Ấm áp lòng thiện nguyện
Lẫn trong đoàn người nhộn nhịp đến đây gởi gắm tình cảm thiêng liêng cao quý
của mình cho cha mẹ, tôi chợt thấy một nhóm người tất bật phía sau Tịnh
xá chịu trách nhiệm hậu cần. Ban đầu tôi nghĩ họ là nhóm thợ nấu ăn
nào đấy vì cách làm việc răm rắp như một đội quân: nấu ăn, bưng bê phục vụ, dọn
dẹp, rửa ráy... rất chuyên nghiệp.
Thế nhưng khi hỏi ra mới biết đây là nhóm thiện nguyện “mai danh”. Họ
phục vụ ăn uống cho cả ngàn khách thập phương bằng chính tài lực của mình. Câu chuyện
của tôi với “chủ nhiệm” nhóm thiện nguyện này - chị Trung Gia Liêm, 49
tuổi, tiểu thương chợ Bình Tây - không khó khăn lắm vì chị là một phụ nữ
người Hoa rất hoạt bát, năng nổ, nhanh nhẹn, thẳng thắn. Không ngại trút hết
tâm tư, chị cho biết: Nhóm chúng tôi đa số là các tiểu thương chợ Bình Tây;
nòng cốt khoảng 20 thành viên, nhưng khi cần thiết có thể huy động đến 50-60
người, đủ mọi thành phần “nam phụ lão ấu”. Chúng tôi bắt đầu công việc từ
thiện này đã hơn 20 năm, cứ âm thầm như những con ong xây tổ. Ban đầu chỉ một
vài người sau đó người nọ rủ rê người kia, cùng nhau đóng góp xây dựng
quỹ “chung một tấm lòng”. Chúng tôi có mặt trên từng cây số ở mọi miền đất
nước. Nghe nói ở đâu còn đồng bào nghèo khổ là chúng tôi gom tiền đến
bằng được tận nơi để xoa dịu nỗi đau cho những người khốn khó bằng
những phần quà đủ loại; từ gạo, mì, quần áo, dầu ăn, sách vở... hay tất
cả những gì mà tiểu thương chợ Bình Tây đóng góp được.
Ngoài việc tặng quà, nhóm thiện nguyện này còn dành hết công sức để nấu
những món ăn ngon phục vụ những người nghèo vì được biết có người cả đời chưa
bao giờ ăn được một bữa ngon. Rất tự hào chị Liêm cho biết: Nhóm tụi này nấu ăn
ngon lắm, vì bếp chính là người Hoa mà! Người này truyền kinh nghiệm cho
người kia; thực đơn tuyển chọn phong phú lắm, hết nấu phở rồi phục vụ các loại
bún, bánh canh, nui, hoành thánh, ragu, bánh hỏi... Toàn đồ chay nhưng không
thua gì đồ mặn. Tiêu chí quan trọng nhất chúng tôi đặt ra là bảo đảm vệ sinh an
toàn thực phẩm vì không chỉ nấu cho người khác ăn mà bản thân chúng tôi cũng
dùng những món này. Không ít người ăn đến tô thứ hai mà vẫn thòm thèm.
Không
chỉ làm công quả tại các chùa mà “địa bàn” hoạt động của nhóm còn lan sang
các Bệnh viện công có đông người nghèo mắc bệnh nan y như Bệnh viện Ung bướu,
Bệnh viện Nhiệt đới; các trung tâm tâm thần, trại trẻ mồ côi, trung tâm
nuôi dưỡng người già neo đơn... Như một thông lệ, tháng 7 âm lịch hàng năm,
nhóm đều đi viếng nghĩa trang liệt sĩ ở các nơi trong cả nước rồi mới về các
chùa làm công quả.
Ba thế hệ - một tấm lòng
Chị Liêm thường ví nhóm của mình như một “gánh hát”. Chung vai với chị là những
người mẹ, người chị, người em, người cháu... không quản ngại khó nhọc, vất vả;
lặng lẽ theo đoàn suốt bao nhiêu năm. Có những bà má giờ đây đã không còn nữa,
vì bệnh tật, tuổi già có chừa một ai đâu!
Có những thành viên tóc bạc da mồi trước khi lìa trần vẫn mong làm việc thiện
lần cuối. Không ít thanh niên quên những cuộc chơi riêng tư chấp nhận lăn
lộn giữa nắng mưa để góp một tay làm việc thiện.
Thành viên có tuổi đời cao nhất nhóm là má Nguyễn Thị Ngọc, 80 tuổi, nhà ở đường
Phạm Văn Chí, Q.6 - TPHCM, “chuyên viên” nhặt rau. Tuổi già sức yếu nhưng má
không bỏ một chuyến đi nào. Có lúc nhóm sợ má mệt, để má ở nhà. Má biết
được là giận ngay! “Bay cứ kêu má đi; bay cần gì tao làm đó. Đừng
nghĩ già này vô dụng nhe. Ở nhà má bệnh đủ thứ, chỉ đi theo đoàn vui quá má mới
hết bệnh thôi”. Còn má Trần Thị Tuyết, 68 tuổi, độc thân trong căn nhà
khá rộng ở đường Phạm Văn Chí, Q.6. Thế nhưng sự cô đơn dường như không tồn tại
ở người phụ nữ này. Nhà má không có tiếng cười, tiếng nói trẻ thơ nhưng những
vật dụng của đoàn từ đồ nghề bếp núc, cả ngàn cái tô, hàng ngàn đôi đũa...
đến thực phẩm; có khi cả tấn hàng... đã làm ấm áp mái nhà của má. Một nhân vật không
thể không nhắc đến là “hoàng hậu rửa rau” Huỳnh Thị Anh, 77 tuổi, nhà ở đường
Bãi Sậy, Q.6.
Trước đây má bán rau cải ở chợ Bình Tây nên rất rành bí quyết bảo quản rau sao
cho ngon lại giữ được lâu, không bị dập. Bí quyết nghề nghiệp mấy chục năm được
má truyền đạt cho mọi thành viên trong đoàn để rau củ của nhóm phục vụ
người ăn hoàn hảo.
Nhóm thiện nguyện này quy tụ không chỉ những người phụ nữ với tấm lòng
nhân ái mà “kết nạp” cả những người đàn ông vai u thịt bắp. Chứng kiến anh Trần
Văn Tòng, 52 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Văn Luông, Q6 vất vả lắm mới bưng nổi nồi
nước dùng phục vụ cho 300 người ăn mới thấy rõ vai trò của người đàn ông. Anh
là giáo viên dạy thể hình ở Q.6, quen biết với các chị tiểu thương chợ
Bình Tây nên tình nguyện tham gia cùng nhóm trong những chuyến dọc ngang
mọi miền đất nước. Với sức vóc khỏe khoắn, anh xung phong đỡ đần các chị,
các em những việc nặng nhọc như bưng bê, khuân vác có khi hàng trăm ký hàng
hóa... Không chỉ tham gia một mình mà chị Liêm còn vận động được cả
chồng, con, dâu... cùng chia sẻ công việc chung. Con trai chị
- Nguyễn Trung Vũ Quang, 25 tuổi, hiện đang làm công nhân một công ty chuyên
sản xuất nước uống đóng chai đã theo mẹ từ nhỏ nên tự nguyện bỏ những
cuộc chơi để đi làm việc thiện. Từ lúc chưa lập gia đình em đã thường xuyên rủ
người yêu theo mẹ đi phục vụ nấu ăn tại các nơi. Như một nề nếp, đến giờ khi đã
yên bề gia thất, 2 vợ chồng vẫn tiếp tục theo ba mẹ đi làm từ thiện ở khắp mọi
nơi.
Em
Phạm Đức Trung, 28 tuổi, nhà ở đường Hậu Giang, con của chị Thu, một thành
viên trong nhóm, ngoài giờ phụ mẹ bán dưa hấu, hạt giống, cũng tham gia với
nhóm nhiều năm. “Đụng chuyện gì con làm chuyện nấy, từ xách nước, rửa rau, bưng
bê, dọn dẹp...” - Trung vui vẻ cho biết.
Một thành viên tích cực nhất của nhóm đuợc chị Liêm hay nhắc đến là bà Huỳnh
Thị Huệ, Tổng Giám đốc Công ty nhôm nhựa Kim Hằng. Chị Liêm thừa nhận: nhóm tồn
tại lâu như vậy là nhờ sự góp công rất lớn của chị Sáu Kim Hằng. Mỗi lần nhóm
lên chương trình đi đâu đều alô cho chị Sáu và chị luôn ủng hộ với lời động viên
chân thành: Tụi em cứ làm đi, thiếu bao nhiêu chị góp bấy nhiêu. Trước
đây chị Sáu còn khỏe đi theo nhóm suốt, làm đủ việc.
Nhưng bây giờ chị bị bệnh tim nên nhóm ít rủ chị đi.
Nói về tấm lòng của các thành viên trong nhóm, chị Liêm kể: Một số doanh nghiệp
thấy nhóm vất vả đã dằn túi mỗi người 100.000 đồng xem như công tác phí cho một
chuyến đi. Nhưng mọi người không ai bảo ai, tự nguyện gom góp lại để mua quà
cho những người nghèo... Và cứ như thế, những chuyến đi của họ lại tiếp tục...
Nguồn tin: Người Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự