Hỏi về pháp môn tịnh khẩu

Thứ ba - 07/07/2009 07:10
HỎI: Tôi được biết, trong các pháp môn tu tập của Phật giáo có đề cập đến tịnh khẩu. Tuy vậy, trong đạo tràng an cư của chúng tôi có một vị lập hạnh không nói hoàn toàn, có điều gì cần thì ra dấu hoặc ghi ra giấy mà thôi. Tôi nghe khá nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Kính hỏi, Phật giáo quan niệm về vấn đề này thế nào? Có kinh luật nào đề cập đến việc ấy không? (minhnhat15...@yahoo.com)

Tịnh khẩu có nghĩa là thanh tịnh khẩu nghiệp. Theo nghĩa rộng, thanh tịnh khẩu nghiệp là không nói sai, nói ác… mà chỉ nói lời chân thật, thanh tịnh; nói lời yêu thương, đoàn kết, xây dựng, có lợi ích cho mình và người. Tuy nhiên, tịnh khẩu theo cách hiểu của nhiều người là không nói gì cả. Thực ra, tịnh khẩu không có nghĩa là câm lặng hoàn toàn (á khẩu) mà hạn chế tối đa nói năng, chỉ nói khi cần thiết và luôn đi liền với chánh niệm. Theo Thiền sư Nhất Hạnh, “Tịnh khẩu là một phương pháp thực tập rất sâu sắc chứ không phải là chuyện cấm nói. Tịnh khẩu không có nghĩa là không nói mà thôi. Nó có nghĩa là quán chiếu bằng chánh niệm của mình những điều gì mình định nóí”.

Kinh Phật đề cập đến vấn đề tu tập tịnh khẩu khá nhiều, tùy theo mỗi tình huống mà Đức Phật có thái độ khác nhau. Trung A hàm 18, kinh Sa-kê-đế tam mộc tánh tử, ghi: “Một thời Đức Phật du hóa tại Sa-kê-đế trong rừng Thanh. Bấy giờ ở Sa-kê-đế có ba thiện nam tử là Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu. Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ kheo: ‘Ba thiện gia nam tử này đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu; ba thiện nam tử ấy có vui thích ở trong Chánh pháp luật này hành phạm hạnh chăng?’. Khi đó các vị Tỳ-kheo im lặng, không trả lời. Đức Thế Tôn ba lần hỏi các Tỳ kheo, các Tỳ kheo cũng ba lần im lặng, không đáp”. Vì tu tập tịnh khẩu nên các Tỳ kheo ở Sa-kê-đế không trả lời Thế Tôn, dù Ngài hỏi đến ba lần. Ở một kinh khác, đời sống tu tập của các Tỳ kheo được ghi nhận như sau: “Bấy giờ có ba thiện nam tử trú trong rừng Ban-na-mạn-xà-tự, là: Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la. Các Tôn giả ấy sống như vầy: Nếu ai khất thực trở về trước, thì trải giường, múc nước để rửa chân. Nếu những gì khất thực có thể dùng hết thì dùng hết, nếu còn dư thì đổ vào hủ đậy kín cất. Ăn xong, dọn bát, cất, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào thất tĩnh tọa. Ai khất thực về sau, dùng sau… Sau khi thu xếp y bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào thất tĩnh tọa. Đến lúc xế, các Tôn giả ấy, nếu có vị nào từ chỗ tĩnh tọa dậy trước, thấy lu nước uống và ghè nước rửa tay trống rỗng, không có nước, thì mang đi lấy. Nếu xách về nổi thì xách đến để một góc, nếu xách không nổi thì lấy tay vẫy một Tỳ-kheo nữa, mỗi người khiêng một bên, không ai nói chuyện với nhau. Các Tôn giả ấy cứ năm ngày tụ tập lại một lần, cùng nhau bàn về pháp và im lặng theo pháp bậc Thánh” (Trung A hàm 17, Trường Thọ vương bản khởi). Và Đức Thế Tôn tán thán: “Lành thay! Lành thay! A-na-luật-đà, như thế các ngươi thường cùng nhau hòa hợp, an lạc, không tranh, cùng hiệp nhất trong một tâm, một Thầy, như nước với sữa”. Rõ ràng, trong trường hợp này, các Tỳ kheo tu tập tịnh khẩu được Thế Tôn tán thán. 

Tuy nhiên, trong trường hợp khác, tu tập tịnh khẩu lại bị Phật quở trách nặng nề: “Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ- đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có số đông Tỳ kheo ở nước Câu-tát-la, hạ an cư nơi trú xứ nọ, suy nghĩ rằng, ‘Làm cách nào chúng ta sống an lạc, không vất vả vì sự ăn uống?’. Rồi họ bảo nhau, ‘Chúng ta nên lập quy chế an cư, không nói chuyện với nhau, không lễ bái, hỏi chào nhau. Ai vào tụ lạc khất thực trước và về trước, thì dọn dẹp chỗ ngồi ăn, trải tọa cụ, sửa soạn đồ đựng nước, đồ rửa chân, đồ đựng thức ăn. Mỗi người tự đem thức ăn đến để chỗ ngồi ăn. Nếu ai nhận được thức ăn nhiều, trước hết nên sớt bớt để lại, nhận đủ thì ăn.

Ăn xong, im lặng trở về phòng. Người kế tiếp vào tụ lạc khất thực; nhận được thức ăn rồi trở về, đem thức ăn đến chỗ ngồi ăn… Vị ấy dọn quét chỗ ngồi ăn. Nếu thấy đồ đựng nước, đồ rửa chân trống không, thì đi xách. Nếu tự mình có thể khiêng trở về thì tốt. Bằng không, dùng tay ngoắt bạn để cùng khiêng về chỗ cũ. Rồi im lặng trở về phòng. Chứ không vì lí do nào mà nói bằng lời. Chúng ta lập quy chế như vậy, có thể sống an lạc, không vì sự ăn uống mà khổ sở’.

Các Tỳ kheo áp dụng quy chế trên trong thời gian an cư. Tự tứ xong, họ đến chỗ Đức Phật trong Kỳ-hoàn, nước Xá-vệ, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Các Tỳ kheo đem nhân duyên trên thuật lại một cách đầy đủ, Đức Phật bảo các Tỳ kheo: ‘Các ông là những người si, tự cho đó là vui mà thật sự là khổ. Các ông là những người ngu si, tự cho đó là điều không tai hoạn, mà thật sự là đại hoạn. Các ông là những người ngu si, cùng ở với nhau như oan gia, như những con cừu. Tại sao vậy? Ta đã dùng vô số phương tiện dạy bảo các Tỳ kheo, cùng dạy bảo nhau, cùng nhau trao đổi, giác ngộ cho nhau. Các ông là những người ngu si, đồng như ngoại đạo thọ pháp câm. Các ông không được làm theo pháp câm như vậy. Nếu làm theo pháp câm, phạm Đột-kết-la” (Tứ phần luật, Tự tứ).

Đến đây, chúng ta thấy rất rõ quan điểm của Đức Phật về tịnh khẩu theo cách lặng câm hoàn toàn: “Pháp câm” ấy là cách tu tập của ngoại đạo, phi Chánh pháp. Do vậy, tịnh khẩu nhằm tránh duyên để chuyển hóa, thanh tịnh tam nghiệp là điều đáng ca ngợi. Nhưng tịnh khẩu cực đoan kiểu “thọ trì pháp câm” thì không nên vì “trao đổi, giác ngộ cho nhau” vốn rất quan trọng và cần thiết trong đời sống Tăng đoàn để cùng trợ duyên cho nhau thăng hoa và chứng đạt.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn tin: theo giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây