Đạo Phật chuộng lẽ thật như thế nào?
Người
đời vì không thấy được lẽ thật, nên rất sợ lẽ thật. Thí dụ như cha mẹ già sắp
chết, lo sắm sẵn cái hòm nhưng không dám nói hòm mà nói cái thọ. Nói thọ là
sống, vì sợ chết nên không nói hòm. Như vua chúa hồi xưa thường được muôn dân
tung hô "Vạn tuế! " tức là sống muôn năm mà có ông nào sống được trăm
tuổi đâu. Mơ ước của con người quá hão huyền, rõ ràng không dám nhìn lẽ thật.
Đạo
Phật không như thế, mà nói thẳng lẽ thật. Một lần đức Phật hỏi các thầy
Tỳ-kheo: "Mạng người sống được bao lâu? " Có thầy nói mạng người sống
năm năm, có thầy nói một năm, có thầy nói ba tháng cho đến có thầy nói một
ngày, đều bị Phật quở các ông chưa thấy đạo. Rồi một thầy thưa: "Mạng
người sống trong bữa ăn", Phật nói: "Ông cũng chưa thấy đạo. " Cuối
cùng có một thầy Tỳ-kheo thưa: "Bạch Thế Tôn, mạng người sống trong hơi
thở. " Phật khen: "Ông đã thấy đạo. "
Đạo
Phật nói mạng người sống trong hơi thở là nói lẽ thật hay dọa dẫm người ta? Có
người nào hít vô không thở ra mà sống được không? Trăm người như một, thở khì
ra mà không hít lại thì chết. Như vậy mạng sống không phải "trong hơi
thở" là gì? Mới nghe chúng ta thấy ngắn quá, đột ngột, nhưng sự thật là
như vậy. Nên người hiểu đạo Phật không mơ tưởng sống trăm năm, muôn năm, bởi vì
đó là mơ tưởng hão huyền, không đúng lẽ thật.
Có
một Thiền sư Nhật Bản, đầu năm Phật tử đến chúc Tết Ngài xong, Ngài chúc lại: "Tôi
chúc quí vị, ông chết, bà chết, cha chết, mẹ chết, con chết, cháu chết! " Người
ta ngẩn ngơ, chúc Tết gì mà lạ đời quá vậy, một vòng chết. Họ hỏi: "Sao
Hòa thượng chúc con như vậy? " Ngài bèn nói: "Chúc như vậy là chúc
cho ông hạnh phúc đó. " Bởi vì ông nội chết, bà nội chết, rồi tới con, tới
cháu chết theo thứ tự. Nếu người bất hạnh là cha còn con chết, hoặc con còn
cháu chết. Tôi chúc vậy đó là hạnh phúc cho gia đình ông rồi.
Nhưng
người đời có chịu vậy đâu. Mình chúc thế chắc họ chửi mình. Lối dạy của đạo
Phật thực tế mà thế gian lại không thích. Trong cuộc sống này, ai cũng thầm ước
mơ mình có hạnh phúc, nhất là giới trẻ. Nhưng ngược lại, đức Phật nói đời là
đau khổ. Từ người giàu tới người nghèo, già tới trẻ, thử hỏi cuộc đời hạnh phúc
không, có ai dám nói "Đời tôi hoàn toàn hạnh phúc". Không khổ cái này
cũng khổ cái khác, khổ vì con cái, khổ vì tiền bạc, khổ vì bệnh hoạn, khổ vì
trong gia đình không hòa thuận v. v… Nói chung truy nguyên ra ai cũng khổ.
Không người nào hoàn toàn từ khi sanh ra, lớn lên cho tới ngày nhắm mắt đều
được hạnh phúc.
Vậy
mà Phật nói cuộc đời đau khổ, người ta bảo đạo Phật bi quan, nói đời người ngắn
ngủi, người ta cũng cho rằng bi quan. Nhưng đó là lẽ thật. Bởi con người sống
trong tưởng tượng hão huyền nhiều quá, không dám nhìn sự thật. Đạo Phật chỉ
thẳng sự thật, không hão huyền, không tưởng tượng. Thấy được lẽ thật rồi, đời sống
mình mới được an vui, tự tại. Còn sống trong hão huyền, tưởng tượng, khi gặp
thực tế trái ngược chúng ta rất đau khổ, vì điều mình mong mà không được. Người
thấy đúng lẽ thật, cái gì đến cứ đến, không sợ chi hết. Không sợ là hết khổ.
Như vậy người tu theo đạo Phật là người nhìn thẳng sự thật, không tưởng tượng
hão huyền.
Chúng
ta ai cũng ngỡ thân mình là sạch đẹp, đâu ai dám nghĩ nó nhơ nhớp bẩn thỉu.
Song Phật chỉ thẳng thân này là đãy da hôi thối, không có gì quí. Nghe chán
chưa! Chúng ta gẫm lại có phải vậy không? Phần nhiều ai cũng tưởng tượng thân
mình quí đẹp rồi từ đó sanh tham lam, đắm nhiễm, ngày càng tô điểm thêm những
sai lầm. Nhìn thấy người này đẹp, người kia xấu rồi cứ tưởng với nhau thôi, chớ
sự thật không phải như vậy. Con người, nếu nói trắng ra không ai sạch sẽ hết,
chẳng qua khéo che đậy thôi. Người biết gìn giữ, dè dặt thì tương đối dễ chịu
một chút, còn lôi thôi thì khó chịu hơn.
Đức
Phật với trí tuệ Bát-nhã, Ngài thấy tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bào ảnh,
như sương như điện. Tuổi trẻ thường tưởng đời mình còn dài, chớ cỡ như chúng
tôi nhìn lại mấy chục năm qua như giấc mộng. Những cái được, mất, thành, bại
chỉ là một giấc mơ, không có gì thật hết. Nhưng người mê tưởng nó thật, nên tranh
giành nhau, cướp đoạt nhau, gây đủ thứ khổ cho nhau. Nếu biết cuộc đời tạm bợ
thì thương nhau không hết, có đâu giành hại nhau. Lẽ thật thì ai cũng chuộng
nhưng không dám nhìn thẳng. Chỉ có đạo Phật dám nhìn thẳng, nói thẳng. Thế thì
điều đó có lợi hay có hại?
Chúng
ta từ bé đã được cha mẹ, ông bà, xóm giềng giáo dục theo sự tưởng tượng, không
dám nói lẽ thật. Cứ nuôi những ảo tưởng đó, rồi gặp việc trái ngược liền hốt
hoảng, chịu không nổi nên muốn tự tử. Như thanh niên nam nữ thương mến nhau hay
thề nguyền "non mòn biển cạn, lòng vẫn không đổi". Ngược lại đức Phật
nói tâm người luôn thay đổi từng phút từng giây. Vô thường mà! Tất cả những tâm
niệm của chúng ta là một dòng chuyển biến, luôn đổi thay. Người ta cứ ngỡ non
mòn biển cạn, chớ lòng mình không thay đổi, nhưng không ngờ nó có thể thay đổi
bất cứ lúc nào.
Thí
dụ một đôi nam nữ trẻ thương nhau, nếu một trong hai người phát hiện ra người
mình thương bị bệnh cùi, thì tình thương đó còn minh sơn thệ hải nữa không? Lấy
gì bảo đảm cho lời thề nguyền đây? Như vậy rõ ràng tâm người đổi thay tùy hoàn cảnh,
tùy trường hợp, chớ không có gì là thủy chung như nhất được hết. Nhưng thế gian
cứ tưởng như vậy nên hứa với nhau như vậy. Do đó khi có người thay đổi thì khổ
tâm đến nỗi muốn tự tử. Đó là tự chúng ta gạt nhau thôi.
Nếu
hiểu đúng như đạo Phật, tâm con người là một dòng chuyển biến thay đổi. Ngày
nay hội đủ điều kiện thì thương, ngày mai thiếu thì hết thương. Đó là lẽ thật,
ai cũng như ai thôi, chớ không có lời nói nào đúng sự thật một trăm phần trăm.
Cho nên tôi có viết câu này: " Ngày nay bạn thương mến tôi. Vâng, tôi cảm
ơn bạn. Nhưng ngày mai tôi không dám nghĩ đến. " Ngày nay tôi biết như
vậy, còn ngày mai tôi chưa dám nghĩ, vì ngày mai còn bao nhiêu sự đổi thay nữa.
Thấy
được lẽ thật, chúng ta sống không bị lầm, không bị gạt nên vui hoài. Ngược lại,
không hiểu lẽ thật thì bị lầm, bị gạt nên khổ đau hoài. Ngày nay người ta mến
mình, cảm ơn; ngày mai người ta thay đổi, mình cũng không buồn vì biết trước
rồi. Chúng ta đã thấy được lẽ thật rồi thì không có gì làm cho mình đau khổ. Nên
người biết được lẽ thật là người thoát khỏi đau khổ. Người tu như quí thầy,
biết cuộc đời đau khổ, tạm bợ… lẽ ra buồn bã, rũ rượi, nhưng trái lại quí thầy
rất vui. Còn người đời cho cuộc sống là hạnh phúc, nhưng lại buồn phiền nhiều.
Mới thấy giá trị của đạo Phật không đánh lừa con người, mà chỉ thẳng lẽ thật
cho con người, từ cuộc sống nội tâm cho tới ngoại cảnh.
Đức
Phật ngày nay bị hiểu lầm quá nhiều. Ngài từng tuyên bố: "Ta không có quyền
ban phước, xuống họa cho ai" mà bây giờ Phật tử lại xin Phật đủ thứ. Phật
cho con cái này, cho con cái kia, nếu Phật cho được thì Ngài đâu nói lý nhân
quả làm chi. Chúng ta làm nhân lành hưởng quả lành, tạo nhân ác chịu quả ác, đó
là quyền của mình, chớ không phải của Phật.
Trong
kinh, Phật nói một Phật tử tạo tội ác với một người khác đạo tạo tội ác thì cả
hai đều bị quả báo ngang nhau. Không phải Phật tử tạo tội ác, chịu quả báo nhẹ
hơn người khác đạo tạo tội ác. Tội ác đã tạo ra thì nghiệp quả công bằng, nặng
nhẹ cùng chịu như nhau, không có sai biệt. Giả sử mình làm điều tốt với nhiều
người, nhưng thương tổn một người, rồi cho rằng: "Tôi vì cứu nhiều người,
nên làm khổ một người, vì vậy không có tội. " Nghĩ như vậy là không được.
Trong
kinh Ưu-bà-tắc, Phật kể lại đời quá khứ Ngài tu hạnh Bồ-tát, đi cùng chuyến đò
với những người thương buôn. Giữa đường, anh lái đò tìm cách giết thương buôn
để lấy tiền. Ngài biết được nên giết anh lái đò để cứu những thương buôn. Thế
thường người ta cho rằng giết như vậy không có tội, nhưng trong kinh nói dù
Ngài cứu nhiều người, nhưng đã giết ai thì phải chịu tội với người đó. Phần
phước đối với những người kia là chuyện khác. Như vậy mới công bằng chứ. Chớ
giết người mà khỏi tội thì không công bằng rồi. Phật tử nên nhớ ta làm khổ một
người thì tội với một người, giúp được một trăm người thì có phước với một trăm
người. Việc nào ra việc ấy, rõ ràng như vậy.
Tội
giết hay làm khổ một người để cứu nhiều người có ảnh hưởng gì đến cuộc sống này
không? Ví dụ trong xóm, có một người bất lương phá hại, cướp bóc xóm làng, bây
giờ mình tố cáo khiến họ phải ở tù. Như vậy đối với kẻ xấu kia mình là người
hại họ, nên họ vẫn thù mình như thường. Nhưng vì tâm ta muốn giúp cho xóm làng
yên vui nên chấp nhận tất cả. Tới chừng ra khỏi tù, họ muốn hại lại như vây
đánh mình, khi ấy những người được ta cứu trước đó bênh vực lại. Như vậy nhân
quả rõ ràng. Mình làm khổ người nào thì người đó trả thù, mình giúp người nào
thì người đó trả ân. Chớ đừng hiểu lầm ta hại người này để cứu người kia là
không có tội.
Cho
nên Phật tử khi làm việc gì phải chấp nhận hậu quả của việc đó. Chúng ta thường
hay tránh né tội lỗi, làm phước một chút, hay hại một người để giúp nhiều
người, thì cứ bảo mình làm phước, không có tội. Hiểu như vậy là trái lẽ đạo,
thiếu sự công bằng. Người thật hiểu đạo Phật, trong cuộc sống lúc nào cũng có
cái nhìn đúng như thật, không gian dối, không lừa gạt. Còn người không hiểu thì
hay lo sợ.
Thí
dụ đối với người ác, mình muốn trừ khử họ để cứu nhiều người nhưng sợ tội thành
ra không dám làm, đó là ích kỷ. Còn ta chấp nhận có tội với kẻ ác, để cứu nhiều
người lương thiện khác, thì hậu quả thế nào cũng được. Họ chửi cũng được, đánh
cũng được, giết cũng được. Gan dạ chấp nhận như vậy, mới là tâm niệm cao thượng
của người Phật tử hiểu đúng lẽ thật.
Trong
đạo Phật, tâm ích kỷ và tâm từ bi lợi tha khác nhau. Người có tâm từ bi lợi tha
luôn làm điều tốt và chấp nhận thiệt thòi. Người có tâm ích kỷ dù làm việc tốt
mà mình bị thiệt thòi thì cũng không làm. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy thế
nào là đạo đức chân thật và đạo đức giả dối.
Đức
Phật đã nói Ngài không có quyền ban phước xuống họa cho ai, đó là Ngài nói lẽ
thật. Nhưng chúng ta bây giờ mỗi lần đem phẩm vật đến cúng chùa thì đòi đủ thứ.
Vì vậy quí thầy quí cô cũng phải chiều lòng nên tán thán công đức vô lượng vô
biên, v. v… đủ thứ. Thật ra, nếu chúng ta cúng chùa với lòng thành của mình, vì
muốn Tam Bảo hiện hữu mãi ở thế gian, nên phụ giúp cho quí thầy, quí cô yên tâm
tu hành, giảng dạy cho mọi người hiểu đạo. Đó là tốt rồi, đòi làm chi nữa.
Nhưng nói thế người ta không cúng đâu, nghe khô khan quá. Cho nên Tăng Ni phải
khen ngợi công đức cúng dường vô lượng vô biên, như vậy Phật tử mới vui. Lâu
ngày thành lệ, cứ nói cúng là phước đức vô lượng vô biên, nên thiên hạ rủ nhau:
"Cúng chùa có phước lắm nghen", mà không biết tại sao có phước. Phước
là do lòng mình chân thành muốn Tam Bảo thường còn để lợi lạc chúng sanh, đó là
tâm tốt. Từ tâm tốt ban đầu nên quả tốt theo sau. Còn người cầu lợi, muốn có
phước vô lượng vô biên nên cúng, đó là tâm tham, làm sao có phước được.
Chúng
ta kiểm lại xem đạo Phật là đạo chuộng lẽ thật, mà người tu thiếu lẽ thật thì
vô tình đánh lừa Phật tử. Đánh lừa bằng cách bảo: "Nhà con có cha bệnh, để
thầy cầu an cho" hoặc "nhà con có mẹ mất, để thầy cầu siêu cho".
Nếu chiếu theo luật nhân quả thì thầy có thể cầu được không? Luật nhân quả nói
rõ ràng, ai làm người đó phải chịu quả báo của mình. Nếu cầu được thì Phật
không dạy chúng ta tu. Ai làm gì cứ làm, có tiền đưa thầy cầu cho thì không có
tội lỗi chi hết, như vậy khỏi tu. Còn nếu tu thì không phải do cầu mà được.
Tu
là mỗi người tự thấy lỗi lầm của mình rồi tránh sửa. Tránh sửa, không tạo tội
ác, không gây lỗi lầm thì tự mình đầy đủ phước đức, tự mình tốt rồi, đâu cần ai
ban cho. Chớ còn cúng mà không chịu tu, cứ ỷ lại thầy lo cho mình hết thì cúng
chùa hóa ra là đóng tiền bảo hiểm sao? Cúng rồi, má bệnh thầy không đến kịp
liền buồn trách thầy không thương, vì không đáp lại đúng những gì Phật tử mong
muốn. Vậy thì đồng tiền bỏ ra chỉ để đáp lại những yêu cầu trước mắt thôi, chớ
không có ý nghĩ sâu xa, như gieo duyên với Tam Bảo để được lợi ích cho nhiều
người. Làm như vậy vô tình đạo Phật không còn là đạo của lẽ thật nữa.
Đạo
Phật chuộng lẽ thật, mà bây giờ biến thành đạo huyền hão, không có lẽ thật, lỗi
tại đâu? Chính những người hướng dẫn phải chịu trách nhiệm này, chớ Phật tử có
biết gì. Thế nên người tu phải hiểu thật thấu đáo trách nhiệm của mình. Như Phật
tử muốn tu theo đạo Phật cho hết khổ, thì phải dạy họ thấy được lẽ thật. Ví dụ
khi biết tâm con người là một dòng chuyển biến đổi thay, tùy duyên tùy cảnh, có
người nào đó đổi thay với mình thì chúng ta cười thôi, không trách móc giận
hờn. Đó là lẽ thật ta kinh nghiệm rồi, nên đâu có khổ.
Như
đối với thân này, ai dám bảo đảm từ trẻ tới già mình không bệnh? Trong ngành y
dễ nhận điều này lắm. Chính thân mình, mình còn không biết hết được, không tự
cứu được, thì cứu người cũng chỉ một phần thôi. Có thân là có bệnh, Phật đã dạy
như thế. Thân này là ổ của bệnh hoạn. Chỉ cần một giọt máu đông lại, chận đứng
mạch máu thì thấy chết tới nơi rồi, phải không? Đó là mới nói mạch máu, còn bao
nhiêu tế bào sanh hoạt nữa, suôn sẻ đều đặn thì yên, nếu tế bào nào ngỗ nghịch
một chút thì thấy nguy rồi. Rõ ràng đối với thân này, chúng ta không có quyền
làm chủ, mà cứ ngỡ mình là chủ. Thật tức cười. Cho nên Phật nói vô ngã, tức
không có chủ thể.
Thân
này không có chủ thể, chẳng qua duyên đủ thì an toàn, duyên thiếu thì tan rã.
Nhiều khi chúng ta không biết bây giờ trong đó nó đang làm gì? Chỉ đói thì cho
cơm, vô đó nó tiêu hóa được, hay không được cũng ráng chịu, chớ không biết gì
cả. Nếu chúng ta làm chủ thì phải biết nó đang trục trặc ở đâu, tìm cách giải
quyết được. Đằng này không biết gì hết, cứ dồn vô rồi nó tự giải quyết sao thì
giải quyết, như vậy chủ ở chỗ nào?
Nên
cái nhìn của thế gian rất hời hợt, cứu đời chỉ là cứu tạm thôi, chớ không cứu
được chỗ rốt ráo cùng tột. Đạo Phật dạy thân này không có chủ, sống tùy theo
duyên. Duyên thuận thì tốt khỏe, duyên nghịch thì đau yếu bệnh hoạn, vậy thôi.
Do đó chúng ta không phải là chủ trọn vẹn của thân này, mà chỉ nương gá, mai
mốt nó sẽ hoại. Cũng như chúng ta sắm chiếc xe, khi đang điều khiển thấy như
mình làm chủ nó, nhưng tới chừng nó trục trặc thì chủ cũng phải cởi áo ra sửa
gần chết. Rồi mai mốt nó cũ không biết mình làm chủ nó hay nó làm chủ lại mình.
Ta đẩy nó thì ai là chủ? Rõ ràng mọi vật chỉ nương gá với nhau mà tồn tại, chớ không
có chủ thể.
Trở
lại, tại sao chúng ta phải tu? Tu là chuẩn bị cho mình giải thoát như Phật. Nếu
chưa thành tựu sở nguyện ấy, chúng ta còn trở lại, nhưng trở lại với điều kiện
tốt hơn. Do đó thân này có hoại mình cũng không sợ. Còn nếu ta cứ lo cho thân hiện
tại, tạo nghiệp ác, tới chừng thân sắp hoại khổ sở hoảng hốt, không biết làm
sao.
Như
vậy mới nhìn người tu như thiệt thòi, thua sút, nhưng thật ra lại là người sáng
suốt, biết lo xa, biết nghĩ tới thân chân thật bất hoại. Mình biết chiếc xe cũ
sẽ hư thì chuẩn bị tiền mua xe mới tốt hơn. Cũng vậy chúng ta biết thân này
phải già, phải chết, nên làm sao ngày nó già chết, mình đủ phước, đủ duyên để
được thân sau tốt đẹp hơn, nhẹ nhàng hơn. Đó là biết lo xa.
Thế
gian người có đầy đủ phương tiện, muốn gì cũng có, nhà cao cửa rộng, sang trọng
đủ hết, nhưng rồi thân này cũng bại hoại. Tuy nhiên trong thân bại hoại ấy có
cái không bại hoại, mà chúng ta cứ dồn sức lo cho cái bại hoại, quên mất cái
chân thật. Chừng thân bại hoại tan rã, không biết làm sao. Người tu biết ngay
trong thân này phần nào bại hoại, phần nào không bại hoại, nên dồn sức lo cho
thân không bại hoại.
Quí
Phật tử biết trong thân này có cái gì không bại hoại? Như chúng ta thấy cái
bàn, cái ghế, cái nhà v. v… thế nào rồi cũng hư mục. Nhưng khoảng không trong
cái bàn, cái ghế này không có hư mục. Cái gì có tướng là duyên hợp, tạm có rồi
mất. Còn cái không tướng thì không do duyên hợp nên không mất. Không tướng tôi muốn
nói ở đây không phải không tướng của hư không, không tướng nhưng lại có tri
giác. Có tri giác tức là có biết, biết mà không tướng.
Tâm
chúng ta có hai thứ, một thứ biết có tướng, một thứ biết không tướng. Biết có
tướng là khi chúng ta nghĩ về người, hình ảnh người hiện ra; nghĩ về vật hình
ảnh vật hiện ra; đó là cái biết có tướng. Còn khi ta ngồi chơi thản nhiên tự
tại, không nghĩ, không suy, lúc đó vẫn thấy cảnh trước mắt, vẫn nghe âm thanh
chung quanh, biết rất rõ mà không nghĩ suy, đó là cái biết không tướng. Có
tướng thì sanh diệt, không tướng làm sao sanh diệt?
Nhưng
chúng ta lại không để ý đến cái biết không tướng, chỉ chạy theo cái biết có
tướng, nghĩ việc này, việc kia v. v… Những cái bóng đó cứ theo mình suốt ngày,
suốt đời, làm khổ chúng ta và cuối cùng nó cũng không còn, thế mà ta lại chú
tâm đến nó. Nghĩ thương, nghĩ ghét, nghĩ buồn, nghĩ giận… chợt có chợt không. Nếu
những thứ đó thật thì nó còn hoài; nhưng nó có rồi mất, như vậy đâu phải chân
thật. Trong khi cái hằng thấy hằng nghe của mình, từ bé đến già luôn hiện hữu
bên chúng ta, không thay đổi mà mình lại quên, không để ý đến nó. Thật là chúng
ta ngớ ngẩn làm sao! Thế gian giành phải giành quấy, nhưng sự thật phải quấy đó
lấy gì làm tiêu chuẩn? Người ta cho rằng những gì trái với luật pháp là quấy.
Nhưng luật pháp có phải là chân lý chưa? Luật pháp chẳng qua do một số người
suy gẫm đặt ra theo nhu cầu của xã hội đương thời. Nhưng khi có chuyển biến mới
thì nhu cầu xã hội thay đổi, cho nên luật pháp cũng thay đổi theo. Như vậy cái
gì chân lý?
Khi
nghe mọi người nói "cái này phải", mình liền chấp đó là phải, ai làm khác
thì cho là quấy, như vậy mà con người đả kích thù ghét nhau hoài. Cái phải của
ngày nay không là cái phải của ngày xưa và cũng không là cái phải của ngày mai.
Như vậy đâu có phải quấy thật. Ví dụ ở nước ta ra đường đi tay phải là đúng,
nhưng qua bên Anh đi như vậy là sai. Cho nên luật lệ còn tùy vào hoàn cảnh, xứ
sở, tập tục… của mỗi nơi nữa, không có gì cố định cả. Vậy mà con người cứ khen,
chê, phải, quấy, điên cuồng như vậy.
Đạo
Phật chỉ ra lẽ thật chính là cái hằng thấy hằng biết, không hơn thua, phải quấy
nằm sẵn ngay nơi mỗi chúng ta. Bởi vậy tu là để cho tâm mình yên tịnh, thấy được
lẽ thật này. Sống được với lẽ thật rồi thì những oán hờn, thù ghét của thế gian
không là gì đối với mình cả. Ta sống an lành, tự tại. Người tu nếu không được
như vậy mà cuồng loạn như người đời thì thật xấu hổ vô cùng.
Nên
hiểu tường tận lẽ thật của đạo Phật, chúng ta mới thấy giá trị cao cả của sự tu
hành, nếu không chúng ta sẽ không biết tu thế nào? Tại sao phải tu? Hiểu đạo
Phật một cách đúng đắn thì trong cuộc sống đã có trí tuệ. Ví dụ nghe người ta
nói bậy mình cười thôi, không giận. Không giận thì đâu có khổ, không khổ là
vui. Sống vui là sống có trí tuệ. Chớ nghe người ta nói bậy, mình bực bội theo,
là khổ chung với họ rồi. Khổ như vậy thì thật là khờ dại, không có chút trí tuệ
nào cả.
Người
cuồng loạn, không biết lẽ thật, chúng ta thương họ nên phải tỉnh, đừng có điên
theo. Đằng này người ta điên mình điên theo, thành ra điên cả chùm, rốt cuộc cả
thế gian cuồng loạn, không thấy, không hiểu chân lý chút nào hết. Đó là nói đạo
Phật chuộng lẽ thật.
Vì
chuộng lẽ thật cho nên đạo Phật nói thẳng lẽ thật, không vuốt ve, không lừa
bịp. Thế gian thì tránh né sự thật, tô điểm thêm ảo tưởng cho con người, nên
sống trong mê lầm, đau khổ. Mê lầm là gốc của đau khổ. Chúng ta biết được lẽ
thật, thấy được lẽ thật rồi, cười với cuộc đời thôi, thì hết đau khổ. Hết đau
khổ là ngay cuộc đời này giải thoát rồi. Mình không bị vòng đời cuốn trôi, sống
an vui tự tại. Đó là giá trị chân thật của người tu.
Tác giả bài viết: HT Thanh Từ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự