Muối là một thứ gia vị thiết yếu trong chế độ ăn uống hàng ngày, dường như món nào, bữa ăn nào chúng ta cũng sử dụng tới chúng. Muối tham gia vào việc điều chỉnh độ chứa nước của cơ thể, chính vì vậy ăn quá nhiều muối sẽ gây nên tình trạng tích nước dẫn đến sưng phù chân, ảnh hưởng tới nhịp tim, co các mạch máu khiến huyết áp cao, não thiếu hụt oxy có thể dẫn đến đột quỵ,
Bên cạnh tác hại tới sức khỏe của việc ăn mặn thì các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, một chế độ ăn quá ít muối cũng không tốt cho sức khỏe.
Một phân tử muối là sự liên kết của 1 nguyên tử natri với 1 nguyên tử clo. Với hàm lượng phù hợp, muối giữ vai trò sống còn đối với các chức năng cơ và thần kinh bình thường, duy trì điện thế tế bào, đảm bảo quá trình dẫn truyền xung động thần kinh không bị gián đoạn, đảm bảo quá trình chuyển hóa chất trong tế bào diễn ra thuận lợi, tăng cường dịch vị giúp ăn ngon miệng.
Vì vậy, nếu duy trì một chế độ ăn không đủ muối, bạn sẽ phải đối mặt với những hiểm họa sức khỏe sau:
Hạ natri trong máu
Khi ăn quá nhạt, tức là cơ thể không hấp thu đủ lượng natri cần thiết, dẫn đến tình trạng hạ natri máu. Điều này gây nên các vấn đề như đau đầu, nhức mỏi, ăn không ngon miệng, nôn mửa, thậm chí động kinh.
Khi lượng natri trong máu giảm thể tích máu trong cơ thể sẽ giảm xuống, khiến áp lực trong thành mạch cũng giảm theo, dẫn tới tình trạng tụt huyết áp. Lúc này những cơ quan quan trọng trong cơ thể như não, tim, thận… đều rơi vào tình trạng thiếu oxy và dinh dưỡng, khiến cơ thể mệt mỏi, suy kiệt.
Ngoài ra, hạ natri máu cũng làm cho nước tự do thoát ra ngoài lớp da gây ra hiện tượng phù tay, phù chân, thậm chí phù toàn thân.
Ảnh hưởng tới não
Cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng khi natri máu hạ quá mức bình thường là não bộ. Lượng natri thấp làm cho nhu mô não bị phù gây nên các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mất tập trung, rối loạn ý thức, nôn mửa, thậm chí co giật, hôn mê, tử vong.
Suy giảm chức năng hoạt động của tế bào thần kinh
Một chế độ ăn không đủ muối sẽ ảnh hưởng tới quá trình truyền xung động thần kinh, khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng như nhức đầu, mất phương hướng, thậm chí hôn mê nếu để cơ thể thiếu muối trầm trọng trong một thời gian dài.
Ngoài ra, việc cơ thể thiếu muối còn làm giảm khối lượng và hoạt động của hệ thần kinh giao cảm – khu vực có vai trò chủ chốt trong việc kiểm soát huyết áp của cơ thể.
Các vấn đề về tim, thận
Ăn quá ít muối sẽ khiến thể tích máu giảm xuống, dẫn tới sự sụt giảm huyết áp tương ứng. Huyết áp thấp cũng khiến nhịp tim tăng lên, gây choáng và sốc.
Lượng muối trong chế độ ăn giảm còn làm gia tăng lượng cholesterol trong cơ thể lên khoảng 4,6%, gây nhiều hiểm họa về bệnh tim mạch hơn.
Ngoài ra, khi thể tích máu giảm đi, tuyến yên và tuyến thượng thận phải hoạt động nhiều hơn nhằm bài tiết các hormone giữ lại lượng natri và nước để cân bằng thể tích máu. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến các vấn đề về thận và sự làm việc quá mức của tuyến thượng thận.
Để đảm bảo các chức năng của cơ thể được hoạt động bình thường, lượng muối tiêu thụ tối đa mỗi ngày không nên quá 6g, tương đương với 1 thìa cà phê. Nếu lượng muối được sử dụng mỗi ngày chỉ khoảng 1-2g và kéo dài thì được coi là ăn quá ít muối, sẽ dẫn đến hạ natri máu. Nếu ăn quá 6g muối/ngày thì được coi là ăn mặn.
Nguồn tin: Tuổi trẻ thủ đô
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự