Các loại rau đắng và công dụng chữa bệnh quý giá

Thứ bảy - 17/12/2016 01:22
Theo Đông y, rau đắng đất tính bình, không độc, có tác dụng lợi tiêu hóa, khai vị, lợi tiểu, trừ thấp nhiệt, bổ gan. Ăn rau đắng đất rất lợi tiểu, sát trùng, dùng trong những trường hợp thấp nhiệt, sỏi thận, mụn nhọt, giải độc, vàng da tắc mật…

Rau đắng có 2 loại, rau đắng đất và rau đắng biển. Loại rau đắng “mọc sau hè” trong bài hát quen thuộc chính là rau đắng đất, hay còn gọi là cây biển súc, cây cây càng tôm, cây xương cá… Loại cây này lá mỏng, đầu lá nhọn, có hoa nhỏ.

Có một loại nữa là rau đắng biển, lá mọng, đầu lá tròn như lá rau sam, hoa trắng và to hơn hoa rau đắng đất. Rau đắng biển còn được gọi với tên là rau đắng đồng, rau sam đắng… Cả 2 loại rau đắng đều được dân gian sử dụng làm món ăn, đều có vị đắng và đều có công dụng chữa bệnh tương đối giống nhau. Chính vì vậy nên  rất nhiều người nhầm loại rau đắng biển là rau đắng đất.

Theo Đông y, rau đắng đất tính bình, không độc, có tác dụng lợi tiêu hóa, khai vị, lợi tiểu, trừ thấp nhiệt, bổ gan. Ăn rau đắng đất rất lợi tiểu, sát trùng, dùng trong những trường hợp thấp nhiệt, sỏi thận, mụn nhọt, giải độc, vàng da tắc mật… Những người béo bệu, có bệnh lý về tim mạch, huyết áp cao, tiểu khó, tiểu buốt… nên sử dụng rau đắng thường xuyên trong bữa ăn.

Không giống một số vị thuốc Nam vẫn bị một số người chế giễu là “thuốc lang băm”, cây rau đắng đất đã được một số hãng dược sử dụng làm thuốc bổ gan và luôn được các bác sĩ tin dùng số 1 tại Việt Nam. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, rau đắng đất có chứa hàm lượng vitamin C khá cao, ngoài ra còn có một số chất có lợi cho sức khỏe như: tanin, saponin, flavonoid, alkaloid và sesquiterpene.

Các thành phần này giúp tăng cường sức khỏe và có tính kháng khuẩn rất tốt. Không những thế, chúng còn có tác dụng chống lại quá trình oxy hóa, khử các gốc tự do trong cơ thể, ngăn chặn sự hình thành tế bào ung thư, hạn chế quá trình lão hóa.

Các thành phần này giúp tăng cường tuần hoàn não, tăng cường dẫn truyền xung động thần kinh, chống lại hiện tượng oxy hóa của tế bào não, tăng trí nhớ, giảm sự mệt mỏi tinh thần, có tác dụng làm người trở nên tỉnh táo hơn, ngăn ngừa sự tái diễn của cơn động kinh. Tại Trung Quốc, người ta còn khuyên các bệnh nhân mắc bệnh về não, hệ thần kinh như Parkinson, Alzheimer nên sử dụng rau đắng đất.
 

công dụng chữa bệnh của rau đắng
Rau đắng đất (Ảnh internet)

Với cây rau đắng biển, công dụng chữa bệnh cũng gần như tương tự với rau đắng đất, nhưng do rau đắng biển mọc ở vùng đồng đất ẩm hơn nên nồng độ các dược chất cũng không đậm đặc bằng. Tuy vậy, loại rau này phát triển mạnh hơn, ăn ngon hơn nên được sử dụng rộng rãi trong nhiều món ăn của người dân Nam Bộ như ăn sống, luộc, xào, nấu canh, nhúng lẩu.  

Các loại rau đắng đều được ưa chuộng trong các quán nhậu ở Nam Bộ bởi vì nó bổ gan, giải rượu bảo vệ sức khỏe cho người uống rượu. Người Nam Bộ có thói quen nhậu lai rai rất lâu từ tăng nọ sang tăng kia.

Món nhậu chế biến bằng rau đắng sẽ giảm tác hại của rượu, bảo vệ gan, bảo vệ thành ruột và giúp người nhậu tỉnh táo hơn. Đối với những người gặp chuyện buồn, stress kéo dài hoặc trầm cảm… thì một bữa nhậu cùng với rau đắng thực sự phát huy tác dụng thư giãn, lấy lại sức sống.  

Cũng có nhiều tài liệu nói đến công dụng của rau đắng đối với các bệnh về xương khớp và tiểu đường nhưng không rõ rệt bằng công dụng thanh nhiệt, tiêu độc, bồi bổ gan của cây rau đắng. Có một số người áp dụng cây rau đắng chữa tiểu đường thành công, nhưng một khi đã coi rau đắng là thuốc chữa bệnh thì cũng nên uống theo liều lượng nhất định và không nên quá lạm dụng trong một thời gian dài.

Thông thường thì hầu hết các loại cây rau có vị đắng như mướp đắng, trà đắng, lá mật gấu, rau đắng… đều mang tính hàn, đều có tác dụng chữa bệnh về xương khớp và làm giảm đường huyết. Nhưng tính hàn này khi bị lạm dụng cũng gây ra không ít phiền toái.

Người sử dụng nhiều có thể bị đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài phân sống, lạnh bụng, lạnh chân tay… Những người tì vị suy yếu, hay đi ngoài phân lỏng cũng không phù hợp khi sử dụng các vị thuốc mang tính hàn.

Chính vì thế, khi xào nấu các loại rau có vị đắng, người ta thường cho thêm rượu, gừng, tỏi, tiêu ớt… là những gia vị cay nóng để cân bằng và tăng sự ngon miệng, dễ tiêu… và một tuần có thể ăn vài ngày mà cơ thể không có phản ứng.

Nhưng nếu dùng để sắc thuốc làm nước uống hằng ngày, bệnh nhân không nên sử dụng liên tục trong hơn 12 tuần. Nếu cảm thấy bệnh đã dứt, ta có thể chuyển sang sử dụng loại thuốc khác một thời gian, sau một tháng, ta quay lại sử dụng.

Nguồn tin: Tuổi trẻ thủ đô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây