Sư cô Từ Tâm đến ngôi làng Bhaga (Ấn Độ) năm 2000 với mục đích hành hương về
thăm vùng đất Phật. Khi đi vào làng, sư cô thấy cuộc sống của người dân rất
nghèo khổ và rất đông trẻ con nhưng không có em nào đi học. Khoảng 500 hộ gia
đình ở đây cũng không có người nào biết chữ.
Hỏi ra mới biết các em không được đi học vì không có trường lớp, sư cô liền nảy
ra ý định mở một ngôi trường để dạy chữ cho các em. Sư cô đã quay một cuốn phim
về cuộc sống nghèo khổ của người dân nơi đây, mang về chiếu tại Mỹ và quyên góp
được hơn 10 nghìn USD. Quay trở lại Ấn Độ, sư cô đào giếng giúp người dân và
xây dựng một trường học trường học với 1 cô giáo dạy 45 học sinh ở cấp tiểu học.
Sau đó, được sự giúp đỡ của một Phật tử là bạn của sư cô cũng với một số Phật
tử ở Mỹ và Việt Nam, hệ thống lớp học miễn phí của sư cô đã tăng lên 4 trường
cấp 1 với 10 thầy cô giáo dạy 412 học sinh.
Trả
lời câu hỏi của Đài RFI lý do tại sao lại chọn vùng đất Phật làm công tác từ
thiện mà không phải ở quê hương, sư cô cho biết: " Tôi muốn đóng góp một
chút gì đó của Phật tử Việt Nam trên đất Bồ Đề Đạo Tràng vì các nước khác đều
đã có trường học, chỉ có Việt Nam là chưa có".
Trường học của sư cô Từ Tâm dạy theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục Ấn Độ,
từ lớp mẫu giáo đến lớp 5. Để tiếp tục cho các học sinh có đà tiến lên cao, sư
cô Từ Tâm đang cho xây dựng một ngôi trường trung học. Ngôi trường mới này gồm
7 phòng học và phòng ăn cho giáo sư, có đầy đủ tiện nghi, phương tiện cho giáo
sư sinh hoạt và giảng dạy.
Nếu có sự tài trợ, sư cô Từ Tâm sẽ mở lớp trung học vì tiền thuê giáo sư dạy
trung học rất đắt, mỗi giáo viên lại chỉ dạy một môn. Tuy nhiên, nếu tình hình
tài chính không khả quan, không có sự tài trợ của Phật tử thì sư cô sẽ dùng
ngôi trường này để dạy nghề như cắt tóc, may, vi tính, thợ điện nhằm giúp các
em có một nghề nghiệp để ổn định cuộc sống.
5 năm dành hết tâm nguyện cho ngôi trường tình thương, niềm vui của sư cô là
được nhìn thấy những thành quả đầu tiên. Những em học sinh từ chỗ mù chữ giờ đã
biết đọc, biết viết, biết tính toán. Mặc dù các em mới chỉ học đến lớp 5, các
em có thể học lên nữa nếu có điều kiện, nhưng khi thấy việc làm của mình có kết
quả, sư cô không khỏi xúc động.
Để vận động được các em đến trường và có được kết quả ngày hôm nay, sư cô đã bỏ
không ít tâm sức. Theo sư cô cho biết, ở Ấn Độ phụ nữ thương chỉ ở nhà, còn đàn
ông là lao động. Chính vì thế, trẻ em lớn thường phải giúp bố làm việc để kiếm
sống nên học sinh có bữa đi, bữa nghỉ. Sư cô đã đến từng nhà vận động bố mẹ các
cháu để họ thấy được tầm quan trọng của việc học. Sư cô đã tập hợp các bậc cha
mẹ và nói chuyện: "Các ông bà phải hi sinh cho con đi học, phải để các
cháu có kiến thức mới mong thay đổi được cuộc sống mà bố mẹ chúng đã trải
qua". Sư cô còn nói với các cháu: "Nếu các cháu có điều kiện đi ra
ngoài các cháu sẽ thấy cuộc sống khác biệt. Và các cháu phải đi làm để có tiền,
có tiền để giúp đỡ người khác còn hơn là ngửa tay xin người khác".
Chính những lời tâm huyết đã lôi kéo các em đến với trường học. Nhìn lại 5 năm
qua, sư cô không khỏi xúc động, bởi sự ủng hộ, giúp đỡ của các Phật tử với công
việc thiện nguyện của sư cô để đạt được những kết quả ngày hôm nay.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự