Mừng ngày Nhà giáo VN 20-11: Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền!

Thứ sáu - 20/11/2009 08:25
Những ngày tháng 11, tháng có ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ân thầy có lẽ là cái ơn mà suốt một đời người ta sẽ nhớ mãi, bởi việc cắp sách đến trường, vào chùa học đạo là những cột mốc thay đổi con người, chuyển hóa thân tâm…

Người Việt Namnêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần ấy “thấm đẫm” trong nghĩa thầy - trò. Ai đó đã dạy mình con chữ đầu tiên, ê a bài tập đánh vần, ai đó đã dạy mình bài pháp để đưa mình đến với đạo vô thượng…? Là thầy, là người có “Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng”.

Mẹ cha sinh ra thân này, nuôi ta khôn lớn và dạy ta nhân, lễ, nghĩa, trí, tín,… bằng thân giáo cũng là thầy ta. Lớn lên, vào trường đời, trường đạo và tùy theo cái nhân duyên mà ta sẽ được thầy cô giáo dưỡng. Một bài văn, một con số hay một bài pháp thoại đều là những giá trị căn bản, những chiếc cầu nối cho chúng ta bước vào đời vững chãi, bình an.

 

Một giờ lên lớp của trường Phật học - ảnh: Bảo Thiên

Đời người ai cũng phải có một người thầy. Hiểu như vậy để thấy cái việc tri ân, báo ân thầy cô không phải chỉ dành cho thầy cô nơi giảng đường, nơi lớp học mà thiết nghĩ còn rộng hơn ra: ngoài xã hội, giao tế. Tiếp xúc với một người để rồi họ cho mình bài học về sống đẹp, bài học về nghiệp vụ,… đều là những người thầy âm thầm, ta phải nhớ.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là ngày để nhắc nhớ về ơn thầy, để học trò tri ân người làm công tác giảng dạy do xã hội giao phó với chức danh người thầy! Và chính vì vậy, ngày 20-11 trở thành “Ngày Tết thầy cô”.

Một đời cầm viên phấn, đứng trên bục giảng là một đời được tôn vinh. Trong cuộc sống thường nhật quanh mình đã có biết bao người thầy tận tụy, nhín nhường một phần đồng lương (không cao) của mình để mua tập, viết cho học trò.

Có biết bao người thầy đang miệt mài sáng tạo ra những phương thức dạy mới với ước mong trao truyền kiến thức cho học trò dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất… Và đặc biệt, có những người thầy “khoác áo Như Lai, vào nhà Như Lai, ngồi tòa Như Lai” để đem giáo pháp của Bụt gửi đến hàng đệ tử với niềm mong lớn nhất: đem lại an lạc cho học trò, cùng vui trên đường tu tập, giải thoát. Hình ảnh đẹp ấy từ những người thầy ngoài đời, trong đạo đều đáng để chúng ta tôn vinh, những thế hệ học trò nhớ ơn.

Có một câu tục ngữ đáng được xem đó như bài học làm người quan trọng nhất của mình: “Trọng thầy mới được làm thầy”. Song song đó là giá trị “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng thầy mà nửa chữ cũng thầy).

Ai hiểu được điều đó và vận hành vào trong đời sống cũng như tu học của mình thì chắc chắn đức hạnh của người ấy sẽ tăng lên. Chúng ta dù có giỏi bao nhiêu đi nữa thì cũng đều nhờ chất liệu từ những người thầy trao truyền.

Có ai đó đã ví người thầy như “người đưa đò”, cứ miệt mài chở hết lớp này đến lớp khác qua sông. Ví von ấy mang tính hình tượng và đã được thừa nhận như một biểu trưng cao đẹp của người thầy.

Nghĩa ân sư, đó là hạnh lành mà mình phải thực tập miên mật, bởi có nhớ thầy thì mới nhớ bài học của thầy, đó là những bài học sống tốt, làm người tử tế...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây