Những
con người trong ngôi nhà 141 Trần Huy Liệu đến với con đường làm từ thiện “Hiến
máu cứu người” cũng rất đỗi tình tình cờ, tình cờ như số phận người bố của họ
được cứu sống bằng chính giọt máu của một người bạn tình cờ đến thăm.
Câu
chuyện bắt đầu từ năm 1975, khi đất nước vừa được giải phóng. Ông Nguyễn Phước
Bửu Thanh, đang là trụ cột của gia đình bị một cơn bạo bệnh, khiến ông chỉ còn
nằm chờ chết, do lúc này bệnh viện TW Huế không đủ máu để tiếp cho ông trên bàn
mổ. Trong cơn “thập tử nhất sinh”, một người bạn tên Quí ở Thuận An – Huế đến
thăm. Thương cảm người bạn đang thoi thóp trên giường bệnh, sau một lúc tìm hiểu
và biết mình cùng nhóm máu, được sự đồng ý của các bác sĩ người bạn này đã tiếp
máu cho ông trên bàn mổ, và ông Bửu Thanh đã được cứu sống.
12
người con của ông Thanh mỗi người một công việc, từ buôn thúng bán mẹt đến thợ
hồ… sống trong ngôi với nhiều thế hệ từ ông bà đến con cháu, kể từ cái ngày ấy
đã nghĩ đến công việc làm từ thiện, dù họ chẳng giàu có gì. Và ông Thanh sau
ngày “từ cõi chết trở về” đã tham gia sinh hoạt tại chùa Thuận Hóa (Huế), bắt
đầu những năm tháng cùng với các Phật tử đạp xe đi khắp phố phường thu nhận,
quyên góp gạo để giúp đỡ những gia đình nghèo khổ, neo đơn ở Huế.
Không
giống như công việc từ thiện đang làm của ông Thanh, những người con và cháu
trong gia đình ông đã nghĩ đến một công việc làm từ thiện rất khác lạ: “Hiến
máu nhân đạo để cứu người”. Tất cả họ đều không một mảy may suy nghĩ, đắn đo,
tính toán thiệt hơn cho sức khỏe của mình. Trong gia đình với 3 nhóm máu khác
nhau, nên bất cứ lúc nào bệnh nhân cần máu, các thành viên trong nhà sẽ phân
nhau đến tiếp máu cho họ.
Chính
tình thương yêu con người đã đưa họ đến với những quyết định táo bạo mà không
phải ai cũng làm được như thế. Hàng chục nghìn đơn vị máu của hơn 137 lần tham
gia hiến máu nhân đạo của những con người ấy đã hòa chảy trong rất nhiều trái
tim biết bao người bệnh, cứu họ thoát khỏi ngưỡng cửa của thần chết. Họ làm ơn
nhưng không phải để mong người khác trả ơn cho mình. “Hầu hết những người mà
chúng tôi cho máu đều là những bệnh nhân nghèo, chúng tôi chưa hề một lần gặp lại
họ. Chúng tôi chỉ biết một điều, những giọt máu của mình đã cứu được tính mạng
con người, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình họ, như chính niềm vui
ngày xưa khi chúng tôi đón bố tôi trở về từ cõi chết”-những con người của ông
Bửu Thanh đã tâm sự như vậy.
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
Đằng
sau vẻ giản dị, ít nói của người con gái Huế, chị Công Huyền Tôn Nữ Thanh Tâm
(con gái ông Nguyễn Phước Bửu Thanh) khiến mọi người “sốc” khi nghe kể về số
lượng máu mình đã hiến. 14 năm, chị đã “trích” 10.750cc máu từ cơ thể để cứu
sống rất nhiều người.
Chị
Thanh Tâm kể rằng, năm 1990 vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn, một lần tình cờ đi
ngang một địa điểm hiến máu tình nguyện tại TP, vượt qua những cảm giác rụt rè
chị ghé vào xin được hiến máu. “Lần đầu tôi hơi sợ, nhưng nghĩ đến ba tôi khi
xưa cũng nhờ giọt máu người ta mà sống...!” chị kể. Từ lần đầu tiên vừa hiến
máu, vừa niệm Phật để bớt sợ và hơn 40 lần sau này (15 lần ở TP. Hồ Chí Minh và
28 lần ở Huế) mỗi khi đưa tay cho bác sĩ, chị vẫn tâm niệm rằng, “cứu một mạng
người còn hơn xây chín bậc phù đồ”. Là người trong gia đình tiên phong đi hiến máu
cứu người, dần dần Thanh Tâm đã thuyết phục được thêm 13 thành viên khác trong
gia đình từ anh, chị, em đến những đứa cháu cùng tham gia và cộng lại đến hôm
nay gia đình họ đã hơn 137 lần hiến máu tình nguyện để cứu người.
Năm
2004, Thanh Tâm vinh dự là khách mời của chương trình người đương thời “Gặp gỡ
những thanh niên tiêu biểu” tại Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần
thứ V, một chương trình biểu dương những cá nhân điển hình trên nhiều lĩnh vực
hoạt động khác nhau đã có nhiều đóng góp, cống hiến tích cực về trí tuệ, công
sức cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khích lệ tinh thần
sáng tạo lao động của toàn xã hội. Và với thành tích 43 lần tham gia hiến máu
cứu người, chị đã được Hội chữ Thập đỏ TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế
trao tặng Huy chương Bạc và Vàng để khen ngợi cho hoạt động tích cực của chị.
Nguồn tin: vovnews
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự