Đầu năm đi lễ: Cốt là ở cái tâm

Thứ năm - 17/02/2011 22:41
Đối với nhiều người dân Việt Nam nói chung, vào dịp đầu năm mới thường có phong tục đi lễ tại các đền, chùa… Có thể nói, đây là nét văn hóa hết sức thanh tao, mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngay sau khi kết thúc màn bắn pháo hoa giao thừa, báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ Canh Dần 2010 sang năm mới Tân Mão 2011, nhiều người dân đã đi lễ tại các đền, chùa.

Trên địa bàn thành phố, nhiều người dân đã đến lễ tại các điểm di tích như: Đền Kỳ Cùng, Chùa Thành, Đền Trần... để cầu xin những điều may mắn, tốt lành, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, học hành tấn tới, cuộc sống, công việc nhiều hanh thông… sẽ đến với bản bản thân và toàn thể gia đình trong suốt cả năm mới. Buổi sáng ngày mùng 1 Tết và trong cả ngày hôm đó tại các đền, chùa lại càng tấp nập hơn.

Rồi tiếp ngay sau tết Nguyên đán, bước vào mùa lễ hội (LH), đối với những nơi (kể cả trong và ngoài tỉnh) có các di tích, mọi người lại tiếp tục tìm đến để du xuân, vui hội. Song ngoài phần vui hội, vãn cảnh di tích thì một phần không thể bỏ qua chính là vào hành lễ cầu xin tài lộc, may mắn, sức khỏe.

Đây là quan niệm xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng bản địa, văn hóa truyền thống. Bởi lẽ, bên cạnh việc cúng lễ thổ công, tổ tiên tại bàn thờ gia đình thì việc đến các di tích đền, chùa, phủ… dâng lễ, thắp nén hương thơm cúi lạy trước thánh thần, trời phật phù hộ được nhiều người cho rằng, như thế sẽ tăng phúc, tăng tài, may mắn nhiều hơn… Đồng thời, đó như là một cách để làm tĩnh lòng, tĩnh tại và thư thái tâm hồn trước cuộc sống thường ngày còn nhiều bộn bề, hối hả.

 

Mua hoa làm lộc - nét đẹp trong nhiều lễ hội Xứ Lạng

Và nếu xem xét, nhìn nhận ý nghĩa của việc đi lễ đầu năm như trên thì thấy, đây quả là một nét văn hóa du xuân rất ý nghĩa trong đời sống tinh thần của mỗi người. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, ý thức cộng đồng của nhiều người đi hội, vào lễ đền, chùa chưa thật tốt nên đã phần nào làm giảm ý nghĩa của phong tục kể trên đi ít nhiều.

Tâm lý chung của người đến hội, đi lễ là muốn vào được di tích thật nhanh để hành lễ. Nhưng diện tích, khuôn viên di tích thì chỉ có vậy, cho nên đã dẫn đến sự chen lấn không đẹp mắt. Thậm chí, đã có lúc mọi người phải nhích từng bước một cách kiên trì, nhẫn nại. Điều này có thể gặp tại những LH lớn, có di tích được dân gian truyền tụng là linh thiêng. Song khổ nhất là hiện tượng người đi hội, đi lễ chưa thực sự tuân thủ theo quy định của ban tổ chức về việc đốt vàng mã, thắp hương.

Cũng không khó để thấy hiện tượng này. Đa số nhiều người đi hội, vào làm lễ ít chịu thắp 1 hoặc 3 nén hương mà thường thắp cả bó mang theo. Nhiều người nhìn cảnh đó đã phải thốt lên rằng: đó là đốt hương chứ không phải thắp hương. Và khi châm hương thì mọi người còn có thói quen là lấy luôn vỏ bọc của bó hương và vàng mã kèm theo đốt để châm hương. Nhiều người đốt như thế thành ra không khí ngột ngạt, khói nghi ngút, cay xè cả mắt. Ái ngại nhất là những người cầm hương chen lấn vào để được thắp hương nhanh.

Những người đứng trước hoặc cạnh đó, nếu mặc áo với chất liệu dễ cháy lúc này chỉ lo một nỗi là sợ người cầm hương vô tình quệt phải thì cái áo coi như đi đời. Mà những người cố tình đốt hương thật nhiều, mang hương vào cắm tại các vị trí đã quy định cấm thì rồi ngay sau đó, những người quản lý cũng gắp bớt ra ngoài ngay. Vì trên bát hương ban thờ đã được thắp hương vòng rất thanh tịnh và ý nghĩa.

Thứ nữa là, nếu mỗi người cứ thắp một bó như thế mà để nguyên trên ban thờ thì không khéo còn gây ra hỏa hoạn nguy hiểm... Rồi, còn phải kể đến hiện tượng đội các mâm lễ. Theo đó, ai cũng muốn mâm lễ của mình phải được đặt lên trước, ở vị trí đẹp nhất để thần thánh chứng giám lòng thành.

Với suy nghĩ đó nên nhiều người đội mâm lễ đầy ú ụ, cồng kềnh là thế nhưng vẫn cố chen vào dòng người đang nhích lên từng bước và giữ cho thật chắc để mâm lễ khỏi bị đổ. Một số người, chắc có kinh nghiệm đi lễ ở những LH đông đúc nên đã dùng giải pháp dán băng dính gắn các đồ lễ vào mâm và nếu có nghiêng ngả trong lúc xô chen thì cũng không hề hấn gì…

Trong vai những người đi hội và trực tiếp được dự nhiều LH của địa phương, cũng như đến các tỉnh khác trong một số năm chúng tôi đã được chứng kiến không ít những cảnh trên. Chợt nhớ lại hình ảnh một cụ bà đi lễ ở đền Mẫu Đồng Đăng, vì không thể chen nổi với dòng người nườm nượp đang nhích từng bước, cụ đành đứng ở cửa vái vọng vào trong đền với một vẻ mặt rất thành tâm.

Thấy chúng tôi nhìn sang, cụ bảo: Cốt chính là ở cái tâm của mình cháu ạ… Đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh đó và thảng nghĩ, chính cụ bà kia mới là người tĩnh tâm, thư thái thật sự trong dòng người đi lễ tấp nập. Quả thật, đi lễ cốt chính là ở cái tâm của mình…Và các cụ ta cũng từng nhắc nhở rằng: đến với cửa đền, cửa chùa chỉ cần có lòng thành là được và nếu có thêm lễ thì cũng chỉ cần “một giọt dầu, tàu vàng” là đủ chứ đâu cần phải nhiều nhặn gì. “Tâm xuất thì thần, phật biết”. Câu nói trên ngẫm kỹ thấy ý nghĩa lắm lắm. 

Giờ đây, trên khắp các vùng miền, quê hương, LH đang rất náo nức. Mong rằng, mọi người trong dịp du xuân, trẩy hội, hành hương, lễ thần phật tại các di tích hãy lưu tâm đến chuyện này để việc đi lễ đầu năm luôn là một nét đẹp văn hóa.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây