Khám phá nhục thân Thiền sư - phần 3: Thiền sư Chuyết Chuyết là ai?

Thứ sáu - 25/12/2009 13:55
Sau ba tháng rưỡi, nước sơn quang cuối cùng đã phủ kín nhục thân, kết thúc công việc của một phương án táo bạo mà chưa một nhà điêu khắc nào làm theo kiểu đó. Nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết được phục dựng hoàn toàn không có cốt bằng sắt, thép hay tre, gỗ làm trụ ở bên trong.

Mở cánh cửa bí mật

Đến ngày 6/5/1993, hàng nghìn người khắp nơi đã về chùa Phật Tích để nghinh đón thiền sư Chuyết Chuyết. Hai chiếc xe con đã được phân công ra tận ngã ba Lim đón ô tô chở nhục thân thiền sư. Tối trước đó, tại nhà riêng của nhà điêu khắc Bùi Đình Quang, cả nhóm đã chọn một hộp tivi cỡ lớn bằng bìa cát- tông cứng, lót đáy cho êm rồi đặt thiền sư vào. Bên ngoài dán giấy đỏ. Các phật tử rước nhục thân thiền sư vào bệ cao nhất của nhà Tổ. Mười sáu năm đã trôi qua, di cốt của thiền sư Chuyết Chuyết vẫn bóng nước sơn đã trở về với hình dáng ban đầu...


Nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết sau khi phục chế (Ảnh: TG)

Trong cuốn sách “Bí mật phía sau nhục thân các thiền sư” của PGS.TS Nguyễn Lân Cường có kể lại rõ ràng lai lịch của thiền sư Chuyết Chuyết. Ông họ Lý, pháp danh là Viên Văn. Ông sinh ngày 2/2/1590 tại Tiệm Sơn, Hải Trừng, Phúc Kiến (nay thuộc thành phố Chương Châu - Trung Quốc). Khi lên 5 tuổi thì mẹ mất, 7 tuổi thì cha mất, thiền sư ở với chú ruột và thím. Khoảng 15 tuổi thiền sư xuất gia.

Lúc đầu theo Trưởng lão chùa Tiệm Sơn, sau đó theo học hòa thượng Đà Đà. Khoảng 18 tuổi bắt đầu đi khắp nơi thuyết pháp. Ngài sang Campuchia hoằng pháp khoảng 16 năm, được Quốc vương và các quan đón tiếp nồng nhiệt. Khoảng năm 1623 ngài về Phúc Kiến, cũng năm đó ngài sang vùng Quảng Nam, Thuận Hóa (Việt Nam), hoằng pháp 7- 8 năm, được chúa Nguyễn nhiệt tình đón tiếp.

Trong thời gian này, ngài gặp thiền sư Minh Hành và nhận thiền sư Minh Hành làm đệ tử. Khoảng năm 1630, hai thầy trò ra Thăng Long, trên đường đi, ngài đã dừng chân tại chùa Trạch Lâm (Thanh Hóa) giảng đạo.

Cho tới năm 1633, ngài cùng đệ tử đến Thăng Long, khất thực mấy tháng, hai thầy trò được vua Lê và chúa Trịnh quý trọng, mời làm trụ trì chùa Khán Sơn ở Thăng Long. Khoảng năm 1634, ngài trụ trì chùa Phật Tích, đến năm 1642. Sau khi Bút Tháp được nhà chúa trùng tu (từ 1634 đến 1642) thì ngài được mời sang trụ trì Chùa Bút Tháp.

Sau khi ngài viên tịch, thiền sư Minh Hành đã cất giữ nhục thân của ngài vào nhà thờ tổ chùa Bút Tháp và vận động các phật tử xây tháp Báo Nghiêm để thờ vọng ngài. Khoảng năm 1645-1672, nhục thân của ngài được thiền sư Minh Hành đưa về cất giấu tại chùa Trạch Lâm (Thanh Hóa) để tránh mất mát và bị xâm hại, bởi xã hội lúc bấy giờ đang rối ren, họa binh đao đe dọa sự yên nghỉ của ngài.

Sau đó (không rõ năm nào), nhục thân của ngài lại được đưa về Bút Tháp, giấu trong tháp Báo Nghiêm. Sau đó, người ta lại đưa ngài về thờ ở nhà thờ Tổ chùa Phật Tích. Có khả năng vào năm năm 1947, hòa thượng Hồng Đức đưa nhục thân của ngài vào tháp Báo Nghiêm chùa Phật Tích để tránh bom đạn chiến tranh. Năm 1989, người ta phát hiện nhục thân của ngài trong tháp Báo Nghiêm và nhóm của PGS Lân Cường đã phục chế lại.

Phục dựng nhục thân từ 133 mảnh xương

Toàn bộ 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi của nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết đã được quyết định phục dựng. PGS Nguyễn Lân Cường tính toán, từ kích thước của xương đùi, tính ra được chiều cao của thiền sư. Từ đó tính được ra từ chiều cao ngồi của thiền sư. Dựa vào số xương còn lại, PGS Lân Cường vận dụng kiến thức học được người thầy ở Nga về phương pháp “Phục chế lại mặt theo xương sọ” để áp dụng vào việc tái tạo lại mặt của thiền sư.

Cả nhóm thống nhất một phương pháp phục dựng mà chưa một nhà điêu khắc nào thực hiện trước đó. Trước hết, sẽ thực hiện việc tạo pho tượng bằng đất sét theo tư thế ngồi thiền. Tiếp đến, đổ khuôn pho tượng này bằng cách tạo các mảng khuôn bằng thạch cao. Bôi sơn ta, lót vải màn, rắc mạt cưa, trộn sơn ta tất cả là 10 lớp ở mặt trong của khuôn. Sau đó, gắn xương vào đúng vị trí giải phẫu bằng chất liệu sơn ta trộn với mùn cưa.

Khi sơn ta với lớp vải màn, mạt cưa đã khô cứng, tiến hành phá khuôn thạch cao ở bên ngoài, gỡ các mảnh bó cốt và gắn thành hình thô. Tiếp theo là công đoạn làm sơn thông thường: “bó” hai nước, “hom” ba nước, “lót” hai nước và “thí” hai nước. Nhục thân thiền sư được thiếp bạc và quang dầu hai lần. Cuối cùng, sau ba tháng rưỡi, nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết được phục dựng hoàn hảo từ những mảnh xương vụn!.

Nguồn tin: giadinh.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây