ĐBQH tỉnh Lạng Sơn góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022

Thứ tư - 10/11/2021 03:06
Hôm nay (9/11), Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thảo luận trước khi vào hội trường
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thảo luận trước khi vào hội trường

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham dự Kỳ họp gồm 6 đại biểu do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.

Trong chương trình, Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã phát biểu ý kiến góp ý vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.

ĐBQH tỉnh đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đổi mới việc quyết định các kế hoạch như: kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ cuối nhiệm kỳ trước của Quốc hội hoặc có cơ chế chỉ đạo, hướng dẫn, dự kiến phân bổ nguồn lực từ cuối nhiệm kỳ trước để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ mới. Hiện nay, khi chờ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội để thông qua các kế hoạch, nghị quyết cho nhiệm kỳ mới thì sẽ bị chậm, ít nhất 6 – 8 tháng của năm đầu tiên nhiệm kỳ, do đó việc triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch trong nhiệm kỳ sẽ bị chậm.

ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, đặc biệt là vốn đầu tư công, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc huy động, tập trung các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các dự án, công trình trọng điểm có tác động lan tỏa như các tuyến đường cao tốc, các dự án giao thông quan trọng, huyết mạch có tính chất liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt tại các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc sẽ tạo động lực lớn trong việc thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Đồng thời đề nghị Chính phủ tăng cường các giải pháp chỉ đạo, quy định, hướng dẫn, phân bổ để sớm triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Trong đó cần khẩn trương nghiên cứu, có cơ chế phân bổ một phần nguồn vốn chương trình nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững ngay trong năm 2021 để các địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch năm 2021.

Để khai thác hiệu quả các hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ đối với các tỉnh có biên giới, cửa khẩu, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ thực hiện cơ chế thưởng vượt thu đối với khoản thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu với một tỉ lệ % phù hợp, để các tỉnh có cửa khẩu biên giới có nguồn lực tiếp tục tái đầu tư hạ tầng cửa khẩu. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao khả năng dự báo tình hình, nắm bắt các chính sách, biện pháp áp dụng đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại phía nước bạn, kịp thời đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên phạm vi cả nước.

Đại biểu Triệu Quang Huy cũng nêu tình hình thực tiễn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian vừa qua và đề nghị Chính phủ quan tâm, cho phép tỉnh được để lại nguồn phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh để tỉnh có nguồn lực đầu tư trở lại khu vực cửa khẩu để tăng cường năng lực, khả năng thông quan, phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ các hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.

ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đổi mới cơ chế hoạt động nghiên cứu, quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đổi mới căn bản cơ chế thanh quyết toán tài chính, cơ chế quản lý ngân sách nhà nước chi cho khoa học, công nghệ theo hướng gắn kết chặt chẽ về trách nhiệm và quyền lợi của nhà nghiên cứu và nhà sản xuất, cụ thể là cơ chế thanh quyết toán tài chính, cơ chế chấp nhận sự rủi ro trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phân bổ kinh phí hợp lý cho lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, biên giới nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, khuyến khích được sự phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cuộc sống.

Theo BaoLangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây