Tại
Viện Thông tin khoa học xã hội VN ở Hà Nội, chúng tôi tìm thấy hai bức ảnh chụp
tượng thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường còn bóng nước sơn, không hề có
vết nứt nào.
Nhưng
chỉ sau vài chục năm, do tượng để trong am cạnh chùa rất ẩm ướt nên đã làm cho
cả hai pho tượng xuống cấp trầm trọng. Pho tượng Vũ Khắc Minh bị nứt ở đầu gối
và phần mặt. Pho tượng Vũ Khắc Trường, hỏng trầm trọng ở phần chõn, hầu như
không còn ngồi được ngay ngắn, nếu không có những miếng gỗ kê ở phía dưới.
Tôi
bắt tay viết dự án Tu bổ, bảo quản tượng hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ
Khắc Trường ở chùa Đậu (Hà Tây) ngay vào đầu năm 2000. Nhóm công tác gồm:
PGS-TS Nguyễn Lân Cường (Chủ nhiệm dự án), họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, các nhà
điêu khắc Phạm Xuân Sinh, Nguyễn Ngọc Lâm, kỹ sư Nguyễn Mạnh Hà.
Ngoài ra, còn
có 6 cơ quan cùng kết hợp để thực hiện dự án, một hội đồng cố vấn và Ban quản
lý dự án được thành lập. Điều khó khăn nhất với chúng tôi là các phương án nêu
ra không thể mắc sai lầm vì hai pho tượng này là độc bản, chỉ cần mắc một lỗi
nhỏ là không thể sửa chữa được.
Chúng tôi là những người hiểu nhất điều này vì
các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước lúc đó như ông Nguyễn Khoa Điềm - Ủy
viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin
Phạm Quang Nghị... đã tới tận chùa để nghe chúng tôi trình bày phương án tu bổ
- bảo quản hai nhục thân.
Ngày
18 tháng 4 năm 2003 (tức 17 tháng 3 năm Quý Mùi) sau vài tháng tranh luận quyết
liệt xem tu bổ nhục thân ở đâu, lễ khởi công dự án tu bổ - bảo quản nhục thân
hai vị thiền sư chùa Đậu được tổ chức ngay tại chùa. Và thế là bắt đầu những
ngày lao động trong suốt 6 tháng trời...
Bằng
kỹ thuật truyền thống: bó, hom, lót, thí, mài và thếp với các nguyên liệu như:
sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất, chúng tôi đã tiến hành sơn 14 lớp và
thếp vàng đối với tượng gốc Vũ Khắc Minh, còn nhục thân Vũ Khắc Trường thì thếp
bạc.
Sau mỗi lớp sơn lại tiến hành mài, khiến bề mặt là các lớp sơn đan ken,
xoắn quyện với nhau. Đến lớp cuối khi phủ quang dầu xong, chúng tôi phát hiện
bề mặt pho tượng không nhẵn. Những hạt bụi lơ lửng trong không trung đã bám vào
bề mặt tượng.
Chúng tôi quyết định làm lại và thực hiện khâu này trong... màn.
Trời nóng, mấy anh em phải xoay trần suốt cả buổi chiều. Thật tuyệt vời, 2 ngày
sau kiểm tra trên mình thiền sư mịn bóng, không một gợn bụi...
Với
pho tượng của thiền sư Vũ Khắc Trường, vốn là pho tượng đã được dựng lại năm
1893, nên có nhiều chi tiết sai lệch về mặt giải phẫu. Trong dự án soạn thảo
đầu tiên, tôi có ý định dỡ ra, thu thập xương cốt rồi dựa theo xương sọ để phục
nguyên lại đúng với vẻ mặt ban đầu của thiền sư. Đây là phương pháp của
Gherasimov (người Nga) mà tôi là người VN đầu tiên và duy nhất được học tập tại
nước ngoài.
Nhưng nhà chùa và cơ quan văn hóa thông tin địa phương không tán
thành, vì cho rằng nhân dân địa phương hơn trăm năm nay đã in đậm trong tâm
khảm hình ảnh của cụ Vũ Khắc Trường hiện tại rồi. Dù phục dựng pho tượng mới có
giống với hình hài thật của cụ, họ cũng sẽ không chấp nhận. Tôi đành phải theo
ý họ, mặc dầu vẫn ấm ức!
Pho
tượng bị hỏng trầm trọng, bề mặt tượng lớp sơn bị mủn nát. Chỉ cần một tác động
nhẹ là cả pho tượng sẽ bị đổ sập xuống. Do đó không thể đổ thạch cao làm khuôn
trên chính pho tượng gốc để làm tượng đối chứng. Nhóm chúng tôi quyết định giao
cho nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Ngọc Lâm làm một pho tượng bằng đất sét có kích
thước, hình dáng giống hệt tượng gốc và tiến hành đổ khuôn để tu bổ phần chân
và pho tượng đối chứng.
Vào
một buổi chiều mùa hè, tôi ngồi ngắm pho tượng gốc của Vũ Khắc Trường và cứ suy
nghĩ mãi không hiểu tại sao vị thiền sư này có cánh tay dài thế, khi so sánh
với tỷ lệ chung của pho tượng. Tôi bàn bạc với họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân và
quyết định “bí mật” khoét bốn ô nhỏ ở vùng gần đầu xương cánh tay và khuỷu tay.
Điều này cấp trên không tán đồng, nhưng chúng tôi cứ “liều” vì biết đâu có thể
phát hiện ra một chân lý nào đó...
Ước mơ ấy của chúng tôi đã thành sự thật.
Trong hố khoét của cánh tay phải ở phía trên gần vai, tôi phát hiện ra ròng rọc
và chỏm của xương cánh tay (đã bị đặt lộn ngược), bên cạnh nó là xương mác của
xương ống chân được ghép vào xương cánh tay và cũng bị lộn đầu. Đây chính là
nguyên nhân làm cánh tay của thiền sư dài quá cỡ. Chúng tôi đã tiến hành phủ
sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc mà chỗ dày nhất tới 22 lớp.
Toàn bộ pho tượng thiền sư Vũ Khắc Trường nặng 31 kg.
Ngày
nay ai tới chùa Đậu cũng thấy có 2 cụ Minh, 2 cụ Trường, từng cặp giống nhau
như hệt. Thật ra chỉ có 2 pho tượng gốc là đặt trong nhà tổ. Hai pho còn lại
được làm bằng thạch cao để đặt trong am ở hai bên cạnh chùa. (Còn tiếp)
Nguồn tin: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự