I Tại sao phải hiếu dưỡng cha mẹ
Việc
hiếu kính với cha mẹ trong xã hội ngày nay càng trở nên hiếm hoi vì hình như
những đứa con ít được ai nhắc nhở về bổn phận của mình cũng như những tấm gương
hiếu thảo đã không còn để cho người con soi rọi vào. Nhưng những người con Phật
chân chính không thể nào quên được bài học đầu tiên Đức Phật đã dạy cho chúng
ta.
Đó là phải hiếu kính với cha mẹ. Trong kinh Phật Thuyết Như Vậy, Đức Phật
đã giảng rõ tại sao chúng ta phải kính lễ cha mẹ: “Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo,
trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp
nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy,
các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như
các Ðạo sư thời xưa.
Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái
kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng
dường. Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Các Ðạo sư thời
xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Ðáng được cúng dường, này các
Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các
Tỷ-kheo, là cha mẹ đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu
chúng vào đời”.
Kinh
Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Đức Phật cũng dạy có năm trường hợp, người con phải
phụng dưỡng cha mẹ: “Ðược nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm
bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ
tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”.
II Các gương hiếu dưỡng
Những
người biết hiếu nghĩa luôn tìm cách nuôi dưỡng cha mẹ mình. Đức Phật thường tán
thán những ai có lòng hiếu dưỡng cha mẹ. Trong kinh Tương Ưng, phẩm Cư sĩ,
Bà-la-môn Màtaposaka đã tìm đến để thỉnh Ngài dạy cách dưỡng nuôi cha mẹ cho
đúng pháp: “Thưa Tôn giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp.
Sau khi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, tôi nuôi dưỡng mẹ cha.
Thưa Tôn
giả Gotama, tôi làm như vậy; tôi có làm đúng trách nhiệm không? Thế Tôn trả
lời: Này Bà-la-môn, ông làm như vậy là làm đúng trách nhiệm. Này Bà-la-môn, ai
tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp; sau khi tìm đồ ăn thiết thực theo thường
pháp, lại nuôi dưỡng mẹ cha thì người ấy được nhiều công đức”.
Trong
khi Bà-la-môn Màtaposaka đã tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp để nuôi dưỡng
mẹ cha thì một Tỷ-kheo cũng nghĩ ra cách phụng dưỡng cha mẹ trong khả năng của
một người xuất gia. Trái với sự hiểu biết của người phàm, xuất gia là ly gia,
cắt ái, từ bỏ mẹ cha nhưng vẫn là những người con hiếu hạnh, tìm mọi phương
pháp thích ứng để phụng dưỡng mẹ cha mình. Theo chuyện Tiền thân số 540, tiền
thân Sàma, một thầy Tỷ-kheo đã phụng dưỡng cha mẹ mình bằng cách dâng những
thực phẩm khất thực được đến cha mẹ mình.
Chuyện
kể rằng một thương nhân giàu có tại thành Xá-vệ, có một cậu con trai rất được
yêu quý. Một ngày nọ, cậu trai đến chùa Kỳ Viên để nghe thuyết pháp, sau khi
nghe thuyết pháp, cậu nhận thức được các quả ác do tham dục gây ra và những quả
phúc do đời sống tu hành mang lại, cậu xin Đức Thế Tôn cho cậu thọ giới. Đức
Như Lai bảo cậu rằng Ngài không truyền giới cho ai chưa xin phép cha mẹ. Vì thế
cậu ra về, nhịn ăn một tuần, cuối cùng được cha mẹ chấp thuận, cậu trở lại và
xin thọ giới. Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo làm lễ xuất gia cho cậu.
Sau
5 năm, vì nóng lòng muốn đạt cứu cánh của thiền định, vị Tỷ-kheo này đến một
làng ở biên giới, sống trong rừng sâu hành trì thiền định, nhưng dù ông đã tinh
cần tu tập trong 12 năm liền mà tâm không được định tĩnh. Cũng trong thời gian
này, cha mẹ của Tỷ-kheo này trở nên nghèo túng vì những người thuê đất hay bán
hàng cho nhà này thấy trong nhà không có con em gì đến buộc họ trả nợ, cho nên
đã đoạt hết của cải và bỏ trốn; gia nhân tôi tớ trong nhà cũng trộm vàng bạc và
trốn đi. Cuối cùng hai người lâm vào cảnh khốn cùng phải bán nhà đi lang thang hết
sức cùng cực, phải đi ăn xin, mặc áo rách rưới và mang chiếc bình sứt mẻ trong
tay.
Lúc
bấy giờ có một Trưởng lão từ Kỳ Viên đến nơi cư trú của người con trai ấy, cho
biết hoàn cảnh thương tâm của cha mẹ nên Tỷ-kheo có ý nghĩ trở về làm một gia
chủ phụng dưỡng cha mẹ già. Vào ngày đó, lúc tảng sáng, bậc Đạo sư quán sát thế
gian, đã thấy được tiềm lực ngộ đạo của vị này, nên khi Tỷ-kheo đến yết kiến
Thế Tôn và được Bậc Đạo sư dạy: “Một người con đi xuất gia vẫn có thể giúp đỡ
cha mẹ mình” nên Tỷ-kheo quyết định phụng dưỡng cha mẹ mà vẫn duy trì đời sống
tu hành chứ không làm một người gia chủ.
Sáng hôm sau, Tỷ-kheo đến Xá-vệ và đi lấy
cháo trước rồi đến an ủi cha mẹ và cho họ húp nước cháo rồi ngồi xuống bên
đường, lại ra đi khất thực đem về cho cha mẹ dùng, sau đó mới đi khất thực cho
chính mình. Từ ngày ấy về sau, Tỷ-kheo chăm sóc cha mẹ bằng cách này; đem cho
cha mẹ đồ khất thực dành cho mình, luôn cả những vật dụng bố thí hàng nửa tháng
một lần, và đi khất thực nhiều lần để thọ dụng.
Còn những vật thực dành cho mùa
mưa cũng đều đem cho cha mẹ dùng, đem áo quần rách của cha mẹ về đóng cửa kín
mà nhuộm lại để mặc. Nhưng rất ít ngày ông đi khất thực được đồ dùng, phần
nhiều là chẳng được gì cả, nên y trong cũng như y ngoài đều tả tơi cả và vì
không đủ vật thực để ăn nên người xanh xao vàng vọt. Đức Thế Tôn biết chuyện
ông đã ba lần tán thán: “Tốt lành thay! Tốt lành thay! Ông đang đi con đường
ngày xưa Ta đã đi qua, ngày xưa khi đi khất thực, Ta cũng phụng dưỡng cha mẹ
Ta”.
Trong
các câu chuyện Bổn sanh, kiếp nào làm thú hoặc làm người Bồ tát cũng là người
con hiếu thảo. Chuyện Tiền thân số 222, kiếp Bồ tát đầu thai làm khỉ, ngài đã
hết lòng hiếu dưỡng mẹ mình, ngay cả hy sinh thân mạng để bảo vệ mạng sống của
mẹ, ngài cũng không ngần ngại.
Thuở
xưa, khi Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ tát sanh làm con khỉ tên là
Nandiya (Hoan hỷ), trú ở khu Tuyết Sơn. Con khỉ em của Bồ tát tên là
Cùllanandiya (Tiểu hoan hỷ). Cả hai cùng săn sóc khỉ mẹ bị mù và được tám trăm
ngàn con khỉ vây quanh. Chúng đặt mẹ nằm trong bụi cây, và đi vào rừng hái
những trái cây ngọt nhờ mang về cho mẹ.
Nhưng những con khỉ đem về không đưa
trái cây nên khỉ mẹ bị đói hành hạ, chỉ còn da bọc xương. Bồ-tát suy nghĩ: “Nếu
ta săn sóc đàn khỉ, mẹ ta sẽ chết mất. Ta sẽ rời đàn khỉ để săn sóc cho mẹ ta”.
Rồi ngài giao cho em săn sóc đàn khỉ còn mình thì rời đàn chăm sóc riêng mẹ.
Khỉ em không đồng ý vì cũng muốn chăm sóc mẹ. Hai anh em đi xuống Tuyết Sơn,
lựa một gốc cây bàng tại biên địa làm chỗ trú ẩn, và nuôi dưỡng khỉ mẹ.
Bấy
giờ có một thanh niên Bà-la-môn sống ở Ba-la-nại, sau khi học tất cả các nghề
với một sư trưởng có danh tiếng nhiều phương ở Takkasilà, anh ta đến xin phép
sư trưởng để ra đi. Vị sư trưởng có tài đoán tướng, biết người đệ tử này độc
ác, tàn nhẫn liền nói: “Này con thân, người độc ác, tàn nhẫn sẽ gặp tai nạn đau
khổ lớn. Con chớ nên khắc nghiệt, chớ làm gì ác độc để sau phải hối hận”.
Vị
sư trưởng khuyên dạy như vậy rồi để đệ tử ra đi. Thanh niên ấy đảnh lễ vị sư
trưởng rồi trở về Ba-la-nại và lập gia đình và sống bằng nghề săn bắn tại một
làng ở biên địa. Một hôm anh ta không săn được gì trong rừng, khi về anh ta
thấy một cây bàng đứng ở cuối một khoảng rừng trống. Lúc bấy giờ, hai anh em
nhà khỉ đang cho mẹ các loại trái ngọt, và đặt mẹ ngồi trên thân cây.
Khi thấy
người thợ săn đi đến, hai anh em liền núp giữa các cành cây, xem anh ta sẽ làm
gì. Con người tàn nhẫn ấy, khi đến gốc cây thấy khỉ mẹ mù lòa, già yếu liền
nghĩ: “Sao ta lại về tay không? Bắn con khỉ này xong ta sẽ đi”. Rồi anh ta liền
cầm cung lên để bắn. Thấy vậy, Bồ-tát nói:
-
Này em Cùllanandiya thân, người này muốn giết mẹ chúng ta. Anh sẽ thay thế mạng
sống cho mẹ. Sau khi anh chết, em sẽ săn sóc mẹ.
Nói
xong, Bồ-tát từ giữa cành cây đi ra, và nói:
-
Này người kia, chớ có bắn mẹ ta. Mẹ ta mù, già yếu, ta sẽ đổi mạng sống cho mẹ
ta. Ông chớ giết mẹ ta, hãy giết ta.
Sau
khi hứa với kẻ ấy, Bồ-tát liền ngồi xuống tại chỗ chịu chết. Tên thợ săn ấy
không có lòng từ vẫn nhắm bắn khỉ mẹ. Cùllanandiya thấy vậy, suy nghĩ: “Người
độc ác này muốn bắn cả mẹ ta nữa. Nếu mẹ ta sống thêm một ngày, là một ngày mẹ
ta tăng thêm tuổi thọ, vậy ta sẽ cứu sống mẹ ta”. Nó từ giữa cành cây đi ra và
nói:
-
Này người kia, chớ giết mẹ ta, ta sẽ chết để cứu mẹ được sống. Hãy bắn cả hai
anh em chúng ta để mẹ chúng ta được sống.
Sau
khi hứa với thợ săn, khỉ em ngồi xuống trong tầm mũi tên. Kẻ săn bắn độc ác
giết luôn khỉ em và suy nghĩ: “Ta còn mấy đứa con ở nhà nữa. Ta phải bắn luôn
khỉ mẹ, để đem thịt về cho chúng”. Khi đã hạ sát ba mẹ con khỉ, anh ta mang cả
ba xác khỉ trên một đòn gánh và về nhà. Trong lúc ấy sấm sét nổi lên đánh xuống
cả gia đình kẻ độc ác.
Câu
chuyện trên cho thấy được một điều quan trọng: những ai hiếu dưỡng mẹ cha là
người có giới hạnh và người thợ săn tàn ác vì làm thương tổn kẻ có giới nên
nghiệp ác đã trổ liền ngay trong hiện kiếp.
III Những điều con cái có thể làm cho
cha mẹ
Có
5 điều người con có thể làm cho cha mẹ.
1.
An trú cha mẹ trong Chánh pháp
Đức
Phật lúc nào cũng tìm cách an trú cha mẹ mình trong Chánh pháp. Khi thành đạo,
Ngài đã thuyết pháp để độ phụ mẫu mình. Khi trở về hoàng cung thăm viếng phụ
thân, Đức Thế Tôn thuyết pháp lần thứ nhất, đức vua đã chứng Sơ quả, và đạt Nhị
quả (Sakkadagami, Tư đà hàm, Nhất lai) khi nghe bài pháp kế tiếp. Lần thứ ba
khi nghe bài pháp có tên Dhammapala Jàtaka (Trì Pháp Túc Sanh truyện, số 447),
đức vua đắc quả Anagami (A na hàm, Bất lai).
Với bài pháp này, di mẫu Pajapati
Gotami đã chứng quả Sotapana (Sơ quả). Sau này trên giường bệnh, vua Suddhodana
lại được Đức Phật về thăm và giảng pháp cho nghe. Đức vua sau 7 ngày tận hưởng pháp
lạc và đắc quả A la hán, đã băng hà trong định tĩnh. Vào hạ thứ bảy, Đức Phật
đã lên cung trời Tusita (Đao Lợi) thuyết pháp độ chư Thiên và hoàng hậu Maya.
Ngoài cha mẹ và thân quyến ra, bất cứ đối tượng nào khi gặp Đức Phật cũng được
Ngài an trú trong Chánh pháp bằng cách truyền quy giới, thuyết pháp, hoặc cho
phép xuất gia.
Người
cư sĩ cũng có thể an trú cha mẹ mình vào trong ngôi nhà Chánh pháp, có rào cản
là giới, ngăn chặn được nắng, gió, ác thú là tham, sân, si… có thể làm hại đến
mẹ cha bằng cách tạo thuận duyên cho cha mẹ nghe được những lời giảng dạy của
chư Tăng, giúp cha mẹ thường xuyên thọ trì quy giới. Với các phương tiện truyền
thông ngày nay như mạng Paltalk, các bài giảng thu âm được phổ biến miễn phí
trên mạng toàn cầu v.v… chuyện nghe pháp không phải là một vấn đề khó khăn. Với
một chiếc máy MP3 gọn nhẹ, người già có thể nghe pháp được trong vòng 7, 8
tiếng đồng hồ trong lúc đi bộ, lúc bệnh nằm trên giường, hay lúc ngồi chờ khám
bệnh nơi phòng mạch bác sĩ.
2.
Đừng ghét bỏ cha mẹ mình
Xã
hội nào cũng có những đứa con bất hiếu chỉ nghĩ đến quyền lợi vật chất mà quên
ơn dưỡng dục sanh thành. Trong xã hội, chuyện con cái giết cha mẹ để chiếm đoạt
gia tài hoặc để lấy tiền bảo hiểm không phải là hiếm. Vào thời Đức Phật cũng có
những đứa con bất hiếu như Angulimala cố ý giết mẹ của mình để thực hiện hoài
bão điên cuồng. Ngài Mục-kiền-liên trong một kiếp quá khứ đã từng nghe lời xúi
giục của vợ mà ghét bỏ cha mẹ mình. Hay như chuyện những đứa con ham chút gia
tài mà hắt hủi cha nhưng nhờ có Đức Phật mà họ thức tỉnh và tránh được một trong
ngũ nghịch đại tội. Đó là những người con trai của một vị Bà-la-môn tại thành
Xá-vệ cùng các bà vợ đã ghét bỏ và hắt hủi cha mình.
Tại
thành Xá-vệ, một Bà-la-môn có bốn người con trai và gia tài tám trăm ngàn đồng
tiền vàng. Khi các con đến tuổi trưởng thành, ông cưới vợ cho chúng và cho mỗi
đứa một trăm ngàn đồng tiền vàng. Sau đó, vợ ông chết, các người con họp nhau
đòi ông chia hết gia tài và hứa sẽ nuôi dưỡng ông. Vì thương con, ông nghe lời
chia hết của cải nhưng sau đó bị các con và dâu hắt hủi. Ông trở thành một kẻ
ăn xin không nhà, không con cái chăm sóc. Ông nghe nói rằng Sa-môn Cồ-đàm có
dáng dấp từ hòa, vẻ mặt chân thật cởi mở, thái độ hoan hỷ, rằng Ngài tiếp khách
lạ với tất cả vẻ thân thiện nên đến với Sa-môn Cồ-đàm.
Ông
khoác áo, ôm bát, chống gậy đi đến chỗ Thế Tôn. Ðến nơi ông ngồi qua một bên
thật cung kính rồi trình bày chuyện mình bị các con đuổi ra khỏi nhà. Đức Thế
Tôn dạy cho ông một bài kệ và khuyên ông hãy học thuộc bài kệ này. Khi mọi
người và các con ông đến nhà họp, ông đọc lên trước chúng. Ngài dạy:
Chúng
là những đứa con khi sanh ra tôi vui mừng, mong mỏi. Vậy mà chúng nghe lời vợ
xúi giục, đuổi tôi như xua chó. Chúng gọi tôi “Cha thân yêu!...” thật ác độc và
rỗng tuếch. Quỷ đội lốt con trai, chúng bỏ rơi tôi khi tuổi già, như bỏ đói con
ngựa già vô dụng. Làm cha một lũ ngu, phải xin ăn lang thang từng nhà. Một cây
gậy còn tốt hơn lũ con bất hiếu. Gậy còn đuổi được bò rừng, chó dữ. Gậy dẫn
đường trong đêm tối, đỡ chân qua vũng nước bùn lầy.
Ông
Bà-la-môn học thuộc lòng bài kệ trên và y theo lời dạy đọc lên bài kệ giữa buổi
họp mặt của dòng Bà-la-môn với sự có mặt của các con trai ông.
Luật
pháp thời ấy ấn định rằng: “Nếu người nào hưởng gia tài của cha mẹ, mà không
nuôi dưỡng cha mẹ, sẽ bị tử hình” nên các con ông sợ bị xét xử. Chúng hoảng sợ,
quỳ xuống dưới chân ông van xin cứu giúp. Trái tim người cha mềm yếu, ông bèn
bảo lãnh cho chúng. Bốn người con trai khiêng ông cụ về nhà, tắm rửa kỳ cọ, xoa
dầu, bôi kem, ướp phấn... cho ông cụ, và dặn vợ mình cũng phải chăm sóc cha chu
đáo. Để tri ân Đức Phật, ông xin cúng dường vải vóc đến Đức Phật và thực phẩm
cho Tăng chúng.
3.
Giúp cha mẹ hộ trì các căn và tiết độ trong ăn uống
Con
cái cần phải lưu ý giúp cha mẹ hộ trì các căn như phòng hộ thân căn, ngăn ngừa
lạnh, nóng, phòng hộ ý căn như giữ gìn ý cho được trong sạch không để cho tham
ái ưu bi khởi lên. Quan trọng nhất là giữ tâm an tịnh. Về vấn đề ẩm thực, với
những người lớn tuổi, thức ăn có thể trở thành độc dược rút ngắn tuổi thọ hoặc
gây ra bệnh tật, tứ đại bất hòa. Thức ăn hạp khẩu vị không phải là thức ăn
thích hợp cho người lớn tuổi hoặc người có bệnh. Người ăn uống bất thường, hoặc
dùng thứ này quá nhiều, thứ kia quá ít dễ sinh bệnh... Trong kinh Tăng Chi, Đức
Phật dạy năm pháp làm tăng tuổi thọ như sau: Làm việc thích đáng, biết vừa phải
trong việc thích đáng, ăn các đồ ăn tiêu hóa, du hành phải thời, và sống Phạm
hạnh.
4.
Giúp cha mẹ tăng trưởng thiện tâm
Phương
pháp tăng trưởng thiện tâm không gì bằng bố thí và cúng dường. Cách hay nhất là
làm các buổi lễ trai tăng để cha mẹ dâng cúng thực phẩm, tứ vật dụng đến tận
tay chư Tăng. Hình ảnh tôn kính của chư Tăng sẽ giúp cha mẹ tăng trưởng thiện
tâm và tịnh tín rất nhiều. Nếu tại địa phương không có chư Tăng thì có thể cúng
dường đến các chùa ở một nơi nào đó.
5.
Chăm sóc khi cha mẹ đau bệnh
Người
bệnh thường khó tính, quạu quọ vì khổ thọ do thân đau. Người lớn tuổi lại càng
khó tính hơn nên nuôi bệnh là một công việc vô cùng nặng nhọc. Nhưng dù có khó
khăn nặng nhọc đến đâu cũng không đáp đền được ơn cha và nghĩa mẹ.
Để
làm dịu bớt những khổ thọ và chế ngự tâm sân của người bệnh, người con có thể
nhắc nhở cha mẹ về những việc thiện mà cha mẹ đã làm hay thù thắng nhất là giúp
cha mẹ nghe chư Tăng tụng kinh. Cũng đừng quên nhắc nhở cha mẹ khi thân bị bệnh
phải giữ cho tâm không bệnh vì tâm bệnh thì các chứng bệnh về thân sẽ khó mà
phục hồi.
IV Nguyên nhân của cái chết
Con
người chết do 4 nguyên nhân:
1-
Con người chết do hết tuổi thọ, dù nghiệp hỗ trợ sinh mạng vẫn còn.
2-
Con người chết do hết nghiệp hỗ trợ sinh mạng trong kiếp hiện tại, dù tuổi thọ
vẫn còn.
3-
Con người chết do hết tuổi thọ và hết nghiệp hỗ trợ sinh mạng cùng một lúc.
4-
Con người chết do nghiệp quá khứ hoặc nghiệp hiện tại cắt đứt dòng sinh mạng
(của con người), dù tuổi thọ và nghiệp hỗ trợ sinh mạng vẫn còn.
Ví
như một chiếc đèn dầu đang cháy sáng, bị tắt do 4 nguyên nhân:
1-
Chiếc đèn tắt do hết tim đèn, dù dầu vẫn còn.
2-
Chiếc đèn tắt do hết dầu, dù tim đèn vẫn còn.
3-
Chiếc đèn tắt do hết tim và dầu cùng một lúc.
4-
Chiếc đèn tắt do gió thổi, mặc dù tim đèn và dầu vẫn còn.
Theo
kinh Mi Tiên Vấn Đáp thì cái chết được phân biệt là chết đúng thời và chết phi
thời. Chết đúng thời, ví như trái xoài đúng tiết, đúng độ thì xoài chín vàng
mới rụng. Khi trái xoài còn đang non đã rụng, trái còn xanh đã rụng, trái mới
hườm hườm đã rụng là chết phi thời. Con người sống cho đến già, có bệnh, bệnh
nhẹ hoặc vô bệnh mà chết, ấy gọi là chết đúng thời. Còn những người do hành
trình của nghiệp, tác động của nghiệp, do phản ứng đoạn lìa của nghiệp - mà
chết khi chưa hết tuổi thọ - đều gọi là chết phi thời.
Một
số ví dụ về chết phi thời: Chết do đói, do khát, do rắn cắn, bởi độc dược, do
cháy, do nước, bởi khí giới v.v...
Ở
đây đa phần là chết do nghiệp dữ, nghiệp nặng. Chết vào loại phi thời này có
thiên hình vạn trạng. Tuy nhiên, hàng trăm hàng ngàn cách chết phi thời - đều
có thể quy về một chữ, đó là nghiệp. Do nhân quả, báo ứng của nghiệp mà tạo nên
cái chết phi thời. Ngoài ra, còn có rất nhiều trường hợp do tạo nhân từ kiếp
này mà chết, thí dụ như có một người không biết giữ gìn cơ thể đối với thời
tiết bất thường xảy ra ở xung quanh. Đại loại như trời nóng quá, trời lạnh quá,
gió nhiều quá; hay nói cách khác, phong đại, thủy đại, hỏa đại... ở bên ngoài
thịnh quá, tác động vào tứ đại của con người mà sinh bệnh rồi chết.
V Chết có đáng sợ hay không?
Chúng
sanh ai cũng sợ chết nhưng mong muốn khỏi già, khỏi chết là những sự kiện không
thể có được như Đức Phật đã dạy:
-
Này các Tỷ-kheo, có năm sự kiện này không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn,
bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm?
-
Phải bị già, phải bị bệnh, phải bị chết, phải hoại diệt, phải bị tiêu diệt. Với
vị Thánh đệ tử có học, bị già đến; và già đến; khi già đến, vị ấy có suy tư:
“Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến. Nhưng đối với các loài hữu
tình có đến, có đi; có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị già
và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập
ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích; thân ta trở thành
xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn”.
Vị ấy phải bị già, khi già đến, không sầu, không bi, không than khóc, không đập
ngực, không đi đến bất tỉnh.
Biết
suy nghĩ như thế, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu
muộn có tẩm thuốc độc, mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự làm mình ưu
não. Ngoài phương pháp nhổ đi mũi tên sầu muộn, Đức Phật cũng dạy thêm về nơi
cuối cùng mà mọi người phải đến:
Tất
cả chúng sanh chỉ sẵn dành để chịu chết đều nhau cả, vì sanh mạng của tất cả
chúng sanh, chỉ có sự chết là nơi cuối cùng. Tất cả chúng sanh đều phải chịu
quả phước cùng quả tội, vừa theo của nghiệp của mình đã tạo, rồi đi thọ sanh
trong kiếp sau. Chúng sanh nào làm nghiệp dữ, phải chịu khổ trong cảnh địa
ngục, chúng sanh nào làm việc lành, được thọ vui trong Thiên giới, cho nên
người đời cần phải hối hả làm việc phước đức, mà bậc trí tuệ hằng thân thiết,
cho làm của để dành theo trong đời vị lai. Vì các việc phước đức là nơi nương
nhờ của tất cả chúng sanh trong vị lai.
Để
chuẩn bị cho cha mẹ già có cái chết tỉnh giác, nhẹ nhàng, người con có thể nhắc
nhở cha mẹ về những nguyên nhân đưa đến cái chết, về pháp vô thường, hoặc trong
lúc lâm chung nhớ về những việc thiện mà cha mẹ đã làm cũng có thể thoát khỏi
bốn cõi khổ.
Khi
tuổi thọ đã tròn đủ, chúng ta phải chuẩn bị để ra đi, giống một chiếc xe đã cũ,
phải bỏ đi để thay vào chiếc xe mới, như tháo chiếc áo đang mặc để mặc vào một
chiếc áo khác. Chiếc xe có lộng lẫy hơn, chiếc áo có đẹp hơn hay không tùy
thuộc vào sự chuẩn bị của mình. Trong kinh Trường Bộ, Đức Phật đã nói về sự từ
bỏ mạng sống của Ngài như sau:
Mạng
sống có hạn hay vô hạn,
Tu
sĩ từ bỏ, không kéo dài.
Nội
tâm chuyên nhất trú thiền định.
Như
tháo áo giáp đang mang mặc.
Con
cái có thể chuẩn bị cho cái chết của cha mẹ mình một cách cụ thể hơn để cận tử
nghiệp sẽ là chiếc cầu đưa cha mẹ về cảnh giới an vui. Chiếc cầu này có thể là
niềm hoan hỷ của một buổi lễ dâng y, một buổi trai tăng hay những hình ảnh
thanh tịnh nào đó, thí dụ như các Phật tích. Đối với nhiều gia đình có phương
tiện con cái thường đưa cha mẹ đi du lịch chỗ này, chỗ nọ coi như trả hiếu cho
cha mẹ. Quan niệm này cần được bàn lại. Cho dù mẹ cha có được ngắm Vạn Lý
Trường Thành của Trung Quốc, có lên được đỉnh Eiffel của Pháp, có viếng được
tháp nghiêng của Ý thì những cái thấy cái biết này không giúp ích được gì cho
giờ phút lâm chung. Ngược lại chúng có thể là trở ngại cho việc tìm về nơi tịch
tịnh. Một người con hiểu đạo nếu có phương tiện và khi cha mẹ còn sức khỏe nên
đưa cha mẹ đến các Phật tích, những cảnh động tâm này sẽ trở về trong trí người
chết, xua đi những cảnh giới xấu, cảnh ác mà trong suốt cuộc sống cha mẹ có thể
đã trải qua.
Một
người con hiểu đạo nên hiếu dưỡng cha mẹ theo những phương cách Đức Phật đã đề
ra vì đó là những điều hữu ích mà Đức Phật muốn truyền bá đến mọi người, muốn
chúng sanh được về miền Cực lạc, không phải rơi vào đọa xứ. Nếu những người con
biết phụng dưỡng cha mẹ dựa theo những điều chỉ giáo của Đức Phật thì chắc chắn
hiện đời cha mẹ được an vui và khi lâm chung, với tư lương đầy đủ, cha mẹ sẽ
đến được nơi nhàn cảnh.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự