Nhiều căn bệnh hiểm nghèo được bệnh viện trả về,
ông chữa thuyên giảm, giành lại mạng sống với thần chết. Tiếng lành đồn xa, mỗi
ngày, hàng trăm bệnh nhân tận Mương Mán, Hàm Thạnh của huyện Hàm Thuận Nam cho đến
các huyện của tỉnh khác như: Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cẩm Mĩ (Đồng Nai)...
hối hả tìm đến ngôi chùa nhỏ bé Linh Quang ở thôn Kô Kiều, xã Tân Thắng, huyện
Hàm Tân (Bình Thuận) để nhờ sư Phước chữa trị.
Từ thế kỉ 14, Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh - người phủ
Thượng Hồng (tỉnh Hải Dương ngày nay) nức tiếng với việc từ bỏ chốn quan trường
lợi danh, khoác áo nhà chùa hành hiệp cứu người. Ông được biết đến như là sư tổ
của nền y học cổ truyền Việt
Sống trong đời cần một tấm lòng
Lúc tôi đến, hơn một trăm người đang ngồi chật
trong khuôn viên chùa để chờ khám bệnh. Sư Phước (tên của trụ trì Thích Thanh
Phước) đang gạt mồ hôi thấm đẫm trên mặt để bắt mạch, đo huyết áp cho bệnh nhân.
Khám xong, thầy trực tiếp viết toa thuốc nam và mỗi người tùy theo bệnh sẽ được
chỉ định uống 10 – 30 thang. Cứ thế, người bệnh la liệt ngồi chờ các sư cô bốc
thuốc để họ mang về nhà sắc uống mà không phải mất một khoản tiền nào. Bệnh nhân
ở đây rất đa dạng, từ các cụ bà, cụ ông cho đến các em nhỏ. Dù bệnh tình khác
nhau, họ giống nhau ở chỗ: Nghèo, không có tiền đến bệnh viện.
Thầy Phước tâm sự: “Bà con ở đây đa số đều là đồng bào Chăm, kinh tế phụ thuộc
vào cây điều, như năm nay mất mùa thì làm sao khá nổi. Tôi có bằng Đông y nên
nung nấu việc mở nơi từ thiện để chăm sóc cho bà con từ lâu rồi. Đến bây giờ mới
thực hiện được!”. Vì nhiều người chữa khỏi bệnh đã giới thiệu tiếp cho người khác
nên lượng người tìm tới thầy ngày một đông. Từ 6 giờ sáng đến tối, nhà sư luôn
ngồi ở bàn khám để chẩn đoán và kê toa cho đến người cuối cùng rời khỏi chùa thì
trời cũng vừa tối mịt.
Trong dãy ghế ngồi đợi, anh Nguyễn Văn Sáu, công
an viên xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng vợ là chị Phan Thị
Thân đang chờ đến lượt. Anh Sáu cho biết, cả hai vợ chồng phải thức dậy từ 4h sáng
nhưng đến nơi đã thấy quá đông. Đây là lần thứ hai anh đến với vùng đồi cát vì
căn bệnh thần kinh tọa. Lúc trước, nghe người dân đồn có ông thầy giỏi chữa bệnh
nên anh tìm đến. Sau khi uống hết 10 thang thuốc miễn phí, anh thấy bệnh đỡ nhiều
nên dẫn vợ đến để thầy khám bệnh viêm khớp hàm. “Tôi đã tốn rất nhiều tiền để lên
Sài Gòn chữa bệnh nhưng không khỏi, nay nhờ vào tấm lòng của thầy Phước” – chị
Thân tâm sự với đôi mắt sáng rực, tràn đầy hy vọng.
Càng về trưa, chùa trở nên sôi động hơn khi xuất hiện nhiều thanh niên đang khiêng
bộ ghế đá vào tặng “ông Bụt của người nghèo”. Đó là món quà của gia đình ông Tám
Thuận ở thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh, Hàm Thuận Nam tặng cho nhà sư miễn phí như
tên gọi thân thương của bà con, vì chính thầy đã cứu sống ông Lại Văn Thuận. Bà
Trần Thị Toàn, 60 tuổi, vợ ông Thuận kể, chồng bà bị ung thư gan từ năm 2002 và
bị bệnh viện trả về. Được một người quen giới thiệu, bà đưa chồng tìm đến sư Phước,
được khuyên dùng 28 thang thuốc. Từ chỗ người chồng chỉ nằm một chỗ, không ăn uống
được, da vàng đến nay ông đã thở khỏe, da hết vàng và đi lại được. Giống như một
phép màu nhiệm!
Mệnh lệnh của trái tim
Đến trường hợp bà Trần Thị Mại, 70 tuổi ở thôn Phú Hội, xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận
Bắc, sư Phước phát hiện ra căn bệnh cao huyết áp của bệnh nhân, yêu cầu bà ở lại
điều trị miễn phí 15 ngày tại bệnh xá từ thiện trong chùa. Nhà chùa miễn phí các
bữa ăn trong ngày cũng như chi phí khám chữa bệnh và tiền thuốc. Người con gái
bà vui mừng quay về nhà lấy ngay quần áo để “nhập viện” cho mẹ.
Quá trưa, sư Phước tạm nghỉ để dùng bữa cơm chay đạm bạc và dẫn chúng tôi đi giới
thiệu một vòng bệnh xá từ thiện nằm sau chánh điện. Dãy nhà gồm 3 phòng với hơn
50 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Đông y, được xây dựng từ số tiền 40.000
USD mà một Việt kiều cảm kích tấm lòng của sư Phước đã chữa trị thành công căn
bệnh thấp khớp cho anh nên đã tặng cho nhà chùa. Không tư túi đồng nào, sư cho “động
thổ” ngay khu nhà này. Hiện bệnh xá mới đang được xây dựng tiếp tục với quy mô
lớn hơn. Điều đặc biệt, trong những bệnh nhân ở nội trú có rất nhiều sư thầy, sư
cô và cả những người theo đạo giáo. “Tôi không phân biệt tôn giáo, chỉ biết rằng
đó là bệnh nhân của mình” – sư Phước nói.
Trước khi nhập học Phật giáo tại Long Thành (Đồng
Nai), sư Phước xuất thân là dân Sài Gòn chính hiệu. Không biết duyên cớ thế nào
ông lại gắn bó với những mảnh đời bất hạnh xung quanh miền cát trắng. “Giúp được
ai là tôi làm hết mình thôi, cây thuốc thì mọc đầy, chi phí bào chế lại không có
bao nhiêu, miễn là bệnh nhân phải hết bệnh” – sư Phước cho biết.
Trong những năm tháng học nghề Đông y, sư Phước đã sáng tạo nên những bài thuốc
“tủ” dựa trên kinh nghiệm của dân gian. Nhiều bệnh nhân bị “gút” (bệnh nhà giàu)
đã chữa trị tại nhiều bệnh viện vẫn không hết. Thế nhưng, khi tìm đến với thầy
thuốc - nhà sư, ông cho uống vài thang thuốc được bào chế từ cây gòn là bệnh tình
thuyên giảm. Nếu không bớt, ông tiếp tục cho họ uống thuốc làm từ cây dứa biển.
Để chữa trị cho bệnh nhân viêm đa và thấp khớp, sư Phước dùng những bài thuốc dân
tộc rất đơn giản. Tết năm nào, ông cũng “canh me” đến tối mùng 10 Tết, khi nhiều
nhà bỏ đi những cành mai vàng sau khi chơi xuân thì ông ra Phan Thiết nói nhỏ với
lao công để xin những thứ bỏ đi đó. Dịp Tết vừa rồi, ông “bội thu” 5 tấn mai vàng
để chở về nhà. Ít ai biết được rằng, trong những cành mai vàng có chứa loại thuốc
bạch mao căn, mà chỉ cần gọt bỏ vỏ lấy ruột cây kết hợp với một số loài khác có
thể chữa dứt điểm bệnh khớp. “Chính vì tôi nhặt được những thứ phế phẩm đó nên
chỉ tốn công bào chế nên mới có những thang thuốc miễn phí cho bà con mình uống”
– sư Phước chia sẻ bí quyết.
Nhà sư bảo rằng, chưa nơi nào có nhiều vị thuốc quý như ở Bình Thuận vì địa thế
có biển sâu và núi cao. Dưới biển, có rau muống biển, găng tu hú, sâm nam biển,
độc hoạt (phiên âm tiếng Trung Quốc gọi là kí sinh thang). Còn trên đỉnh núi Tà
Cú có cây ngũ gia bì chân chim, bộ rễ loại cây này rất mạnh có thể phá hỏng chậu,
nhưng làm thuốc thì rất tốt. Trong một lần đi tham quan đỉnh núi, ông đã lấy giống
về trồng ngay trong khuôn viên chùa. Ông tâm niệm: “Chữa lành bệnh cho mọi người
là hạnh phúc lớn nhất của đời tôi. Hạnh phúc của người ta chính là hạnh phúc của
chính mình”.
“Hiện sư Phước là Chủ tịch Hội đông y xã Tân Thắng.
Nhiều năm qua, ông đã nhận được nhiều bằng khen của các cơ quan chính quyền vì
thành tích đóng góp trong xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết”.
Nguồn tin: GĐN
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự