Tôi
nghĩ hành vi ấy là "cướp" lộc chứ không phải xin lộc và Phật Thánh
cũng chẳng ban lộc cho những người tàn phá cảnh quan như thế. Dù xin lộc là một
tập tục đẹp, có từ lâu đời nhưng đối với hiện nay, xem ra tập tục này xâm hại
cảnh quan và môi trường rất nghiêm trọng. Thiết nghĩ tập tục này đến nay dường
như đã trở thành hủ tục, cần mạnh dạn xóa bỏ hay nhà chùa có cách nào để vừa
bảo lưu được tập tục này mà không ảnh hưởng đến việc tàn phá cảnh chùa?(THÀNH
NHÂN, Q.12, TP.HCM)
ĐÁP:
Bạn Thành Nhân thân mến!
Hái
lộc hay xin lộc nơi cửa Phật, đền miếu trong những ngày đầu xuân là một truyền
thống lâu đời, nét văn hóa đặc thù của người Việt. Khách du xuân đến chùa dâng
hương lễ Phật vào những ngày đầu năm mới, sau đó xin lộc Phật (thường là chồi
non) mang về nhà, mong cầu một năm mới phát tài, phát lộc.
Ngày
xưa, chùa thường ở trên núi, xung quanh chùa là rừng hoặc chùa ở đồng bằng thì
khuôn viên rộng rãi, cây cối xum xuê. Mùa xuân đến cây cối đâm chồi nẩy lộc, nở
hoa bạt ngàn nên khách du xuân tha hồ tùy ý, muốn hái lộc bất cứ cây gì, chỗ
nào cũng được.
Ngày nay thì hoàn toàn khác, chùa chiền nhỏ hẹp nằm chen lẫn với
nhà dân, nên chùa nào cây cối nhiều lắm cũng chỉ là những chậu cây hoặc hoa cảnh.
Và nhà chùa phải dày công chăm dưỡng thì đến Tết mới nẩy lộc đơm hoa, bày ra để
mọi người cùng thưởng thức. Vì thế nên người nào nhẫn tâm hái bẻ những cành non
hay hoa lá của cây cảnh ở chùa, khiến cây cối trơ trụi thì quả thật là thiếu ý
thức đồng thời là sự cố ý xâm hại đến tài sản, cảnh quan và môi trường một cách
nghiêm trọng.
Cho
nên thiết nghĩ, việc xin lộc Phật hiện nay cần được hiểu và tổ chức triển khai
ở chùa đúng như nghĩa đen của nó, "xin-cho" cụ thể. Một khi đã xin
đàng hoàng thì không sợ phạm vào tội trộm cắp, dù vật đó chỉ mang giá trị tinh
thần.
Và như vậy, để người xin lộc được lộc, vấn đề đặt ra cho nhà chùa là phải
tổ chức phát lộc đầu năm cho người có nhu cầu xin lộc. Hiện nay khá nhiều chùa
đã tổ chức thành công việc phát lộc này. Lộc chùa rất phong phú, đa dạng, có thể
là tượng Phật nhỏ, một câu kinh ngắn, lá bồ đề, hoa tươi v.v…
Song hành với
việc tổ chức phát lộc là nhà chùa cắt cử người trông coi cây cảnh vào giờ cao
điểm, nhất là sự khuyến hóa đến những người đi lễ chùa về ý nghĩa của sự xin
lộc, ý thức bảo vệ cảnh quan và cụ thể là chương trình phát lộc của nhà chùa…
Nếu tổ chức phát lộc được chu đáo, thì người đi lễ chùa dần hình thành nên ý
thức xin lộc hơn là "bẻ" lộc.
Nhà
chùa cần mạnh dạn cảnh báo cho mọi người biết rằng, tất cả những hành vi bẻ
cành, hái hoa một cách tàn bạo, vô ý thức nơi chùa chiền tôn nghiêm đều bị tổn
giảm phước báo, không có phúc lộc gì cả vì thân đang tạo ác nghiệp.
Phúc lộc
thực sự khi được chư Phật chứng giám, chư Tăng cho phép hay ban tặng mới có ý
nghĩa lộc Phật. Chúng tôi nghĩ rằng, nâng cao nhận thức về ý nghĩa của sự xin
lộc cho những người đi lễ chùa cũng góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và bảo
vệ cảnh quan chùa chiền.
Vấn
đề đáng nói ở đây là hầu hết những người có hành vi "bẻ" lộc thô bạo,
tàn sát cây cối không thương tiếc thì thường rất ít khi đến chùa. Họ chỉ đến
chùa thắp hương, xin lộc duy nhất vào dịp đầu năm nên không dễ dàng trang bị
nhận thức giữ gìn cảnh quan chùa viện cho họ.
Tuy vậy, nhà chùa có thể gắn
những bảng chỉ dẫn, nhắc nhở mọi người tôn trọng và bảo vệ cảnh quan chùa viện
thì cũng phát huy được hiệu quả giáo dục.
Theo
quan điểm của chúng tôi, xin lộc đầu năm là một tập tục đẹp, mang ý nghĩa nhân
văn sâu sắc nên không thể dẹp bỏ. Tuy vậy, cần vận dụng tinh thần tùy duyên của
nhà Phật để chuyển hóa việc hái lộc (bẻ chồi non, hoa lá) thành ra xin lộc,
nhận từ chư Tăng Ni một món quà tinh thần nào đó, tùy mỗi chùa. Như vậy, thì
người đi lễ chùa vẫn có lộc Phật và nhà chùa vẫn giữ được nét tôn nghiêm, xanh
mát của chốn thiền môn u tịch, thanh tịnh và trang nghiêm.
Chúc
bạn tinh tấn!
Nguồn tin: giacngo
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự