Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, là một vùng đất giàu tiềm
năng, nhưng sản xuất nông nghiệp trên vùng đất lúa vẫn cơ bản là độc canh cây
lúa với các loại giống truyền thống, phương thức canh tác lạc hậu; kinh tế vườn
đồi, chăn nuôi cũng hầu như chưa phát triển. Tiềm năng bị bỏ ngỏ, khu vực nông
thôn còn nhiều khó khăn, lạc hậu, đời sống của nông dân còn bấp bênh, thiếu thốn.
Trong khi Tràng Định đang loay hoay tìm hướng phát triển thì Chỉ thị số 63-CT/TW ngày 28/2/2001 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông thôn” được ban hành đã như một luồng gió mới mở ra hướng phát triển cho Tràng Định.
Nông dân xã Tô Hiệu ( Bình Gia) tiếp nhận kỹ thuật chế biến thức ăn qua đông cho trâu bò - Ảnh: Duy Hà
Ngay khi Chỉ thị ra đời với phương châm “đi tắt, đón đầu”,
cả hệ thống chính trị của huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác ứng dụng KH&CN
vào sản xuất ở khu vực nông thôn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ
chức, cá nhân áp dụng KHKT vào thực tiễn nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Khoa học chính là động lực, là con đường xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu, tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương. Cũng từ đây đã khởi nguồn cho hàng loạt chủ trương lớn của huyện Tràng Định về phát triển nông nghiệp như chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và xây dựng cánh đồng giá trị cao.
Trong thực hiện Chỉ thị, chuyển giao tiến bộ KHKT được
coi là công tác trọng tâm, đặc biệt là khâu chuyển dịch cơ cấu giống. Theo đó,
trong 10 năm qua đã có 715 cuộc tập huấn, chuyển giao KHKT đến tận các thôn bản
với trên 25 vạn lượt nông dân tham gia; hàng trăm mô hình và hội nghị đầu bờ được
tổ chức; trên 31 vạn bản quy trình kỹ thuật được cấp, phát cho người dân. Song
song với đó là công tác nghiên cứu và triển khai ứng dụng các đề tài khoa học.
Rất nhiều đề tài quan trọng đã phát thuy hiệu quả như nghiên cứu tuyển chọn cây
lê ưu tú tại các xã Đội Cấn, Tri Phương; ứng dụng đề tài nghiên cứu nấm ăn; đề
tài nghiên cứu cây quýt ưu tú tại Kim Đồng và Tân Tiến; ứng dụng các đề tài trồng
thạch đen, thâm canh mô hình đỗ tương cao sản, thâm canh 3 vụ xóa đói, giảm
nghèo, mô hình trồng dưa vàng…
Qua đó, sản xuất nông nghiệp đã có những chuyển
biến toàn diện, từ độc canh cây lúa giống cũ, Tràng Định đã chuyển sang hướng
thâm canh, xen canh mới với nhiều công thức khác nhau. Giống lúa được đưa vào sản
xuất chiếm 70% là lúa lai, tăng trên 40% so với năm 2001; năng suất tăng cao, đạt
khoảng 70 tạ/ha. Ngô giống mới được đưa vào xấp xỉ 100%, góp phần tạo ra sự đột
phá về sản lượng lương thực lên 3,4 vạn tấn/năm, tăng gần 5% so với 5 năm trước
đó.
Trong khi đó, diện tích các loại cây công nghiệp ngắn ngày như thuốc lá, thạch đen không ngừng tăng lên, các loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao như quýt, lê được đưa vào ngày càng nhiều với 934ha phát triển mới. Cùng với đó diện tích rừng trồng mới trong 10 năm cũng lên đến trên 9,6 nghìn ha, đưa độ che phủ từ 39% lên 61%.
Qua 10 năm đưa KH&CN về nông thôn, những cánh đồng
trăm triệu/ha đã và đang xuất hiện nhiều trên vùng đất lúa như cánh đồng Đại Đồng,
Hùng Sơn, Kim Đồng…Kinh tế rừng và kinh tế vườn đồi trở thành kinh tế mũi nhọn
của địa phương.
Cũng từ đó tạo điều kiện cho nhân dân địa phương nâng cao thu
nhập, đưa các thiết bị hiện đại vào sản xuất như máy cày, máy tuốt, xe vận tải
nhỏ; song song với đó nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, nhiều cây cầu “sức
dân” do nhân dân tự đầu tư ngày càng nhiều góp phần quan trọng thay đổi diện mạo
và đẩy nhanh công cuộc CNH-HĐH nông thôn…Nhưng điều quan trọng hơn là hiệu quả
của đưa khoa học về nông thôn được chứng minh đã tạo ra niềm tin và sự đồng thuận
của nhân dân.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Tiếp tục tăng cường nghiên cứu, áp dụng các thành quả mới nhất của KH&CN vào sản xuất; nâng cao dân trí; đào tạo nhân lực; xúc tiến thị trường tiêu thụ nông sản…
Đó là những mục tiêu mà Tràng Định đã và đang hướng tới trong giai đoạn tiếp theo. Với nền tảng vững chắc đã tạo lập được, Tràng Định đang vững tin vào một mô hình nông thôn mới, giàu đẹp, năng động và hiện đại hơn với một nền sản xuất mà KH&CN là chủ đạo.
Nguồn tin: baolangson.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự