Pho tượng Phật ngọc 20 tấn tại Việt Nam

Thứ sáu - 04/12/2009 19:01
Pho tượng Đức Thích Ca Mâu Ni nặng xấp xỉ 20 tấn sau khi hoàn thành sẽ đặt tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Nguyên liệu để làm nên bức tượng là đá saphia kết tinh dạng sỏi, một loại đá quý có độ cứng chỉ thua kim cương.

Đầu tuần qua, 6 khối saphia, mỗi khối nặng 15 tấn vừa được Hội Đá cảnh Gỗ lũa Việt Nam cung tiến lên Thiền viện Trúc Lâm - Tây Thiên, Vĩnh Phúc. Lễ tạc tượng sẽ chính thức diễn ra vào ngày 13-12 này...

Tìm đá
6 khối đá saphia này được lấy từ mỏ Quỳ Hợp - Nghệ An. Đây là một loại đá quý màu xanh đen, có độ cứng là 9, chỉ sau kim cương (độ cứng là 10). Theo lời kể của nhà điêu khắc Nguyễn Tiến Dũng - tổng công trình sư của việc tạc tượng, việc tìm được 6 khối đá này khá gian nan và cũng “ngốn” của các thành viên trong hội khá nhiều thời gian.

Ban đầu, để đi tìm nguồn đá, các hội viên đã “ngắm” Yên Bái. Dăm bảy lần lên Yên Bái, trèo đèo lội suối rồi lại về tay không, vì những “viên” ưng ý về đường kính và trọng lượng, thì chỉ là đá bán quý. Có “viên” thỏa mãn tất thảy các yêu cầu đề ra, nhưng khi khảo sát mới thấy không ổn, vì vân đá quá loang, sợ khi tạc sẽ làm ảnh hưởng tới tính tôn nghiêm của tượng.

Rồi tình cờ, ông Nguyễn Văn Mỹ- Chủ tịch Hội Đá cảnh Việt Nam có thông tin về 6 “viên” đá tại mỏ Quỳ Hợp. Mừng rỡ, các thành viên trong hội đã vào tận nơi khảo sát. Cả 6 “viên” đều nằm dưới lòng một con suối lớn ở xã Châu Thành. Những “viên” đá quý ấy, khi nằm dưới suối, trông chả khác gì đá thường.

Nhưng đều là dân “có nghề”, vì thế, chỉ cần nhác trông, các thành viên trong đoàn tìm kiếm ai nấy đều reo lên: “Quý vật tầm quý nhân”. Nhìn thấy đá quý nằm đó rồi, việc khai thác cũng đã được sự đồng thuận của UBND tỉnh Nghệ An cùng UBND huyện Quỳ Hợp, nhưng để đưa được 6 “viên”, mỗi “viên” nặng tới 15 tấn về đến tận Vĩnh Phúc không phải là chuyện đơn giản.

Ban đầu là chuyện những tay khai thác đá lậu gây khó khăn. Rồi lại đúng dịp miền Trung gặp lũ lụt. Mưa lớn nhiều ngày, suối đầy nước.

Thế là cả đoàn lại phải đợi, đến khi nước rút mới triển khai tiếp được. Rồi, thuê xe kéo, kéo đá từ suối, ra tới đường cái mới lại cẩu lên xe siêu trường siêu trọng. Đưa được 6 “viên” đá từ Châu Thành về đến Vĩnh Phúc, cả đoàn mất gần 2 tháng.

Tạo tác
Xác định đây là một loại đá quý, nay không còn nhiều. Vì thế, để tạc tượng thế nào, các thành viên trong Hội Đá quý và Gỗ lũa Việt Nam và Ban trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã phải mất khá nhiều thời gian để tính toán, sao cho tượng vừa có thần thái, có tính mỹ thuật cao lại vừa giữ được cái đẹp, cái tự nhiên của cả khối đá.

Phương án cuối cùng đưa ra đã được đồng thuận, tượng sẽ được tạo tác dưới dạng phù điêu, theo mẫu Thích Ca khai thị chúng sinh, tay đức Phật cầm một đóa hoa sen, lấy tích ngài khi thuyết pháp chọn được Ma Ha Ca Diếp làm đệ nhất tổ của phái Thiền.

 

Hai khối đá saphia đang được vận chuyển về Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

2 trong số “viên” đá có chất lượng cao nhất sẽ được lựa chọn để tạo nên bức đại tượng Phật này. Dự kiến, khi hoàn thành, tượng sẽ nặng khoảng 20 tấn, tính cả bệ và cao 3,5m. Những “viên” còn lại, dự kiến sẽ được chế tác thành các pho tượng Di lặc, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Các pho này sẽ ở dạng liền khối, tuy vậy, phần bệ và tượng vẫn tách riêng.

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Tiến Dũng, pho đại tượng Phật đang được chế tác này và tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới hiện nay về trọng lượng là tương đương nhau. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của pho đại tượng Phật ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là do chính bàn tay của nghệ nhân Việt Namthực hiện trên chính nguyên liệu khai thác được từ mỏ đá quý Việt Nam.

Theo kế hoạch, vào đầu tuần tới, nhà điêu khắc Nguyễn Tiến Dũng sẽ cùng với 4 học trò của mình bắt tay vào việc “bóc vỏ” khối đá để tìm vân, thớ để sao cho sau khi chế tác, tạo ra những sản phẩm đẹp nhất. Nhà điêu khắc này khẳng định: “Công trình sẽ hoàn thành trước tháng 10-2010, sẽ là món quà thành kính dâng lên Thủ đô nhân dịp tròn 1.000 tuổi.

Nguồn tin: ANTĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây