Trải qua năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh chốn rừng già và sau 49 ngày Thiền định ở Bồ đề đạo tràng, Đức Phật đã nhận thấy rõ đặc tính của cuộc sống con người nói riêng và của muôn vật, muôn loài nói chung ở trong thế giới sanh diệt là vô thường (Anicca), khổ (Dukkha) và vô ngã (Anatta).
Thật vậy, thân xác của chúng ta thể hiện rõ nét bản chất vô thường, vì nó thay đổi không ngừng trong từng sát na. Đang tươi trẻ, mạnh khỏe, nhưng một cơn bạo bệnh hoặc tai nạn ập đến, thì cái thân tứ đại liền trở thành ốm yếu, tiều tụy, tàn phế, cho đến kết thúc bằng cái chết. Và tinh thần chúng ta cũng chịu sự chi phối của vô thường, lúc vui, lúc buồn, lúc thương, lúc giận, lúc hiểu biết, lúc dại khờ, si mê, v.v… và đến tuổi già thì sức mạnh tinh thần trở nên yếu kém, khả năng tập trung không còn, cho đến bị lẩm cẩm.
Không phải chỉ có sự sống của con người vô thường, mà mọi vật trong trời đất như nhà cửa, ruộng vườn, sông núi, biển cả, thậm chí cả thái dương hệ, không có một vật nào nằm ngoài định luật vô thường. Mọi vật đều nằm trong quy trình thay đổi không ngừng và tất cả mọi thứ đều sẽ hư hoại.
Trong cuộc sống hằng ngày, hiểu rõ đặc tính vô thường, chúng ta không buồn phiền, khổ đau trước sự thất hứa của người bạn. Hôm nay, bạn vui thì hứa sẽ cùng làm một việc nào đó với mình; nhưng ngày mai, cái tâm vô thường nổi lên thì lời hứa trở thành gió thoảng mây bay. Hoặc trong công việc kinh doanh ngoài xã hội cũng vậy, nếu không nắm bắt được sự thay đổi của tình hình kinh tế, thì cũng dễ dàng thất bại.
Trong việc tu tập pháp Phật, thấu rõ pháp vô thường sẽ giúp chúng ta không sợ
hãi, lo âu trước cái chết, mà còn loại bỏ được sự tham ái, sân hận, buồn khổ và
thúc đẩy chúng ta dũng mãnh tinh tấn tu hành. Thật vậy, cái chết là một biểu hiện
đặc sắc nhất của vô thường có tác dụng mãnh liệt với chúng ta.
Đức Phật cùng
chư vị Tổ sư luôn nhắc nhở chúng ta nên nhớ đến cái chết, nên quán sát sự vô
thường của mạng sống. Chết là điều chắc chắn không ai tránh khỏi, hễ có sự hiện
hữu trên cuộc đời này thì phải có sự kết thúc cuộc sống; cho nên có câu nói rằng
tất cả mọi người đều bình đẳng trước cái chết, nghĩa là ai cũng phải chết và chết
bất cứ lúc nào.
Tính chất rất mong manh của mạng sống con người được kinh Kim Cang ví như làn điện chớp trên trời trong tích tắc rồi mất, như giọt sương mai trên cành lá hay như bọt nước có rồi vở ngay.
Nhận thức sâu sắc về cái chết như vậy không phải để chúng ta chán đời, buông
trôi mọi việc, mà ngay bây giờ, chúng ta phải tinh tấn thực hiện lời Phật dạy để
không phí phạm mạng sống quý báu này, không bỏ lở cơ hội hiếm có được tu học Phật
pháp trong hiện đời. Vì bước theo dấu chân Phật là bước đi trên con đường thăng
hoa cuộc sống, cho nên chúng ta không sống vô ích và không chết vô nghĩa.
Thể hiện sự sống theo Phật là sống an lạc, sống hiểu biết, sống từ bi hỷ xả, sống vị tha vô ngã, sống tốt đẹp cho gia đình, sống lợi lạc cho đoàn thể, cho cộng đồng xã hội và chết trong sự tiếc thương, cảm mến của nhiều người, để lại những bài học quý giá cho đời.
Sống và chết một cách thiện mỹ và có ý nghĩa như vậy thì thân tứ đại này có mất đi, nhưng những việc làm tốt đẹp của người Phật tử vẫn lưu lại cho đời tiếng thơm, thì hành giả chết mà không chết. Và họ bỏ lại của cải vật chất phù du của thế gian, nhưng đã mang theo được hành trang quý báu để giúp họ tái sanh vào những cảnh giới tốt đẹp hoặc tái sanh làm người có nhiều phước báu tiếp tục công việc lợi ích cho mọi người.
Đức Phật là vị Thánh nhân bậc nhất đã vắng bóng trên thế gian này hơn 25 thế kỷ,
nhưng nhân loại trong khắp năm châu bốn biển vẫn ngày ngày kính ngưỡng, tôn thờ,
lễ lạy Ngài, thọ trì đọc tụng những lời dạy của Ngài, sống theo giáo pháp của
Ngài.
Bởi vì Đức Phật đã nương vào sanh thân tứ đại trải qua vô số kiếp hành Bồ tát đạo mà Ngài phát huy được Báo thân viên mãn là thân phước đức và trí tuệ toàn mỹ toàn bích và Ngài cũng thành tựu được Pháp thân vĩnh hằng, bất tử, chẳng những vượt ngoài quy luật sống chết của con người trong sáu đường sanh tử, mà Ngài còn điều động được cuộc sống trường tồn vĩnh cửu của cả Pháp giới.
Đức Phật cũng khẳng định trong phẩm Như Lai Thọ Lượng, kinh Pháp Hoa rằng Ngài có thọ mạng của Pháp thân vĩnh hằng bất tử, nhưng dùng phương tiện nói diệt độ. Vì nếu Như Lai ở lâu trên đời thì người đức mỏng không trồng cội lành, ham ưa ngũ dục, sanh tâm lười biếng, vì họ nghĩ rằng Đức Phật toàn năng luôn che chở họ, không chịu tu, rồi đọa ác đạo.
Trên là Đức Phật và kế đến là các vị Bồ tát hiện thân trên cuộc đời này, điển
hình là tấm gương sáng chói nhất của Bồ Tát Thích Quảng Đức. Ngài đã tự thiêu
thân để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh thế lực độc ác và ngọn lửa thiêng từ
thân Ngài đã khiến cho cả thế giới phải xúc động.
Đặc biệt là trái tim bất diệt của Ngài đã tỏa sáng tinh thần từ bi vô ngã vị tha khiến cho người người rơi lệ, kính ngưỡng. Bồ tát hy sinh mạng sống hữu hạn vì đạo pháp, vì dân tộc, cho nên Ngài đã trở thành biểu tượng bất tử trong lòng dân tộc Việt Nam, trong Phật giáo đồ Việt Nam và trong lòng những người đệ tử Phật nói chung.
Chúng tôi mong rằng các Phật tử tu học theo tinh thần Phật dạy, cần nỗ lực thực
hiện những việc làm tốt đẹp cho đời, đóng góp cho đạo pháp hưng thạnh. Khi mạng
sống tạm bợ này chấm dứt theo quy luật vô thường, sẽ đem theo được những gì
đáng quý cho kiếp lai sanh ở những cảnh giới tùy theo sở nguyện của mình.
Tác giả bài viết: HT. Thích Trí Quảng
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự