Thất Khê ngày giải phóng

Thứ ba - 12/10/2010 15:09
Trong khí thế thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng Thất Khê, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định không quên bày tỏ lòng tri ân đối với những người con đã ngã xuống cách đây vừa tròn 60 năm, hiến dâng cho mảnh đất nơi này bốn mùa hoa thơm, quả ngọt.

Trong những ngày này, ai ai cũng muốn nhìn lại, ôn lại những ngày khó khăn, gian khổ mà đầy oanh liệt đã được sử sách khắc ghi.

 

Đường nội thị thị trấn Thất Khê - Ảnh:M.V.H

Đúng 6 giờ sáng, ngày 16 tháng 9 năm 1950, quân ta nổ súng tấn công cụm cứ điểm Đông Khê, trận đánh mở màn cho chiến dịch biên giới, đến 10 giờ ngày 18 tháng 9 toàn bộ cụm cứ điểm “con nhím” Đông Khê bị tiêu diệt.

Thất thủ Đông Khê, thực dân Pháp rút khỏi Cao Bằng về co cụm ở Thất Khê. Ngày 1 tháng 10 năm 1950, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thành lập Mặt trận Thất Khê để chuẩn bị giải phóng Thất Khê. Một bộ phận bộ đội chủ lực hành quân xuống phía nam Thất Khê, bố trí tại các khu vực Đèo Khách, Khuổi Lếch, Bản Bẻ, nhanh chóng tiến công tiêu diệt địch ở 3 đồn này.

Xác định sẽ gặp nhiều tổn thất, thương vong tại Thất Khê, thực dân Pháp ra lệnh cho tướng Đờ-la-bô-mơ chỉ huy bốn đại đội quân dù từ Hà Nội bay lên nhảy dù xuống Thất Khê để chi viện cho Sác-tông và Lơ-pa-giơ, song đã bị quân dân ta đánh bại. Bên cạnh đó, Sác-tông cho binh đoàn rút khỏi Cao Bằng theo trục đường số 4 về Thất Khê nhằm yểm trợ và củng cố thế chủ động.

Lơ-pa-giơ nhận được lệnh, lập tức cho binh đoàn mang tên hiệp sĩ Bay-a, với cuộc hành binh Ti-đơ-nít từ Thất Khê lên hòng chiếm lại Đông Khê để đón Sác-tông và binh đoàn từ Cao Bằng về. Thời cơ như ngàn năm có một đã đến, ta đã chủ động ém quân phục kích, chờ đón viện binh địch, rồi tiêu diệt gọn hai binh đoàn của địch, Sác-tông và Lơ-pa-giơ đều bị bắt.

Sau khi bắt được Sác-tông và Lơ-pa-giơ, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chỉ để lại một bộ phận nhỏ thu dọn chiến trường, truy quét tàn binh địch. Số còn lại tiến xuống bao vây Thất Khê và tiêu diệt một số đồn ngoại vi. Trong khi đó, bọn địch đóng quân ở đồn Bản Trại hốt hoảng, bỏ đồn chạy về Thất Khê với dáng điệu đói mệt, tiều tuỵ, râu tóc rậm rạp, mặt mũi phờ phạc, hốc hác toàn lính lê dương da trắng từng khét tiếng sừng sỏ, thiện chiến nổi danh từ Đại chiến thế giới thứ hai, tất cả giờ đều giống nhau ở cảnh “thân tàn ma dại”.

Mỗi tên tàn quân đã trở thành một quả lựu đạn nổ bùng vào tinh thần, ý chí của bọn sĩ quan và binh lính đóng tại Thất Khê, khiến từ đồn trưởng đến những tên nguỵ nhãi nhép đều chỉ tính tới việc lo cách chạy cho thoát chết.

Ngày 9 tháng 10, ta cho đánh sập cầu Bản Trại để chặn đường rút lui của địch về Na Sầm, Lạng Sơn. Lúc này quân địch ở Thất Khê và số tàn binh từ các nơi chạy về làm Thất Khê trở nên động đúc và hỗn loạn, từ đồn chính đến phố xá, công sở đều náo động, hoảng hốt như trong cảnh đón đợi trời sập.

Mặc dù số quân địch ở Thất Khê còn khoảng hơn 1.500 tên nhưng đã mất hết nhuệ khí chiến đấu. Thất Khê, một điểm mạnh trong phòng tuyến đường số 4 “vành đai thép” mà thực dân Pháp dày công xây dựng không còn phương trụ nổi. 8 giờ sáng ngày 10 tháng 10, thực dân Pháp thu nốt quân ở các đồn lẻ quanh thị trấn Thất Khê để rút chạy về Lạng Sơn. Do cầu Bản Trại đã bị quân ta đánh sập, nên chúng phải sử dụng xuồng để vượt sông Kỳ Cùng trong sự hoảng loạn, lộn xộn.

Khoảng 9 giờ tối ngày 10 tháng 10, quân địch bị ta chặn đánh ở Đèo Khách và Lũng Vài, chúng chống đỡ một cách yếu ớt và tháo chạy, bỏ lại xác chết ngổn ngang trên đường. Tối ngày 10 tháng 10 năm 1950, tên thực dân cuối cùng đã rút chạy khỏi Thất Khê. Khu vực lòng chảo Thất Khê hoàn toàn giải phóng.

Đêm hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt Đại đoàn quân tiên phong, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (Đại đoàn 308) tại bãi cỏ rộng ở Kéo Quang, dưới chân đèo Bông Lau (nay thuộc xã Chi Lăng, huyện Tràng Định). Người đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội và quân dân các dân tộc huyện Tràng Định anh hùng.

Chiến thắng biên giới năm 1950 đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của quân đội ta, mở ra bước phát triển mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ ấy, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định đã lập thành tích xuất sắc, góp phần cùng toàn dân cả nước giành thắng lợi to lớn trên “đường số 4 rực lửa”, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Cao - Bắc - Lạng đã làm kiểu mẫu cho việc động viên nhân lực, vật lực và tài lực cho kháng chiến”.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây