Thế giới ngầm của sư giả

Thứ tư - 02/12/2009 19:46
Từ khi “sư tổ” về “mai danh ẩn tích”, bà không ngờ rằng số “đệ tử” do mình công phu đào tạo lại tiếp tục phát huy rầm rộ với quy mô lớn. Đặc biệt, đệ tử còn “xen canh” bằng nhiều chiêu thức “mới lạ” chứ không chỉ bán nhang không như bà. Trong đám đệ tử của bà H. có nhiều người “thành đạt”, nổi bật nhất là T…

Ngày “sư”, đêm thành…

Trong những lớp hậu duệ của bà H., Võ Thị T. (xã Nghĩa H., huyện Tân Kỳ) được xếp vào diện nổi trội bởi các mánh khóe đầy mưu mô. Thuộc thế hệ “non người trẻ dạ” nhưng từ khi bước vào nghề, T. đã chứng tỏ được bản lĩnh kiếm tiền thuộc diện bậc nhất trong giới “giả sư”.

Cũng giống như các “bậc tiền bối” đi trước, T. chập chững bước vào nghề với vốn kiến thức cỏn con nhờ học lỏm. Vốn là cô gái “siêng ăn nhác làm”, nhưng khéo ăn nói, T. nhanh chóng xâm nhập và hòa nhịp được với “nghề” một cách nhanh chóng.

 

Trông rất giống sư, nhưng không phải nhà sư.

So với những “tiền bối” đã từng có quá trình hành nghề lâu dài trong giới “giả sư”, T. vẫn được nể trọng bởi cách kiếm tiền khá “siêu”. Chỉ trong vài ba năm T. “phất lên” như diều gặp gió. Thế nhưng, giới cùng “nghề” lại đồn rằng, T. vừa bán nhang, kiêm luôn bán... những thứ chẳng hay ho gì nên mới nhanh giàu đến vậy.

“T. có thân hình đẹp, nước da trắng trẻo, bề ngoài đậm chất đồng quê nên càng dễ đánh lừa người khác”- “Sư tổ” nhắc lại đứa ‘học trò” do mình có công đào tạo. Từ khi bước chân hành nghề, thực tế số tiền T. kiếm được, hao trừ tiền nhà thuê trọ, tiền ăn uống dọc đường, “nghề” bán nhang dạo trong vai nhà sư đi quyên góp từ thiện, gặp may mỗi ngày T. cũng có tiền triệu đút túi.

Nhưng chẳng bỏ bèn gì với tiền “buôn phấn bán son” mà T. thu lợi. Không “dại” như mấy đồng nghiệp khác cạo đầu, T. hóa trang thành “sư” dưới lớp mũ được trùm kín, dễ bề hành sự.

Rời cuộc sống nghèo khổ, lại kiếm ra được tiền mà không mất nhiều mồ hôi, công sức T. nhanh chóng rẽ theo những cuộc mua vui. Tối đến, T. khoác lên mình những bộ quần áo hợp thời trang, cũng sức nước hoa, cũng đến vũ trường, cũng đi “tăng ca” mỗi khi thực khách cần phục vụ. Số tiền thỉnh thoảng mồi chài được các vị khách háo sắc, đủ đảm bảo cho T. một cuộc sống vương giả - so với “đồng nghiệp” khác.

Các “chiêu” của sư giả

 

Đến “sư tổ” cũng ngán ngẩm với những chiêu “mới lạ” mà đệ tử “xen canh”

Lâu dần, chốn hành nghề đặt cho T. biệt hiệu “cáo” hay T. “đa hệ”. Xuất xứ tên gọi này cũng gắn liền với mỗi “chiến tích” mà T. đã thu lượm được trong quá trình tác nghiệp. Nhân danh là “Phật tử” đi gõ cửa từng nhà bán nhang, nếu thấy chủ nhà dễ dãi, thiếu cảnh giác, T. xin vào nhà ngồi nghỉ, xin nước uống và... có thể nhanh tay “chôm” đồ của gia chủ. Chiêu bài này, T đã học được tại bến xe cùng với dân “hai ngón” để “bổ sung” cho nghề giả sư. Cách “làm ăn” cũng khá hiệu quả nên T. “dắt lưng” những lúc đi bán nhang.

Bản thân người viết cũng là một... nạn nhân của sư giả. Nhà tôi ở chung cư, thỉnh thoảng các “Phật tử” cũng đến tận nơi gõ cửa. Vì ở chung cư, nên rất nhiều nhà mở cửa cho thông thoáng. Các “Phật tử” không cần chủ nhà mời cũng cứ “xộc” vào tận nhà để nài nỉ mua hương, sau đó vận động chủ nhà quyên góp tiền xây dựng, tu bổ chùa.

Có lần, khi phong trào giả sư chưa thịnh hành, tôi cũng đã cho “Phật tử” vào nhà. Được một lúc, “Phật tử” xin đi vệ sinh, đến khi họ ra khỏi nhà, mới hay chiếc ví tiền để ở mặt tủ biến mất.

Những câu “chiêu” của giới hành nghề sư giả nhiều vô kể. Như trường hợp có “thầy tu” thèm thịt chó, vội lén lút cởi áo cà sa, ra quán ngồi nhâm nhi đĩa giả cầy, mấy cuốc rượu cho... đỡ thèm. Đang men say, men tỉnh thì gặp ngay gia chủ mấy hôm trước vừa đến bán nhang.

“Sư thầy” thẹn quá, cúi đầu đánh bài chuồn. Hoặc trường hợp của mấy mấy bà lão nông, học lỏm được mấy câu trong chốn tu niệm, cũng khăn gói hành nghề. Đi tác nghiệp, khi gia chủ có ý tìm hiểu chốn đạo Phật thì miệng ấp úng, mặt xanh tái, lập bập run: “Nam mô a di đà phật”. Chỉ chờ gia chủ ngắt lời để tìm kế rút.

Cách đây khoảng vài năm, khi phong trào các “nhà sư” đi về nhiều vùng quê, đeo tay nải, áo nâu sòng, gõ cửa từng nhà bán nhang, lấy sổ sách ra ghi chép tiền công đức của người dân. Thời ấy, khi các “sư” này chưa bị vạch mặt, hàng trăm, hàng ngàn người dân hướng thiện, sẵn sàng đóng góp, mua nhang. Mỗi ngày, trên một địa bàn xã, có khi xuất hiện đến 2-3 “sư” cùng đi hành nghề.

Tham quá hóa liều

Bà L. cũng có thâm niên gần 2 năm “tu nghiệp” bảo, các “sư” thường chia lãnh địa để hoạt động. Do nhiều “sư” cùng xuất hiện trên địa bàn một xã nên sau này, hầu hết những người trong nhóm đều phải chia địa bàn rõ ràng, tránh dẫm chân nhau và thường xuyên hoán đổi địa điểm hoạt động.

Sự cạnh tranh trong nghề cũng phức tạp, không hề đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Khi hành nghề thì miệng lắp bắp tâm phật, nhưng chỉ cần phát hiện “kẻ lạ mặt” nào đó xâm chiếm đất làm ăn, thế nào sau đó cũng sinh chuyện.

Các “sư” muốn làm ăn được, phải tích cực di chuyển sang nhiều huyện, tỉnh. Mỗi lúc xa nhà, trong tay nải là vài bộ quần áo để mặc luân phiên. Thậm chí, nếu lỡ đường sẵn sàng xin tá túc qua đêm tại nhà các gia chủ.

Bà L. nhớ lại: “Có lần, trong khi ở trọ, “sư cô” đi cùng thấy ngăn tủ của gia chủ đựng tiền và nhiều vật dụng quý. Nửa đêm, “sư” này tỉnh dậy, lọ mò tính đánh cú lẻ, ai ngờ bị gia chủ bắt gặp. Lúc ấy, “sư” loạng quạng vớ vội thẻ hương, chắp tay “a-di-đà... phật” xin thắp nén hương vì nhớ... chùa. Cũng may, chủ nhà tốt bụng nên bỏ qua, không làm lớn chuyện. Sáng ra cả hai cùng khăn gói quả mướp chuồn thẳng”.

Sau lần ấy, bà L. vẫn tiếp tục hành nghề. Oái oăm thay, trong một lần “tác nghiệp”, bà vừa đặt chân gõ cửa bán nhang ở huyện Diễn Châu (Nghệ An), không may bị người quen ở quê về đây chơi nhận dạng. “Lúc ấy nếu độn thổ được tôi cũng liều mình lao xuống. Về quê, có bận không dám đi ra ngoài sợ mọi người bêu riếu”.

Thực tế, dù không am hiểu gì về kinh Phật, vì tham tiền, coi nhẹ phẩm hạnh, không ít người vẫn lao thân, hành nghề sư giả. Đặc biệt, đáng tiếc là trong số đó có không ít những người nông dân, “tranh thủ” lúc nông nhàn.

Đã có một số “sư giả” phất lên nhờ hành nghề. Có người xây hẳn nhà ba tầng khang trang, cuộc sống đủ đầy. Đây chính là “mãnh lực” khiến nhiều người mờ mắt, bán rẻ linh hồn, bất chấp tất cả dấn thân vào nghề giả sư.

Trong khi đó những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng không dám mơ ước có được cơ ngơi khang trang, đàng hoàng đến thế. Và, cái nôi của nghề “sư giả” đã xuất hiện ngày càng nhiều. Xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An được ví như mảnh đất của nghề “bái sư... kiếm tiền”.

Ở chốn đồng quê ấy, ngoài làm ruộng và buôn bán nhỏ nhẻ, một số người dân còn “tự hào” khi “đẻ” thêm ra được nghề mưu sinh kiếm sống: Giả sư. Chính quyền xã “cực chẳng đã” đã từng phải gửi công văn đến một số tỉnh, thành thường có “sư” hộ khẩu của địa phương hành nghề thì thông báo hộ để xử lý .

Nguồn tin: Gia Đình & Xã Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây