Xã. Từ năm 1991 đến nay, ông đã dạy các con, cháu trong gia đình và lớp thợ trẻ của làng Ngũ Xã đúc thành công một số tác phẩm: pho tượng Đức Ông cao 1,50m, nặng trên 400 kg (chùa Hương Tích - Hà Nội); hai pho tượng phật Bồ Tát ngồi cao 1,2m, nặng gần 200 kg (chùa Dư Hàng - Hải Phòng); pho tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi, cao 2,20m, nặng 2.057 kg (chùa An Đà - Hải Phòng); gần đây nhất là quả chuông nặng 5 tấn, cao 3,6m treo tại Tháp chuông Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc - tỉnh Hà Tĩnh. 

Ông tâm sự với chúng tôi, nghề đúc đồng để cho ra các sản phẩm hoàn mỹ tinh xảo là cả một nghệ thuật được chắt lọc từ nhiều kiến thức khác nhau từ văn hóa, tôn giáo, hội họa, kỹ thuật… và hơn hết là cái tâm của người làm nghề. Đúc đồng không khó nhưng đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sự chăm chỉ, khéo léo, cẩn thận mới có được những tác phẩm thật sự, như ông nói đó là những tác phẩm mang cái hồn, cái thần của chính nó.

Người giữ lửa cho làng đúc đồng Ngũ Xã rất tự hào vì trong xưởng đúc đồng Mai Hoa do ông làm chủ có các con, các cháu của ông và những người thợ trẻ đến với ông để học nghề, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của làng đã hàng trăm năm tuổi.

Nguồn tin: Báo ảnh Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây