Theo
phản ánh của một số người dân địa phương, chúng tôi tìm về “suối Giải oan”
thuộc Khu di tích Yên Tử và chứng kiến các hạng mục công trình xây dựng đang
được Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tùng Lâm (Công ty Tùng Lâm) triển khai
“hoành tráng”.
Có
thể dễ dàng nhận ra công trình cầu đá qua suối Giải oan, cách vị trí cầu cũ hơn
chục mét, với hàng chục cột đá “đóng” thẳng xuống lòng suối Giải oan. Trên đó,
có cả một nhà gỗ lớn mà các công nhân ở đây gọi là “nhà biểu diễn”. Cách đó một
đoạn, hàng chục ki ốt nằm dọc hai bên dốc lên Chùa Giải oan cũng đã hoàn thành
xong phần khung bê tông kiên cố, đang chờ lợp mái.
Một
số nhà sư ở Yên Tử cho biết, suối Giải oan là một trong những nơi rất linh
thiêng của Yên Tử, nằm trong khu vực bảo vệ I của quần thể di tích. Vì vậy,
không phải ai muốn xây dựng cái gì cũng được, mà phải có sự đồng ý của cơ quan
chức năng. Vậy nhưng, công ty này vẫn ngang nhiên xây dựng như không có chuyện
gì xảy ra mặc các nhà sư và người dân quanh vùng phản đối.
Sau
khi “mục sở thị” những công trình ở đây, chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Văn
Thiết, Giám đốc Công ty Tùng Lâm, ông Thiết giải thích: “Chúng tôi xây dựng ki
ốt, cầu và kè đá để khu vực này khang trang hơn, đẹp hơn, đi lại thuận lợi hơn.
Khi xây dựng, chúng tôi đã xin phép và báo cáo Ban quản lý của thị xã Uông Bí,
đã có sự đồng ý của các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc xây dựng đã có chủ
trương từ trước và UBND thị xã Uông Bí cũng đã cho phép (?!)”...
Đem
lời giải thích của Giám đốc công ty Tùng Lâm đến hỏi lãnh đạo thị xã Uông Bí,
ông Chủ tịch Nguyễn Thành Phố khẳng định, chưa cơ quan nào cấp phép cho Công ty
Tùng Lâm xây dựng các công trình đó cả. “Chúng tôi chỉ cho phép Công ty Tùng
Lâm xây dựng một số tay vịn ở các khúc cua nguy hiểm để du khách tiện đi lại.
Còn việc xây dựng cầu đá qua suối Giải oan thị xã không cho phép. Tôi cũng đã
biết sự việc và đang giao cho bên Thanh tra xem xét”, ông Phố nói.
Ông
Nguyễn Hữu Hạ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Yên Tử cũng
cho hay, Trung tâm đã làm việc với Công ty Tùng Lâm đề nghị dừng thi công nhưng
đơn vị này không dừng và cũng chưa thấy trình giấy phép xây dựng.
“Đáng
lẽ Công ty Tùng Lâm phải xin phép từ Sở Văn hoá, Ban quản lý dự án trọng điểm
của tỉnh, thậm chí phải có ý kiến từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch vì đây là
vùng I của Khu di tích cấp Quốc gia. Vừa rồi, lãnh đạo Sở Văn hoá có về kiểm
tra và nói sẽ về báo cáo tỉnh nhưng không hiểu sao Công ty Tùng Lâm vẫn ngang
nhiên thi công”, ông Hạ nói.
Như
vậy, có thể thấy, việc Công ty Tùng Lâm xây dựng các công trình đã xâm phạm
nghiêm trọng đến di tích Yên Tử. Dư luận chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt của cơ
quan chức năng để “giải hạn” cho con suối Giải oan.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự