Cái miệng chúm chím, đôi mắt tròn xoe, áo nâu sòng và
mớ tóc 3 vá loe hoe – Minh Thông, tên cậu bé, là một trong 23 đứa trẻ cơ nhỡ
đang náu nương cửa Phật, tại chùa Phật Minh (ấp 3, xã Giao Hòa, Châu Thành, Bến
Tre). Mười tám năm, gần 50 em bé như thế được cưu mang ở chùa này.
Là con của đất Sài Gòn, trụ trì chùa Phật Minh - Sư cô
Thích Ngộ Mai, tên thật là Nguyễn Thị Liễu có tuổi thơ êm đềm ngắn ngủi bên mẹ
cha ở quận 1. Cha qua đời năm bé Liễu mới tròn 3 tuổi. Sau đó mẹ cũng bỏ cô mà
đi. Đứa trẻ sớm mồ côi vượt qua nghịch cảnh nhờ lời thuyết giáo của những tháng
năm học ở trường Bồ Đề. Cũng chính triết lý về từ bi, bác ái đã mang duyên lành
đưa cô đến với chùa Ánh Quang (quận 10, TP HCM) bằng pháp danh Ngộ Mai.
18 năm trước, sư cô Ngọc Mai về chùa Phật Minh, một
ngôi chùa xa lắc, trống trước hở sau, không điện không nước, không đệ tử, chỉ
có duy nhất một huynh đệ tuổi gần đất xa trời nên đôi lúc cũng làm sư cô đất
Sài thành ở tuổi vừa quá 30 muốn chùn chân. Lại một lần nữa, sự đồng cảm và tấm
lòng sẻ chia cùng mọi người đã nâng bước chân sư cô tiếp tục hành trình nơi cửa
Phật.
Sư Ngọc Mai tham gia các đoàn thiện nguyện khắp nơi, từ
miền sơn cước đến các tỉnh đồng bằng, đến đâu, những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ
luôn làm nhói lòng cô. Vậy là sư cô trải lòng mình, đón các em về chăm sóc. Một
đứa, hai đứa, rồi đến bây giờ cô cũng không nhớ được chính xác bao nhiêu, chỉ
biết rằng trên dưới 50 em.
Các em ở đây, đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, mồ côi mẹ hoặc
cha và có cả những em còn cha có mẹ nhưng gia cảnh quá nghèo muốn gửi con náu
nương cửa Phật…
Có những em vào chùa từ khi còn đỏ hỏn, nhưng cũng có
những đứa bắt đầu khi đã tuổi đã hơn mười. Gần hai mươi năm trôi qua, có đứa đã
yên bề gia thất, em đang học nghề, trẻ gắn đời mình với Phật… Đứa trẻ đầu tiên
(Minh Chí - Nguyễn Đình Tiển, quê Cần Thơ) được nuôi dạy tại chùa này, bây giờ
là học viên Trường sĩ quan Lục quân II. Còn hiện tại, hơn 20 em, trừ mấy em nhỏ
hai, ba tuổi, còn lại đều được đi học tại các trường gần khu vực chùa tọa lạc.
Với hai chị em Diệu Tâm, Diệu Tường (tên thật Nguyễn
Thị Nguyên và Nguyễn Thị Thanh Chi) quê ở Đăk Lăk, được chùa đón nhận là niềm hạnh
phúc vô biên. Hai chị em chênh nhau 3 tuổi nhưng lại học cùng lớp 3, trường Tiểu
học Giao Hòa, vì cả hai chỉ được bắt đầu việc học từ khi đón nhận vào chùa. Nói
về ước mơ của mình, cô bé 10 tuổi Diệu Tường tròn xoe đôi mắt long lanh: “Con
muốn lớn lên làm bác sĩ và cũng muốn được làm sư cô nữa. Con thương sư phụ lắm”.
Còn 3 chị em người dân tộc H’Nhiên, H’Lin, H’Uk cũng vậy.
H’Nhiên nói rất thích sư phụ và các mẹ ở đây. Em không nhớ mình vô đây được mấy
năm, nhưng chị em Nhiên được 3 lần về quê Đăk Lăk thăm gia đình.
Trên bàn ăn hay trong giờ học, giờ chơi, đứa lớn chăm
sóc cho đứa nhỏ. Các chú tiểu xem nhau như chị em trong nhà. Ở chùa này, chúng
cũng có mẹ, có cha và có cả sư phụ. Mẹ chúng, cha chúng chính là những phật tử
giàu lòng hảo tâm, lập nên đội thiện nguyện 20 người (15 nữ, 5 nam). Đội được
chia thành 5 tổ để thay phiên nhau cùng với sư Ngộ Mai chăm sóc các em, từ chuyện
nấu ăn, tắm rửa, học hành.
Bữa cơm chiều 22/3 có cả bánh xèo, bánh khọt, gỏi cuốn,
canh rau… rất chỉnh chu, khéo léo và đều là món chay. Sau giờ chơi (đánh cầu,
đá bóng, nô đùa…), những đứa trẻ ở chùa Phật Minh cùng ăn ngon lành. Các em
hai, ba tuổi cũng lên bàn tự múc ăn một cách rành rẽ.
Mắt sáng ngời nhìn đám trẻ mặc áo cà sa, tóc để chỏm hồn
nhiên nô đùa trong sân chùa làm vỡ òa không gian yên tĩnh, sư Ngộ Mai nói đó là
niềm vui của cô. Có các em, chùa đỡ hiu quạnh và đặc biệt là “đem niềm vui cho
người khác là hạnh phúc của tôi”, nhà sư chia sẻ.
Nhưng, mấy ai biết được để đem được niềm vui đến cho
các em, Thích Nữ phải tất tả ngược xuôi để lo từng cái ăn, cái mặc. Chùa Phật
Minh khá hẻo lánh nên phật tử cũng không nhiều. Hơn nữa, người dân miền quê
chưa dư dả gì nên việc cúng chùa, làm từ thiện cũng chỉ giới hạn trong khả
năng.
Phật tử tên Huệ cho hay, mỗi năm có ba ngày rằm lớn
nhưng tiền cúng chùa chưa lần nào quá 1 triệu đồng. Còn bình thường, lâu lắm mới
có đoàn đến thăm. Để lo cho các con, sư Ngộ Mai phải đi khất thực khắp nơi. Những
đám tiệc, cúng quảy, cô đi tụng kinh và nhận luôn nấu món chay. Có khi được vài
trăm nghìn đồng gọi là cúng chùa, khi chỉ thùng nước tương, vài gói mì chay… cô
đều nhận hết.
Đang mang bệnh hở van tim, từng mổ u xơ tưởng đã về với
Phật, nhưng sư cô Ngộ Mai không ngại điều đó. Với cô, “bây giờ còn làm kịp việc
gì phúc đức thì cố gắng làm”. Không ngại vất vả, cô tất tả khắp các tỉnh thành
để gõ cửa các nhà hảo tâm. Nhưng người phụ nữ cứng cỏi ấy đôi lúc cũng lạc giọng
khi kể chuyện những lúc chùa không còn hột gạo, phải chạy vay tiền khi các em bệnh…
Điều vị sư lo nhất chính là khi các em bệnh. Có thể
nói năm ngoái là năm vất vả nhất của chùa này. Chỉ trong vòng mấy tháng, một
chú tiểu bị đau ruột thừa, một em khác bị viêm dạ dày cấp, rồi cùng lúc gần chục
trẻ bị sốt phải nhập viện… Chùa chẳng có tiền, phật tử phải đi vay hộ để lo cho
các em. Vốn đã khó, càng thêm khó. Căn phòng nhỏ đang xây dựng, định làm nơi
phát hành sách Phật, bán Phật tràng, se nhang để tạo thêm thu nhập cho chùa,
nhưng vì đã nợ chủ vật liệu 20 triệu đồng nên phải tạm ngưng mấy tháng nay…
Dù vậy, bao nhiêu năm qua, cũng nhiều lần có người đến
xin các em về nuôi, sư Ngộ Mai đều dứt khoát: “Ở đây, dù tôi có vất vả nhưng
các em được ăn no, được đi học. Tôi không muốn các em lại bị bỏ rơi lần nữa”.
Khi chia tay, một lần nữa, chú tiểu Minh Thông lại níu
chân khách bằng nụ hôn nhiệt tình và giọng ngọng nghịu đọc bài thơ của Thích nữ
Ngộ Mai:
“Con ải con ai
Đem bỏ chùa này
Không phải con Thầy
Thầy cũng nuôi luôn”…
Độc giả có
lòng hảo tâm, muốn chia sẻ với chùa Phật Minh, xin liên hệ: Sư cô Thích nữ Ngộ
Mai, chùa Phật Minh; số 69, ấp 3, xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
ĐT: 075.3865049 - 0919638871. Tài khoản: 7108205010810 - Ngân hàng Nông nghiệp
và phát triển nông thôn Bến Tre.
Sư Thích Ngộ Mai cùng 26 đứa trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại chùa. Ảnh: Phương Yến.
Chị em H’Nhiên, H’Lin làm điệu bên sư phụ. Ảnh: Phương Yến.
Bữa cơm sum vầy của cả nhà. Ảnh: Phương
Yến
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự